Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh

Bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn

31/05/2024

Tiêu chảy do vi khuẩn là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Trường hợp tiêu chảy nặng có thể gây Mất nước hoặc nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân dẫn tới tử vong. Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em và người già, những người có cơ địa suy giảm miễn dịch.

Bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân thường gặp của tiêu chảy cấp do vi khuẩn:

  • Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Vibrio cholerae, E. coli, tụ cầu.
  • Tiêu chảy do bản thân vi khuẩn (tiêu chảy xâm nhập): Shigella, Salmonella, E. coli, Campylobacter, Yersinia, Clostridium difficile…

Phương pháp chẩn đoán

1. Lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh, xuất hiện sau khi các loại thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm, bao gồm:

  • Nôn và buồn nôn.
  • Đi ngoài phân lỏng nhiều lần, tính chất phân phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh:
    • Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Phân thường có nhiều nước, không có bạch cầu hoặc hồng cầu trong phân.
    • Tiêu chảy do vi khuẩn xâm nhập: Phân thường có nhầy, đôi khi có máu.

Biểu hiện toàn thân:

  • Sốt.
  • Tình trạng nhiễm độc: Mệt mỏi, đau đầu có thể có hạ huyết áp.
  • Tình trạng mất nước: Tùy thuộc vào mức độ Mất nước mà sẽ biểu hiện lâm sàng khác nhau, các dấu hiệu nhận biết mất nước nặng như môi khô, mắt trũng, chân tay lạnh,…

2. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh

  • Công thức máu: Số lượng bạch cầu tăng, chủ yếu bạch cầu trung tính.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Rối loạn điện giải, suy thận cấp do giảm thể tích tuần hoàn.
  • Xét nghiệm phân:
    • Soi phân: Tìm hồng cầu, bạch cầu.
    • Cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh.

Điều trị bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn

1. Nguyên tắc điều trị

  • Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng mất nước, rối loạn điện giải để bù kịp thời.
  • Điều trị triệu chứng.
  • Điều trị kháng sinh tùy căn nguyên. Điều trị ngay kháng sinh theo kinh nghiệm. Điều chỉnh lại kháng sinh nếu cần sau khi có kết quả cấy phân.

2. Điều trị cụ thể

  • Điều trị triệu chứng

Đánh giá và xử trí tình trạng Mất nước ngay và kịp thời xử trí khi người bệnh đến viện và song song với việc tìm căn nguyên gây bệnh. Với người bệnh mất nước nhẹ, uống được cần bù dịch bằng đường uống, dùng dung dịch ORESOL. Với người bệnh mất nước và không uống được, cần bù dịch bằng đường tĩnh mạch (dung dịch được lựa chọn: Ringer lactat).

  • Điều trị hỗ trợ bằng các giải pháp
    • Dùng thuốc giảm co thắt, giảm đau.
    • Làm săn niêm mạc ruột: Smecta.
    • Không lạm dụng các thuốc cầm tiêu chảy như loperamide.
  • Điều trị bằng kháng sinh: Sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm. Trong trường hợp chưa có kết quả nuôi cấy, sử dụng kháng sinh ngay trong trường hợp:
    • Cơ địa: suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.
    • Biểu hiện toàn thân: sốt, hội chứng nhiễm trùng rõ.
    • Tính chất phân: nhầy máu.
    • Xét nghiệm: Công thức máu có bạch cầu tăng chủ yếu bạch cầu trung tính. Soi phân có hồng cầu, bạch cầu hoặc nghi ngờ có phẩy khuẩn tả.

Tiến triển và biến chứng của bệnh

Bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn sẽ cải thiện nhanh chóng nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm và đúng cách. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng sau:

  • Sốc giảm thể tích, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn.
  • Rối loạn điện giải.
  • Suy thận cấp.
  • Rối loạn hấp thu, suy dinh dưỡng.

Do đó, để phòng ngừa bệnh, mỗi người cần chủ động:

  • Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Ăn chín, uống nước đã đun sôi.
  • Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Phát hiện sớm triệu chứng và mức độ bệnh để được điều trị kịp thời.


Nếu phát hiện các biểu hiện của bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị nhanh chóng.

*Bài viết được thực hiện với sự tư vấn của Bác sĩ Tạ Thị Xoan – Khoa Nội tổng quát, Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh.

Để được tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh:

  • Địa chỉ: Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.