Bệnh giun đũa chó mèo là một bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người, gây ra bởi giun tròn ký sinh thường tìm thấy trong ruột của chó (Toxocara canis) và mèo (Toxocara cati). Bệnh thường gặp ở Việt Nam vì khi nuôi chó mèo, nhiều người dân chưa có ý thức xổ giun định kỳ cho vật nuôi.
Toxocara ký sinh trong ruột non của chó. Mỗi ngày giun đẻ khoảng 200.000 trứng, trứng giun theo phân chó ra ngoài và có thể sống ở ngoại cảnh nhiều tháng. Con người sẽ bị nhiễm phải do nuốt phải trứng trưởng thành hoặc ăn thịt của vật chủ khác có chứa ấu trùng.
Nguồn: MSD Mannual
Khi giun đũa chó đi vào cơ thể người, chúng sẽ tồn tại và di chuyển trong cơ thể người từ vài tháng cho đến nhiều năm, gây tổn thương ở nhiều bộ phận cơ thể.
Triệu chứng của bệnh giun đũa chó mèo
Những triệu chứng của bệnh giun đũa chó mèo gồm:
- Ngứa, nổi mẩn tái đi tái lại.
- Đau đầu, đau bụng, khó tiêu, đau nhức mỏi, tê bì, sốt.
- Ho, thở khò khè, đau ngực.
- Có thể kèm một hoặc các triệu chứng sau: gan to, rối loạn thần kinh khu trú, tổn thương ở mắt, rối loạn thị lực, viêm mắt, tổn thương võng mạc.
Các triệu chứng này có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm, nhưng người bệnh ít khi nghĩ đến việc bị nhiễm giun.
Phương pháp chẩn đoán
Chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo dựa vào các dấu hiệu:
- Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, khó tiêu, đau nhức mỏi, tê bì, sốt, thở khò khè.
- Có thể kèm một hoặc các triệu chứng sau: Gan to, viêm phổi, đau bụng mạn tính, rối loạn thần kinh khu trú, tổn thương ở mắt, rối loạn thị lực, viêm mắt, tổn thương võng mạc.
- Kháng thể anti-Toxocara dương tính bằng xét nghiệm.
- Hoặc tìm thấy ấu trùng hoặc giun đũa chó hoặc mèo trưởng thành.
- Hoặc phát hiện đoạn gen đặc hiệu của ấu trùng giun đũa chó hoặc mèo bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
Điều trị
- Một số thuốc diệt giun có thể sử dụng: Thiabendazole, Dietylcarbamazine, Albendazole.
- Thuốc chống dị ứng: Telfast, cetirizine, loratadine…
- Trong một số trường hợp có thể phải dùng phối hợp với corticoide hoặc phẫu thuật (Nhiễm Toxocara ở mắt).
Biện pháp phòng bệnh giun đũa chó mèo
- Hạn chế tối đa tiếp xúc các vật chủ nhạy cảm, các chó mèo bị nhiễm và môi trường nghi ngờ có bệnh.
- Kiểm tra phân của những chó con, điều trị nếu cần thiết. Xổ giun định kỳ cho chó mèo.
- Cấm chó chạy trong khu vườn chơi trẻ con, công viên.
- Nhanh chóng loại bỏ các thùng chứa phân chó.
- Rửa tay cho trẻ sau khi chơi ở nơi có đất cát và vật nuôi.
Nếu có triệu chứng nghi ngờ như nổi mẩn ngứa, đau tức vùng gan, Sốt không rõ nguyên nhân, v.v. người dân nên chủ động đến Bệnh viện để được Bác sĩ chuyên khoa thăm khám và cho làm xét nghiệm nếu cần thiết để chẩn đoán sớm và điều trị bệnh tốt.
Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung – Khoa Nội tổng quát
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh – Số 99, Phạm Đình Toái, tp. Vinh, Nghệ An.