Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Điều trị thành công cho một trường hợp bị ngạt nước ở trẻ em

22/07/2024

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công trường hợp suy hô hấp/Viêm phổi biến chứng sau ngạt nước.

Bé T. T. T (14 tuổi, địa chỉ huyện Đông Hải, Tỉnh Bạc Liêu) nhập Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng mệt, tức ngực, khó thở. Cách nhập viện khoảng 9 tiếng, bé có đi tắm ao hồ, khi tắm bé bị vọp bẻ chân, không bơi được, bé bị ngạt nước có giơ tay cầu cứu các bạn, sau đó chìm xuống nước, không rõ thời gian bao lâu thì bé được cứu lên bờ.

Khi cứu bé lên bờ, em đã bất tỉnh, không thở và được mọi người sơ cứu ngay lập tức tại chỗ bằng cách nhồi tim ngoài lồng ngực, sau khi sơ cứu khoảng 20 phút bé mở mắt, tỉnh lại, tự thở được nhưng rất yếu. Bé được nhập bệnh viện địa phương và được chẩn đoán viêm phổi. Sau đó bé cảm giác nặng ngực, khó thở nên gia đình xin chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị.

Qua thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, kết quả X-quang phổi có hình thâm nhiễm đáy phổi 2 bên. Bé được chẩn đoán viêm phổi do ngạt nước. Bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhi thở oxy trong khoảng 36 giờ, bé hết thở mệt, không đau ngực, chỉ số SpO2= 98% và được ngưng thở oxy.

Sau điều trị 5 ngày, toàn trạng bệnh nhi tốt hơn, không sốt, không thở mệt, không đau ngực, ăn uống tốt. Bé được chụp X-quang ngực lần 2: kết quả hình ảnh thâm nhiễm đáy phổi 2 phổi đã hết. Bé được xuất viện với niềm vui mừng và hạnh phúc của gia đình.

BS.CKII. Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Trẻ em rất năng động đặc biệt vào mùa hè nắng nóng oi bức, các em rất thích được tắm hồ bơi, tắm sông, tắm ao hồ. Tuy nhiên sự nguy hiểm do đuối nước, ngạt nước luôn rình rập trẻ ngay cả khi là trẻ lớn, trẻ biết bơi. Việc sơ cứu ban đầu ngay khi vớt trẻ lên khỏi mặt nước là rất quan trọng. Khi chúng ta sơ cứu đúng, nhanh kịp thời thì sẽ giúp tăng tỉ lệ cứu sống trẻ và giảm tỉ lệ di chứng như trường hợp của bệnh nhi này.

Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, chúng ta cần phải bình tĩnh, hô to tìm người trợ giúp, đồng thời tìm bất cứ vật gì như phao, cây xào… thả xuống nhằm giúp trẻ bám vào đó để không bị chìm xuống nước. Khi vớt trẻ lên khỏi mặt nước, chúng ta phải tiến hành sơ cứu ngay và nhờ người gọi báo đến cơ sở y tế gần nhất đến hỗ trợ. Thời gian trẻ chìm trong nước càng lâu thì tỉ lệ tử vong và di chứng thần kinh càng cao. Và tùy thuộc vào môi trường nước trẻ bị ngạt mà sẽ gây biến chứng viêm phổi ở trẻ. Nguồn nước càng bẩn tỉ lệ viêm phổi càng cao và có thể dẫn đến viêm phổi nặng, tử vong.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), một phần ba số ca tử vong do đuối nước trên thế giới xảy ra ở Khu vực Tây Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm. Để phòng chống đuối nước, hãy tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Tuyệt đối không rời mắt khỏi trẻ em ở những nơi gần sông nước.
  • Hãy bơi cùng với một người khác hoặc bơi gần nơi có cứu hộ.
  • Không uống đồ có cồn trước khi bơi.
  • Khi di chuyển bằng các phương tiện trên mặt nước, hãy mặc áo phao!