Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Dương

Tìm hiểu về bệnh động kinh

12/03/2024

Theo khảo sát, có khoảng 5-10% dân số sẽ có ít nhất một cơn động kinh trong suốt cuộc đời và 0.5 – 1% dân số sẽ mắc bệnh động kinh. Tỷ lệ mới mắc xảy ra ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi, thường gặp ở nam nhiều hơn nữ và phổ biến ở Châu Á hơn các khu vực khác trên thế giới. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cơn động kinh và bệnh động kinh để có thể chủ động ngăn ngừa cho bản thân và gia đình nhé.

Tìm hiểu về bệnh động kinh

Nguồn: Internet

Thế nào là bệnh động kinh?

Động kinh là bệnh lý của não, được đặc trưng bởi khả năng dễ phát sinh ra các cơn động kinh có tính chất lặp đi lặp lại.

Cơn động kinh là sự xuất hiện thoáng qua của các dấu hiệu và/hay các triệu chứng do sự hoạt động đồng bộ hay quá mức bất thường các tế bào thần kinh trong não bộ. Biểu hiện của cơn động kinh rất thay đổi, có thể là những cử động co giật mạnh hay chỉ là những biểu hiện kín đáo, chủ quan, không dễ dàng quan sát được (ảo giác thị giác, cảm giác thượng vị, các hoạt động tự động,…).

Nguyên nhân gây động kinh

Cơn động kinh có thể xảy ra do rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương nguyên phát hay mắc phải, do rối loạn chuyển hoá hoặc bệnh hệ thống. Việc xác định nguyên nhân cơn động kinh rất quan trọng bởi lẽ ngoài việc kiểm soát cơn động kinh, điều trị bệnh nền gây ra cơn động kinh mới là vấn đề cốt lõi. Tuổi khởi phát cũng giúp xác định nguyên nhân cơn động kinh. Sau đây là các nguyên nhân thường gặp của các cơn động kinh mới khởi phát.

1. Các rối loạn chức năng thần kinh nguyên phát

  • Sốt cao co giật lành tính ở trẻ nhỏ
  • Các cơn động kinh vô căn hay do căn nguyên ẩn
  • Các rối loạn trong quá trình phát triển não bộ (loạn sản vỏ não, bệnh nhiều hồi não nhỏ hay não phẳng,…)

2. Động kinh triệu chứng

  • Chấn thương đầu
  • Đột quỵ hay dị dạng mạch máu, u não
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: viêm não, viêm màng não, nhiễm cysticercose, bệnh não do HIV
Tìm hiểu về bệnh động kinh

Nguồn: Internet

3. Rối loạn hệ thống

  • Hạ đường huyết, natri, canxi
  • Tăng áp lực thẩm thấu máu, ure
  • Bệnh não gan, porphyria
  • Ngộ độc thuốc, cai thuốc, Thiếu máu não toàn bộ
  • Bệnh não do tăng huyết áp, tiền sản giật
  • Tăng thân nhiệt

Cách xử trí ban đầu khi động kinh 

1. Cơn động kinh co cứng co giật toàn thể

  • Xử trí trong cơn
    • Cố gắng giữ bình tĩnh
    • Xem đồng hồ, xác định cơn động kinh kéo dài bao lâu
    • Chỉ di chuyển bệnh nhân nếu họ ở vị trí nguy hiểm (ví dụ như ở trên đường), dọn dẹp đồ vật cứng xung quanh nhằm tránh va chạm có thể gây tổn thương họ.
    • Đặt dưới đầu họ một vật mềm (ví dụ như áo khoác) hay dùng tay đỡ đầu bệnh nhân để tránh va đập xuống đất.
    • KHÔNG kìm hãm, ghì đè bệnh nhân, cứ để cơn co giật diễn ra.
    • KHÔNG cho bất kỳ vật gì vào miệng bệnh nhân.
    • Tránh tình trạng tụ tập xung quanh bệnh nhân.
  • Sau khi hết cơn co giật
    • Xoay bệnh nhân về tư thế an toàn
    • Nếu bệnh nhân thở ồn ào hay khó thở, kiểm tra xem có dị vật đường thở hay không và lấy dị vật ra
    • Lấy đàm dãi ra khỏi miệng bệnh nhân
    • Cố gắng hạn chế tối đa các tình huống khiến bệnh nhân xấu hổ, lúng túng. Nếu có tiểu không tự chủ thì hãy xử trí một cách tinh tế nhất có thể, ví dụ như đặt áo khoác lên người họ che lại
    • Ở bên cạnh họ cho đến khi họ hồi phục ý thức hoàn toàn
Tìm hiểu về bệnh động kinh

Nguồn: Internet

2. Đối với các cơn động kinh khác

  • Trấn an bệnh nhân
  • Nhẹ nhàng hướng dẫn họ tránh các tình huống nguy hiểm (ví dụ như đi ra đường hay bỏng khi cơn xảy ra lúc đang nấu ăn)
  • Ở bên cạnh bệnh nhân cho đến khi hết cơn hay đến khi bệnh nhân hồi phục ý thức hoàn toàn

3. Gọi cấp cứu

  • Nếu đó là cơn co giật lần đầu
  • Nếu bệnh nhân bị chấn thương khá nặng nề
  • Nếu bệnh nhân vẫn còn khó thở
  • Khi có 1 cơn co giật khác xuất hiện ngay sau đó trong khi bệnh nhân vẫn chưa hồi phục ý thức
  • Khi cơn co giật kéo dài hơn các cơn co giật thông thường của bệnh nhân ít nhất 2 phút
  • Khi cơn co giật kéo dài trên 5 phút và bạn không biết các cơn co giật thông thường của bệnh nhân kéo dài bao lâu