Vừa qua, bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp người bệnh bị tổn thương gan do dùng thuốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có nhiều nguy cơ nguy hiểm.
Người bệnh nữ 73 tuổi đến Khoa Nội tổng quát Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh trong tình trạng vàng da, chán ăn, tiểu sẫm máu. Sau thăm khám lâm sàng và làm xét nghiệm, bác sĩ xác định người bệnh có tình trạng men gan tăng rất cao so với chỉ số bình thường GOT: 353.8U/L, GPT: 444.2 U/L; Bilirubin toàn phần 230.6 µmol/L; Bilirubin trực tiếp 230.6 µmol/L. Tiếp đó, người bệnh được làm thêm các xét nghiệm tìm nguyên nhân như xét nghiệm viêm gan A, B, C, E đều âm tính, kết quả chụp cộng hưởng từ MRI gan mật không phát hiện khối u, sỏi gây nên tình trạng ứ mật.
Qua khai thác tiền sử cách thời gian vào viện một tháng, người bệnh có biểu hiện của bệnh zona, đau nhiều vùng da tổn thương nên đã tự mua “thuốc Nam” không rõ nguồn gốc xuất xứ để uống. Các bác sĩ đã yêu cầu người bệnh ngừng ngay loại thuốc này, nghỉ ngơi, hạn chế vận động và điều trị hỗ trợ bằng các thuốc hạ men gan, cô lập acid mật.
Sau 6 ngày điều trị, tình trạng bệnh được cải thiện: Người bệnh ăn uống ngon miệng, đỡ vàng da, tiểu vàng nhạt, các chỉ số men gan và bilirubin giảm dần: GOT 161.5U/L; GPT: 180.5U/L; Bilirubin trực tiếp 106.8 µmol/L. Người bệnh được xuất viện và hẹn tái khám.
Viêm gan do thuốc (Drug-Induced Hepatitis) hay tổn thương gan do thuốc (Drug-Induced Liver Injury – DILI) là tên gọi dành cho cho bất kỳ tổn thương gan do thuốc bao gồm các loại thuốc điều trị nội trú, ngoại trú, thảo mộc, thực phẩm chức năng thuốc bổ,… Biểu hiện của bệnh có thể từ không triệu chứng đến suy gan cấp tính, mạn tính hay thậm chỉ tử vong.
Dựa trên đặc điểm tổn thương, DILI được chia ra làm 3 loại: Thể hoại tử tế bào gan, tổn thương ứ mật và dạng hỗn hợp. Việc chẩn đoán viêm gan do thuốc là chẩn đoán sau khi đã loại trừ các nguyên nhân gây viêm gan khác.
Những loại thuốc nào có thể gây ra viêm gan?
- Hơn 1000 loại thuốc và sản phẩm thảo dược được báo cáo có liên quan đến viêm gan do thuốc.
- Nhóm thuốc giảm đau: Tại Hoa Kỳ acetaminophen là nguyên nhân phổ biến nhất do được sử dụng phổ biến làm thuốc giảm đau.
- NSAID (nhóm thuốc chống viêm không steroid): Diclofenac.
- Nhóm thuốc kháng sinh và thuốc chống lao: Trong đó amoxicillin – clavulanate là một nguyên nhân phổ biến.
- Nhóm thuốc statin: Atorvastatin
Triệu chứng lâm sàng của bệnh
Triệu chứng trong tổn thương gan do thuốc không đặc hiệu, người bệnh thường không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm. Các triệu chứng thường gặp là:
- Vàng da.
- Ngứa.
- Đau hạ sườn phải.
- Tiểu sẫm màu.
- Có thể có sốt.
Các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn mửa, khó chịu và chán ăn, tiêu chảy, chướng bụng cũng có thể gặp. Nặng nhất có thể gây suy gan cấp dẫn đến bệnh cảnh hôn mê gan, rối loạn đông máu.
Chẩn đoán
- Là chẩn đoán loại trừ sau khi đã sàng lọc hết các nguyên nhân khác như tự miễn, virus, rối loạn chuyển hóa,…
- Người bệnh có các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, vàng da, tiểu sẫm màu, ngứa,… các triệu chứng có thể xuất hiện ngay khi dùng thuốc vài ngày hoặc vài tháng sau khi dùng thuốc.
- Khai thác tiền sử: Các loại thuốc, liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng.
- Xét nghiệm: AST hoặc ALT > 5 lần giá trị bình thường, hoặc ALP > 2 lần giá trị bình thường.
Điều trị tổn thương gan do thuốc
- Ngừng ngay các thuốc có khả năng gây viêm gan đang sử dụng.
- Glucocorticoid cân nhắc điều trị, thường sử dụng ở người bệnh có biểu hiện ngoài gan của phản ứng miễn dịch.
- N-acetylcystein tiêm tĩnh mạch được nghiên cứu cải thiện khản năng sống sót trong Suy gan cấp tính sớm không do acetaminiphen.
- Điều trị triệu chứng: sử dụng kháng histaimin ở người bệnh ngứa nhiều.
- Người bệnh cần được theo dõi xét nghiệm sinh hóa cho đến khi xét nghiệm trở lại bình thường.
Dự phòng tổn thương gan do dùng thuốc
- Để ngăn ngừa tổn thương gan do thuốc trước khi sử dụng thuốc trên người bệnh cần sử dụng liều lượng thích hợp, đáng giá tương tác với các loại thuốc khác.
- Đối với người bệnh: Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn kê đơn, không tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thảo dược không rõ nguồn gốc.
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn của Bác sĩ Tạ Thị Xoan – Khoa Nội tổng quát, bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh.
Tài liệu tham khảo: Drug-induced liver injury up-to-date.
Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh – Số 99, Phạm Đình Toái, tp. Vinh, Nghệ An.
Hotline: 02383.968.88