Xuất huyết dạ dày là bệnh lý tiêu hóa cấp tính, xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây tình trạng chảy máu.
Những triệu chứng nào cho thấy bạn bị xuất huyết dạ dày? (Nguồn: Internet)
Triệu chứng xuất huyết dạ dày
Khi bị xuất huyết dạ dày, người bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Đau bụng thượng vị.
- Buồn nôn, nôn ra máu.
- Đi ngoài ra máu.
- Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, da tái nhợt.
- Có dấu hiệu thiếu máu: Hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp, vã mồ hôi,…
Các nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày
Có rất nhiều nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày, việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp Bác sĩ và người bệnh sớm có phương pháp điều trị phù hợp, tránh xuất huyết ồ ạt. Sau đây là một số nguyên nhân chính thường gặp:
Do mắc bệnh lý dạ dày – tá tràng
Viêm loét dạ dày – tá tràng là nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết dạ dày. Những tổn thương ban đầu ở vùng niêm mạc có thể không lớn nhưng về lâu dài, trong môi trường acid sẽ hình thành các vết loét. Theo thời gian, những vết loét này phát triển, ăn mòn mao mạch và gây chảy máu.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học
Thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Việc sử dụng nhiều đồ ăn cay nóng, chua, nhiều dầu mỡ sẽ làm tăng kích thích, khiến cho các vết loét trên niêm mạc trầm trọng hơn và dễ chảy máu hơn. Tương tự, khi cơ thể căng thẳng quá mức, thức khuya, chịu nhiều áp lực,… cũng làm cho dịch vị dạ dày tăng tiết acid, gây tổn thương dạ dày,…
Sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn
Rượu bia khiến cho lớp niêm mạc dạ dày tăng thẩm thấu hơn và gây tình trạng chảy máu ồ ạt nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Lạm dụng thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm
Tuy thuốc kháng sinh giúp điều trị một số bệnh lý nhanh và hiệu quả nhưng lại có tác dụng phụ đối với dạ dày. Các loại thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau (Nonsteroid, Aspirin,…) sẽ có thể làm tổn thương dạ dày khi người bệnh quá lạm dụng nó, dần dần sẽ gây viêm loét niêm mạc và dẫn đến chảy máu dạ dày.
Xuất huyết dạ dày là biến chứng cấp tính nguy hiểm của nhóm bệnh lý tiêu hóa. Ở giai đoạn đầu của bệnh có thể không xuất hiện các dấu hiệu điển hình nhưng sẽ khiến người bệnh có nguy cơ cao bị thiếu máu. Chính bởi vậy bên cạnh việc theo dõi các thay đổi về sức khỏe của bản thân thì mỗi người cần thăm khám định kỳ tối thiểu 1 lần/ năm để có biện pháp phòng ngừa, điều trị phù hợp.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.