Tin tức y tế

Xử lý khi bé bị trớ

04/03/2008

Nguyên nhân chính

Trớ thường xảy ra khi bạn cho bé ăn hoặc bú. Nguyên nhân là do, trẻ thường bị ăn quá no sau đó bị thay đổi tư thế đột ngột (bế xốc lên, xóc hay tâng bổng). Hoặc có thể là do trong quá trình ăn hay bú sữa (sữa mẹ hoặc sữa bình), bé nuốt phải nhiều không khí. Lượng không khí này là thủ phạm chính làm bé bị trớ.

Ứng phó

–  Nếu bé đang ăn hoặc bú hãy dừng cho bé ăn ngay khi có dấu hiệu bị trớ

–  Khi trẻ đã được cho ăn quá no và bắt đầu cảm thấy khó chịu, bé sẽ không muốn tiếp tục ăn nữa. Chính vì thế, khi đã cho bé ăn đủ khẩu phần thông thường bạn đừng nên cố ép bé ăn thêm, rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng cho bé ăn càng nhiều càng tốt, điều này thật sai lầm.

–  Tuy nhiên, trớ không phải luôn gây hại, mà đôi khi trớ lại giúp bé thấy dễ chịu hơn, bởi bé muốn “tống khứ” phần thức ăn dư thừa ra ngoài (do bé đã ăn quá no).

–  Khi cho bé bú, hãy để trẻ ngậm sâu vào quầng vú. Nên cho trẻ bú bên vú trái trước. Bởi như vậy, sữa sẽ dễ xuống dạ dày hơn mà không bị trào ngược.

–  Không nên để bé nằm khi bú sữa,  tư thế này sẽ dễ làm trẻ bị trớ.

–  Sau khi ăn nên bế trẻ nhẹ nhàng (không xốc vác) và thẳng đứng, bụng ép vào ngực bạn, đầu kề vai bạn.

–  Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

Nếu sau khi ăn, bé có hiện tượng phun mưa (phun phì phì) là biểu hiện bé có thể bị trớ. Bạn cần đề phòng, chuẩn bị sẵn khăn hoặc tã.

Lưu ý rằng ngay cả khi bé đã lớn (khoảng 3 – 4 tuổi) bé vẫn có thể bị trớ. Hãy cảnh giác đừng cho bé uống nước soda trong bữa ăn. Thủ phạm khiến trẻ bị trớ là do loại nước uống này có chứa cacbonat. Hãy động viên bé bỏ thói quen này. Bạn hãy tạo cho trẻ “quan niệm” ăn uống thoải mái, tránh gò bò hay bắt ép trẻ ăn quá nhiều.

HÀ THU
Theo Mothernature

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.