Tin tức y tế

Xét nghiệm nước bọt có thể thay xét nghiệm máu trong chẩn đoán bệnh

31/03/2008

Nhà nghiên cứu Fred Hagen cho biết khoảng 1/5 protein được phát hiện trong nước bọt cũng có mặt trong máu. Các nhà nghiên cứu hi vọng xét nghiệm nước bọt cuối cùng cũng có thể dùng vào việc chẩn đoán bệnh ung thư, bệnh tim, bệnh tiểu đường và một số bệnh khác.

Để sử dụng được phương pháp xét nghiệm này, chúng ta cần phải hiểu toàn diện về proteome. Cũng giống như bản đồ gene di truyền chứa đựng tất cả các gene trong một cơ quan, preteome là một bản đồ protein hoàn chỉnh. Trong khi gene cung cấp “sổ tay hướng dẫn” về di truyền thì protein lại chịu trách nhiệm điều hòa tiến trình cấu tạo tế bào.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu nước bọt của 23 đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh. Sau đó, họ dùng kỹ thuật đo phổ khối để xét nghiệm các mẫu nước bọt này nhằm xác định một protein thông qua việc đo khối lượng và khả năng tích điện của nó. Tiếp theo, họ so sánh các kết quả phát hiện với sơ đồ protein có trong máu và nước mắt ở người.

Các phân tích trước đó đã phát hiện ra một số protein đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gây bệnh Alzheimer Huntington, Parkinson, Ung thư vú, ung thư ruột kết, ung thư tụy và tiểu đường.

Hiện đã có kỹ thuật xét nghiệm kháng thể trong nước bọt nhằm phát hiện ra vi rút HIV và vi trùng viêm gan. Nhiều nhóm nghiên cứu khác đang tích cực phát triển phương pháp xét nghiệm nước bọt để tầm soát bệnh Ung thư vú dựa trên cơ chế phát hiện một đoạn protein nhất định. Hi vọng trong tương lai, những xét nghiệm kiểu này có thể thay thế cho kỹ thuật chụp nhũ ảnh tốn tiền mà không thoải mái.

Bản đồ protein mới cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bào chế thuốc có phản ứng nhanh nhạy và dễ dàng hơn với nước bọt thay vì với máu và nước tiểu.

TỐ UYÊN

Theo New Scientist

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.