Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh

Viêm gan Virus B mạn tính – căn bệnh nguy hiểm có thể ngừa được bằng được bằng vaccine

22/12/2023

Viêm gan virus B mạn tính do virus viêm gan B (HBV) gây ra, làm tổn thương viêm và hoại tử tế bào gan và có hoặc không có kèm xơ hóa, diễn ra trong thời gian trên 6 tháng. Viêm gan virus B mạn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như xơ gan hoặc Ung thư gan.

Viêm gan virus B là bệnh truyền nhiễm phổ biến toàn cầu, theo WHO ước tính năm 2015 có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn tính và 884.400 người tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và Ung thư biểu mô tế bào gan. HBV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc viêm gan B rất cao. Ung thư gan là một trong các loại ung thư thường gặp và gây tử vong vong cao nhất Việt Nam. Khoảng 40% các trường hợp tử vong do ung thư gan tại Việt nam có liên quan đến viêm gan B. Đặc biệt, người mắc viêm gan B mạn tính ở Việt nam chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con.

Virus viêm gan B (HBV) có 3 loại kháng nguyên chính: HBsAg, HBeAg và HBcAg, tương ứng với 3 loại kháng thể là Anti-HBs, Anti-HBe, Anti-HBc. Xét nghiệm phát hiện các kháng nguyên, kháng thể này có ý nghĩa quan trọng trong xác định bệnh, thể bệnh, diễn biến bệnh.

  • HBsAg: HBV đang hiện diện trong cơ thể.
  • Anti-HBs: Đã miễn nhiễm đối với HBV.
  • HBcAg: Kháng nguyên lõi chỉ hiện diện trong tế bào gan.
  • Anti-HBc: IgM/IgG đã từng nhiễm HBV.
  • HBeAg: HBV đang sao chép.
  • Anti-HBe: HBV giảm sao chép.
  • HBV-DNA: HBV đang hiện diện và sao chép.

Virus viêm gan B mạn tính diễn tiến thầm lặng với các triệu chứng kín đáo, không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. Đôi khi, người bệnh có cảm giác đầy tức bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, đau vùng gan. Dấu hiệu vàng da khá thường gặp, thường là vàng da nhẹ kín đáo tự hết dù không điều trị và thỉnh thoảng tái xuất hiện. Trong một số ít trường hợp vàng da đậm là dấu hiệu tiên lượng nặng.

Điều đáng lo ngại là có đến 90% người bị viêm gan B không biết về tình trạng bệnh của mình. Khi các triệu chứng ràng và rầm rộ dễ nhận biết thì người bệnh đã bước vào gia đoạn nặng như xơ gan hoặc Ung thư gan.

Chẩn đoán viêm gan B mạn tính

Các chỉ số HBsAg dương  >= 6 tháng, HBV DNA > 20.000 IU/ml với HBeAg (+), > 2.000 IU/ml với HBeAg (-). ALT và/ hoặc AST bình thường hay tăng nhẹ. Sinh thiết gan cho thấy tình trạng viêm gan mạn với viêm hoại tử và/hoặc các mức độ khác nhau.

Điều trị viêm gan B mạn tính

Mục tiêu điều trị chính là cải thiện khả năng sống còn và chất lượng cuộc sống bằng cách ngăn ngừa tiến triển bệnh và phát triển Ung thư gan. Mặt khác, ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con, tái hoạt virus và ngăn ngừa/ điều trị biểu hiện ngoài gan liên quan HBV.

Chỉ định điều trị thuốc kháng virus dựa vào sự kết hợp 3 yếu tố: ALT, HBV DNA và mức độ xơ hóa gan.

  • Đối với trường hợp xơ gan còn bù hoặc mất bù, chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và/hoặc kết quả đánh giá xơ hóa gan là F4 bằng các phương pháp không xâm lấm hoặc sinh thiết, điều trị khi HBV DNA trên ngưỡng bất kể nồng độ ALT và tình trạng HBeAg.
  • Đối với trường hợp không xơ gan, điều trị khi đáp ứng cả 2 tiêu chuẩn: Tổn thương tế bào gan (AST, ALT > 2 lần và/hoặc xơ hóa gan F >= 2) và virus đang tăng sinh (HBV DNA >= 20.000 IU/ml (>=105 copies/ml) nếu HBeAg dương tính; HBV DNA >= 2.000 IU/ml (>=104 copies/ml) nếu HBeAg âm tính).
  • Đối với các trường hợp chưa đáp ứng hai tiêu chuẩn trên, chỉ định điều trị khi có 1 trong các tiêu chuẩn sau: Trên 30 tuổi với mức ALT cao ghi nhận ít nhất 3 lần trong khoảng 24 – 48 tuần và HBV DNA >= 20.000 IU/ml bất kể tình trạng HBeAg, tiền sử gia đình có HCC hoặc xơ gan, có các biểu hiện ngoài gan như viêm cầu thận, viêm đa khớp, cryoglobulin máu,… tái phát sau khi ngưng thuốc điều trị thuốc kháng HBV.

Cho đến nay, cách tốt nhất để phòng bệnh viêm gan B là tiêm chủng. Vaccine phòng viêm gan B có hiệu quả lên đến 95% trong việc phòng ngừa nhiễm mới viêm gan B, đồng thời giúp tạo kháng thể phòng bệnh kéo dài từ 10 – 20 năm.

Đối với những bà mẹ có HBsAg (+) cần tiêm cho con globulin miễn dịch phòng viêm gan B (HBIG) và vaccine phòng HBV. Người mang HBsAg cần có ý thức tránh lây nhiễm cho người khác.

Lịch tiêm phòng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Nếu người mẹ không nhiễm virus viêm gan B, trẻ cần tiêm 1 mũi vaccine viêm gan B sau khi sinh 24h.

Nếu trẻ có mẹ nhiễm viêm gan B, ngoài việc tiêm 1 mũi vaccine viêm gan B như thông thường, cần được tiêm kháng thể (huyết thanh) ngay trong 24h đầu đời để giảm nguy cơ lây nhiễm virus từ mẹ sang con.

Lịch tiêm phòng vaccine viêm gan B cho người lớn

Người lớn trước khi tiêm phòng, cần xác nhận xem đã có kháng thể hay chưa hoặc có đang nhiễm HBV hay không.

Hai xét nghiệm tối thiểu trước khi tiêm phòng là HBsAg và AntiHBs. Nếu xét nghiệm máu chưa nhiễm virus (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (AntiHBs âm tính) sẽ được khuyến cáo tiêm phòng 3 mũi:

  • Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: Cách mũi đầu tiên một tháng.
  • Mũi 3: Cách mũi đầu tiên sáu tháng.

Để tiêm phòng vắc xin viêm gan B an toàn và đạt hiệu quả cao người dân nên đến các cơ sở Y tế đảm bảo đúng các quy trình quy định của Bộ Y Tế: Dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đạt chuẩn, các trang thiết bị cấp cứu xử trí các tai biến, v.v.

Tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh, chúng tôi luôn có sẵn vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh và người lớn; huyết thanh kháng viêm gan B cho trẻ sơ sinh khi mẹ nhiễm viêm gan B để phục vụ nhu cầu của tất cả mọi đối tượng người bệnh.

Bác sĩ Phạm Thị Vân – Khoa Hồi sức cấp cứu

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh – Số 99, Phạm Đình Toái, Tp. Vinh, Nghệ An.

Hotline: 02383.968.888