Tin tức y tế

Viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng

28/06/2023

Mùa hè là thời điểm nắng nóng, côn trùng phát triển và gia tăng các hoạt động ngoài trời, điều này có thể là nguyên nhân dẫn tới các bệnh về da, thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng.

Viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng có nguy hiểm không?

Viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng là gì?

  • Khi cơ thể tiếp xúc với chất nhạy cảm ánh sáng có chứa chất furocoumarin trong đó psoralen và angelicin là thường gặp nhất, sẽ làm cho da nhạy cảm hơn với ánh sáng. Và khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ gây ra tình trạng tăng sắc tố.
  • Khi đi biển, nhất là tắm biển, chúng ta tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời, khi đó chỉ cần tiếp xúc với những chất nhạy cảm ánh sáng thì da sẽ dễ bị xuất hiện phản ứng trên.

Những thực vật thường gây ra hiện tượng viêm da thực vật ánh sáng

  • Họ cam: cam, chanh.
  • Họ cà rốt: cà rốt, cây cần tây, cải dại, cây thì là.
  • Họ dâu tằm.
  • Họ mao lương hay họ hoàng liên: hoa mao lương.
  • Họ cải: hương mù tạt.
  • Ngoài ra các loại trái cây như dưa leo, cà chua, đu đủ, xoài, v.v sau khi tiếp xúc cũng có thể gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng.

Biểu hiện viêm da

Khi tiếp xúc với các chất kể trên, da dễ bị nhạy cảm với ánh sáng. Và khi tiếp xúc với ánh sáng, mặt sẽ xuất hiện tình trạng đỏ da, hoặc mụn nước, bóng nước. Sau đó một vài ngày đến vài tuần, xuất hiện tăng sắc tố sau viêm với biểu hiện là những đốm màu đen hoặc nâu trên da.

Điều trị viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng

  • Đa số tình trạng viêm da tiếp xúc ánh sáng sẽ tự hết sau vài tuần đến vài tháng.
  • Với trường hợp dai dẳng hoặc muốn trở về da bình thường nhanh hơn có thể sử dụng các thuốc đặc trị như: hydroquinon, corticoid bôi, v.v hoặc các phương pháp thẩm mỹ da như peel da, laser, v.v.

Dự phòng

  • Tránh tiếp xúc với các thực vật kể trên khi đi biển.
  • Che chắn da khi ra nắng với khẩu trang, áo chống nắng và mũ rộng vành.
  • Nên bôi kem chống nắng phổ rộng khi hoạt động ngoài trời và ngay cả khi ở trong nhà.

BS.CKI. Nguyễn Thị Hiền – Bác sĩ Da liễu

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.