Vai trò của xét nghiệm nội tiết AMH đối với sức khỏe sinh sản của nữ giới
23/08/2024Xét nghiệm AMH (Anti-Müllerian Hormone) là một xét nghiệm quan trọng trong lĩnh vực Sản khoa và hỗ trợ sinh sản. Hormone AMH được sản xuất bởi các tế bào trong nang trứng ở buồng trứng và mức độ của nó trong máu có thể cung cấp thông tin về số lượng trứng còn lại trong buồng trứng của phụ nữ.
Mục đích xét nghiệm AMH
Xét nghiệm AMH thường được sử dụng để kiểm tra dự trữ buồng trứng của phụ nữ, từ đó góp phần đánh giá về sức khoẻ sinh sản cũng như lên kế hoạch cho việc có con.
Xét nghiệm nội tiết AMH là xét nghiệm quan trọng giúp tiên lượng khả năng mang thai ở người phụ nữ
Nếu dự trữ buồng trứng ở mức tốt, cơ hội để nữ giới có thể mang thai sẽ cao hơn và có thể thoải mái trong việc lập kế hoạch như có thể chờ vài tháng, hoặc vài năm sau để có con.
Nếu dự trữ buồng trứng thấp, điều đó có nghĩa khoảng thời gian còn lại để có con của người nữ sẽ ngắn hơn, vì vậy không nên trì hoãn quá lâu trước khi cố gắng có em bé.
Các xét nghiệm AMH cũng có thể được sử dụng để:
- Dự báo sự bắt đầu của thời kỳ mãn kinh: Ở một thời điểm trong cuộc đời người phụ nữ khi kinh nguyệt ngừng lại, đồng nghĩa với việc số nang trứng ở buồng trứng đã hết và người phụ nữ ấy bước vào thời kỳ Mãn kinh không thể mang thai nữa.
- Giúp tìm ra lý do vô kinh, thiểu kinh: Xét nghiệm này thường được dùng trong chẩn đoán ở những cô gái dậy thì muộn và ở những phụ nữ đã bị trễ kinh nhiều lần.
- Xét nghiệm này có thể góp phần chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) với những phụ nữ có hội chứng này nồng độ AMH có giá trị cao hơn bình thường.
Quy trình thực hiện
Những trường hợp cần làm xét nghiệm AMH: Phụ nữ đang gặp khó khăn trong vấn đề mang thai hay đơn thuần bạn là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản và cần kiểm tra về tình trạng buồng trứng trước khi kết hôn. Các trường hợp trước và trong quá trình làm IUI, IVF.
Thông thường, chỉ số AMH sẽ cao nhất ở tuổi 25 – 30 và giảm dần theo thời gian. Giá trị tham chiếu của AMH có thể khác nhau tùy thuộc vào phòng thí nghiệm và phương pháp đo lường, nhưng thường nằm trong khoảng từ 2,0 – 6,8ng/ml (14,28 – 48,55 pmol/L) ở phụ nữ khỏe mạnh và dưới 38 tuổi.
Xét nghiệm AMH được thực hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh bằng cách lấy mẫu 3 ml máu từ máu tĩnh mạch. Thời điểm xét nghiệm: Không phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt và có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ.
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm AMH
1. Mức độ thấp:
- Đánh giá tình trạng lão hóa buồng trứng: Khi noãn ở buồng trứng rơi vào tình trạng suy giảm cả về số lượng và chất lượng thì được gọi là lão hóa buồng trứng. Thông thường, phụ nữ thường Mãn kinh ở độ tuổi 50, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp độ tuổi mãn kinh của phụ nữ sớm hơn bình thường.
- Tiên lượng khả năng sinh sản ở nữ giới: Chỉ số AMH và số lượng nang trứng trong buồng trứng có mối quan hệ tương quan trực tiếp với nhau. Phụ thuộc vào độ tuổi và nhiều yếu tố khác ở mỗi người phụ nữ mà tốc độ giảm dần của nồng độ AMH có thể khác nhau.
- Tiên lượng tuổi mãn kinh: Nồng độ AMH thường giảm sớm ở các trường hợp bị suy buồng trứng hoặc Mãn kinh sớm. Đây cũng là lý do khiến xét nghiệm AMH được đánh giá cao hơn xét nghiệm FSH trong việc tiên lượng tuổi mãn kinh của phụ nữ. Khi tiên đoán được thời điểm khởi phát hiện tượng mãn kinh, Bác sĩ sẽ chủ động hơn trong việc sử dụng các loại hormone thay thế nhằm ngăn ngừa các bệnh do mãn kinh sớm ở phụ nữ gây ra, ví dụ như bệnh loãng xương.
2. Mức độ cao: Mức AMH cao có thể chỉ ra rằng buồng trứng của phụ nữ có nhiều nang trứng, điều này thường thấy ở những người mắc PCOS.
Xét nghiệm AMH là một công cụ quan trọng trong đánh giá dự trữ buồng trứng và hỗ trợ chẩn đoán, điều trị trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Hiểu rõ về xét nghiệm này giúp phụ nữ và bác sĩ có thể đưa ra những quyết định chính xác và hiệu quả trong việc quản lý sức khỏe sinh sản.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi: Kỹ thuật viên Trần Văn Đường – Khoa Xét nghiệm – Bệnh Viện Hoàn Mỹ Vinh.