Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh

Suy tim mạn tính

22/11/2023

Suy tim là một hội chứng lâm sàng do biến đổi cấu trúc và/hoặc chức năng của tim do nhiều nguyên nhân và bệnh học khác nhau. Hậu quả là tăng áp lực trong buồng tim và/hoặc giảm cung lượng tim khi gắng sức hay khi nghỉ.

Suy tim mạn tính

Suy tim mạn đề cập đến những người bệnh đã được chẩn đoán và đang điều trị Suy tim ổn định hoặc những người bệnh có triệu chứng suy tim khởi phát từ từ.

Phân loại bệnh Suy tim mạn tính

Căn cứ vào phân suất tống máu của tâm thất trái mà người ta chia ra:

  • Suy tim phân suất tống máu giảm: Phân suất tống máu thất trái ≤ 40%.
  • Suy tim phân suất tống máu giảm nhẹ: Phân suất tống máu thất trái 41 – 49%.
  • Suy tim phân suất tống máu bảo tồn: Phân suất tống máu thất trái ≥ 50%.

Triệu chứng bệnh lý

1. Triệu chứng cơ năng

  • Khó thở.
  • Cơn khó thở kịch phát về đêm.
  • Giảm khả năng gắng sức.
  • Mệt mỏi.
  • Phù mắt cá chân.

2. Triệu chứng thực thể

  • Tĩnh mạch cổ nổi.
  • Phản hồi gan – tĩnh mạch cổ dương tính.
  • Tiếng ngựa phi.
  • Tăng diện đập của mỏm tim.
  • Gan to trong trường hợp nặng.

Phân độ Suy tim theo chuẩn của Hiệp hội Tim mạch New York

Phân độ Suy tim theo Hiệp hội Tim mạch New York dựa vào triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức.

  • Độ I: Không hạn chế. Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp.
  • Độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Người bệnh khỏe khi nghỉ ngơi. Vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở.
  • Độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Mặc dù người bệnh khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có mệt, hồi hộp, khó thở.
  • Độ IV: Không vận động thể lực nào mà không gây khó chịu. Triệu chứng cơ năng của Suy tim xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng.

Chỉ định cận lâm sàng tầm soát

  • Xét nghiệm máu:
  • BNP ≥ 35pg/mL.
  • NP-proBNP ≥ 125 pg/mL.
  • Điện tâm đồ: Rung nhĩ, có sóng Q bệnh lý, tăng gánh thất trái, phức bộ QRS giãn rộng.
  • Siêu âm tim: Giúp đánh giá chức năng van tim và các rối loạn kèm theo: Hở hẹp van tim, rối loạn vận động vùng, giãn các buồng tim, luồng thông bất thường trong tim, phân suất tống máu thất trái.
  • X-quang tim phổi: Bóng tim lớn, ứ huyết phổi, cung động mạch phổi lớn.

Điều trị Suy tim mạn tính

1. Thay đổi lối sống, sinh hoạt

  • Ăn nhạt.
  • Tránh các chất kích thích.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không được gắng sức quá mức.
  • Chế độ hoạt động, tập luyện thể lực phù hợp với mức độ suy tim.

2. Sử dụng thuốc điều trị suy tim

4 nhóm thuốc được khuyến cáo sử dụng trong điều trị suy tim:

  • Thuốc chẹn Beta giao cảm.
  • Thuốc ức chế men chuyển/ ức chế thụ thể Angiotensin II.
  • Thuốc kháng thụ thể aldosteron.
  • Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose 2 tại ống thận.

3. Các biện pháp can thiệp

  • Tạo nhịp tái đồng bộ cơ tim (CRT).
  • Máy phá rung tự động cấy vào cơ thể (ICD).

4. Thay (ghép) tim

Được chỉ định ở người bệnh Suy tim giai đoạn cuối, đã kháng lại với tất cả các biện pháp điều trị nội, ngoại khoa thông thường.

Suy tim mạn tính là bệnh lý tim mạch có tỉ lệ mắc bệnh cao và có thể đe dọa tính mạng người bệnh bởi những biến chứng mà nó gây nên. Tuy nhiên, người bệnh có thể phòng ngừa rủi ro của bệnh lý này bằng cách theo dõi các triệu chứng và tuân thủ phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu sớm về bệnh lý, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được Bác sĩ chuyên khoa thăm khám và hỗ trợ chăm sóc đúng cách, có phác đồ điều trị chính xác.

Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Đình Văn – Phụ trách Đơn vị Tim mạch

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ

Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh – Số 99, Phạm Đình Toái, tp. Vinh, Nghệ An.

Hotline: 02383 968 888