Tin tức y tế

Trật khớp thái dương hàm: Mọi điều bạn nên biết

28/06/2023

Khớp thái dương hàm giữ vai trò quan trọng đối với chức năng ăn nhai. Trật khớp thái dương hàm gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày nếu không điều trị kịp thời. Tìm hiểu ngay những điều bạn nên biết về bệnh lý này.

Trật khớp thái dương hàm có nguy hiểm không?

Thế nào là trật khớp thái dương hàm?

Trật khớp thái dương hàm là khi khớp này bị mất cân bằng, xảy ra ở thời điểm bị viêm nhiễm lâu ngày không điều trị kịp thời. Khi mắc bệnh người bệnh sẽ bị đau, rối loạn chức năng của khớp thái dương hàm hay các cơ quanh khớp này. 

Có 3 dạng trật khớp thái dương hàm:

  • Trật khớp thái dương hàm ra trước. 
  • Trật khớp thái dương hàm sa rau. 
  • Trật khớp thái dương hàm lên trên. 

Nguyên nhân gây trật khớp thái dương hàm

  • Do chấn thương, va đập mạnh hay do người bệnh đột ngột há miệng quá rộng. 
  • Nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp. 
  • Áp lực gây căng thẳng thần kinh. 
  • Thường xuyên nghiến chặt hàm hoặc mài răng vào nhau, thường gặp ở những người nghiến răng lúc ngủ, nhai kẹo cao su quá nhiều,…
  • Răng mọc lệch, mọc chen chúc,… dẫn tới sai khớp cắn cũng là một nguyên nhân có thể gây nên trật khớp thái dương hàm. 

Dấu hiệu nhận biết trật khớp thái dương hàm

  • Khó khăn khi há miệng, nghe được tiếng lốc cốc. 
  • Người bệnh thấy đau cơ khi nhai, đặc biệt là đồ ăn cứng, dai, có thể nghe tiếng rít ken két. 
  • Mặt có thể bị sưng ở vùng cơ bị đau. 
  • Đau đầu, cổ không rõ nguyên nhân. 
  • Có những trường hợp sau khi ngáp hay cười quá lớn sẽ không ngậm được miệng lại. 

Để chẩn đoán xác định trật khớp thái dương hàm, người bệnh sẽ được chỉ định chụp X-quang và có thể kết hợp chụp CT hệ thống sọ mặt. Từ kết quả chẩn đoán hình ảnh kết hợp dấu hiệu lâm sàng, Bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra kết luận về trường hợp bệnh và mức độ trật khớp cụ thể ở từng người bệnh. 

Điều trị trật khớp thái dương hàm

Không ít người bệnh chủ quan với những biểu hiện ban đầu của bệnh trật khớp thái dương hàm như đau đầu không rõ nguyên nhân, đau cơ khi nhai và khó khi há miệng,… Điều này sẽ làm chậm trễ tiến trình điều trị. Khi tình trạng bệnh đã trở nặng, biểu hiện bệnh rõ ràng trên khuôn mặt thì quá trình chăm sóc, chữa bệnh sẽ càng phức tạp hơn. 

Điều trị trật khớp thái dương hàm sẽ có thể dùng thuốc hoặc can thiệp:

  • Can thiệp trên khuôn mặt: Thường nắn bằng tay được và cần phải nắn sớm sau khi trật khớp, nếu không hiệu quả thì tiến hành phẫu thuật. 
  • Dùng thuốc: Thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ,… Người bệnh có thể được kết hợp với vật lý trị liệu như chiếu tia hồng ngoại, xoa nắn, tập vận động hàm,…
  • Can thiệp trên răng: Tùy từng trường hợp bệnh mà có thể chỉnh khớp cắn, nhổ răng,…

Sau điều trị, người bệnh nên ăn đồ ăn mềm, bỏ thói quen nghiến răng, nhai kẹo cao su quá nhiều, tập massage cơ mặt, tránh để bản thân căng thẳng, stress,…

Trật khớp thái dương hàm nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới dính khớp hay thủng đĩa khớp, những biến chứng này sẽ phá hủy đầu xương, làm xơ cứng khớp khiến người bệnh không thể nào há miệng được. Vậy nên, chúng ta cần chú ý đến tất cả mọi dấu hiệu khác lạ của sức khỏe, khi có bất thường thì cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, tầm soát và có phương pháp điều trị phù hợp. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.