Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tầm quan trọng và cách phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ

23/01/2025

Tầm quan trọng và cách phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ

Vitamin A là vi chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tầm quan trọng cũng như cách bổ sung vitamin A hợp lý cho các bé. Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu cách phòng chống thiếu vitamin A ở trẻ.

Lợi ích mà vitamin A mang đến cho trẻ

Vitamin A đóng vai trò quan trọng để trẻ phát triển (Nguồn: Internet)

Vitamin A đóng vai trò quan trọng để trẻ phát triển, giúp bảo vệ các tế bào biểu mô, đặc biệt có chức năng đối với giác mạc mắt. Một số lợi ích của vitamin A như:

  • Hỗ trợ thị giác: Là vi chất giúp sáng mắt, mắt trẻ sẽ nhìn rõ hơn trong điều kiện ánh sáng yếu, phòng tránh bệnh mắt như khô mắt, quáng gà, viêm loét giác mạc.
  • Bảo vệ biểu mô: Vitamin A góp phần duy trì cấu trúc các biểu mô dưới da, niêm mạc ruột non, khí quản,…
  • Tăng miễn dịch: Tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống chọi các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, uốn ván, tiêu chảy, viêm đường hô hấp.
  • Tăng trưởng cơ thể: Vitamin A giúp các mô và cơ xương tăng trưởng, cho trẻ lớn lên bình thường, ngăn suy dinh dưỡng, tránh thấp còi, nhẹ cân.

Thiếu hụt vitamin A gây ra hậu quả gì cho trẻ?

Nếu xảy ra tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ, sẽ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng như:

  • Ảnh hưởng thị giác: Trẻ thiếu vitamin A sẽ dễ bị khô mắt, thị lực yếu, bị quáng gà, tổn thương giác mạc, nghiêm trọng hơn là dẫn tới mù lòa.
  • Tổn thương cơ thể: Thiếu vitamin làm da khô, dễ bong tróc, dễ bị viêm da, tóc giòn và gãy rụng.
  • Giảm sức đề kháng: Trẻ thiếu vitamin A có sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, điển hình như viêm tai giữa, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, …
  • Chậm phát triển: Tình trạng chậm lớn, còi cọc ở trẻ cũng liên quan đến việc cơ thể bé đang thiếu hụt vitamin A.

Trẻ thiếu vitamin A sẽ dễ bị khô mắt, thị lực yếu, bị quáng gà, tổn thương giác mạc, nghiêm trọng hơn là dẫn tới mù lòa (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân trẻ bị thiếu vitamin A

Một số nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ mà bạn cần nắm rõ để khắc phục:

  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Trẻ em dưới 3 tuổi đang ở giai đoạn phát triển rất nhanh nên cần bổ sung nhiều vi chất. Trẻ sơ sinh bú mẹ bị thiếu vitamin A nếu mẹ có chế độ ăn thiếu vitamin A. Nếu trẻ không bú mẹ mà uống sữa ngoài thì khả năng thiếu dưỡng chất lại càng cao. Đồng thời, sự thay đổi chế độ dinh dưỡng từ bú sữa mẹ sang ăn dặm cũng làm ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ dưỡng chất. Trẻ trên 3 tuổi dễ thiếu vitamin A nếu chế độ ăn không có những thực phẩm chứa loại vi chất này.

  • Những bệnh nhiễm khuẩn

Khi trẻ mắc một số bệnh như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, thuỷ đậu, sởi,… cơ thể sẽ có nhu cầu cần vitamin A cao để tạo kháng thể chống chọi bệnh. Nếu không bổ sung vi chất trong thời điểm này, sẽ xảy ra vấn đề thiếu vitamin ở trẻ.

  • Khó hấp thụ dưỡng chất

Một số bé mắc bệnh đường tiêu hoá, hoặc có thể chất đặc biệt khó hấp thu vitamin A khiến lượng vi chất này không dung nạp được vào cơ thể. Ngoài ra, thực phẩm chứa vitamin A nhưng thiếu dầu mỡ và chất đạm thì vitamin A không tan, làm giảm khả năng hấp thu của bé.

  • Suy dinh dưỡng, thiếu chất

Về cơ bản, những thực phẩm mà bé ăn quyết định lượng vitamin A dung nạp vào cơ thể. Nếu thức ăn không chứa hoặc chứa ít vitamin A thì cơ thể sẽ chuyển hoá vitamin A dự trữ từ gan. Đến một mức độ nào đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ.

Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin A

  1. Cho trẻ em uống vitamin A

Trẻ em cần bổ sung vitamin A liều cao để tránh tình trạng thiếu hụt dẫn đến các bệnh về mắt hoặc nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Trẻ em cần bổ sung vitamin A liều cao để tránh tình trạng thiếu hụt dẫn đến các bệnh về mắt hoặc nhiễm trùng. Phương pháp cho trẻ uống vitamin A đúng đắn:

  • Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi:  Theo chỉ dẫn của bác sĩ, cho trẻ uống 3 – 4 giọt từ viên nang vitamin A. Sau đó cho uống thêm 1 muỗng nước để tráng miệng.
  • Trẻ từ 12 – 23 tháng tuổi: Mỗi lần uống hết 1 viên nang vitamin A (từ 6 – 8 giọt), tráng miệng bằng nước lọc.
  • Trẻ trên 2 tuổi: Có thể nhai hoặc nuốt viên nang vitamin A cùng với nước.

Sau khi cho trẻ uống viên nang vitamin A, cần theo dõi cẩn thận để kịp thời nhận biết và xử lý các vấn đề về sức khỏe cũng như tác dụng phụ không mong muốn.

  1. Tăng cường thực phẩm chứa vitamin A

Trong thời gian mang thai và cho con bú, các mẹ phải ăn đầy đủ chất, bổ sung đầy đủ thức ăn chứa vitamin A và tiền vitamin A (beta-carotene), thêm chất béo (dầu mỡ) vừa phải để có dưỡng chất truyền sang bé.

Nên nuôi trẻ sơ sinh 6 – 12 tháng đầu bằng sữa mẹ, đặc biệt là sữa non, vì đây là nguồn bổ sung vitamin A tốt nhất. Nếu có vấn đề không thể nuôi con bằng sữa mẹ, hãy cho bé uống sữa đa vi chất để tăng cường chất dinh dưỡng.

Nên nuôi trẻ sơ sinh 6 – 12 tháng đầu bằng sữa mẹ, đặc biệt là sữa non, vì đây là nguồn bổ sung vitamin A tốt nhất (Nguồn: Internet)

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hãy lên thực đơn gồm các thực phẩm giàu vitamin A như lòng đỏ trứng gà, cá trích, đu đủ, xoài, …

Những thực phẩm tự nhiên giàu vitamin A

Để tránh tình trạng thiếu vitamin A ở bé, hãy bổ sung những thực phẩm tự nhiên chứa vi chất này. Dấu hiệu nhận biết thực phẩm giàu vitamin A đó là các loại rau có màu xanh đậm và các loại củ quả màu đỏ, vàng.

  • Khoai lang: 100g khoai lang cung cấp 19.218 IU (đơn vị quốc tế) vitamin A.
  • Cà rốt: 100g cà rốt chứa 17.033 IU vitamin A.
  • Bí đỏ: 100g bí đỏ nấu chín cung cấp 11.155 UI vitamin A.
  • Xoài: 1 quả xoài có thể bổ sung 3.636 IU vitamin A.
  • Rau màu xanh đậm: rau diếp cá, rau ngót, rau dền, rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, …
  • Một số củ quả khác chứa nhiều vitamin A như đu đủ, hồng, gấc, dưa lưới, cà chua, ớt chuông, củ dền,…
  • Ngoài ra, vitamin A còn chứa nhiều trong gan dầu cá, gan bò, cá trích, lòng đỏ trứng, sữa,…

Dấu hiệu nhận biết thực phẩm giàu vitamin A đó là các loại rau có màu xanh đậm và các loại củ quả màu đỏ, vàng (Nguồn: Internet)

Lịch uống vitamin A liều cao cho trẻ các mẹ nên ghi nhớ

Theo khuyến nghị từ Bộ Y tế Việt Nam, trẻ em từ 6 – 36 tháng cần uống bổ sung vitamin A liều cao 2 lần/năm (đợt 1 vào ngày 1 – 2/6, đợt 2 ngày 1 – 2/12 hằng năm). Có nghĩa là, cứ mỗi 6 tháng các bé phải được cung cấp vitamin với liều lượng như sau:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ: 50.000 IU (đơn vị quốc tế)
  • Trẻ từ 6 – 12 tháng: 100.000 IU vitamin A
  • Trẻ từ 12 – 36 tháng: 200.000 IU vitamin A
  • Trẻ 3 – 5 tuổi: 200.000 đơn vị vitamin A

Bên cạnh đó, nếu là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đang bú sữa mẹ, thì các bà mẹ phải bổ sung vitamin A liều cao theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tùy từng trường hợp, giới tính, độ tuổi cũng như cân nặng của bé, các mẹ cần cung cấp dưỡng chất cần thiết để tránh bé bị suy dinh dưỡng và mắc các bệnh nghiêm trọng. Hy vọng qua bài viết này của Hoàn Mỹ Sài Gòn, các mẹ sẽ biết cách chăm sóc con yêu của mình, bổ sung vitamin A hợp lý, giúp cải thiện tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ hiện nay.

Bệnh nhi được chăm sóc tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
60-60A Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: 028 3990 2468
Đăng ký khám: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/
Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial
Website: www.hoanmysaigon.com