Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Cấp cứu theo tiêu chuẩn quốc tế: Tăng tỉ lệ cứu sống người bệnh

21/01/2025

Thời gian vàng để cấp cứu cho người ngưng tim, ngưng thở là 4 phút, sau khoảng thời gian này, não của người gặp nạn sẽ bị tổn thương nặng nề và rất khó hồi phục, có thể dẫn đến chết não. Việc áp dụng quy trình cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế và tối ưu hóa theo chuẩn quốc tế sẽ giúp đội ngũ y tế xử trí cấp cứu cho người bệnh nhanh chóng, kịp thời với sự chuẩn xác để có thể giữ lại tính mạng cho người bị nạn, hạn chế những di chứng đáng tiếc có thể xảy ra. 

Cấp cứu cần nhanh chóng và chính xác 

ThS.BS. Phạm Hoàng Thiên – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, hiện nay, cùng với sự xuất hiện của nhiều dạng bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến tính mạng con người, nhiều tình huống khẩn cấp cũng gia tăng đáng kể trong cuộc sống, điển hình như ngưng tim, ngưng thở ngoài bệnh viện.  

Vì thế, người dân cần trang bị các kiến thức, kỹ năng cấp cứu cơ bản để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Thực tế ở nước ta hiện nay, kỹ năng sơ cấp cứu của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết mọi người đều chưa biết cách xử trí đúng các tình huống cấp cứu thông thường xảy ra tại cộng đồng. 

Bác sĩ hướng dẫn thực hành cấp cứu cho người không chuyên 

Các bác sĩ cho biết, việc đầu tiên khi gặp tình huống khẩn cấp, cần nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu ngưng tim ngưng thở: mất tri giác, ngưng thở … sau đó gọi ngay người trợ giúp và cấp cứu 115. Cùng lúc đó, ngay lập tức bắt đầu tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, làm thông đường thở và hà hơi thổi ngạt…Việc thực hiện cấp cứu này cần kiên trì thực hiện nhịp nhàng và liên tục cho đến khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến.  

Một số sai lầm thường gặp khi gặp người cần cấp cứu là mất quá nhiều thời gian để xác định tình trạng ngưng tim ngưng thở, nhiều trường hợp do tâm lý lo lắng nên nhanh chóng di chuyển người bệnh mà bỏ qua bước cấp cứu cơ bản. Một số người lại lo lấy dị vật, sốc nước, vắt chanh vào miệng … trì hoãn việc ép tim ngoài lồng ngực. Hoặc thực hiện kỹ thuật ép tim, hà hơi thổi ngạt không đúng, như đặt tay sai vị trí, tư thế không thẳng góc, ép không đủ sâu… 

Tối ưu, hiện đại hóa quy trình cấp cứu theo chuẩn quốc tế  

Nguyên tắc đầu tiên khi gặp người bị ngưng tim, ngưng thở là tiến hành ép tim, thổi ngạt càng sớm càng tốt, đồng thời liên hệ cơ sở y tế gần nhất. Tại TP.HCM, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là một trong 40 trạm cấp cứu vệ tinh 115. Trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 35.000 ca cấp cứu với nhiều mặt bệnh như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cấp, cơn tăng huyết áp cấp cứu, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, sốc nhiễm trùng… 

Để đảm bảo xử trí tốt nhất cho các tình huống cấp cứu thường gặp của người dân, Bệnh viện đã trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như máy sốc điện, máy thở, máy oxy lưu lượng cao, máy tạo nhịp tim, máy đo điện tâm đồ, siêu âm và XQ tại giường, máy hút đàm di động, monitoring tim mạch, bộ dụng cụ đặt nội khí quản có camera, lọc máu cấp cứu, thiết bị can thiệp mạch máu não, mach vành… Cùng với đó, đội ngũ y bác sĩ cấp cứu của bệnh viện có chuyên môn cao để nhận diện và xử trí nhanh chóng và chuẩn xác nhất cho các người bệnh cấp cứu. 

Hiện tại, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn triển khai các quy trình cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế và cập nhật các phác đồ tối ưu nhất từ các hiệp hội uy tín trên thế giới nhằm đảm bảo xử trí cấp cứu cho người bệnh nhanh chóng, kịp thời với sự chuẩn xác tối ưu nhất.  

Theo chia sẻ của BS. Phạm Hoàng Thiên – Trưởng Khoa Cấp cứu, các quy trình cấp cứu tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn bao gồm Code STEMI theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC), Code Stroke theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), Code Blue (hồi sức tim phổi) theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA). Ngoài ra, với các ca bệnh nặng, sốc, bệnh viện thực hiện theo hướng dẫn của Hiệp hội Hồi sức châu Âu (ESICM) và Hội đồng Hồi sức Châu Âu (ERC). 

Trong đó, Chương trình Cấp cứu nội viện hay còn gọi là Code Blue được triển khai từ cuối năm 2014. Chỉ trong vòng 1-3 phút kể từ khi Code Blue được khởi động, đội ngũ y bác sĩ sẽ có mặt kịp thời, tiến hành các biện pháp cấp cứu cho người bệnh.  

Cùng với Code Blue, trong những tình huống cấp cứu tối khẩn khác như đột quỵ não cấp, Khoa Cấp cứu ngay lập tức khởi động quy trình Code Stroke. Khi kích hoạt, các bác sĩ từ các chuyên khoa như Nội thần kinh và DSA can thiệp mạch não sẽ lập tức có mặt trong vòng 5 phút phối hợp với Khoa Cấp cứu để xử trí nhanh chóng, kịp thời cứu sống người bệnh. Tương tự, đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên (một biến cố tim mạch rất nặng nề trong bệnh động mạch vành), khi Khoa Cấp cứu khởi động quy trình Code STEMI thì chuyên khoa Nội Tim mạch và DSA can thiệp mạch vành sẽ có mặt trong vòng 5 phút. 

Kịp thời cấp cứu người bệnh trong khoảng thời gian vàng sẽ tăng khả năng cứu sống và hạn chế di chứng không mong muốn 

Với các quy trình cấp cứu chuẩn quốc tế, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh. 

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là đơn vị y tế tiên phong trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống MRI 3.0 Tesla, hệ thống can thiệp mạch DSA 2 bình diện, ứng dụng nhiều công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch có thể dẫn đến đột quỵ,… Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là cơ sở y tế đáng tin cậy trong hệ thống y tế TP.HCM với trạm cấp cứu vệ tinh 115, dịch vụ vận chuyển cấp cứu 0 đồng dành cho người dân sinh sống trên địa bàn.  
Liên hệ tư vấn: (028) 3990 2468