Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm

26/01/2024

“Ung thư là căn bệnh đồng nghĩa với cái chết” – đó là suy nghĩ của nhiều người khi nhắc đến bệnh ung thư. Tuy nhiên, trên thực tế, có khoảng 80% người bệnh ung thư có thể hoàn toàn khỏi bệnh và không tái phát trong vòng 5 năm nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hãy hiểu đúng về ung thư để chủ động đẩy lùi bệnh.

Tầm soát ung thư là gì?

Tầm soát ung thư là phương pháp khám bệnh nhằm tìm kiếm, phát hiện sớm bệnh ở những người không có triệu chứng. Tầm soát ung thư có thể giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm (giai đoạn đầu), khi đó việc điều trị ung thư có nhiều khả năng chữa khỏi hoàn toàn hoặc tăng tỷ lệ điều trị tích cực có cơ hội sống trên 5 năm đến 80-90%.

Tầm soát ung thư là phương pháp khám bệnh nhằm tìm kiếm, phát hiện sớm bệnh những người không có triệu chứng

Tầm soát ung thư là phương pháp khám bệnh nhằm tìm kiếm, phát hiện sớm bệnh những người không có triệu chứng

9 dấu hiệu cảnh báo ung thư

Ung thư thường phát triển âm thầm trong thời gian dài trước khi gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trên lâm sàng có thể nhận biết được. Triệu chứng của ung thư đa dạng, trong nhiều tình huống lại không đặc hiệu, không rõ ràng, rất khó phân biệt với các bệnh lý thông thường khác. Dưới đây là 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư mà mọi người cần biết.

1. Thay đổi thói quen đại tiện hoặc bàng quang

Sự thay đổi đột ngột trong thói quen đại tiện bao gồm tiêu chảy hoặc táo bón hoặc thay đổi độ đặc của phân và cảm giác ruột không rỗng hoàn toàn,… có thể là dấu hiệu và triệu chứng của ung thư ruột kết. Ngoài ra, khi nhận thấy có máu trong nước tiểu hoặc người bệnh bị tiểu gấp, tiểu nhiều lần hoặc đau khi đi tiểu, đó có thể là dấu hiệu của ung thư bàng quang hoặc tuyến tiền liệt.

2. Vết thương không lành

Vết thương không lành bao gồm các biểu hiện ngứa, đau, đóng vảy, chảy máu hoặc những vùng da bị rách (vết loét) và không lành trong hơn 4 tuần là một trong những biểu hiện của ung thư da. Ngoài ra, nếu vết loét diễn ra trong miệng lâu ngày có thể là ung thư miệng.

3. Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường

Chảy máu âm đạo hoặc có ít máu sau khi quan hệ tình dục hoặc thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ là dấu hiệu điển hình của ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.

4. Khối u dày lên hoặc có khối u ở vú hoặc nơi khác.

Hầu hết các cục u không phải do ung thư gây ra. Những u bất thường trên cơ thể là bệnh ung thư thường xảy ra chủ yếu ở vú, tinh hoàn, hạch bạch huyết (tuyến) và các mô mềm của cơ thể. Khối u do ung thư thường cứng, có hình dạng không đều và cố định chắc chắn dưới da hoặc sâu trong mô. Thường các khối ung thư trên cơ thể giai đoạn đầu không gây đau, đau là bệnh đã tiến xa hay u đã chèn ép vào rễ thần kinh.

5. Khó tiêu hoặc khó nuốt

Đối với hầu hết mọi người, khó tiêu không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư, khó tiêu là một vấn đề phổ biến mà hầu hết chúng ta thỉnh thoảng mắc phải mà thường bỏ qua. Nhưng khi bạn bị khó tiêu nhiều hoặc xuất hiện đau đột ngột và đặc biệt đau vùng thượng vị thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiêu hóa như nhiễm trùng tiêu hóa và cũng có thể là bệnh lý ung thư. Trong khi đó, chứng khó nuốt có thể là dấu hiệu của các bệnh lý vùng trung thất trong lồng ngực như bướu giáp thòng xuống trung thất, hạch trung thất phì đại, ung thư thực quản…

6. Sự thay đổi rõ ràng ở mụn cóc hoặc nốt ruồi

Hầu hết các khối u ác tính bắt đầu như một sự phát triển da mới trên vùng da không rõ ràng. Sự tăng trưởng có thể thay đổi màu sắc, hình dạng hoặc kích thước. Những loại thay đổi này có thể là dấu hiệu sớm cho thấy sự phát triển của khối u ác tính, chúng thường xảy ra nhất ở phần cơ thể có tiếp xúc ánh mặt trời như mặt ngoài cánh tay, chân hay trên da mặt như vùng trán, cánh mũi… Ở người lớn tuổi, các vị trí thường gặp nhất là cổ, da đầu, mặt và tai.

7. Ho dai dẳng hoặc khàn giọng

Ho không dứt có thể là dấu hiệu bệnh đường hô hấp như lao phổi, ung thư phổi. Khàn giọng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm thanh quản, ung thư thanh quản hoặc tuyến giáp.

8. Thiếu máu không rõ nguyên nhân

Nhiều bệnh ung thư có thể gây thiếu máu, nhưng ung thư ruột thường gây thiếu máu do thiếu sắt. Các xét nghiệm chẩn đoán sẽ bao gồm nội soi hoặc nghiên cứu X-quang đường ruột trên và dưới hay chụp CT ổ bụng.

9. Giảm cân đột ngột

Hầu hết những người mắc bệnh ung thư sẽ đột ngột giảm cân vào một thời điểm nào đó. Khi giảm cân mà không rõ lý do (không ăn kiêng và không tập thể dục) thì đó được gọi là sụt cân không rõ nguyên nhân. Giảm cân không rõ nguyên nhân khoảng 5kg trở lên có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư. Điều này thường hay gặp trong bệnh ung thư tuyến tụy, dạ dày, thực quản (ống nuốt) hoặc phổi.

Nếu bạn có những dấu hiệu bất thường khác không được liệt kê ở trên, nhưng vẫn cảm nhận những thay đổi bất thường trong cơ thể, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để nhận được chẩn đoán chính xác.

Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư

Yếu tố nguy cơ ung thư là tất cả những nguyên nhân tăng nguy cơ phát triển ung thư của một người. Hầu hết các yếu tố nguy cơ không trực tiếp gây ung thư nhưng đây là thông tin tham khảo giúp người bệnh đưa ra các lựa chọn về y tế và lối sống phù hợp để cải thiện sức khỏe của mình.

Các yếu tố nguy cơ chung gây ung thư bao gồm:

  • Người lớn tuổi
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư
  • Sử dụng thuốc lá
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Sử dụng rượu
  • Nhiễm virus, chẳng hạn như virus u nhú ở người (HPV) và virus viêm gan
  • Tiếp xúc với hóa chất cụ thể
  • Tiếp xúc với bức xạ, bao gồm cả tia cực tím từ mặt trời
Bác sĩ Nội soi khám đánh giá tình trạng người bệnh trước khi nội soi tầm soát ung thư ống tiêu hóa

Bác sĩ Nội soi khám đánh giá tình trạng người bệnh trước khi nội soi tầm soát ung thư ống tiêu hóa

Tầm soát để phát hiện sớm ung thư và chữa khỏi

Tầm soát ung thư đề cập đến phương pháp khám bệnh tìm kiếm dấu hiệu ung thư trước khi bệnh tình biểu hiện ra ở triệu chứng. Hầu hết những người không thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư cao sẽ không cần xét nghiệm sàng lọc ung thư cho đến khi ở độ tuổi 40 (độ tuổi khuyến khích tầm soát). Tuy nhiên, những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư cao nên tầm soát ung thư càng sớm càng tốt.

Ngày nay, với nền y học hiện đại, người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận các kỹ thuật tầm soát ung thư tiên tiến như:

  • Khám sức khỏe: Các bác sĩ có thể thực hiện việc kiểm tra này trong quá trình khám sức khỏe định kỳ. Người bệnh sẽ được khám lâm sàng và được hỏi tiền sử bệnh tật trước đó, các thói quen hàng ngày và bệnh sử của gia đình người bệnh.
  • Xét nghiệm: Những xét nghiệm này có thể bao gồm xét nghiệm máu để tìm bệnh ung thư, xét nghiệm để lấy mô và xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung là một ví dụ về phương pháp xét nghiệm sàng lọc mà các bác sĩ sử dụng để lấy mô gửi cho bác sĩ giải phẫu bệnh kiểm tra sự bất thường của tế bào mô sinh thiết.
  • Kiểm tra hình ảnh: Những xét nghiệm này thu được hình ảnh của các khu vực bên trong cơ thể. Chụp quang tuyến vú là một ví dụ về xét nghiệm hình ảnh sàng lọc ung thư.
  • Xét nghiệm di truyền phát hiện ung thư : Nếu trong gia đình ruột thịt mắc một loại ung thư di truyền, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm di truyền chẩn đoán nguy cơ phát triển bệnh ung thư.

Tầm soát: Các loại ung thư có thể phát hiện sớm

Không phải loại ung thư nào khi tầm soát sẽ cho kết quả chính xác. Dưới đây là 4 loại ung thư khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư được coi là hiệu quả và được các bác sĩ chứng nhận:

1. Ung thư vú

Chụp X quang tuyến vú đã được chứng minh là làm giảm tử vong do ung thư vú ở phụ nữ từ 40 đến 74 tuổi, đặc biệt là những người từ 50 đến 69 tuổi. Các bác sĩ thường khuyên rằng những người có yếu tố nguy cơ bệnh nên bắt đầu sàng lọc ở tuổi 50, đặc biệt đối với phụ nữ.

2. Ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm papillomavirus ở người (HPV) và xét nghiệm Pap là các xét nghiệm chẩn đoán ung thư cổ tử cung được khuyến nghị. Những xét nghiệm này giúp tìm ra và điều trị các tế bào bất thường trước khi các tế bào này chuyển thành tế bào ung thư.

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư cổ tử cung nên bắt đầu ở tuổi 21 và kết thúc ở tuổi 65 (đối với những phụ nữ đã được sàng lọc đầy đủ trước đó và không có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung).

3. Ung thư đại trực tràng

Một số xét nghiệm sàng lọc, bao gồm nội soi, soi đại tràng sigma và xét nghiệm phân (xét nghiệm máu ẩn trong phân có độ nhạy cao và xét nghiệm DNA trong phân) đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư đại trực tràng. Các kỹ thuật chẩn đoán này giúp phát hiện ra sự phát triển bất thường của đại tràng, nhất là người có polyp trong đại trực tràng và có thể được cắt bỏ trước khi chúng trở thành ung thư.

Các nhóm chuyên gia thường khuyến nghị những người có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng trung bình nên sàng lọc bằng một trong những xét nghiệm này ở độ tuổi 45 hoặc 50 đến 75.

4. Ung thư phổi

Tầm soát ung thư phổi có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất, hỗ trợ lớn cho việc điều trị bệnh hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Chụp CT Scanner phổi liều thấp (hay còn gọi chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp) là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được dùng trong tầm soát ung thư phổi và giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm hiệu quả, làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở những người nghiện thuốc lá nặng.

Các chuyên gia thường khuyến nghị sàng lọc ở người nghiện thuốc lá nặng hiện tại hoặc trước đây ở độ tuổi từ 50 đến 80.

Tầm soát ung thư tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Theo thống kê, khoảng 25% người bệnh phát hiện ra ung thư khi nhập viện cấp cứu tại bệnh viện vì một triệu chứng nào đó. Hầu hết những người bệnh này có cơ hội sống thấp hơn so với những người bệnh khác, vì khi đó tình trạng bệnh đã quá nặng. Việc tầm soát ung thư từ sớm là vô cùng quan trọng, tránh tình huống bệnh đã tiến xa.

Với thế mạnh là một bệnh viện đa khoa với nhiều chuyên khoa chuyên sâu, Khoa Ung Bướu được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cùng trang thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ung thư kỹ thuật cao. Kết hợp với các cận lâm sàng kỹ thuật cao như Chẩn đoán Hình ảnh bằng CT/ MRI, xét nghiệm và giải phẫu bệnh, người bệnh sẽ được chẩn đoán ung thư ngay cả khi cơ thể chưa xuất hiện triệu chứng, từ đó các bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị và quy trình chăm sóc toàn diện phù hợp giúp kiểm soát tốt nhất các yếu tố nguy cơ mắc ung thư.

Chung tay cùng ngành y tế “giảm nhẹ gánh nặng ung thư trên phạm vi cộng đồng”, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh, phát hiện sớm các bệnh Ung thư thông qua khám sàng lọc ung thư nhằm xác định bệnh và điều trị kịp thời bệnh ung thư ở giai đoạn sớm. Điều này giúp gia tăng khả năng chữa trị và cải thiện tỷ lệ sống còn của người bệnh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy tầm soát ung thư sớm tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.

Liên hệ tổng đài 028.3990.2468 để tham khảo các gói tầm soát ung thư tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Đăng ký khám TẠI: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/   

Bác sĩ thực hiện Sinh thiết bằng kim dưới hướng dẫn của CT