Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Mẹ bầu cần cẩn thận với bệnh lý đái tháo đường thai kỳ

09/04/2024

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm mà các mẹ bầu cần phải hiểu rõ để phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị nhanh chóng nhằm hạn chế biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các mẹ bầu có thông tin đầy đủ về bệnh lý đái tháo đường trong thai kỳ, giúp bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.

Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường thai kỳ (dân gian hay gọi là tiểu đường thai kỳ, tên tiếng Anh: gestational diabetes mellitus) là tình trạng lượng đường trong máu cao vượt ngưỡng bình thường ở mẹ bầu. Bệnh thường xuất hiện tại tuần thai 24 – 28, phát triển trong thai kỳ và chấm dứt sau khi sinh. Tuy nhiên, đái tháo đường trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 (type 2) ở mẹ. Đồng thời, nếu điều trị không đúng cách, hiện tượng rối loạn lượng đường ở mẹ bầu cũng gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Chỉ số lượng đường (glucose) trong máu mẹ bầu ở mức bình thường:

  • Khi đói: ≤ 92 mg/dl (5.1 mmol/l)
  • Sau khi ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (10 mmol/l)
  • Sau ăn 2 giờ: ≤ 153 mg/dl (8.5 mmol/l)

Nếu mẹ bầu có 2/3 chỉ số vượt ngưỡng giới hạn trên có thể chẩn đoán là mắc đái tháo đường thai kỳ.

Dấu hiệu đái tháo đường thai kỳ

Thông thường, đái tháo đường trong thai kỳ ít có triệu chứng rõ ràng. Mẹ bầu được các bác sĩ phát hiện nhờ vào những đợt khám thai định kỳ. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu nhỏ để nhận biết mẹ bầu đang có khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ.

  • Tiểu tiện nhiều lần trong ngày;
  • Cả người luôn trong trạng thái mệt mỏi;
  • Mắt mờ, tầm nhìn kém hơn;
  • Liên tục khát nước, khô họng;
  • Mẹ bầu tăng cân nhanh ở mức bất thường.

Nguyên nhân gây bệnh

Khi ăn, dịch tiêu hoá sẽ phân huỷ carbohydrate trong thực phẩm thành đường glucose. Cùng lúc đó, tuyến tụy tạo ra hormone insulin, giữ nhiệm vụ vận chuyển đường đến các tế bào, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Để cân bằng lượng đường trong máu, insulin phải ở mức ổn định.

Khi phụ nữ mang thai, cơ quan cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai nhi là nhau thai sẽ tiết ra hormone giúp bào thai phát triển. Một số hormone có thể ngăn chặn quá trình sản xuất insulin hoặc gây ra hiện tượng đề kháng insulin ở mẹ bầu.

Để điều hòa lượng đường trong máu, tuyến tụy của mẹ bầu phải tiết ra nhiều insulin hơn, gây rối loạn cân bằng. Khi cơ thể thiếu insulin hoặc đề kháng insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, gây bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Ngoài ra, trong thai kỳ, nhu cầu năng lượng của mẹ bầu cũng tăng cao để cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Do đó, tuyến tụy cũng phải hoạt động quá mức nhằm tạo ra insulin kịp thời. Nhưng trên thực tế, không phải mẹ bầu nào cũng có thể thuận lợi điều tiết insulin để cân bằng lượng đường.

Đối tượng có nguy cơ dễ bị đái tháo đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai có nguy cơ dễ mắc đái tháo đường thai kỳ nếu thuộc các nhóm sau:

  • Thừa cân, béo phì trước khi mang thai, tăng cân nhanh trong thai kỳ.
  • Có người thân ruột thịt bị đái tháo đường (tuýp 2).
  • Mắc chứng tiền đái tháo đường, tức là lượng đường trong máu cao, rối loạn dung nạp glucose.
  • Tiền sử sản khoa bất thường: thai lưu, sinh non, sinh con bị dị tật, tiền sản giật,…
  • Từng sinh con nặng trên 4kg ở lần mang thai trước.
  • Mang thai và sinh con khi trên 35 tuổi.
  • Đã hoặc đang mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang (tiếng Anh là Polycystic Ovary Syndrome – PCOS).
  • 80% mẹ bầu có glucose niệu dương tính có nguy cơ mắc đái tháo đường trong thai kỳ.
  • Người châu Á có khả năng mắc bệnh đái tháo đường trong thai kỳ khá cao.

Đái tháo đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng cho mẹ bầu và thai nhi.

1. Ảnh hưởng đến mẹ

Mẹ bầu khi bị đái tháo đường trong thai kỳ, có thể phải gặp nhiều vấn đề sau:

  • Tăng huyết áp thai kỳ, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tính mạng như: tiền sản giật hoặc sản giật, suy thận, suy gan, tai biến mạch máu não,…
  • Lượng đường trong máu cao ở mẹ khiến thai nhi tăng trưởng quá mức, cân nặng khi sinh quá lớn, khiến sản phụ dễ gặp chấn thương vùng lưng, gãy xương hoặc tổn thương lúc sinh, hoặc không thể sinh thường, phải sinh mổ.
  • Sản phụ dễ sinh non bởi lượng đường trong máu cao thúc đẩy chuyển dạ sớm, hoặc thai nhi quá lớn cần phải sinh sớm.
  • Tăng nguy cơ bị sảy thai, hoặc thai chết lưu.
  • Mẹ bầu dễ bị đa ối (quá nhiều nước ối) hoặc băng huyết sau sinh.
  • Dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu (hay còn gọi là viêm đài bể thận).
  • Tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ ở lần sinh kế tiếp và dễ mắc đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.

2. Ảnh hưởng thai nhi

Đái tháo đường thai kỳ có thể ảnh hưởng trầm trọng đến thai nhi:

  • Thời gian 3 tháng đầu: Thai chậm phát triển, dễ bị sảy thai, thai bị dị tật bẩm sinh (bị nứt đốt sống, dị tật tim hoặc thần kinh, não úng thuỷ…)
  • 3 tháng cuối thai kỳ: Thai nhi tăng trưởng quá mức, dễ nhiễm toan, có khả năng chết lưu.
  • Sau khi sinh: Em bé có nguy cơ tử vong sau sinh. Hoặc mắc các bệnh lý như hạ glucose huyết tương, bệnh lý đường hô hấp (khó thở, suy hô hấp), bệnh hạ đường huyết, tụt canxi, tăng hồng cầu, bị vàng da, rối loạn thần kinh vận động.
  • Khi bé lớn lên: Có nguy cơ cao bị thừa cân, béo phì, mắc đái tháo đường tuýp 2.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose, kiểm tra lượng đường trong máu của mẹ bầu. Các mẹ nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ để tầm soát kỹ lưỡng, đặc biệt là từ tuần thai 24 – 28.

Cách thực hiện xét nghiệm để xác định đái tháo đường thai kỳ:

  • Nhịn đói 8 – 12 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.
  • Lấy máu làm xét nghiệm định lượng glucose huyết tương khi đói.
  • Uống chất lỏng chứa 75gr glucose, không ăn uống thêm bất kỳ thực phẩm nào.
  • Lần lượt lấy máu sau 1 giờ và 2 giờ, tiến hành xét nghiệm định lượng glucose huyết tương.
  • Mẹ bầu sẽ được chẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ nếu có ít nhất một chỉ số sau:
    • Glucose huyết tương lúc đói ≥ 5.1 mmol/L (≥ 92 mg/dL)
    • Glucose huyết tương sau 1 giờ ≥ 10.0 mmol/L (≥ 180 mg/dL)
    • Glucose huyết tương sau 2 giờ ≥ 8.5 mmol/L (≥ 153 mg/dL)

Điều trị đái tháo đường thai kỳ

Đa số lượng đường trong máu của mẹ bầu sẽ giảm về mức bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, số liệu thống kê có khoảng 50% mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ gặp những biến chứng nghiêm trọng và dễ mắc đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Do đó, mẹ bầu cần kiểm soát và duy trì lượng đường trong máu ở mức an toàn để cả mẹ và bé đều khỏe mạnh.

Khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường trong thai kỳ, mẹ bầu sẽ được chỉ định phương pháp điều trị tùy vào tình trạng sức khoẻ từng người. Có thể kể đến như:

  • Thay đổi chế độ ăn

Chế độ ăn cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ phải giúp duy trì ổn định lượng đường trong máu, nhưng đồng thời vẫn cần cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển. Các bác sĩ sẽ tư vấn kỹ về chế độ ăn phù hợp với từng mẹ bầu. Các mẹ bầu chú ý giữ cân nặng ở mức trung bình, tránh tăng cân quá mức.

  • Dùng thuốc

Các bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị đái tháo đường với các loại thuốc kiểm soát lượng đường nhưng không làm ảnh hưởng thai nhi, ví dụ như tiêm insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu.

  • Lập biểu đồ quản lý thai kỳ

Các bác sĩ thường lập biểu đồ theo dõi kích thước thai nhi từ lúc chẩn đoán bệnh tới ngày sinh. Nếu thai nhi phát triển tới kích thước quá lớn, bác sĩ sẽ đề nghị mẹ bầu thực hiện các biện pháp thúc sinh, sinh sớm hơn ngày dự sinh (nhưng vẫn đủ 37 tuần thai).

  • Tập thể dục và vận động nhiều hơn

Các mẹ bầu cần tập những bài thể dục nhẹ nhàng, đi bộ nhiều hơn mỗi ngày. Việc này vừa giúp dễ sinh mà cũng thúc đẩy cơ thể sản xuất insulin để cân bằng lượng đường trong máu. Một số chuyên gia còn có thể hướng dẫn mẹ bầu tập vài động tác yoga phù hợp.

Giới thiệu dịch vụ khám thai và sinh con tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Mang thai và sinh con là điều vô cùng thiêng liêng và kỳ diệu, nhưng cũng không kém phần mệt mỏi và đôi khi ẩn chứa nguy hiểm. Thấu hiểu nỗi niềm lo lắng đó, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cung cấp dịch vụ thai sản giúp các mẹ bầu an tâm trong suốt thai kỳ.

Đội ngũ bác sĩ khoa Sản giàu kinh nghiệm tiến hành khám thai và siêu âm theo dõi thai kỳ nhanh chóng. Dựa vào kết quả cận lâm sàng, bác sĩ đưa ra chế độ chăm sóc thai kỳ phù hợp với từng mẹ bầu. Các xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ cho kết quả chuẩn xác, phát hiện những dấu hiệu bất thường dù là nhỏ nhất. Nếu có kết quả chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ, các bác sĩ nhanh chóng lên phác đồ điều trị nhằm tránh biến chứng nguy hiểm.

Đồng thời, mẹ bầu được hướng dẫn phương pháp tự kiểm tra nồng độ glucose trong máu trước và sau khi ăn. Nhờ đó, mẹ bầu có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khoa học hơn, phòng ngừa bị đái tháo đường thai kỳ.

Dịch vụ khám thai và sinh con tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn luôn hướng đến chăm sóc sức khỏe mẹ bầu một cách toàn diện, đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. Hãy lựa chọn bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vì sức khỏe của mẹ & bé và niềm vui của cả gia đình.

Tìm hiểu thêm về gói sinh “Hạnh Phúc Hoàn Mỹ” tại đây.