Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Hướng dẫn tầm soát ung thư cổ tử cung

26/01/2024

Ung thư cổ tử cung (tên tiếng Anh là Cervical cancer) là căn bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới, và cũng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến sau ung thư vú. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 ca bệnh, phần lớn đều phát hiện ở giai đoạn muộn. Bệnh không có dấu hiệu rõ ràng, do đó mỗi người cần chủ động tầm soát để chẩn đoán sớm và kịp thời điều trị. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bạn tầm soát ung thư cổ tử cung ở nữ giới.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là phần nối giữa âm đạo và tử cung, bao phủ bởi lớp mô mỏng được tạo thành từ nhiều tế bào. Ung thư cổ tử cung là tình trạng các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường, vượt mức kiểm soát của cơ thể, tạo thành khối u ở vị trí này.

Ung thư cổ cung là tình trạng các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường tạo thành khối u

Ung thư cổ cung là tình trạng các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường tạo thành khối u

Ung thư cổ tử cung có nguy hiểm không?

Ung thư cổ tử cung cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho người phụ nữ. Khi khối u tiến triển, có thể xâm lấn những cơ quan xung quanh, khiến người bệnh bị thiếu máu, suy thận, phù chân,… Tế bào ung thư này có khả năng di căn tới gan, phổi, xương,… gây khó khăn cho việc điều trị.

Khi tế bào này lan rộng, buộc người bệnh phải xạ trị hoặc cắt bỏ tử cung, cắt bỏ buồng trứng, khiến phụ nữ mất khả năng sinh con. Ngoài ra, nếu điều trị quá trễ, còn giảm khả năng chữa khỏi bệnh, tăng nguy cơ tử vong.

Ung thư cổ tử cung càng điều trị sớm, càng tăng tỷ lệ chữa khỏi bệnh. Theo đó:

  • Ung thư thể nhẹ tại chỗ: Tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm khoảng 96%.
  • Giai đoạn I: Tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm khoảng 80 – 90%
  • Giai đoạn II: Tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm khoảng 50 – 60%.
  • Giai đoạn III: Tỷ lệ sống được trên 5 năm còn 25 – 35%.
  • Giai đoạn IV (di căn): Tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm khoảng dưới 15%.
  • Nếu bị tái phát và di căn thì 90% sẽ tử vong sau 5 năm.

Dấu hiệu nhận biết

Ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm trong khoảng 10 – 15 năm. Khi các tế bào bao phủ cổ tử cung bị biến đổi bất thường, sẽ xuất hiện tình trạng loạn sản hoặc người bệnh bị viêm lộ tuyến tử cung. Sau đó, các tế bào khối u phát triển mạnh mẽ hơn, bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu lâm sàng như:

  • Âm đạo chảy máu bất thường: Chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt, sau hoặc trong khi đang quan hệ tình dục, hoặc ra máu sau khi mãn kinh.
  • Âm đạo tiết dịch có mùi hôi hoặc lẫn máu: Khí hư có màu vàng, xanh, hoặc lẫn máu. Tuy nhiên dấu hiệu này cũng có thể là biểu hiện của bệnh phụ khoa khác.
  • Khó chịu hoặc đau khi quan hệ tình dục: Là một trong những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung, nhưng cũng có khả năng là do nguyên nhân khác.
  • Đau ở vùng xương chậu, xương hông, vùng lưng dưới: Cơn đau âm ỉ, có thể nhói buốt, nhưng không trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Trễ kinh, rong kinh, kinh nguyệt màu đen sẫm,…
  • Tiểu tiện bất thường: Tiểu tiện không kiểm soát hoặc lẫn máu.
  • Chân bị sưng đau: Là do khối u chèn ép lên mạch máu và dây thần kinh ở xương chậu nên gây sưng đau chân.
  • Gây đau ở một vài bộ phận khác như phần bàng quang, thận,…

Các dấu hiệu kể trên có thể là biểu hiện của bệnh lý này ở giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn, nhưng cũng có khi là triệu chứng của các bệnh lý phụ khoa khác. Do đó, chỉ cần có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, bạn cần đi khám ngay để bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu chẩn đoán xác định bệnh. Ngay cả khi chưa có dấu hiệu, mỗi phụ nữ đều nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 90% các trường hợp bị ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus). Trong đó, khoảng 2/3 các ca ung thư là do tuýp (type) HPV 16 và 18. Ngoài ra, các loại virus HPV khác cũng gây nên những bệnh nguy hiểm và các bệnh ung thư ở âm đạo, hậu môn, đường sinh dục,…

Virus HPV - nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung

Virus HPV – Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung

Bên cạnh nguyên nhân hàng đầu là nhiễm HPV, tình trạng này còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác. Có thể kể đến đó là:

  • Suy giảm miễn dịch bởi dùng thuốc điều trị hoặc do nhiễm HIV – AIDS.
  • Phụ nữ quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình.
  • Bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục: nhiễm virus Herpes, chlamydia,…
  • Lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài, gây viêm niêm mạc tử cung.
  • Tiền sử gia đình có mẹ mắc bệnh, hoặc mẹ dùng hormone Diethylstilbestrol để phòng sẩy thai.
  • Phụ nữ sinh con sớm trước 17 tuổi hoặc sinh hơn 3 con có nguy cơ ung thư cổ tư cung cao.
  • Vệ sinh vùng kín kém gây nhiễm trùng, dinh dưỡng không đảm bảo, hút thuốc lá,…

Những ai có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này là:

  • Phụ nữ quan hệ tình dục sớm trước 18 tuổi.
  • Nhiều bạn tình hoặc bạn tình quan hệ tình dục cùng nhiều người khác.
  • Phụ nữ có tiền sử mắc loạn sản cổ tử cung.
  • Có mẹ từng bị ung thư cổ tử cung hoặc từng dùng thuốc diethylstilbestrol.
  • Phụ nữ có hệ thống miễn dịch kém, bị rối loạn hormone.
  • Phụ nữ hút thuốc lá.
Tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Khi nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung?

Các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khuyến cáo phụ nữ nên tầm soát cổ tử cung từ khi 21 tuổi trở lên, đặc biệt là đối với những người đã quan hệ tình dục. Tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi từ 35 – 45 tuổi mắc ung thư cổ tử cung khá cao nên cần thực hiện tầm soát khoảng 1 – 2 năm/lần. Cụ thể việc tầm soát như sau:

  • Phụ nữ 21 – 29 tuổi: Nên thực hiện xét nghiệm Thinprep hoặc Pap smear 3 năm/lần. Không khuyến cáo thực hiện xét nghiệm HPV nếu các kết quả trên bình thường.
  • Phụ nữ 30 – 65 tuổi: Tầm soát Pap smear hay Thinprep 3 năm/lần khi kết quả không bất thường. Test HPV 5 năm/lần nếu kết quả bình thường.
  • Phụ nữ trên 65 tuổi: Thực hiện xét nghiệm HPV và Pap đều luôn âm tính thì có thể ngừng tầm soát.

Ngoài ra, khi chị em phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám và tầm soát.

Tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?

Để phát hiện sớm bệnh lý, giúp việc điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn, phụ nữ cần chủ động tầm soát bệnh. Các phương pháp thực hiện tầm soát ung thư cổ cung như sau:

1. Khám phụ khoa

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 6 – 12 tháng/lần, không chỉ để xác định ung thư cổ tử cung mà còn nhằm phát hiện các bệnh lý phụ khoa khác. Giả sử, nữ giới gặp tình trạng viêm nhiễm phụ khoa kéo dài, không được chữa trị kịp thời và đúng cách, sẽ gây nhiễm trùng, tạo điều kiện thuận lợi để virus HPV xâm nhập và gây bệnh.

Khi khám phụ khoa, các bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, khám tử cung, buồng trứng cũng như các cơ quan khác gần cổ tử cung. Dựa vào những dấu hiệu bất thường, nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.

Chủ động thăm khám, tầm soát ung thư cổ tử cung để điều trị kịp thời

Chủ động thăm khám, tầm soát ung thư cổ tử cung để điều trị kịp thời

2. Xét nghiệm Pap Smear

Là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung giúp xác định tế bào bất thường tại cổ tử cung. Được thực hiện bằng cách lấy mẫu bằng dụng cụ chuyên biệt để thu thập tế bào cổ tử cung và phân tích, phát hiện các tế bào có cấu trúc bất thường. Từ đó, xác định những biến đổi ở cổ tử cung và chẩn đoán sớm bệnh lý.

3. Xét nghiệm Thinprep Pap

Phương pháp xét nghiệm Thinprep cải tiến hơn Pap Smear. Các tế bào tại cổ tử cung sau khi được thu thập sẽ được bảo quản trong lọ thí nghiệm và xử lý bằng máy Thinprep tiêu bản tự động. Nhờ đó, cho kết quả chẩn đoán chuẩn xác hơn, tăng tỷ lệ phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm.

4. Xét nghiệm Cellprep

Xét nghiệm CellPrep Pap là phương pháp có cải tiến vượt trội so với Pap Smear, có tỷ lệ phát hiện cao hơn khoảng 20%. Các bác sĩ thực hiện lấy mẫu tế bào ở cổ tử cung rồi nhúng dịch xử lý CellPrep, phát hiện được các tế bào bất thường, cho kết quả chẩn đoán ung thư cổ tử cung chính xác tới 95%.

5. Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung được thực hiện bằng cách dùng máy soi phóng đại để quan sát cổ tử cung. Thiết bị soi cổ tử cung có thể phóng to hình ảnh gấp 10 – 30 lần, giúp bác sĩ phát hiện tổn thương ở vùng cổ tử cung. Nhờ đó, có thể xác định tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư vi xâm lấn ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng.

Ngoài ra, soi cổ tử cung kết hợp bôi dung dịch acid acetic 3 – 5% (chứng nghiệm Hinselmann) cùng dung dịch lugol 2% (chứng nghiệm Schiller) ở cổ tử cung là cách xác định chuẩn xác những bất thường ở cổ tử cung.

6. Sinh thiết

Sau khi soi cổ tử cung, nếu thấy dấu hiệu bất thường, các bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ hoặc nạo ống cổ tử cung để làm sinh thiết. Thực hiện bằng cách nhuộm, soi dưới kính hiển vi, thu được kết quả chính xác để chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

7. Xét nghiệm HPV Cobas

Xét nghiệm HPV Cobas DNA là phương pháp sử dụng hệ thống máy tách chiết DNA tự động. Sau đó kết hợp công nghệ phân tích độ chính xác cao nhằm phát hiện virus HPV – nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Phương pháp này xác định được virus HPV tồn tại trong cơ thể hay không, nếu thực hiện đồng thời với các xét nghiệm Pap thì sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác.

Xét nghiệm HPV Cobas DNA là phương pháp chính xác nhất chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm HPV Cobas DNA là phương pháp chính xác nhất chẩn đoán ung thư cổ tử cung

8. Một số xét nghiệm cận lâm sàng khác

Người bệnh có thể được chỉ định thực hiện chụp MRI, CT, siêu âm tử cung, xét nghiệm hoá sinh máu, công thức máu toàn phần, theo dõi các nồng độ SCC để chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

Địa chỉ uy tín để tầm soát ung thư cổ tử cung

Để phòng ngừa bệnh lý này, cách tốt nhất là tiêm vắc xin HPV. Theo khuyến cáo, độ tuổi an toàn và thích hợp để tiêm vắc xin HPV là từ 9 – 26 tuổi. Trong khoảng thời gian này, vắc xin sẽ đem đến hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, từ 21 tuổi trở đi, phụ nữ nên chủ động tầm soát ung thư cổ cung khoảng 1-2 năm/lần.

Tầm soát là phương pháp phát hiện sớm bệnh, để có các phác đồ điều trị phù hợp, giúp chữa khỏi bệnh hiệu quả hơn, giảm các biến chứng nguy hiểm. Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cung cấp dịch vụ tầm soát ung thư cổ tử cung cho kết quả chuẩn xác, nhanh chóng. Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được các bác sĩ tư vấn, giải thích kỹ lưỡng về các xét nghiệm và chỉ định xét nghiệm tầm soát phù hợp cũng như can thiệp y tế khi cần thiết.

Với hệ thống máy móc tối tân, cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu hàng đầu, người bệnh có thể yên tâm khi thực hiện tầm soát bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Khi phát hiện triệu chứng bệnh lý, các bác sĩ sẽ hoạch định phác đồ điều trị thích hợp với từng cá nhân, áp dụng phương pháp tiên tiến phù hợp với từng giai đoạn bệnh để giúp người bệnh chữa khỏi và giảm các triệu chứng đau đớn của bệnh. Cùng với đội ngũ điều dưỡng chăm sóc và khoa Dinh dưỡng Tiết chế, người bệnh sẽ được hướng dẫn giải pháp chăm sóc sức khỏe hiện đại, duy trì lối sống lành mạnh, và chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bạn tăng cường đề kháng và giảm nguy cơ ung thư tái phát. Đặt hẹn thăm khám và tầm soát ung thư cổ tử cung tại đây.

Bên cạnh các phác đồ tầm soát và điều trị bệnh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn còn tổ chức Câu Lạc Bộ Sức Khỏe Online, được phát trực tiếp trên kênh Fanpage & Youtube của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, là diễn đàn chia sẻ các thông tin y khoa từ các bác sĩ Ung Bướu, Tim Mạch, Nội Thần Kinh, Tiêu Hóa, Nội Tiết v.v. Nhiều thông tin liên quan đến Bệnh lý Ung Thư Cổ Tử Cung được các bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu chia sẻ giúp nữ giới cập nhật kiến thức và phòng ngừa bệnh tốt hơn.

Nhấn “Đăng ký” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe TẠI ĐÂY.

 ——————

Liên hệ với bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Chat với chúng tôi: m.me/HoanMySaiGon

Fanpage: https://www.facebook.com/HoanMySaiGon/

Website: http://hoanmysaigon.com/