Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Chế độ ăn uống cho người bị bệnh Gout

08/04/2024

Bệnh Gout là căn bệnh gây ra các cơn đau khớp nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nhận biết sớm, chữa trị và điều chỉnh chế dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh Gout bình phục nhanh chóng.

Bệnh Gout là bệnh gì?

Bệnh Gout (hoặc Gút) là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Đặc trưng của bệnh Gout là các cơn đau, sưng, tấy đỏ và đau dữ dội, đột ngột ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất là ở ngón chân cái.

Cơn Gout có thể xảy ra đột ngột, thường khiến người bệnh thức giấc vào nửa đêm với cảm giác ngón chân cái như đang bốc cháy, khớp bị ảnh hưởng nóng, sưng và đau. Các triệu chứng bệnh Gout có thể đến và đi, nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát.

Triệu chứng của bệnh Gout

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Gout hầu như luôn xảy ra đột ngột và thường vào ban đêm. Triệu chứng bao gồm:

  • Đau khớp dữ dội: Bệnh Gout thường ảnh hưởng đến ngón chân cái nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Các khớp thường bị ảnh hưởng khác bao gồm mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Cơn đau có thể trầm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu sau khi bắt đầu phát bệnh.
  • Sự khó chịu kéo dài: Sau khi cơn đau dữ dội nhất giảm bớt, người bệnh sẽ gặp khó chịu ở khớp có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Cơn đau này có thể kéo dài hơn và ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn.
  • Viêm và đỏ: Khớp hoặc các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, ấm và đỏ.
  • Hạn chế vận động: Khi bệnh Gout tiến triển, người bệnh có thể không thể cử động khớp bình thường.

Nguyên nhân gây bệnh Gout

Bệnh Gout phát triển khi cơ thể của người bệnh có nồng độ axit uric cao do sự phân hủy purin – hóa chất tự nhiên được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể và trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là thịt đỏ, thịt nội tạng, một số hải sản, nước ngọt có đường và bia.

Khi axit uric tích tụ, do thận không bài tiết chúng theo cách cần thiết hoặc do tiêu thụ quá nhiều từ chế độ ăn có hàm lượng purin cao, có thể dẫn đến hình thành các tinh thể giống như kim tiêm bám vào khớp, gây đau và sưng đột ngột, dữ dội.

Các cơn Gout thường lên đến đỉnh điểm sau 12 đến 24 giờ, sau đó từ từ biến mất, cho dù có được điều trị hay không. Người bệnh có thể chỉ bị một cơn Gout trong đời hoặc vài năm một lần. Các cơn Gout tái phát không được điều trị có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp, kéo dài và ngày càng nghiêm trọng theo thời gian. Một số người sẽ phát triển tophi, một khối lớn tinh thể urat hình thành trong các mô mềm hoặc xương xung quanh khớp và có thể xuất hiện dưới dạng cục cứng.

Các đối tượng có nguy cơ bị bệnh Gout cao

Các đối tượng có nguy cơ bị bệnh Gout cao có thể là:

  • Nam giới: Bệnh Gout thường được coi là bệnh của nam giới. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh Gout đã tăng lên ở cả hai giới, nhưng ở những người bệnh dưới 65 tuổi, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với nữ.
  • Nữ giới sau sinh.
  • Người cao tuổi.
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh Gout.

Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh Gout của một người còn xuất phát từ thói quen:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu purin, bao gồm thịt đỏ và một số loại cá, đặc biệt là sò điệp, cá mòi và cá ngừ.
  • Ăn thực phẩm và đồ uống được làm ngọt bằng xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao hoặc uống quá nhiều rượu, đặc biệt là bia.
  • Thừa cân, khiến cơ thể sản xuất nhiều axit uric hơn và khó đào thải nó hơn.
  • Mắc một số bệnh mãn tính, bao gồm đái tháo đường, béo phì và bệnh tim, thận.
  • Dùng thuốc huyết áp cao, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta.
  • Có sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật. Hệ vi sinh vật có liên quan đến hầu hết các bệnh viêm nhiễm, bao gồm cả viêm khớp.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Gout

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với người mắc bệnh Gout. Hãy nhớ rằng những gì bạn ăn có thể ảnh hưởng đến lượng axit uric mà cơ thể bạn sản xuất.

Không có chế độ dinh dưỡng nào cho người bệnh Gout có thể ngăn chặn hoàn toàn các đợt bùng phát bệnh, nhưng một chế độ ăn kiêng tốt sẽ giúp người bệnh:

  • Đạt được cân nặng lý tưởng
  • Thiết lập và duy trì thói quen ăn uống tốt
  • Hạn chế thực phẩm chứa purin

Bạn nên tránh những thực phẩm nào khi bị bệnh Gout?

1. Đường và thực phẩm chứa nhiều fructose

  • Hạn chế những sản phẩm trong thành phần có siro ngô có hàm lượng fructose cao (high-fructose corn sirup, HFCS): nước ngọt, nước tăng lực, fast food, sữa chua trái cây ngọt, một số loại ngũ cốc chế biến sẵn.
  • Hạn chế các loại trái cây có nhiều đường fructose như táo, lê, xoài, dưa hấu và trái cây sấy khô.
  • Tránh hoặc hạn chế nước ép trái cây.
  • Hạn chế các loại bánh kẹo ngọt, kem, chè.

2. Rượu bia

3. Thịt đỏ và nội tạng

  • Hạn chế thịt đỏ (thịt heo, bò, cừu,…), thịt các loại thú hoang dã (heo rừng,…)
  • Không dùng nội tạng (gan, tim, cật,…), óc, lưỡi,…

4. Một số loại cá và hải sản

Cần hạn chế một số loại cá và hải sản, đặc biệt là tôm, tôm hùm, sò, cá mòi, cá cơm, v.v.

Bạn có thể ăn gì khi bị bệnh Gout?

1. Thực phẩm giàu vitamin C

  • Chọn các loại trái cây ít ngọt và giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, kiwi, dâu tây,…
  • Ớt chuông ngọt, bông cải xanh, súp lơ trắng, cà chua,…

2. Thực phẩm có hàm lượng purin thấp (ví dụ: ngũ cốc nguyên hạt, rau, protein từ thực vật như các loại hạt và các loại đậu)

  • Sữa không béo và ít béo và các sản phẩm từ loại sữa này (phô mai, sữa chua).
  • Thực phẩm giàu protein từ thực vật như các loại đậu và các loại hạt.
  • Cơm, khoai tây, bánh mì và mì ống nguyên hạt, gạo, khoai tây.
  • Các loại rau.
  • Trứng (ở mức độ vừa phải).
  • Có thể dùng lượng vừa phải các loại thịt gia cầm.

3. Nước

Chú ý uống đủ nước để giúp bài tiết axit uric ra nước tiểu.

Dịch vụ khám chữa bệnh Gout tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Người bệnh khi xuất hiện cơn Gout cấp cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình chỉ định điều trị thuốc như thuốc giảm đau, kháng viêm, các loại thuốc giảm đau kháng viêm không steroid,… Giai đoạn này người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động.

Sau khi cơn viêm cấp qua đi, người bệnh được theo dõi, điều trị làm hạ và duy trì nồng độ acid uric trong máu ở mức cho phép bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Với thế mạnh là bệnh viện đầy đủ các chuyên khoa và chuyên khoa chuyên sâu, khoa Chấn thương Chỉnh hình bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn được đầu tư các trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ được đào tạo trong nước và nước ngoài, chuyên thực hiện chẩn đoán, điều trị các bệnh lý về cơ – xương – khớp & thần kinh, thường gặp như viêm khớp, thoái hoá khớp, dị tật, chấn thương các chi, bệnh Gout,…

Ngoài ra, Phòng Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng được trang bị đầy đủ trang thiết bị kết hợp với sự hướng dẫn của chuyên gia sẽ giúp người bệnh phục hồi tốt hơn sau phẫu thuật. Đến nay, Khoa đã triển khai được hầu hết các loại hình phẫu thuật chuyên sâu như thay khớp, nội soi khớp, phẫu thuật vi phẫu, kết hợp xương, chuyển gân… đặc biệt thay hai khớp cùng lúc giúp người bệnh đảm bảo chất lượng cuộc sống và giảm chi phí điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp kiểm tra sự phục hồi chức năng của người bệnh sau phẫu thuật

Bác sĩ chuyên khoa Cơ Xương Khớp kiểm tra sự phục hồi chức năng của người bệnh sau phẫu thuật

Để đặt lịch khám và điều trị Cơ Xương Khớp với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, người bệnh vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY.

Tham khảo “Dinh dưỡng cho người Bệnh Gout” tại đây.

————————

Nhấn “Đăng ký” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe tại đây.

Chat với chúng tôi: m.me/HoanMySaiGon

Liên hệ với BV Hoàn Mỹ Sài Gòn

Fanpage: www.facebook.com/HoanMySaiGon/

Website: www.hoanmysaigon.com