Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Chế độ ăn giúp tăng cân hiệu quả cho người suy dinh dưỡng

09/04/2024

Suy dinh dưỡng (malnutrition) là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, thường gặp nhất là sự thiếu hụt năng lượng, đạm, vitamin và các chất khoáng. Hậu quả của việc cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng là sự suy giảm hoạt động của các cơ quan.

Nguyên nhân suy dinh dưỡng

Nguyên nhân suy dinh dưỡng hầu hết xuất phát từ ngoại cảnh như hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế, thói quen ăn uống và sinh hoạt gây nên. Suy dinh dưỡng thường là hậu quả của các vấn đề sau:

  • Bữa ăn không đủ về số lượng và chất lượng các dưỡng chất như đạm, béo,..
  • Tình trạng suy giảm các giác quan (vị giác, khứu giác, thị giác), mất răng, nuốt khó ở người già
  • Bệnh lý đường tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy kéo dài, viêm loét đại tràng làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn hoặc hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy gan, bệnh thận mạn,…
  • Tình trạng sức khỏe tâm thần, sa sút trí tuệ, trầm cảm
  • Một số bệnh lý gây chán ăn, đau dai dẳng hoặc buồn nôn như ung thư, viêm gan,..
  • Bỏng, gãy xương và sau phẫu thuật lớn, do nhu cầu dinh dưỡng tăng lên

Các yếu tố sau đây cũng có thể góp phần gây suy dinh dưỡng:

  • Người già neo đơn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình
  • Những người có xu hướng ăn uống không lành mạnh, không đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất hoặc ăn kiêng khem quá mức trong thời gian dài
  • Nghiện rượu hoặc ma túy
Những yếu tố về đời sống, bệnh lý thể chất, tinh thần có thể gây suy dinh dưỡng

Hình 1: Những yếu tố về đời sống, bệnh lý thể chất, tinh thần có thể gây suy dinh dưỡng

Dấu hiệu suy dinh dưỡng ở người lớn

Suy dinh dưỡng thường khó nhận biết và ít khi được phát hiện ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của suy dinh dưỡng ở người lớn bao gồm:

  • Chán ăn
  • Sụt cân ngoài ý muốn
  • Giảm khối cơ, mỡ
  • Mệt mỏi, kém vận động
  • Da khô, tóc yếu, dễ rụng
  • Dễ cáu gắt, tâm trạng thất thường, khó tập trung, lo âu
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm trùng tái phát, vết thương lâu lành

Hậu quả suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng các biến chứng và trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Cụ thể:

  • Suy dinh dưỡng gây teo cơ, giảm khả năng vận động, làm việc, nấu ăn và tự chăm sóc.
  • Sinh sản: Suy dinh dưỡng làm giảm khả năng sinh sản, suy dinh dưỡng bào thai và các bệnh lý cho trẻ sau này như bệnh đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ ở trẻ sau này.
  • Khả năng tập trung giảm sút: Thiếu dinh dưỡng có thể dẫn đến cảm giác uể oải, cáu kỉnh
  • Giảm khả năng miễn dịch, chữa lành vết thương và chống nhiễm trùng.

Chế độ ăn phục hồi dinh dưỡng

  • Bữa ăn cần đủ nhu cầu và đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm chất

Nhóm bột đường (cơm, bún, mì, khoai, bắp,… ) cung cấp năng lượng chính cho hoạt động hàng ngày.

Chất béo (dầu thực vật, các loại hạt, cá béo, trứng, sữa, bơ…) rất giàu năng lượng, là dung môi hòa tan các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K, nên bổ sung thực phẩm giàu chất béo tốt như: các loại hạt, cá hồi, dầu olive,…

Chất đạm: thịt, cá, gia cầm, trứng, sữa, các loại đậu,…  là thành phần dinh dưỡng quan trọng cho việc hình thành và xây dựng khối cơ. Bữa ăn cần cân đối đạm động vật (trứng, thịt, cá, sữa,…) và đạm thực vật (đậu hũ, các loại đậu) sẽ giúp tăng trọng lượng cơ thể hiệu quả.

Vitamin và khoáng chất có trong rau và trái cây tươi, giúp tăng cường hệ miễn dịch và chuyển hóa các chất trong cơ thể.

Bữa ăn cần đủ nhu cầu và đa dạng thực phẩm

Hình 2: Bữa ăn cần đủ nhu cầu và đa dạng thực phẩm

  • Ăn đủ bữa chính và ăn thêm bữa phụ:

Không nên bỏ bữa, ngoài 3 bữa chính, cần ăn thêm 2 – 3 bữa phụ giàu dinh dưỡng mỗi ngày sẽ giúp tăng cân hiệu quả. Nên chọn bữa phụ lành mạnh và dinh dưỡng như: sữa, sữa chua, trứng, các loại hạt, trái cây,..

Thói quen sinh hoạt lành mạnh

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người suy dinh dưỡng cũng cần điều chỉnh để có được thói quen sinh hoạt lành mạnh và điều độ, giúp ăn ngon, giấc ngủ sâu và khỏe mạnh hơn.

  • Tập thể dục

Tập thể dục vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, cơ bắp săn chắc, vừa kích thích sự thèm ăn giúp ăn được đầy đủ và ngon miệng hơn, đồng thời giúp giảm bớt căng thẳng. Tùy theo tình trạng sức khỏe, nên tập thể dục từ 30 – 60 phút mỗi ngày, 3 – 5 ngày/tuần.

  • Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với con người, giúp cân bằng cuộc sống, tinh thần thoải mái và phục hồi cơ thể. Ngủ đủ giấc và ngủ sâu cũng có tác dụng trong việc phục hồi sức khỏe. Một người trưởng thành nên ngủ từ 6 – 8 tiếng một ngày.

  • Hạn chế các chất kích thích

Cần hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, nước có gas,… gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Mỗi người có một thể trạng khác nhau, không có bất kỳ chế độ dinh dưỡng chung nào phù hợp với tất cả mọi người. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để được khám, tư vấn và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng người.

Giới thiệu chuyên khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là đơn vị chuyên khám, phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan đến Dinh dưỡng phù hợp với từng bệnh lý, độ tuổi và nghề nghiệp của mỗi cá nhân.

Với đội ngũ Bác sĩ và Chuyên viên tiết chế nhiều năm công tác trong lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng, giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn, tận tâm và trách nhiệm mang đến cho người bệnh sự an tâm, tin tưởng khi đến khám, tư vấn và điều trị.

Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tự hào là địa chỉ tin cậy trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Chuyên viên dinh dưỡng tư vấn cho người bệnh

Hình 3: Chuyên viên dinh dưỡng tư vấn cho người bệnh

THAM KHẢO

  • Chế độ ăn phòng ngừa suy dinh dưỡng tại đây.
  • Dinh dưỡng ngày Tết cho người Đái tháo Đường tại đây.
  • Mẹ bầu cần lưu ý về Dinh dưỡng thai kỳ tại đây.
  • Bác sĩ khuyến cáo chế độ dinh dưỡng để tránh các Bệnh lý tiêu hóa thường gặp trong ngày Tết tại đây.