Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Cấp cứu ngưng tim đúng cách không để lại di chứng

25/04/2024

Ngưng tim là tình trạng y tế khẩn cấp, cần cấp cứu kịp thời và đúng cách để ngăn chặn nguy cơ tử vong. Mỗi người cần chủ động tìm hiểu và tự học kỹ thuật sơ cấp cứu ngưng tim phòng trường hợp người thân gặp tình trạng nguy hiểm trên. Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn theo dõi bài viết sau đây để biết về cách cấp cứu ngưng tim.

Ngưng tim là gì?

Ngưng tim là hiện tượng tim đột nhiên ngừng hoạt động co bóp và bơm máu đi nuôi cơ thể. Máu không lưu thông, ngưng cung cấp máu và oxy sẽ khiến não và các cơ quan khác ngừng hoạt động. Người bệnh sẽ bất tỉnh và ngừng thở. Nếu không hồi sức cấp cứu kịp thời thì người bệnh có thể tử vong.

Ngưng tim có thể khởi phát đột ngột mà không có dấu hiệu cảnh báo. Một số trường hợp khác, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng trước khi ngừng tim như cảm thấy đau tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều.

Các nguyên nhân gây ra ngừng tim đột ngột

Nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột thường là do các căn bệnh về tim:

  • Bệnh nhồi máu cơ tim.
  • Rung tâm thất (Ventricular Fibrillation).
  • Bệnh cơ tim, bệnh tim di truyền, bệnh tim bẩm sinh.
  • Bệnh van tim (hở van tim, hẹp van tim).
  • Viêm cơ tim cấp tính do vi khuẩn, virus, độc tố vi khuẩn, do thuốc, do các chất độc.

Bên cạnh đó, một trái tim khỏe mạnh cũng có thể ngưng tim bởi các nguyên nhân như:

  • Tai nạn điện giật, đuối nước, đa chấn thương hoặc sốc phản vệ.
  • Uống thuốc quá liều, ngộ độc ma túy, nhiễm trùng nhiễm độc do thức ăn.
  • Sốc giảm thể tích gây xuất huyết nặng.
  • Trong môi trường sụt giảm nồng độ oxy nghiêm trọng khiến người thiếu oxy.
  • Chạy bộ quá sức, quá giới hạn chịu đựng (tỷ lệ cực thấp, thuộc trường hợp hiếm).

Nhận biết một bệnh nhân ngưng tim

Nhận biết người bệnh bị ngưng tim thông qua các dấu hiệu sau:

  • Ngừng thở.
  • Hôn mê bất tỉnh, không lay gọi được.
  • Lồng ngực không chuyển động (áp sát không nghe tiếng nhịp tim).
  • Không có mạch đập ở cổ, cổ tay.
  • Mất ý thức, không có phản hồi khi bị kích thích đau.

Hướng dẫn cấp cứu ngưng tim đúng quy trình

Thực hiện hồi sức ép tim cho người bị ngưng tim

Thực hiện hồi sức ép tim cho người bị ngưng tim

Khi phát hiện người bị ngưng tim, ngay lập tức phải gọi cấp cứu 115 hoặc cấp cứu ngoại viện của cơ sở y tế. Trong thời gian chờ đợi nhân viên y tế, người bệnh cần được sơ cấp cứu bằng cách ép tim và hô hấp nhân tạo. Nếu không thực hiện kịp thời, người bệnh có thể nguy hiểm tính mạng, thậm chí tử vong.

Các bước cấp cứu ngưng tim đúng kỹ thuật:

  • Đặt người bệnh nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, khô ráo. Nếu nạn nhân (té ngã) ở tư thế nằm sấp thì cần cẩn thận lật cả người lại.
  • Người thực hiện ngồi hoặc quỳ ở tư thế vững chắc sát bên hông nạn nhân.
  • Đặt 1 bàn tay lên lồng ngực nạn nhân, ở vị trí ½ dưới xương ức về phía tim. Bàn tay còn lại đặt lên trên cùng chiều và đan các ngón tay vào bàn tay trước đó.
  • Dùng lực của cánh tay và toàn thân trên ấn thẳng xuống bàn tay để ép lồng ngực người bệnh sao cho xương ức lún xuống khoảng 5cm.
  • Nhấc tay lên và tiếp tục ấn mạnh, ép tim lặp lại thật nhanh (khoảng 100 lần/phút).
  • Tiếp theo, ấn trán đẩy đầu nạn nhân ngửa ra sau, nâng cằm người bệnh lên.
  • Dùng tay kẹp chặt mũi nạn nhân, hít lấy hơi dài và áp khít miệng mình vào miệng nạn nhân để thổi hơi vào.
  • Khi thấy lồng ngực phồng lên, thực hiện hà hơi thổi ngạt lần thứ hai.
  • Thực hiện động tác ép tim và hô hấp nhân tạo xen kẽ nhịp nhàng và liên tục, tần số là 30 lần ép tim – 2 lần thổi ngạt và lặp lại.
  • Sau mỗi 2 phút (4 chu kỳ ép tim/thổi ngạt), người cấp cứu có thể dừng lại để kiểm tra nạn nhân đã có mạch đập hoặc nhịp tim chưa.

Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ, khi thực hiện hồi sức ép tim chỉ dùng 2 ngón tay hoặc 1 bàn tay, chú ý giảm lực ép để tránh nứt vỡ xương ngực hoặc bể tim, phổi.

Nếu bạn không có kinh nghiệm thực hiện hồi sức ép tim và hô hấp nhân tạo, thì có thể thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế (thông qua gọi điện) cho đến khi đội cấp cứu có mặt. Khi đó, người bệnh sẽ được chuyển khẩn cấp vào bệnh viện để các bác sĩ xử lý bằng cách đặt ống nội khí quản, khử rung tim bằng máy, gắn máy tạo nhịp tim,…

Cách phòng ngừa ngưng tim

Để phòng ngừa ngưng tim, bạn phải giữ cho trái tim khỏe mạnh. Một số điều cần thực hiện:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
    • Không ăn đồ chiên nướng, nhiều dầu mỡ, cay nóng, nhiều muối, thực phẩm chế biến sẵn.
    • Hạn chế uống rượu bia, đồ uống có cồn.
    • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.
    • Ăn thức ăn tốt cho tim mạch như cá hồi, cà chua, các loại đậu và hạt, quả bơ, nho, lựu…
  • Có lối sống, sinh hoạt khoa học
    • Không hút thuốc lá.
    • Thường xuyên tập thể dục, vận động nhẹ nhàng.
    • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
    • Giảm áp lực công việc, tránh căng thẳng, lo âu kéo dài.
    • Không thức khuya, không bỏ bữa.
  • Kiểm tra sức khoẻ và điều trị bệnh
    • Thăm khám định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo cơ thể không gặp vấn đề gì về sức khỏe.
    • Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường ở tim, cần chẩn đoán và điều trị ngay.
    • Kiểm soát bệnh đái tháo đường, điều trị các bệnh lý ở cơ quan khác.

Điều trị ngưng tim tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Ngay khi phát hiện ra người thân (hoặc bản thân) có các dấu hiệu bất thường ở tim như đau tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được hỗ trợ y tế kịp thời. Trong các trường hợp cấp cứu, “thời gian” là yếu tố then chốt để triển khai cấp cứu hiệu quả. Cấp cứu trong thời gian “vàng” sẽ giúp tăng cơ hội cứu sống và giảm thiểu biến chứng cho người bệnh.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trạm cấp cứu 115 thứ 27 tại TP Hồ Chí Minh, là một cơ sở y tế uy tín để người bệnh được cấp cứu kịp thời và điều trị ngưng tim thành công trong thời gian “vàng”. Khoa Cấp cứu, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sở hữu hệ thống xe cứu thương có trang thiết bị y tế chuyên dụng với quy trình xuất xe trong vòng 3 – 5 phút, ngay sau khi nhận điều phối từ tổng đài; hoạt động 24/7. Bên cạnh hệ thống trang thiết bị hiện đại như máy sốc điện, máy thở, máy lọc máu cấp cứu, siêu âm tại giường, bệnh viện xây dựng đội ngũ cấp cứu phản ứng nhanh được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp giúp xử lý mọi tình huống cấp cứu ngoại viện, nội viện hiệu quả. Kết hợp với các chuyên khoa sâu như Tim mạch, Nội thần kinh, đội phản ứng nhanh lập tức kích hoạt quy trình Code Blue, code STEMI, …phù hợp cho từng tình huống khẩn cấp như ngưng tim ngưng thở, đột quỵ, và tai nạn giao thông, giúp người bệnh hồi sinh hiệu quả.

Sau khi người bệnh hồi phục nhịp tim, các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch – Cấp cứu sẽ đánh giá nguy cơ – nguyên nhân gây ngưng tim. Một số xét nghiệm chẩn đoán được chỉ định như: siêu âm tim, điện tâm đồ (ECG), chụp mạch số hoá xoá nền (DSA-Digital Subtraction Angiography), chụp X-quang phổi, kiểm tra gắng sức, thông tim…

Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh lý tim mạch, các bác sĩ chỉ định thực hiện các phương pháp điều trị thích hợp. Một số kỹ thuật được áp dụng để điều trị ngưng tim như:

  • Duy trì thở máy cho người bệnh.
  • Cho sử dụng thuốc an thần để ngủ sâu, hạ nhiệt độ cơ thể nhằm bảo vệ não.
  • Can thiệp đặt stent phủ thuốc nong mạch vành, tái thông động mạch bị tắc.
  • Gắn máy tạo nhịp tim hoặc đặt máy khử rung tim cấy ghép (ICD – Implantable Cardioverter Defibrillator) theo dõi nhịp tim.
  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
  • Đốt đường dẫn truyền phụ trong tim.
  • Phẫu thuật tim điều trị đối với người bị dị tật tim bẩm sinh, bệnh van tim, cơ tim…

Nhờ các phương pháp điều trị tích cực, người bệnh sẽ nhanh ổn định, hồi phục sức khoẻ và xuất viện sớm.

Ekip Can thiệp đặt stent phủ thuốc nong mạch vành, tái thông động mạch bị tắc

Ekip Can thiệp đặt stent phủ thuốc nong mạch vành, tái thông động mạch bị tắc

Mặt khác, để bảo vệ sức khỏe tim mạch, mỗi người cần chủ động thăm khám, tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu tim mạch bất thường. Đặc biệt như nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, cơ tim, động mạch vành,… Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn được đầu tư hệ thống trang thiết bị kỹ thuật cao hiện đại như siêu âm tim, máy DSA, MRI, CT… cho phép thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất. Quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng, có kết quả chuẩn xác để điều trị hiệu quả hơn.

Các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ tim mạch bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cộng đồng nhằm cung cấp được nhiều kiến thức bổ ích như: cấp cứu ngưng tim ngưng thở, sơ cứu choáng ngất, sơ cứu ngạt khí gas, hoả hoạn, sơ cứu vết bỏng, sơ cứu gãy xương, chấn thương trật khớp, bong gân,… Với mong muốn giúp người dân nắm được kĩ năng sơ cấp cứu tức thời trong các tình huống tai nạn thường gặp trong cuộc sống.

Đăng ký khám và điều trị các bệnh lý tim mạch ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Khoa Cấp cứu hoạt động 24/7. Hotline: (028) 3995 9860.

Tham khảo:

  • Câu lạc bộ Sức khỏe Hoàn Mỹ