Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Cẩn thận táo bón lâu ngày là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng

22/01/2024

Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu Globocan 2020, ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với tỷ lệ ca mắc mới đang ngày càng gia tăng. Năm 2020, Việt Nam có hơn 16.000 ca bị ung thư đại trực tràng, trong đó hơn 8.200 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong của ung thư đại trực tràng khá cao và hiện có xu hướng trẻ hoá.

Mỗi người nên chủ động thăm khám và tầm soát ung thư đại trực tràng để chẩn đoán sớm và kịp thời điều trị, giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi. Đặc biệt, các bạn cần cẩn thận triệu chứng táo bón lâu ngày là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng là gì?

Đại tràng còn được gọi là ruột kết, ruột già, là phần gần cuối của hệ tiêu hoá, trực tràng nối đại tràng với hậu môn. Ung thư đại trực tràng (colorectal cancer) là tình trạng tăng sinh bất thường ở niêm mạc đại trực tràng (hay tuyến polyp), tế bào ác tính sẽ hình thành trong các mô đại trực tràng. Các tổn thương sẵn có ở đại tràng và trực tràng cũng có khả năng gây nên ung thư đại trực tràng.

Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng

Theo các chuyên gia, một số yếu tố nguy cơ dưới đây có thể là nguyên nhân dẫn đến ung thư đại trực tràng.

  • Yếu tố di truyền: Khoảng 5 – 10% các trường hợp mắc ung thư đại trực tràng thừa hưởng gen di truyền từ gia đình có người mắc bệnh polyp hoặc ung thư đại trực tràng. Các hội chứng di truyền như bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Lynch, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Gardner.
  • Tổn thương tiền ung thư: Viêm loét đại trực tràng chảy máu, viêm đường ruột, polyp đại tràng, bệnh Crohn,…
  • Chế độ dinh dưỡng: Một số thực phẩm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng như thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, cừu), thịt chế biến sẵn (lạp xưởng, xúc xích, thịt hộp, thịt hun khói), các món chiên nướng, đồ muối, mỡ động vật… Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng, thiếu chất xơ, canxi và các vitamin, khoáng chất cũng là yếu tố nguy cơ.
  • Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia và đồ uống có cồn là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên các loại ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng.
  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân hoặc béo phì tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ở nam giới. Béo phì cũng làm tăng khả năng tử vong khi mắc ung thư.
  • Lối sống kém khoa học: Ít hoạt động, thức khuya cũng có khả năng tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
  • Người lớn tuổi: Người từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao.

Các yếu tố nguy cơ ở trên không hoàn toàn là nguyên nhân dẫn đến ung thư đại trực tràng, bởi có một số trường hợp mắc ung thư đại trực tràng nhưng không thuộc yếu tố nào.

Dấu hiệu ung thư đại trực tràng cần thăm khám

Ung thư đại trực tràng thường ít gây ra triệu chứng, nhưng nếu bạn xuất hiện một số dấu hiệu sau, cần thăm khám ngay:

  • Rối loạn tiêu hóa: Một số dấu hiệu rối loạn kéo dài như khó tiêu, chướng bụng, đau tức râm ran vùng bụng, đau quặn bụng, ăn không ngon.
  • Có vấn đề với việc đại tiện: Đau buốt khi đi ngoài, mót rặn, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng.
  • Sự bất thường khi bài tiết phân: Phân mỏng dẹt hoặc hình lá lúa, phân nát, phân sẫm màu, lẫn máu hoặc nhầy.
  • Giảm cân và suy nhược: Sụt cân bất thường, cơ thể mệt mỏi, suy nhược có thể là biểu hiện của bệnh ung thư đại trực tràng.
  • Dấu hiệu ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn: nổi u bướu dưới da bụng, bụng to dần, vàng da,…

Những dấu hiệu ở trên có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác như bệnh trĩ, nhiễm trùng, viêm loét đại trực tràng,… Để xác định được là bệnh lý hay ung thư thì người bệnh cần thăm khám sớm để có chẩn đoán chính xác. Ngay cả khi chưa xuất hiện triệu chứng, mỗi người cũng cần chủ động tầm soát để kịp thời phát hiện ung thư đại trực tràng.

Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng

Dựa vào giai đoạn ung thư đại trực tràng và tình trạng sức khoẻ bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng như sau:

1. Thủ thuật cắt bỏ polyp đại – trực tràng

Đối với trường hợp tổn thương tiền ung thư như polyp, thường sẽ được chỉ định cắt bỏ polyp. Thủ thuật được thực hiện trong quá trình nội soi đại trực tràng. Các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ cắt đốt dạng thòng lọng kết nối với máy nội soi đại trực tràng để cắt bỏ polyp. Có thể cầm máu ngay trong lòng ruột. Phương pháp này không gây đau như phẫu thuật và giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u đại trực tràng, có thể bằng cách phẫu thuật hở hoặc phẫu thuật nội soi ổ bụng. Có trường hợp ít gặp hơn, người bệnh được thực hiện thủ thuật mở thông đại trực tràng ra bên ngoài ổ bụng. Cách làm này giúp đưa chất thải tạm ra ngoài qua lổ mở tiêu hóa ra da.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế tái phát ung thư đại trực tràng, phẫu thuật cần kết hợp cùng với phương pháp khác như hoá trị, xạ trị ở những giai đoạn phát hiện tương đối muộn.

3. Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc hóa chất cho người bệnh nhằm tiêu diệt những tế bào ung thư. Có thể thực hiện hoá trị thông qua đường truyền tĩnh mạch hoặc uống các loại thuốc viên nang, viên nén. Người bệnh ung thư đại trực tràng có thể được tiến hành hoá trị và xạ trị để giảm kích thước khối u trước khi thực hiện phẫu thuật hoặc bổ túc sau phẫu thuật nhằm tăng hiệu quả điều trị.

4. Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ thường chỉ định xạ trị thu nhỏ khối u trực tràng trước khi phẫu thuật, hoặc sau khi phẫu thuật vẫn thực hiện xạ trị để loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư vẫn còn sót lại.

5. Điều trị đích

Điều trị đích là liệu pháp sử dụng một số loại thuốc trúng đích như panitumumab, cetuximab,  bevacizumab… nhằm ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư đại trực tràng. Có thể kết hợp điều trị đích với hoá trị khi điều trị ung thư giai đoạn di căn, tái phát.

6. Điều trị miễn dịch

Điều trị miễn dịch bằng cách dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của người bệnh, giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u, làm chậm quá trình di căn. Liệu pháp này được sử dụng khi phương pháp hoá trị không hiệu quả với người bị ung thư đại trực tràng.

Gói tầm soát ung thư đại trực tràng ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Phần lớn những trường hợp bị ung thư đại trực tràng đều bắt nguồn từ các polyp phát triển bất thường ở niêm mạc. Phát hiện sớm và loại bỏ những polyp giúp ngăn chặn polyp phát triển thành ung thư đại trực tràng.

Tầm soát ung thư đại trực tràng là cách tốt nhất nhằm phát hiện các polyp và ung thư giai đoạn sớm, giúp việc điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ chữa khỏi. Các bác sĩ khuyến cáo, ngay cả khi không xuất hiện dấu hiệu bất thường, những người trên 40 tuổi cũng cần tầm soát ung thư đại trực tràng theo định kỳ.

Nội soi đại trực tràng

Nội soi đại trực tràng

Gói tầm soát ung thư đại trực tràng tại bệnh viện Hoàn Mỹ được thiết kế khoa học, được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, sử dụng máy móc hiện đại và phương pháp tiên tiến bậc nhất để cho ra chẩn đoán chính xác.

Người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm phân, nội soi đại trực tràng không đau, chẩn đoán hình ảnh bằng cách chụp CT scan, MRI,… Các phương pháp tầm soát đều thực hiện nhanh chóng, không gây tổn thương, cho kết quả chuẩn xác, kịp thời phát hiện những tổn thương trong đại trực tràng như viêm, loét, polyp, ung thư,…

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khuyến cáo người sau 45 tuổi nên chủ động tầm soát ung thư đại trực tràng mỗi 2-3 năm/lần hoặc bất kỳ khi nào có triệu chứng bất thường. Trong quá trình tầm soát bằng phương pháp nội soi không đau, có thể kết hợp cắt bỏ polyp để ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.

Tầm soát để phát hiện sớm ung thư là cách tốt nhất giúp điều trị kịp thời, tăng tỷ lệ chữa khỏi, giảm nguy cơ tử vong do ung thư đại trực tràng. Hãy sắp xếp lịch hẹn tầm soát ngay bạn nhé!

Đặt hẹn tại đây: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/