Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Các loại tắc ruột thường gặp: Nguyên nhân và cách điều trị

09/10/2023

Tắc ruột là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng khoang bụng, thủng ruột,…. Bệnh tắc ruột nguy hiểm như thế nào? Bài viết của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ giúp bạn hiểu trọn vẹn căn bệnh tắc ruột, nguyên nhân tắc ruột và cách điều trị phù hợp.

Hội chứng tắc ruột là gì?

Tắc ruột (tiếng Anh là bowel obstruction hoặc intestinal obstruction) là tình trạng tắc nghẽn khiến thức ăn hoặc chất lỏng không thể đi qua ruột non hoặc ruột già (đại tràng). Nguyên nhân gây tắc ruột có thể bao gồm các dải mô xơ (dính) ở bụng hình thành sau phẫu thuật, thoát vị, ung thư ruột kết, dùng một số loại thuốc, hoặc hẹp do viêm ruột do một số tình trạng nhất định, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm túi thừa.

Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn khiến thức ăn hoặc chất lỏng không thể đi qua ruột

Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn khiến thức ăn hoặc chất lỏng không thể đi qua ruột

Những nguyên nhân gây tắc ruột

Tắc ruột cơ năng

Tắc ruột cơ năng là tình trạng tắc ruột do liệt ruột, xảy ra khi nhu động ruột ngừng hoạt động, dẫn đến cản trở quá trình lưu thông hơi và dịch tiêu hóa, thức ăn trong lòng ruột. Tình trạng này xảy ra phổ biến nhất sau khi phẫu thuật bụng. Tùy theo diễn biến bệnh mà ta có thể phân loại thành tắc ruột cấp tính hoặc bán cấp tính, tắc ruột hoàn toàn hay không hoàn toàn.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột cơ năng là:

  • Phẫu thuật bụng

Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Viêm nhiễm trong và sau phúc mạc (ví dụ, viêm ruột thừa, viêm túi thừa, loét tá tràng có thủng)
  • Tụ máu trong và sau phúc mạc (ví dụ, do vỡ phình động mạch chủ bụng, chấn thương bụng bằng vật tày)
  • Rối loạn chuyển hóa (ví dụ, hạ kali huyết)
  • Thuốc (ví dụ: thuốc phiện, thuốc kháng cholinergic, đôi khi là thuốc chẹn kênh canxi)
  • Đôi khi bệnh ở thận hoặc ở lồng ngực (ví dụ, gãy xương sườn dưới, viêm thùy dưới phổi, nhồi máu cơ tim)
  • Rối loạn nhu động dạ dày và nhu động đại tràng sau khi phẫu thuật bụng là phổ biến.
Tắc ruột cơ năng là tình trạng tắc ruột do liệt ruột

 Tắc ruột cơ năng là tình trạng tắc ruột do liệt ruột

Tắc ruột cơ học

Trong khi đó, tắc ruột cơ học là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ trong ruột. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ điểm nào dọc theo đường ruột nhưng phổ biến hơn ở ruột non. Ruột non là phần trên của ruột và ruột già là phần dưới.

Khi ruột bị tắc, thức ăn và chất lỏng không thể đi qua được. Theo thời gian, thức ăn, chất lỏng, khí tích tụ trong lòng ruột làm tăng áp lực và gây đau đớn. Một số vật cản, khi không được điều trị, có thể làm tắc dòng máu đến ruột. Điều này dẫn đến chết mô ruột và gây bệnh nghiêm trọng. Khoảng 85% tắc ruột non một phần được giải quyết bằng điều trị không phẫu thuật, trong khi khoảng 85% tắc ruột non hoàn toàn cần phẫu thuật.

Thông thường, tắc ruột non có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân:

  • Thoát vị – một phần của ruột chọc qua thành bụng, ép ruột lại gây tắc ruột
  • Vật lạ trong ruột
  • Phần lớn phân bị mắc kẹt trong trực tràng
  • Xoắn ruột (Volvulus)
  • Lồng ruột – khi ruột chui vào trong lòng ruột khác, nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em

Triệu chứng tắc ruột thường gặp

Tắc ruột non gây ra các triệu chứng ngay sau khi khởi phát:

  • Đau bụng, đặc biệt là ở vùng bụng trên và xung quanh rốn
  • Bí trung (tiện), đại tiện
  • Nôn ói
  • Tiêu chảy – nếu ruột bị tắc một phần

Trong khi đó, các triệu chứng tắc ruột già xuất hiện dần dần. Người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng sau:

  • Táo bón kéo dài, từ đó không thể đi tiêu hoặc trung tiện
  • Đầy hơi
  • Bụng chướng
  • Nôn ói

Tuy nhiên, trong một số trường hợp tắc ruột già có thể gây đau đột ngột liên tục. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tắc ruột.

Tắc ruột non và già đều có những triệu chứng khác nhau

Tắc ruột non và già đều có những triệu chứng khác nhau

Điều trị tắc ruột

Khi người bệnh được nghi ngờ bị tắc ruột, các bác sĩ sẽ tiến hành làm một số các xét nghiệm hình ảnh cần thiết để chẩn đoán bệnh như:

  • X-quang bụng
  • Siêu âm
  • CT scan bụng

Vì tắc ruột có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, do đó người bệnh cần nhịn ăn uống và nhập viện để được hỗ trợ y tế:

  • Truyền dịch để ngăn chặn tình trạng mất nước
  • Đặt ống thông mũi dạ dày để thoát dịch và điều trị dạ dày lật ra ngoài
  • Kháng sinh tiêm tĩnh mạch chống nhiễm trùng

Trong tình huống xấu, các bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để:

  • Loại bỏ mô sẹo, khối u, vật lạ và các nguyên nhân gây tắc nghẽn ruột
  • Điều trị giải phóng thoát vị
  • Loại bỏ mô bị hoại tử
Kế hoạch điều trị tắc ruột phụ thuộc vào vị trí và nguyên nhân gây bệnh

Kế hoạch điều trị tắc ruột phụ thuộc vào vị trí và nguyên nhân gây bệnh

Chế độ ăn trong và sau điều trị tắc ruột

Sau khi điều trị tắc ruột và tình trạng bệnh ổn định, hệ tiêu hóa còn rất yếu, người bệnh chỉ nên:

  • Ăn những thức ăn dễ tiêu, thức ăn lỏng như: cháo loãng, canh, phở, mì… nên ăn những thức ăn đã được hầm và phải chín kỹ, nhai kỹ.
  • Uống nhiều nước lọc và nước trái cây không cặn
  • Ăn nhiều sữa chua sẽ giúp tiêu hóa thức ăn
  • Nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ăn quá no
  • Ăn nhiều rau củ, trái cây tốt cho đường ruột như khoai lang, bí, khoai tây, cà rốt, củ cải, rau bina, nấm…
  • Ăn nhiều trái cây tốt cho đường ruột như đu đủ chín, chuối chín, dưa hấu…
  • Ăn các loại thịt động vật không có chất xơ như thịt cừu, thịt lợn, thịt bò, cá…
  • Uống sữa không đường…
Người bệnh cần tham khảo chế độ ăn phù hợp trong và sau điều trị tắc ruột

Người bệnh cần tham khảo chế độ ăn phù hợp trong và sau điều trị tắc ruột

Khám và điều trị tắc ruột tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tắc ruột tưởng chừng như là một căn bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát, thế nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tắc ruột có thể gây nên các biến chứng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy đa cơ quan, sốc giảm thể tích, nhiễm trùng nhiễm độc, hội chứng ruột ngắn sau khi cắt đoạn dài ruột non do xoắn ruột, hoại tử ruột, thủng ruột gây viêm phúc mạc.

Vì thế, khi có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, chướng bụng, không đi tiêu được, đặc biệt ở người lớn tuổi, người gầy, phụ nữ sinh con nhiều (lần) nên tới ngay cơ sở khám chữa bệnh Tiêu hóa gần nhất để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhằm tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, đe dọa tính mạng người bệnh.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là một trong những bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa và chuyên khoa sâu, trong đó nổi bật là triển khai các điều trị kỹ thuật cao tại khoa Tiêu hoá. Với đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cao, người bệnh sẽ được thăm khám, xét nghiệm, siêu âm, chụp CT bụng và điều trị tắc ruột kịp thời giúp rút ngắn thời gian nằm viện.

Để được tư vấn chi tiết về bệnh tắc ruột, bạn vui lòng đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn hoặc đăng ký khám Tiêu hóa TẠI ĐÂY.

Khám và điều trị tắc ruột tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

————————

Nhấn “Đăng ký” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe tại: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial

Chat với chúng tôi: m.me/HoanMySaiGon

Đăng ký khám: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/

Liên hệ với BV Hoàn Mỹ Sài Gòn:

Fanpage: www.facebook.com/HoanMySaiGon/

Website: www.hoanmysaigon.com