Trẻ mắc dị vật trong mũi là trường hợp các em nhỏ, thường trong độ tuổi mẫu giáo, bị mắc các các đồ vật nhỏ như pin, khuy áo, hạt đậu, dây thun, đồ chơi… trong mũi hoặc có thể do sơ suất, chấn thương khiến dị vật mắc lại trong mũi trẻ.
Những lúc như thế, cả trẻ và phụ huynh có thể sẽ rất hoảng loạn, và nếu không bình tĩnh xử trí đúng cách sẽ có thể làm cho tình hình nghiêm trọng hơn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cùng Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu những cách xử trí đúng đắn khi trẻ bị mắc phải dị vật trong mũi nhé.
Trẻ mắc dị vật mũi là gì?
Trẻ em thường nhét các đồ vật trong mũi khi chúng cảm thấy nhàm chán, tò mò hoặc bắt chước những đứa trẻ khác. Theo ThS.BS. Lâm Lê Phương – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, dị vật mũi là vấn đề thường gặp trong cấp cứu Tai Mũi Họng, đặc biệt ở trẻ em. Các trường hợp dị vật trong mũi và khoang mũi không nghiêm trọng và có thể trì hoãn việc lấy dị vật. Tuy nhiên, một số vật tắc trong mũi có khả năng di chuyển xuống miệng và có nguy cơ bị nuốt phải, thậm chí bị hít vào đường thở gây dị vật đường thở (những vật bị mắc lại trên đường thở).
Trẻ em thường nhét các đồ vật trong mũi vì nghịch ngợm và tò mò
Mắc dị vật trong mũi có nguy hiểm không?
Hầu hết trường hợp dị vật trong mũi không quá nghiêm trọng nếu xử lý đúng cách, và thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi mẫu giáo. Trẻ nhỏ bắt đầu có khả năng cầm, nắm và nhặt đồ vật từ 9 tháng tuổi nên đã có thể bắt gặp tình trạng dị vật trong mũi của trẻ từ độ tuổi này trở đi.
Tuy nhiên, trong những trường hợp không xử lý kịp thời hoặc xử lý sai cách, dị vật trong mũi có thể gây nhiễm trùng tại chỗ và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm loét mũi, viêm mũi xoang. Có những dị vật nguy hiểm như pin điện tử hoặc những dị vật có chứa hóa chất cần lấy ngay trong vòng 4 giờ, nếu để lâu sẽ gây loét niêm mạc, chảy máu, thủng vách ngăn mũi, gây sẹo co kéo.
Cũng có những trường hợp dị vật trong mũi đi xuống miệng và trẻ sẽ nuốt vào dạ dày, hoặc nguy hiểm hơn, dị vật có thể rớt vào phổi và gây tắc nghẽn đường hô hấp.
Trẻ có thể dùng tay đẩy dị vật vào sâu hơn gây nguy hiểm khó lường
Một số biểu hiện nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi
Dị vật trong mũi gây ra đau hoặc tắc nghẹt mũi ở bên có dị vật, do đó khi mắc phải dị vật, phụ huynh cần chú ý những biểu hiện bất thường ở trẻ như sau:
- Chảy nước mũi một bên: Dị vật mắc kẹt trong đường mũi sẽ kích thích niêm mạc mũi tiết chất nhầy, gây chảy nước mũi. Giai đoạn đầu nước mũi trong, sau đó đục, có mùi hôi. Đôi khi, dị vật còn làm trầy xước niêm mạc trong mũi, dẫn đến chảy máu mũi.
- Chảy máu mũi: Dị vật ở trong mũi gây tổn thương, trầy xước, chảy máu niêm mạc mũi, có thể do dị vật sắc nhọn hoặc trẻ cố sức đẩy mũi, hắt hơi.
- Nghẹt và đau mũi một bên: Khoang mũi thông với phía sau họng miệng, vì thế dị vật trong mũi có thể bị đẩy xuống họng. Những trường hợp này, trẻ nuốt dị vật xuống thường bị tắc gây nghẹt thở. Triệu chứng có thể rất đa dạng bao gồm: rít, ngạt, khó thở, không nói được.
- Sốt và nhiễm trùng: Dị vật trong mũi nếu không được loại bỏ, sau một vài ngày sẽ bắt đầu gây sốt, nhiễm trùng, phù nề, ngạt tắc mũi. Những trường hợp này đa phần dị vật chỉ ở một bên mũi, không gây khó chịu hoặc trẻ còn quá nhỏ để thể hiện chính xác sự khó chịu bản thân gặp phải.
Sốt, chảy mũi, nghẹt mũi cũng có thể là các dấu hiệu của việc trẻ bị mắc dị vật trong mũi
Xử trí đúng cách khi trẻ bị mắc dị vật trong mũi
Bước 1: Ngay khi phát hiện trẻ bị mắc dị vật, việc đầu tiên là cha mẹ phải phải bình tĩnh và tìm cách trấn an trẻ. Cha mẹ tuyệt đối đừng quát nạt sẽ khiến trẻ khóc hoặc hoảng loạn, vô tình tạo điều kiện để dị vật đi sâu hơn.
Bước 2: Cha mẹ đánh giá tình hình mắc dị vật của trẻ. Kiểm tra trực quan sự tắc nghẽn tại mũi hoặc tai của trẻ bằng cách để trẻ nằm im hoặc ngồi ngang tầm mắt bạn, sử dụng đèn pin để quan sát. Xác định vật thể đó là gì và ở vị trí nông hay sâu.
Bước 3: Đối với những dị vật nhìn thấy bằng mắt thường, nằm vị trí ngoài bề mặt, dễ lấy và đủ gần để lấy, trước tiên yêu cầu trẻ lấy hơi thật sâu từ miệng sau đó cha mẹ dùng ngón tay đè bên mũi không đau rồi yêu cầu trẻ xì mạnh. Hoặc cha mẹ hãy thử dùng những dụng cụ hỗ trợ như nhíp để lấy dị vật ra. Đừng dùng tay để lấy dị vật vì có thể sẽ làm dị vật bị kẹt vào sâu hơn.
Bước 4: Nếu cha mẹ đánh giá tình hình dị vật nghiêm trọng như pin cúc áo, kim loại, côn trùng hoặc có hóa chất độc hại, cha mẹ hãy mang bé đến gặp bác sĩ ngay để lấy dị vật mũi bằng các dụng cụ chuyên dụng. Nếu có chảy máu hoặc loét vách ngăn, cuốn mũi sau khi lấy dị vật (do dị vật ăn mòn: pin nút áo…) sẽ được bác sĩ điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, cầm máu…
Bác sĩ sẽ giúp bé lấy dị vật trong mũi một cách an toàn và nhanh chóng
Cách phòng ngừa trẻ mắc dị vật trong mũi
- Tránh các loại đồ chơi viên nhỏ cho trẻ còn quá nhỏ, trẻ dễ tò mò đưa lên miệng hoặc mũi để nuốt hay hít vào.
- Giữ các đồ vật nhỏ, nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ em.
- Chế biến thức ăn dạng mềm, tránh hạt đậu hay thái nhỏ thức ăn cứng vừa khiến trẻ khó nhai nuốt vừa dễ gây dị vật.
- Hãy luôn quan sát trẻ trong lúc con vui chơi để kịp thời ngăn chặn các hành động đưa đồ vật lên miệng, mũi, tai.
- Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể nhẹ nhàng giải thích về chức năng của đường hô hấp và những nguy hiểm có thể gặp phải nếu đưa vật lạ vào trong mũi.
- Ngoài ra, không nên để trẻ vừa ăn vừa chơi hay cười nói trong khi ăn uống để tránh tình trạng sặc dẫn đến các mảnh đồ ăn di chuyển nhầm vào đường hô hấp.
- Cũng có nhiều khi dị vật trong mũi là hậu quả của chấn thương, cha mẹ cần tránh những chấn thương vùng đầu và mũi trẻ. Đây là khu vực nhạy cảm, dễ tổn thương và để lại những hậu quả nặng nề cho sức khỏe của trẻ.
Khám và gắp dị vật trong mũi cho trẻ tại Khoa Nhi – Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Các bác sĩ Khoa Nhi tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã từng tiếp nhận và điều trị thành công cho nhiều trường hợp trẻ bị mắc có dị vật nằm sâu trong hốc mũi. Điển hình là bé trai B.V.T.H. (5 tuổi, cư ngụ tại Bình Chánh, Tp. HCM) có dị vật nằm sâu trong hốc mũi.
Theo lời kể từ gia đình, bé có biểu hiện sổ mũi trái kéo dài hơn 2 tháng và có mùi khá hôi dù uống thuốc điều trị thuốc nhưng không hết. Nhận thấy tình trạng nghiêm trọng, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khám bệnh. Sau khi thăm khám, nội soi mũi kiểm tra phát hiện mũi trái bé H. có một dị vật nằm bên trong đang trong quá trình gây viêm, tạo mủ. Ngay sau đó, các bác sĩ đã nhanh chóng gắp thành công 1 dây thun buộc tóc ra khỏi mũi trái cho bé H. Hiện tại, bệnh nhi đã ổn định và không chảy mũi.
Khoa Nhi của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cung cấp đầy đủ các dịch vụ như khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị nội trú, ngoại trú cho trẻ em. Đội ngũ bác sĩ Khoa Nhi tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đều có chuyên môn cao, tay nghề vững vàng mang lại sự an tâm và tin cậy, từ phòng ngừa đến sàng lọc, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhi.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là người bạn đáng tin cậy trên hành trình nuôi con khỏe mạnh như ý. Đặt lịch khám và tham khảo các gói khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.
Bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám cho bé