Nắng nóng gay gắt liên tục thường kéo theo các đề về sức khỏe, trong đó có say nắng, say nóng. Đây là những vấn đề sức khỏe tưởng đơn giản nhưng có thể để lại di chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu dấu hiệu nhận biết, các bước xử lý và phòng chống say nắng, say nóng để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh trong thời tiết nắng nóng.
Say nắng, say nóng là gì?
Say nóng hay lả nhiệt (heat exhaustion) là tình trạng kiệt sức do cơ thể bị mất quá nhiều nước và muối, gây nên hiện tượng đổ mồ hôi nhiều và nhịp tim nhanh. Say nóng nếu không được xử lý kịp có thể diễn tiến thành say nắng.
Say nắng hay sốc nhiệt (heat stroke) là tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, nhức đầu, thân nhiệt tăng cao vào những ngày nắng nóng hoặc khi hoạt động thể lực quá mức. Nếu không xử trí kịp có thể gây tổn thương đa cơ quan, di chứng thần kinh hoặc đột quỵ.
Những biểu hiện khi bị say nắng, say nóng
- Đau đầu
- Da ửng đỏ, nóng ran, khô hoặc đổ mồ hôi nhiều
- Hơi thở nhanh và nông
- Nhiệt độ cơ thể rất cao, thường trên 40 độ C
- Tim đập nhanh
- Lú lẫn, kích động, khó chịu, nói ngọng
- Co giật
- Mất ý thức, hôn mê, mê sảng
Những yếu tố dễ dẫn đến say nắng
- Trẻ em, người lớn tuổi đi ngoài trời nắng nóng
- Người lao động, tập thể dục, vận động trong môi trường trời nắng hoặc nóng bức
- Mặc quần áo không phù hợp như quần áo quá dày, bó sát, không thấm nước, hấp thụ nhiệt
- Bị bỏ lại trong xe nóng hoặc phòng nóng kín
- Không uống đủ nước khi đi nắng
- Người đang dùng các loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi như thuốc lợi tiểu, chẹn beta, kháng cholinergic, ethanol, kháng histamine
- Những người đang sốt, rối loạn nội tiết tố, béo phì hoặc đang mắc một bệnh lý nào đó
Xử trí đúng cách cho người bị say nóng (lả nhiệt)
- Bước 1: Đưa người bị say nóng vào bóng râm hoặc nơi mát mẻ và đặt nằm xuống.
- Bước 2: Giúp người bị say nóng cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết và khuyến khích họ nằm yên để nghỉ ngơi.
- Bước 3: Giúp người bị say nóng nhấm nháp nhiều nước nhất có thể. Sau đó bù lại lượng muối đã mất bằng cách cho uống oresol hoặc nước uống thể thao bổ sung chất điện giải.
- Bước 4: Theo dõi nhiệt độ, mạch, mức độ phản ứng và nhiệt độ cơ thể của người bị say nóng. Nếu tình trạng xấu đi, hãy gọi dịch vụ chăm sóc y tế hoặc 115.
Xử trí đúng cách cho người bị say nắng (sốc nhiệt)
- Bước 1: Nhanh chóng di chuyển người bị say nắng vào một nơi mát mẻ. Cởi bỏ càng nhiều quần áo bên ngoài càng tốt. Trong lúc này hãy gọi dịch vụ chăm sóc y tế hoặc 115.
- Bước 2: Giúp người bị say nắng ngồi xuống đất. Hỗ trợ bằng gối và dựa vào tường, bọc người bị say nắng trong một tấm vải lạnh, ẩm ướt. Nhẹ nhàng đổ thêm nước lên tấm vải để giữ mát.
- Bước 3: Dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi. Chèn túi đá lạnh áp vào cổ, bẹn và nách giúp làm mát người bệnh, nhưng hãy đảm bảo người bị say nắng không run vì lạnh.
- Bước 4: Thay tấm vải ướt bằng tấm vải khô. Trấn an và theo dõi nhịp thở, mạch, mức độ phản ứng và nhiệt độ trong khi chờ xe cấp cứu đến.
- Bước 5: Nếu người say nắng đã tỉnh táo, cho uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải. Lặp lại việc làm mát nếu nhiệt độ của người bị say nắng bắt đầu tăng trở lại.
- Bước 6: Chuyển người bệnh bằng xe có điều hòa hoặc phải mở cửa sổ cho thoáng mát, trong quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ cho người say nắng.
Các biện pháp phòng chống Say nắng, Say nóng
- Khi ra đường vào những ngày nắng nóng, nên đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng, bao tay, kính râm, mặc quần áo khoác rộng rãi để che chắn cơ thể.
- Bổ sung đủ nước lọc, nước muối hoặc nước đường khi làm việc hoặc vận động mạnh dưới trời nắng gắt. Ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua…
- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức. Nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng.
- Tạo không gian thoáng mát trong môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò….
- Không tắm ngay khi vừa đi nắng về, vì đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
- Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy trong thời tiết nắng nóng, dù là chỉ trong thời gian ngắn. Nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
- Tránh ra ngoài vào các khung giờ nắng nóng cao điểm nếu có thể.
Bổ sung nhiều nước khi sinh hoạt, lao động dưới trời nắng nóng
Điều trị say nắng, say nóng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Nếu bạn đang ở cùng người bị kiệt sức vì nóng và có những dấu hiệu rối loạn tinh thần, đau đớn, khó thở, bất tỉnh hoặc không thể uống được, hãy gọi cho bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn ngay lập tức qua số cấp cứu 24/7: (028) 3995 9860. Dịch vụ đón bệnh cấp cứu tại nhà sẽ giúp người bị say nắng, say nóng được nhanh chóng và kịp thời đưa đến bệnh viện để chăm sóc và điều trị.
Khoa Cấp cứu bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, với trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, luôn sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống khẩn cấp, đảm bảo mang lại sự chăm sóc nhanh chóng, hiệu quả và an toàn nhất cho người bệnh và người thân.
Bên cạnh đó, là thành viên thứ 27 của trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại TP.HCM và là một trong 15 bệnh viện có năng lực CẤP CỨU ĐỘT QUỴ, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thực hiện ĐẦY ĐỦ các phương pháp điều trị Đột Quỵ như: điều trị nội khoa tích cực, thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch máu, phẫu thuật não.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là địa chỉ đầy tin cậy để thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe. Xem thêm các gói khám và điều trị khác của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.
Người bệnh được chăm sóc tại khoa Cấp cứu bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Tham khảo:
- Hướng dẫn cách xử lý cấp cứu người bị ngưng tim ngưng thở | Khoa Cấp cứu – CLB Sức Khỏe Hoàn Mỹ