Viêm xoang là một trong những bệnh tai mũi họng phổ biến ở nước ta. Viêm xoang gây đau nhức và khó chịu, khiến chất lượng cuộc sống suy giảm. Nếu không chữa trị viêm xoang đúng cách, có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ như viêm phế quản mãn tính, viêm màng não,… Để hiểu rõ về chứng bệnh này, mọi người hãy theo dõi bài viết dưới đây.
Viêm xoang là gì?
Xoang là những hốc rỗng chứa khí nằm trong xương sọ, sau xương trán, mũi, gò má và ở giữa mắt. Viêm xoang (tên tiếng Anh là Sinusitis) là tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc xoang cạnh mũi, khiến tích tụ chất nhầy hoặc dịch lỏng bên trong. Lúc này môi trường trong xoang thuận lợi để vi khuẩn phát triển mạnh, gây nhiễm trùng. Nếu điều trị không đúng cách, bệnh kéo dài dai dẳng hoặc tái đi tái lại, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tắc xoang tĩnh mạch hang, nhiễm trùng ổ mắt, liệt dây thần kinh khứu giác và thị giác, viêm tai giữa, áp xe não, viêm màng não, viêm tủy xương trán, …
Có mấy loại viêm xoang?
- Phân loại viêm xoang dựa vào mức độ bệnh
- Viêm xoang cấp tính: Các triệu chứng xảy đến ồ ạt, kéo dài dưới 4 tuần.
- Viêm xoang bán cấp: Các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, kéo dài từ 4 – 12 tuần.
- Viêm xoang mạn tính: Các triệu chứng tương tự viêm xoang cấp tính, kéo dài hơn 12 tuần.
- Viêm xoang tái phát: Người bệnh trải qua những đợt viêm xoang cấp tính (4 tuần) lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm. Người bị dị ứng hoặc hen suyễn dễ gặp tình trạng này.
- Phân loại dựa trên vị trí viêm
- Viêm xoang hàm trên: Viêm xoang ở vị trí hàm trên, phía sau xương gò má. Người bệnh thường đau nhức vùng mặt, sưng má và quanh mắt, có thể đau đầu.
- Viêm xoang sàng: Vị trí viêm tại xoang sàng, nằm ở trung tâm hộp sọ, sâu trong hốc mũi, chia thành sàng trước và sàng sau. Bệnh có biểu hiện không rõ ràng, đôi khi đau nhức vùng gáy hoặc chảy dịch mủ. Nếu không được điều trị sớm có thể nhiễm trùng dẫn đến viêm màng não hoặc viêm não đe dọa tính mạng.
- Viêm xoang trán: Viêm tại xoang vùng trán, khiến trán đau nhức, cơn đau lan ra thái dương. Nếu tình trạng viêm nhiễm nặng, người bệnh sẽ đau vùng hốc mắt.
- Viêm xoang bướm: Viêm tại vị trí xoang hình cánh bướm, nằm sâu nhất trong khoang mũi, gắn liền với xoang tĩnh mạch hàng, ổ mắt và các dây thần kinh. Đây là bệnh hiếm gặp, có biến chứng cực kỳ nguy hiểm như áp xe não, viêm màng não, tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh có thể rét run, sốt cao, nhức đầu, chảy dịch ở mũi họng, đau gáy.
- Viêm đa xoang: Là tình trạng viêm niêm mạch của nhiều xoang cùng lúc, có thể xuất phát từ một xoang và lan sang xoang khác.
Các triệu chứng của viêm xoang
Một số triệu chứng của viêm xoang
Tùy vào vị trí xoang bị viêm mà có những biểu hiện viêm khác nhau. Các triệu chứng thường thấy nhất bao gồm:
- Đau ở xoang: Cơn đau nhức có thể xuất hiện ở vùng trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt. Tình trạng đau dễ lan ra thái dương, gò má, khu vực hốc mắt, gáy,…
- Chảy nước mũi: Xoang tiết nhiều dịch nhầy hoặc dịch lỏng, chảy vào mũi gây sổ mũi, hoặc chảy xuống vùng họng gây ngứa ngáy cổ họng. Chất dịch tiết có thể có màu xanh, vàng hoặc trắng đục, đôi khi kèm mủ và có mùi hôi.
- Nghẹt mũi: Tình trạng nhiễm trùng khiến niêm mạc xoang phù nề, dẫn đến nghẹt mũi (một hoặc cả hai bên mũi), làm suy giảm khứu giác, khó ngửi thấy mùi. Người bệnh cũng có thể ngứa mũi kèm hắt hơi liên tục.
- Đau đầu: Xoang bị viêm nhiễm, sưng nề, dẫn đến tình trạng đau đầu, đặc biệt là khi dịch nhầy tích tụ quá nhiều. Nếu môi trường đột ngột thay đổi áp suất (như đi máy bay), thì người bệnh càng đau đầu nặng hơn.
- Cổ họng bị kích ứng gây ho: Dịch tiết ra ở xoang chảy xuống cổ họng khiến họng ngứa ngáy, khó chịu, kích thích gây nên cơn ho dai dẳng. Người bệnh ho nhiều vào ban đêm và buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Các triệu chứng khác: sốt, đau tai, đau răng, sưng mặt, hơi thở có mùi hôi, lừ đừ mệt mỏi,…
Nguyên nhân gây viêm xoang
Vi khuẩn, virus, nấm là nguyên nhân hàng đầu gây viêm xoang
Những nguyên nhân gây viêm xoang phổ biến bao gồm:
- Virus: Các loại virus rhinovirus, virus cúm hoặc virus parainfluenza gây cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, khiến các mô mũi sung huyết, tắc thông khí gây viêm xoang.
- Vi khuẩn: Vi khuẩn Haemophilusenzae hoặc phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae phát triển trong khoang mũi họng, gây cảm lạnh kéo dài, dẫn đến biến chứng viêm xoang.
- Nấm: Loại nấm gây viêm xoang phổ biến nhất là nấm Aspergillus, phát triển trong môi trường ẩm tối như xoang, khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ càng tấn công mạnh mẽ hơn.
- Cơ địa dễ dị ứng: Viêm xoang do viêm mũi dị ứng với các loại tác nhân như phấn hoa, nấm mốc, lông thú nuôi, khói bụi, mùi hoá chất, thời tiết lạnh, …
- Polyp mũi: Là những khối u nhỏ cuống mềm phát triển ở lớp niêm mạc mũi hoặc xanh. Polyp thường lành tính nhưng gây tắc nghẽn mũi, cản dịch mũi chảy ra khiến xoang bị nhiễm trùng.
- Bất thường bẩm sinh ở mũi: Điển hình như khe hở vòm miệng, đường dẫn lưu hẹp, lệch vách ngăn mũi, cuốn mũi (Concha bullosa)… làm tăng nguy cơ nhiễm trùng xoang.
- Sức đề kháng kém: Hệ thống miễn dịch suy giảm, sức đề kháng kém khiến niêm mạc hô hấp bị suy yếu dễ dẫn đến viêm xoang.
- Vệ sinh kém: Không rửa tay diệt khuẩn, không vệ sinh mũi hoặc vệ sinh không sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn tích tụ và phát triển bên trong. Từ đó có khả năng gây viêm xoang.
- Một số bệnh lý: U hạt dị ứng kèm viêm đa mạch, bệnh sacoit, phù đại cuốn mũi, hội chứng Kartagener (rối loạn vận động lông mao nguyên phát), viêm nha chu, … gây viêm xoang.
- Hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể làm hệ thống làm sạch xoang tự nhiên bị tổn thương, gây kích ứng mũi, dẫn đến viêm mũi và nhiễm trùng xoang. Ngoài khói thuốc thì không khí ô nhiễm cũng gia tăng nguy cơ mắc viêm xoang, đặc biệt là đối với người bị dị ứng hay hen suyễn.
- Tác dụng phụ của thuốc: Lạm dụng thuốc xịt mũi, hít Cocain, hoặc dùng Aspirin… làm tăng nguy cơ viêm xoang.
- Phẫu thuật: phẫu thuật xoang mũi, đặt ống sonde thông mũi – dạ dày cũng có thể khiến xoang bị nhiễm trùng.
- Bơi/lặn hồ bơi quá lâu: Chất clo có trong nước hồ bơi dễ gây kích ứng niêm mạc mũi xoang, dẫn đến tình trạng viêm mô, viêm xoang.
- Đi máy bay với tần suất dày đặc: Áp suất không khí giảm đột ngột gây tích tụ áp lực, chặn đường dẫn khí, khiến xoang bị tắc dẫn đến nhiễm trùng.
Chẩn đoán viêm xoang
- Khám lâm sàng
Bác sĩ dựa trên những triệu chứng lâm sàng, khai thác bệnh sử và thăm khám thực thể (ấn các điểm xoang gây đau) để xác định người bệnh bị viêm xoang.
- Nội soi mũi
Bác sĩ đưa ống nội soi mềm có bán kính khoảng 2 – 4mm vào trong mũi người bệnh. Đầu ống soi gắn camera và đèn chiếu sáng để ghi lại hình ảnh bên trong xoang mũi, vòm họng hoặc tai. Dựa vào đó, bác sĩ quan sát và đánh giá tình trạng ứ dịch, các vấn đề bất thường ở đường dẫn lưu, cấu trúc mũi,… chẩn đoán bệnh viêm xoang và các bệnh lý tai mũi họng khác.
- Chẩn đoán hình ảnh
Dựa vào hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá cấu trúc mô mềm, chẩn đoán viêm xoang, xác định biến chứng của viêm xoang khi đã lan đến khoang nội sọ, xác định tình trạng khối u ở mũi xoang.
- Thực hiện xét nghiệm
- Xét nghiệm máu: Chỉ số ESR và CRP máu cao có thể đánh giá được tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn.
- Xét nghiệm vi sinh: Nuôi cấy dịch hút nội soi để soi vi khuẩn có thể xác định được bệnh viêm xoang. Phương pháp này chỉ định cho trường hợp người bệnh kháng trị hoặc dị ứng kháng sinh.
- Sinh thiết
Thực hiện sinh thiết có thể phân biệt những bệnh lý tự miễn dịch, xác định viêm xoang hoặc chẩn đoán các khối u.
Điều trị viêm xoang
- Điều trị viêm xoang bằng nội khoa
- Áp dụng có trường hợp viêm xoang cấp tính. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều lượng.
- Thuốc kháng sinh: Amoxicillin, Clarithromycin, Cefoxitin, Sulfamethoxazole, Trimethoprim…
- Thuốc kháng dị ứng: Thuốc kháng Histamin giúp thuyên giảm triệu chứng viêm xoang do dị ứng.
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Ibuprofen, Acetaminophen… giảm tình trạng đau đầu, đau trán, khó chịu ở xương gò má.
- Thuốc co mạch: Thuốc xịt chứa Naphazoline, Phenylephrine, Chlorzoxazone, Pseudoephedrine, … giúp co mạch, giảm phù nề niêm mạc, hỗ trợ thông xoang, hết ngạt mũi.
- Nước muối sinh lý: Dùng để vệ sinh, rửa mũi hàng ngày, loại bỏ chất nhầy, dịch mũi.
Điều trị viêm xoang bằng thuốc kháng sinh và giảm đau
- Điều trị viêm xoang bằng phẫu thuật
Bác sĩ thực hiện các loại phẫu thuật như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật đốt cuốn mũi,… giúp điều trị viêm xoang dứt điểm. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp sau:
- Điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả.
- Tình trạng viêm xoang mạn tính, tái phát.
- Có những bất thường ở cấu trúc xoang mũi (lệch vách ngăn, polyp mũi…)
- Bệnh có biến chứng như viêm ổ mắt, chèn dây thần kinh,…
- Viêm xoang cấp tính do nấm, phát hiện ổ nấm và biến chứng.
Khám và Điều trị viêm xoang tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Viêm xoang là bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị đúng cách và kịp thời thì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Khi xuất hiện triệu chứng viêm xoang, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị triệt để.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là địa chỉ tin cậy để thăm khám và điều trị các bệnh lý Tai Mũi Họng. Nơi đây đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại nhất, giúp chẩn đoán bệnh lý chính xác và nhanh chóng. Điển hình như máy nội soi Xion thế hệ mới của Đức, không chỉ giúp xác định bệnh viêm xoang mà còn có thể hiển thị rõ ràng cấu trúc mô. Nhờ đó, bác sĩ phát hiện được các khối u, chẩn đoán sớm ung thư mũi xoang, giúp lên phác đồ điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng.
Đồng thời, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm sẽ áp dụng những phương án điều trị phù hợp nhất với từng trường hợp riêng biệt, đảm bảo chữa trị dứt điểm viêm xoang. Phác đồ điều trị bằng thuốc hợp lý và khoa học, tránh tình trạng người bệnh bị lờn thuốc, phụ thuộc thuốc hoặc gặp tác dụng phụ. Đối với phương pháp phẫu thuật, các bác sĩ tay nghề cao thực hiện vi phẫu cùng với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại sẽ giúp hạn chế tối đa các tổn thương, biến chứng. Người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khoẻ sau khi phẫu thuật.
Đăng ký thăm khám và điều trị viêm xoang ở Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.