Ung thư phổi là một trong những căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ mắc phải khá cao, khiến hơn 1 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Đa số các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng, không còn khả năng phẫu thuật. Làm cách nào phát hiện sớm và chữa trị ung thư phổi hiệu quả, hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu ngay nhé.
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi (tên tiếng Anh là Lung cancer) là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào phổi tạo thành khối u ác tính. Khi kích thước chèn ép các vùng phổi quanh u, xâm lấn và di căn sang các cơ quan xung quanh. Ung thư phổi là loại là ung thư thường gặp nhất, có tỷ lệ tử vong cao trên toàn thế giới.
Dựa vào sự xuất hiện của tế bào khối u (được kiểm tra dưới kính hiển vi), các bác sĩ chia ung thư phổi thành hai loại chính:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ: Chiếm khoảng 80 – 85% tổng trường hợp bệnh, bao gồm các ung thư biểu mô tuyến, biểu mô tế bào lớn, và ung thư biểu mô tế bào vảy.
- Ung thư phổi tế bào nhỏ: Ít phổ biến, khoảng 15 – 20% các ca mắc phải, xảy ra với người nghiện thuốc lá nặng.
Bên cạnh đó, có trường hợp xuất hiện khối u phổi lành tính, cần chẩn đoán chính xác từ bác sĩ và chuyên gia y tế để xác định bản chất khối u.
Nguyên nhân gây ung thư phổi
1. Khói thuốc lá
Những người hút thuốc lá (thuốc lào hay xì gà) có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất. Bên cạnh đó, người hút thuốc lá thụ động (ngửi khói thuốc lá thường xuyên) cũng có khả năng gây tổn thương mô phổi, hình thành các tế bào ung thư phổi.
2. Môi trường sống có tác nhân gây ung thư
Theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, môi trường sống và làm việc độc hại là nguyên nhân thứ hai gây ung thư phổi. Những người có nghề nghiệp đặc thù tiếp xúc hóa chất, khí hoá lỏng, khói bụi ô nhiễm thường xuyên rất dễ bị khối u phổi ác tính. Một số chất nguy hiểm như: amiăng, cadimi, uranium, silic, crom, asen (thạch tín), niken, khí phóng xạ radon,…
3. Di truyền
Nếu gia đình (ruột thịt) của bạn có người từng bị ung thư phổi, bạn có nguy cơ mắc ung thư phổi. Ngoài ra, sự biến đổi gen di truyền cũng là yếu tố tăng tế bào ung thư phổi.
4. Trải qua xạ trị
Nếu từng xạ trị vùng ngực để chữa một loại ung thư khác, một vài trường hợp hệ miễn dịch yếu có thể phát triển khối u bất thường ở hệ hô hấp dẫn tới ung thư phổi.
Các biểu hiện thường thấy trong ung thư phổi
Ở giai đoạn đầu, ung thư phổi thường không xuất hiện triệu chứng. Vài trường hợp người bệnh có thể mắc viêm phổi, viêm phế quản. Khi khối u tiến triển , các triệu chứng có thể có:
- Ho dai dẳng, ho khan, có thể ho có đờm, ho ra máu
- Hô hấp khó khăn, thở khò khè, hụt hơi, khó thở, khàn giọng, tắc tiếng
- Tức ngực khi cười hoặc ho
- Nhiễm trùng phổi, viêm phổi, viêm phế quản tái phát nhiều lần.
- Tràn dịch màng phổi
- Nổi hạch cổ, sưng cổ, phù mặt
- Đau xương ở vùng lưng, hông hoặc xương sườn
- Hội chứng cận ung thư như sạm da, tổn thương thần kinh cơ, tăng đường huyết, đau khớp, đa niệu
- Các triệu chứng di căn não, xương, chèn ép cột sống,…
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, sụt cân
Các bệnh lý khác đều có thể gây nên những triệu chứng ở trên, tuy nhiên, nếu bạn gặp những biểu hiện vừa nêu, hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ và các chuyên gia y tế để khám và tư vấn.
Phương pháp chẩn đoán khối ung thư phổi
Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và khai thác bệnh sử của bạn. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm sau để chẩn đoán khối ung thư phổi.
- Xét nghiệm đờm: Tiến hành quan sát đờm bằng kính hiển vi với bệnh nhân ho tiết đờm để phát hiện tế bào ung thư trong trường hợp khối u xâm lấn trong lòng phế quản.
- Chẩn đoán hình ảnh: Hình ảnh phim chụp X-quang, CT, MRI và PET có thể cho thấy tổn thương trong phổi như nốt bất thường hay khối u.
- Xét nghiệm mô học: Bác sĩ lấy từ mô u của phổi một vài mẫu sinh thiết của bệnh nhân để kiểm tra dưới kính hiển vi, xác định là u phổi lành tính hay ung thư ác tính. Thực hiện bằng một trong các phương pháp khác nhau:
- Nội soi phế quản: Sử dụng một ống soi mềm để đưa vào mũi hoặc miệng, đi qua cổ họng sau đó vào phổi tới sát hay gần khối u nghi ngờ dùng kim qua ống nội soi để sinh thiết.
- Nội soi trung thất: Bệnh nhân được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ thực hiện thủ thuật mở đường nhỏ vào bên trong lồng ngực, đưa dụng cụ vào nhằm lấy mẫu mô từ hạch bạch huyết.
- Sinh thiết kim phổi: Bác sĩ xác định vị trí khối u thông qua kết quả từ chẩn đoán hình ảnh. Tiếp theo, dùng kim sinh thiết đưa vào thành ngực tới vị trí phổi có khối u để lấy mẫu mô.
Sau khi lấy được mẫu mô, bác sĩ sẽ phân tích kỹ lưỡng, trường hợp tế bào cho kết quả dương tính với ung thư, bệnh nhân được chỉ định thực hiện một vài kiểm tra khác. Ví dụ: siêu âm ổ bụng, chụp xương,… Những phương pháp này xác định khối u đang ở giai đoạn nào, di căn hay chưa, hướng điều trị như thế nào.
Phương pháp điều trị ung thư phổi
Theo các bác sĩ, có 6 phương pháp chính để điều trị ung thư phổi là:
- Phẫu thuật: Cắt bỏ một phần phổi, thuỳ phổi hoặc toàn bộ phổi chứa khối u và các tổn thương xâm lấn và các bộ phận di căn.
- Hoá trị: Truyền hoá chất và dùng thuốc uống để tiêu diệt tế bào ung thư
- Xạ trị: Dùng tia bức xạ ion hoá năng lượng cao để thu nhỏ hoặc phá huỷ khối u.
- Điều trị đích: tìm đích đột biến gen để điều trị thích hợp, không ảnh hưởng đến tế bào lành.
- Liệu pháp miễn dịch: Thúc đẩy các tế bào miễn dịch để nhận diện tế bào ung thư và tiêu diệt khối u phổi, phương pháp này sử dụng các thuốc làm ức chế điểm kiểm soát miễn dịch , cắt nguồn tín hiệu kích thích u phát triển ( PDL 1; PD1 và CTLA4).
- Điều trị giảm nhẹ: Áp dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư phổi, bao gồm điều trị hóa xạ trị giảm nhẹ, phẫu thuật giảm nhẹ, liệu pháp tâm lý, liệu pháp giảm đau liệu pháp, liệu pháp dưỡng sinh,…
Tuỳ vào tình trạng của khối u (giai đoạn bệnh) mà thực hiện các phương pháp kết hợp khác nhau. Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), ở giai đoạn sớm khi khối u còn khu trú, nên phẫu thuật cắt bỏ một phần, một thuỳ phổi hoặc toàn bộ lá phổi chứa khối u, kết hợp hoá chất để ngăn tái phát. Khi khối u di căn rộng (giai đoạn 3 và 4), không thể loại bỏ hoàn toàn khối u hay chữa khỏi nữa. Mọi biện pháp điều trị đều chỉ giúp kiểm soát thời gian di căn và giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ, khối u quá lớn hoặc khó phẫu thuật, chỉ có thể sử dụng hoá chất, xạ trị và chăm sóc triệu chứng bệnh.
Tầm quan trọng của tầm soát ung thư phổi
Ung thư phổi là căn bệnh chiếm tỷ lệ tử vong rất cao trên thế giới. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng chữa khỏi bệnh nếu phát hiện kịp thời, điều trị hiệu quả ở giai đoạn đầu, khi khối u chưa phát triển và di căn.
Kể cả khi không có triệu chứng lâm sàng, tầm soát ung thư phổi là biện pháp giúp phát hiện và chẩn đoán bệnh giai đoạn sớm. Khoảng 80% các ca bệnh ung thư phổi đã được chữa khỏi nhờ tầm soát phát hiện khối u. Để tiết kiệm chi phí điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm, tăng cơ hội chữa khỏi u phổi ác tính, mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện tầm soát ung thư phổi theo nhóm nguy cơ.
Các phương pháp tầm soát ung thư phổi
- Chụp X-quang phổi: Hình ảnh phim chụp xuất hiện khối màu xám trắng, có thể xác định các khối u phổi. Chụp x-quang phổi thường phát hiện khi khối u đã lớn, ngày nay không dùng tầm soát ung thư phổi.
- Chụp CT phổi liều thấp (Low Dose Computed Tomography chest): là phương pháp tầm soát ung thư phổi có giá trị, được sử dụng trên toàn thế giới. Dùng tia X liều thấp để chụp chi tiết phổi, xác định khối u < 1cm, vị trí và số lượng u, xác định u lành tính hay ác tính.
- CT phổi có thuốc cản quang: Nhằm khảo sát kỹ hơn vị trí, kích thước và hình dạng khối u.
- Sinh thiết xuyên thành hoặc nội soi phế quản: Giúp xác định loại u (lành hay ác tính) và lên phác đồ điều trị thích hợp
Tầm soát Ung thư phổi ở đâu?
Các trường hợp mắc u phổi ác tính thường là những người trên 40 tuổi có liên quan hút thuốc lá, nhưng gần đây có xu hướng trẻ hoá tình trạng ung thư phổi. Do đó, mọi người trong nhóm nguy cơ cần tầm soát ung thư phổi để phát hiện sớm nguy cơ và điều trị kịp thời.
Với đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa lồng ngực và hô hấp dày dặn kinh nghiệm, cùng hệ thống thiết bị tối tân, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cung cấp gói tầm soát ung thư phổi cho kết quả chẩn đoán chuẩn xác và lên phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Thông qua các kỹ thuật chẩn đoán ít xâm lấn, người bệnh được thực hiện các xét nghiệm tổng quát thường quy, chụp CT phổi liều thấp,… để tầm soát ung thư phổi.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy thực hiện tầm soát ngay hôm nay.
- BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN
- 60-60A Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
- Điện thoại: 028 3990 2468
- Đăng ký khám: https://hoanmy.com/saigon/dat-lich-hen/
- Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial
- Website: www.hoanmysaigon.com