Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung, mẹ phải làm sao?

29/04/2024

Mang thai là một quá trình hạnh phúc nhưng cũng đầy thử thách với mẹ bầu. Sẽ có rất nhiều vấn đề bất thường xảy ra mà các mẹ bầu phải đối mặt, một trong đó là tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Tình trạng này rất thường gặp và rất đáng lo ngại đối với sức khỏe của em bé sau khi chào đời.

Vì vậy, các mẹ cần hiểu rõ về tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, cũng như đặc biệt lưu ý kỹ tình hình phát triển của bé trong suốt thai kỳ để có thể can thiệp y tế kịp thời. Hãy cùng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung là gì?

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (fetal growth restriction – FGR) là tình trạng bào thai bị suy dinh dưỡng, kém phát triển ngay khi còn nằm trong bụng mẹ, có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn so với cân nặng dự kiến của tuổi thai. Đây là một vấn đề thường gặp và ảnh hưởng đến 5-7% thai kỳ.

Trẻ chậm phát triển trong tử cung nếu mức nhẹ thì sau sinh vẫn có thể phát triển tốt về chiều cao và cân nặng. Tuy nhiên, ở các trường hợp nặng có thể gây nguy hiểm, nguy cơ tử vong và mắc bệnh cao hơn so với các trẻ sơ sinh khác. 

Mẹ bầu cần lưu ý theo dõi sát sao tình trạng thai suốt thai kỳ

Hậu quả khi thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Thai nhi phát triển chậm sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe trong cả giai đoạn bào thai, khi sinh và sau sinh, điển hình như:

  • Sinh non.
  • Tỷ lệ thai chết lưu và tử vong chu sinh lên đến 40%.
  • Trẻ sinh ra dễ bị vàng da, còi cọc, cân nặng không đạt chuẩn.
  • Trẻ có thể tổn thương não, chậm phát triển tinh thần, trí tuệ, thể lực.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường khi lớn.
  • Trẻ dễ bị nhiễm trùng sơ sinh do khả năng đề kháng kém.
  • Trẻ có nguy cơ chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa, tổn thương thận, tổn thương nội mạc mạch máu.

Mẹ bầu cần chú ý những hậu quả nghiêm trọng khi thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Nguyên nhân thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung và đôi khi khó xác định, có thể do một hoặc một vài nguyên nhân như sau:

  • Nguyên nhân từ thai
    • Do di truyền, bất thường nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng bào thai.
    • Cũng có thể do là dây rốn một động mạch hoặc bong nhau thai non, bị u máu nhau thai.
    • Một số trường hợp mang đa thai cũng gặp phải tình trạng thai chậm tăng trưởng (có đến 25-30% thai chậm phát triển khi mang thai song sinh).
  • Nguyên nhân từ mẹ
    • Mẹ mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, suy tim, suy thận, bệnh lý về máu, đái tháo đường, bệnh lý nhiễm trùng.
    • Mẹ hút thuốc lá, nghiện rượu, sử dụng chất kích thích.
    • Mẹ bị suy dinh dưỡng hoặc ăn uống kiêng khem, nghèo nàn.
    • Mẹ phải làm việc nặng nhọc, từng sinh đẻ nhiều hơn 5 lần, khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn, hoặc đã từng sinh con bị suy dinh dưỡng, khả năng tăng cân kém trong quá trình mang thai.
    • Mẹ mắc hội chứng kháng phospholipid.

Làm sao để phát hiện thai chậm tăng trưởng trong tử cung?

Mẹ bầu cần phải được khám thai định kỳ để phát hiện những bất thường của bào thai:

  • Mẹ cần thăm khám sớm trong 3 tháng đầu để tính tuổi thai chính xác, tốt nhất là ngay sau khi vừa trễ kinh.
  • Thăm khám định kỳ để đo chiều cao tử cung, tăng cân mẹ, siêu âm thai
  • Nếu phát hiện thai có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ cho thai phụ thực hiện các thăm dò cần thiết chuyên sâu hơn như siêu âm doppler, theo dõi tim thai bằng máy monitoring sản khoa.
  • Chọc ối: Đây là một thủ thuật dùng mũi kim để lấy nước ối và kiểm tra xem dịch nước ối có nhiễm trùng hay có vấn đề bất thường về nhiễm sắc thể hay không. Tuy nhiên, đây là sự lựa chọn cuối cùng, vì phương pháp xâm lấn này có thể dẫn đến nguy cơ sinh non.

Mẹ bầu nên làm gì khi thai chậm tăng trưởng trong tử cung?

  • Thăm khám kỹ để tìm nguyên nhân và từ đó có giải pháp phù hợp.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, uống đủ 2-3 lít nước/ngày.
  • Không làm việc nặng nhọc quá sức, ngủ nghỉ đầy đủ, tránh căng thẳng áp lực.
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia và không sử dụng các chất kích thích.
  • Nằm nghiêng trái để tăng lượng máu đến tử cung, giúp tăng lượng oxy và dưỡng chất đến thai
  • Theo dõi cử động thai hằng ngày để phát hiện bất thường.

Bên cạnh đó, về mặt y khoa, các bác sĩ sẽ theo dõi sát sao hơn thai kỳ của mẹ bầu, do thai chậm tăng trưởng có nguy cơ mất tim thai cao hơn các thai kỳ khác. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định chọc ối để tìm nguyên nhân.

Bác sĩ cũng có thể sẽ cho tiêm hỗ trợ trưởng thành phổi, siêu âm đánh giá sự phát triển của thai, siêu âm hàng loạt và chuyên sâu khi thai có vấn đề để đánh giá mức độ trầm trọng của thai, hoặc cho theo dõi tim thai, cử động thai bằng máy monitoring sản khoa.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai, chấm dứt thai kỳ ở một số thời điểm như:

  • Với thai trên 31 tuần: Nếu nghi ngờ suy thai và chạy monitor thấy tim thai dao động kém, xuất hiện những nhịp chậm đơn độc và nhịp chậm kéo dài lặp lại nhiều lần.
  • Với thai trên 34 tuần: Thai có biểu hiện ngừng phát triển khi Doppler của động mạch rốn tâm trương bằng 0 và xuất hiện bất thường trên phổ Doppler của động mạch não thai nhi.
  • Với thai trên 37 tuần: Khi xuất hiện bất thường động mạch não – rốn hoặc monitor tim thai ghi nhận bất thường.

Bác sĩ sẽ chỉ định đẻ thường nếu thai phụ không gặp phải những trường hợp chống chỉ định. Những trường hợp như suy thai hoặc yếu tố đẻ khó khác như ngôi ngược, rau bám mép… bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.

Mẹ bầu cần thăm khám định kỳ để kiểm tra sự phát triển của thai

Phòng ngừa thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Để phòng ngừa thai chậm tăng trưởng trong tử cung, mẹ bầu cần lưu ý những vấn đề trước, trong khi mang thai như:

  • Khám sức khỏe hai vợ chồng và điều trị bệnh lý (nếu có) trước khi mang thai.
  • Mẹ bầu khám thai sớm để biết chính xác tuổi thai.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh ngay từ trước và trong thai kỳ.
  • Xây dựng thói quen tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút/ngày.
  • Nghỉ ngơi nhiều, tránh áp lực căng thẳng.
  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia và không sử dụng các chất kích thích trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ.

Khám Sản phụ khoa và theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Khoa Sản phụ của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là địa chỉ tin cậy để chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ, đặc biệt là mẹ bầu và thai nhi trong suốt tháng ngày hạnh phúc của thai kỳ.

Hơn 20 năm cung cấp dịch vụ cần thiết phục vụ chị em phụ nữ, khoa Sản phụ của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn luôn xây dựng đội ngũ y bác sĩ, nữ hộ sinh có chuyên môn cao, tay nghề vững, chủ động tư vấn sức khỏe cho mẹ bầu, giúp ba mẹ lựa chọn các giải pháp sinh phù hợp để các thiên thần nhỏ ra đời bình an. Cơ sở vật chất bệnh viện khang trang, sạch đẹp, gồm không gian khám bệnh, phòng nội trú, phòng sinh rộng rãi, hiện đại được đầu tư trang bị tiên tiến nhằm cung cấp dịch vụ y tế toàn diện (trước, trong và sau khi sinh), đồng thời tạo cảm giác thoải mái, an tâm cho ba mẹ trong hành trình khám thai và sinh con. Là bệnh viện đa khoa với nhiều chuyên khoa sâu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đảm bảo tối đa sự an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé trong quá trình vượt cạn.

Với nỗ lực trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong hành trình trọn đời này, khoa Sản phụ phát triển một hệ thống tích hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho chị em phụ nữ gồm các dịch vụ sản phụ khoa nhằm mang lại trải nghiệm chăm sóc sức khỏe cá nhân đáng tin cậy với đa dạng các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân, gói khám tầm soát phát hiện bệnh, gói khám thai, gói sinh… giúp mẹ và bé được quản lý sức khỏe toàn diện từ phòng ngừa đến sàng lọc, chẩn đoán và điều trị. 

Hãy để Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trở thành người bạn đáng tin cậy trên hành trình đón bé khỏe mạnh như ý. Đặt lịch khám và tham khảo các gói sinh “Hạnh phúc Hoàn Mỹ” TẠI ĐÂY.