Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Rối loạn chuyển hóa lipid máu và cách điều trị

24/07/2024

Rối loạn chuyển hoá lipid máu là nguy cơ dẫn đến hàng loạt bệnh lý tim mạch nguy hiểm như bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,… Cần hiểu rõ về tình trạng rối loạn lipid máu và cách điều trị để ngăn chặn các biến chứng đe doạ tính mạng.

Rối loạn lipid máu là gì?

Lipid máu hay được gọi là mỡ máu, là một thành phần có trong máu, lưu thông đi khắp cơ thể. Lipid máu cung cấp năng lượng cho các tế bào, cơ quan và cần cho quá trình tổng hợp hormone cũng như các hoạt động sống của cơ thể. Trong đó, Cholesterol-LDL (Cholesterol xấu) và Triglyceride (chất béo trung tính) là hai loại lipid gây nên tình trạng bệnh tật.

Rối loạn lipid máu là tình trạng bất thường của lipid máu, biểu hiện bằng hiện tượng gia tăng nồng độ Cholesterol-LDL, tăng Triglyceride (hoặc tăng cả hai) hoặc suy giảm Cholesterol-HDL (Cholesterol tốt). Khi đó, chất béo xấu sẽ tích tụ lại gây ra xơ vữa động mạch, thu hẹp lòng động mạch, làm giảm lưu lượng máu lưu thông. Theo thời gian, mảng xơ vữa hình thành cục máu đông, tình trạng hẹp mạch tiến triển nặng khiến tắc mạch máu, dẫn đến các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như bệnh mạch vành, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim,… hoặc gây tai biến mạch máu não, đột quỵ, tử vong.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu gây nên những mảng xơ vữa động mạch, khiến mạch máu tắc nghẽn

Rối loạn chuyển hóa lipid máu gây nên những mảng xơ vữa động mạch, khiến mạch máu tắc nghẽn

Các báo cáo thống kê cho thấy, mỗi năm trên thế giới có gần 17 triệu người tử vong do bệnh lý tim mạch, hầu hết đều liên quan xơ vữa động mạch do rối loạn lipid máu. Để ngăn ngừa yếu tố nguy cơ này, cần phát hiện sớm rối loạn lipid máu để kiểm soát, điều trị đúng cách, giảm tỷ lệ biến chứng tim mạch.

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

Những nguyên nhân phổ biến gây rối loạn chuyển hóa lipid máu:

  • Thừa cân, béo phì
  • Ăn uống không lành mạnh: thức ăn nhiều giàu mỡ, chất béo, đồ ăn nhanh, lạm dụng bia rượu…
  • Các bệnh lý: cao huyết áp, đái tháo đường, (type 1 và type 2), bệnh thận, suy giáp, viêm ruột (IBS),…
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Hội chứng Cushing
  • Di truyền: phổ biến nhất là tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử (FH).
  • Hút thuốc lá
  • Lối sống ít vận động
  • Suy giảm nồng độ chất tiêu mỡ
  • Thường xuyên căng thẳng, áp lực khiến cơ thể sử dụng nhiều lipid dự trữ gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là quá trình rối loạn chuyển hoá sinh học xảy ra trong thời gian dài, khó nhận biết bởi những triệu chứng. Để xác định chính xác, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm máu. Đa phần các dấu hiệu lâm sàng chỉ xuất hiện khi nồng độ lipid máu gia tăng quá cao, đã xuất hiện các biến chứng. Một số dấu hiệu nhận biết rối loạn chuyển hóa lipid máu như sau:

1. Dấu hiệu cơ thể

  • Cung giác mạc quanh mống mắt: có hình vòng tròn hoặc không tròn hoàn toàn, màu trắng nhạt.
  • U vàng gân: xuất hiện ở gân gót chân, gân duỗi các ngón, hoặc khớp đốt tay.
  • U vàng dưới màng xương: nhận thấy u vàng ở vùng củ chày xương, đầu xương của mỏm khuỷu.
  • Ban vàng mí mắt: ở mí mắt trên hoặc dưới, có thể khu trú một khu vực hoặc nằm rải rác.
  • Ban vàng lòng bàn tay: xảy ra trong lòng bàn tay và các nếp gấp ngón tay.
  • Rối loạn huyết áp: người bệnh chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, huyết áp không ổn định.
  • Đau nhức, tê bì tay chân: Nồng độ cholesterol trong máu cao khiến máu không lưu thông, làm tay chân bị tê bì, đau nhức, sưng tấy, dễ nhiễm lạnh,…
  • Đau tức ngực: tức ngực, đau đè nặng ở ngực, tim đập nhanh.
  • Ngất xỉu: thường do biến chứng rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp,…

2. Dấu hiệu ở nội tạng

Các triệu chứng rối loạn lipid máu biểu hiện ở nội tạng:

  • Gan nhiễm mỡ: Nồng độ cholesterol trong máu cao có thể khiến gia tăng mỡ trong gan, tăng nguy cơ bị viêm gan, khiến chức năng gan suy giảm, gây viêm gan cấp tính.
  • Viêm tụy cấp: Nồng độ Triglyceride trong máu tăng cao có thể dẫn đến viêm tụy cấp với các triệu chứng như nôn ói, đau bụng dữ dội, sốt,…
  • Xơ vữa động mạch: Rối loạn lipid máu khiến chất béo tích tụ ở thành động mạch, tạo thành các mảng xơ vữa, gây xơ vữa động mạch máu, hình thành nên cục máu đông khiến tắc động mạch hoặc các bệnh lý như: nhồi máu cơ tim, suy tim, tổn thương mạch máu não, thiếu máu cục bộ, nhồi máu não,…
Rối loạn chuyển hóa lipid máu dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch

Rối loạn chuyển hóa lipid máu dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch

Đối tượng có nguy cơ bị rối loạn lipid máu

Những đối tượng có nguy cơ cao bị rối loạn lipid máu:

  • Người thừa cân, béo phì.
  • Người nghiện rượu, bia hoặc hút thuốc lá.
  • Người mắc các bệnh lý: đái tháo đường, suy giáp, hội chứng thận hư, bệnh lý gan tắc nghẽn, rối loạn protein máu,…
  • Người bệnh thiếu hụt gen lipase tiêu hủy lipoprotein hoặc apolipoprotein C-II
  • Tăng Triglyceride máu có tính chất gia đình.
  • Người bệnh dùng thuốc chẹn bêta giao cảm trong thời gian dài.
  • Rối loạn gen chuyển hóa HDL.
  • Người ít vận động thể lực.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu có di truyền không?

Các chuyên gia khẳng định rối loạn chuyển hóa lipid máu có tính di truyền. Nếu gia đình có ông bà, bố mẹ, anh/chị em hoặc họ hàng gần bị bệnh rối loạn lipid máu thì khả năng cao có gen di truyền bệnh mỡ máu gia đình (Familial hypercholesterolemia – FH). Người bị bệnh mỡ máu gia đình dễ có mức cholesterol rất cao, thường bị bệnh tim từ trẻ hoặc có nguy cơ cao bị các bệnh tim mạch hơn những người bị mỡ máu bình thường. Trẻ em cần được kiểm tra FH nếu có người thân trong gia đình bị rối loạn lipid máu, cholesterol cao hoặc nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi đối với nam và 65 tuổi nếu là nữ.

Điều trị rối loạn chuyển hoá lipid máu

Việc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu dựa vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn lipid. Khi bệnh đã xuất hiện biến chứng thì cần hỗ trợ các phương pháp điều trị biến chứng.

Người có Cholesterol-LDL cao thường được điều trị bằng Statin, giúp cản trở quá trình sản xuất Cholesterol. Nếu sử dụng Statin chưa hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng phối hợp thêm một số thuốc như: fibrate, ezetimibe, niacin, chất cô lập axit mật, evolocumab và alirocumab, lomitapide và mipomersen… Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Đối với trẻ em bị rối loạn chuyển hóa lipid máu, việc điều trị chủ yếu dựa vào chế độ dinh dưỡng và luyện tập. Nếu nguyên nhân gây bệnh do gen di truyền thì cần sử dụng thuốc theo bác sĩ kê đơn. Người lớn bị rối loạn lipid máu do bệnh lý khác thì điều trị bệnh nguyên kết hợp chữa rối loạn lipid máu.

Xét nghiệm máu để chẩn đoán và điều trị sớm bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu

Xét nghiệm máu để chẩn đoán và điều trị sớm bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu

Đồng thời, mọi người phải thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng bệnh. Thực đơn ăn uống cần hạn chế tối đa dầu mỡ, chất béo, nội tạng động vật, hải sản, … tránh rượu bia, thuốc lá. Thường xuyên tập thể dục vừa sức để nâng cao sức đề kháng tăng miễn dịch, duy trì cân nặng hợp lý tránh béo phì, thừa cân.

Khám và điều trị rối loạn chuyển hoá lipid máu ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia y tế hàng đầu, được đào tạo bài bản với chuyên môn cao. Đồng thời, bệnh viện đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại, phục vụ cho việc thăm khám, chẩn đoán các bệnh lý một cách chính xác và nhanh chóng.

Các bác sĩ chuyên khoa Nội Tim Mạch của bệnh viện sẽ thực hiện xét nghiệm máu, định lượng lipid huyết thanh để chẩn đoán sớm bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu. Tuỳ vào mức độ bệnh, tình trạng biến chứng và thể trạng người bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất, cá thể hoá và tối ưu kết quả. Đặc biệt là áp dụng kỹ thuật điều trị bằng Statin giúp kiểm soát lipid máu, ngăn ngừa biến chứng xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch khác.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ tư vấn, hướng dẫn người bệnh thay đổi thói quen sống, xây dựng thực đơn lành mạnh, phù hợp với tình trạng bệnh lý, nhằm cải thiện nồng độ Cholesterol xấu trong máu hiệu quả hơn. Người bệnh được điều trị, chăm sóc và chỉ dẫn tận tình trong môi trường hoàn toàn thoải mái. Mặt khác, chi phí thăm khám và điều trị tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn ở mức vừa phải, phù hợp cho mọi người kể cả khi cần điều trị lâu dài.

Đăng ký Khám và điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Nội Tim mạch thăm khám cho người bệnh

Bác sĩ Nội Tim mạch thăm khám cho người bệnh