Phương pháp đốt u phổi mang lại nhiều cơ hội sống cho người ung thư phổi
26/09/2024Đốt u phổi bằng sóng cao tần (Radio Frequency Ablation – RFA) là kỹ thuật tiên tiến trong điều trị ung thư phổi, đã được triển khai thành công ở nhiều bệnh viện. Hầu hết người bệnh đều đáp ứng tốt với phương pháp điều trị mới này, có ít tác dụng phụ hay biến chứng. Kỹ thuật đốt khối u phổi mang lại tiên lượng tốt và cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Hãy cùng theo dõi bài viết này để biết thêm thông tin chi tiết.
Đốt u phổi là gì?
Đốt u phổi là phương pháp sử dụng sóng cao tần (Radio Frequency Ablation – RFA) làm hoại tử khối u phổi. Dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính, Bác sĩ luồn một điện cực xuyên qua vào phổi và đến khối u. Sóng RF (với bước sóng 300 MHz – 300 GHz) tạo nhiệt và làm nóng, gây tiêu diệt tế bào ung thư và hoại tử khối u nhanh chóng, trong thời gian ngắn. Thủ thuật này chỉ tập trung vào các khối u phổi, giảm thiểu tối đa tổn thương mô lành xung quanh.
Trên thực tế, phương pháp đốt u bằng sóng cao tần đã được sử dụng để điều trị thành công những khối u ác tính trong gan, thận, vú, xương… Kỹ thuật tiên tiến này cũng được dùng để điều trị ung thư phổi, mở ra cơ hội sống sót cho nhiều người bệnh, tăng hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống.
Sự nguy hiểm của ung thư phổi
Ung thư phổi dễ di căn nên vô cùng nguy hiểm. Khối u phổi không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng tới hệ hô hấp và các cơ quan khác trong cơ thể, mà còn có thể đe doạ tính mạng, khiến người bệnh tử vong. Hầu hết các trường hợp ung thư phổi giai đoạn sớm đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ. Người bệnh thường phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn. Hơn 90% các trường hợp tử vong chỉ sau một năm chẩn đoán bệnh.
Ung thư phổi là một trong hai loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất hiện nay. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 2,21 triệu ca mắc mới ung thư phổi, chiếm 11,4% trên tổng số ca mắc các loại ung thư. Trong số đó, hơn 1,8 triệu ca ung thư phổi đã tử vong, chiếm 18% tổng số ca tử vong do ung thư trên thế giới.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thống kê, trong năm 2020 có khoảng 26.000 ca mắc mới ung thư phổi và gần 24.000 ca đã tử vong. Hiện nay, tỷ lệ bị ung thư phổi ở nước ta đang có xu hướng gia tăng, ngày càng trẻ hoá, trở thành nỗi lo chung của cộng đồng và ngành y tế.
Ung thư phổi là căn bệnh ác tính vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao
Các phương pháp điều trị ung thư phổi
1. Phẫu thuật
Tùy vào kích thước khối u, giai đoạn ung thư, tình trạng di căn và thể trạng người bệnh, bác sĩ có thể thực hiện cắt thuỳ phổi mang khối u hoặc cắt hai thuỳ kế cận, cắt toàn bộ một bên phổi. Đối với những khối u tổn thương nhỏ vùng ngoại biên, không hoặc ít hạch vùng, có thể tiến hành phẫu thuật nội soi dưới hỗ trợ của video (VATS). Một số trường hợp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn hoặc kèm bệnh lý nội khoa nên không thể thực hiện phẫu thuật, cần có phương pháp điều trị khác.
2. Xạ trị
Sử dụng chùm tia phóng xạ ion hoá nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, giúp thu nhỏ hoặc triệt tiêu khối u. Xạ trị có thể là biện pháp bổ trợ trước hoặc sau phẫu thuật, hoặc đối với trường hợp người bệnh không thể thực hiện phẫu thuật, cần điều trị giảm nhẹ triệu chứng. Phương pháp điều trị bằng bức xạ thường được sử dụng kết hợp với hoá trị liệu ung thư phổi giai đoạn tiến triển tại chỗ.
3. Hóa trị
Đây là liệu pháp toàn thân, điều trị bằng cách sử dụng hoá chất (các loại thuốc) truyền qua tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Dựa vào giai đoạn ung thư và mục đích hoá trị mà bác sĩ chỉ định những nhóm thuốc khác nhau, phác đồ điều trị cụ thể với từng người bệnh. Hoá trị tân bổ trợ áp dụng trước khi phẫu thuật để giảm kích thước khối u, tạo thuận lợi cho phẫu thuật. Hoá trị bổ trợ chỉ định đối với trường hợp ung thư phổi giai đoạn II trở đi. Nếu bệnh đã vào giai đoạn tiến triển, di căn, thì hoá trị là liệu pháp điều trị chính giúp giảm nhẹ triệu chứng, kéo dài thời gian sống.
4. Liệu pháp nhắm trúng đích
Bác sĩ sử dụng phương pháp tác động vào những phân tử thiết yếu gây tăng sinh khối u. Thuốc nhắm trúng đích chỉ tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn sự phát triển, không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh. Điển hình như: Kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) tác động trên thụ thể phần ngoài màng tế bào; Thuốc trọng lượng phân tử nhỏ (small molecule medicines) tác động đến thụ thể từ bên trong tế bào.
5. Liệu pháp miễn dịch
Sử dụng thuốc, vắc xin cùng các liệu pháp khác nhằm kích hoạt khả năng phòng vệ tự nhiên của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, giúp chống lại ung thư. Một số thuốc trị liệu miễn dịch điều trị ung thư phổi như: Atezolizumab, Pembrolizumab, và Nivolumab…
6. Chăm sóc giảm nhẹ
Là những phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng đau đớn, giảm tác dụng phụ của thuốc hoặc phẫu thuật, giúp người bệnh giảm căng thẳng, nâng cao hiệu quả điều trị, phục hồi tốt hơn hoặc kéo dài thời gian sống.
Chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh hiểu về bệnh trạng một cách tích cực, ổn định tâm lý, giúp người bệnh có kế hoạch cho cuộc sống và cho công việc
Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư phổi
Ung thư phổi cần được điều trị theo nguyên tắc cá thể hoá và đa mô thức.
1. Cá thể hóa từng trường hợp cần cân nhắc những yếu tố sau:
- Bệnh lý: Giai đoạn ung thư, tình trạng di căn, thể mô bệnh học và sinh học phân tử…
- Người bệnh: Thể trạng, tuổi, các bệnh nền, hoàn cảnh kinh tế, nguyện vọng điều trị…
2. Kết hợp đa mô thức các phương pháp điều trị:
Tuỳ thuộc vào giai đoạn ung thư, tình trạng cụ thể của từng người bệnh, có thể lựa chọn một hoặc nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi. Bao gồm phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị đích, liệu pháp miễn dịch, chăm sóc giảm nhẹ,… Tuy nhiên, thường các người bệnh đều được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn. Chỉ khoảng 25 – 30% các trường hợp ung thư phổi còn khả năng phẫu thuật. Hiện nay, liệu pháp miễn dịch và đốt u phổi bằng sóng cao tần mang lại hiệu quả thành công cao đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Ai cần đốt u phổi
Đốt u phổi bằng sóng cao tần được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu (đường kính <5cm).
- Người bệnh không thể phẫu thuật ung thư phổi vì bệnh nội khoa hoặc vì quá chỉ định.
- Ung thư thứ phát từ cơ quan khác di căn đến phổi. Ví dụ như ung thư đại tràng, ung thư gan,…
- Người bệnh ung thư phổi từ chối phẫu thuật.
- Giai đoạn IIIB và IV, khối u phổi đã lớn, đốt u phổi để điều trị giảm nhẹ.
- Khối u sót lại sau khi hoá trị, xạ trị hoặc u mới xuất hiện sau phẫu thuật
Những lưu ý cho người bệnh trước khi thực hiện đốt u phổi
Các trường hợp chống chỉ định đốt u phổi:
- Khối u nằm gần phế quản, khí quản và thực quản và mạch máu lớn.
- U kèm xẹp phổi, khí phế thũng nặng hoặc viêm phổi do tắc nghẽn.
- Bị rối loạn đông máu không kiểm soát hoặc bệnh thiếu máu, nhiễm trùng máu.
- Chỉ số toàn trạng trên độ III, nằm trên giường >12h/ngày, cần sự chăm sóc của người khác.
Để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện đốt u phổi, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề:
- Cần tiến hành kiểm tra xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như chụp CT ngực có cản quang, công thức máu toàn phần, đông máu toàn bộ,…
- Ngừng sử dụng các loại thuốc chống đông máu như Heparin trước 1 ngày, Warfarin trước 5 ngày và thuốc kháng tiểu cầu 3 ngày trước khi thực hiện.
- Nghe tư vấn, hướng dẫn để hiểu rõ về phương pháp đốt u phổi và ký giấy đồng ý thực hiện thủ thuật.
- Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh không ăn hay uống gì sau nửa đêm trước khi thực hiện.
Người bệnh được kỹ thuật viên Chẩn đoán Hình ảnh thực hiện chụp CT ngực
Thực hiện đốt u phổi cho người bệnh ung thư
Thủ thuật đốt u phổi cho người bệnh ung thư được tiến hành như sau:
- Người bệnh được đưa vào máy CT.
- Thở oxy, theo dõi nhịp tim, SpO2.
- Chụp định vị khối u.
- Sát khuẩn vùng da ở vị trí cần thực hiện đốt sóng u phổi.
- Dưới hướng dẫn của máy siêu âm hoặc chụp CT, bác sĩ đưa kim xuyên qua da vào thẳng khối u.
- Cài đặt máy phát sóng cao tần RFA với các thông số nhiệt độ, công suất, thời gian phù hợp với kích thước khối u.
- Kim tạo sóng cao tần làm nóng và phá huỷ khối u. Nhiệt độ của kim có thể từ 70-100 độ C tuỳ thuộc tính chất loại khối u.
- Thời gian đốt u phổi khác nhau đối với từng khối u, có thể phải thực hiện nhiều lần đốt. Quá trình điều trị mất từ 15 – 30 phút.
- Sau khi kết thúc điều trị, bác sĩ rút kim, băng vùng da xuyên kim, kiểm tra huyết áp, mạch, nồng độ oxy, chụp X-quang ngực để xác nhận không bị tràn khí màng phổi.
- Người bệnh nằm trên giường bệnh đợi hồi phục, có thể xuất viện sau 24 giờ.
- Sau 1 tháng cần tái khám để chụp X-quang kiểm tra kết quả hồi phục sau điều trị.
Bác sĩ Chẩn đoán Hình ảnh thực hiện sinh thiết Phổi qua thành ngực dưới hướng dẫn của Cắt lớp vi tính
Đốt u phổi tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Đốt u phổi bằng sóng cao tần (Radio Frequency Ablation – RFA) là phương pháp tiên tiến được áp dụng thành công trong điều trị ung thư phổi. Nhờ kỹ thuật này, nhiều người bệnh đã có cơ hội sống sót, giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh, hồi phục tốt hơn. Tuy nhiên, thủ thuật cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, dưới sự hỗ trợ của máy móc hiện đại.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa được đào tạo chuyên sâu có thể thực hiện nhiều ca điều trị bệnh ung thư phổi. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đầu tư hệ thống trang thiết bị thế hệ mới nhất gồm máy siêu âm, máy đốt sóng cao tần RFA, hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI, hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo… giúp chẩn đoán sớm và chính xác, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả các nhóm bệnh lý tim mạch, thần kinh sọ não, đột quỵ, ung thư,…
Người bệnh ung thư phổi có thể hoàn toàn yên tâm khi điều trị tại đây. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác giai đoạn ung thư, tình trạng di căn, dựa vào thể trạng và nhu cầu của người bệnh để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Kỹ thuật đốt u phổi bằng sóng cao tần được áp dụng hiệu quả cho từng trường hợp, giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi thành công, tăng thời gian sống và ngăn chặn ung thư phổi tái phát.
Đặc biệt, hệ thống chụp cộng hưởng từ (MRI) 3.0 Tesla SIGNA™Hero của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là một lựa chọn tối ưu có thể thay thế chụp PET-CT giúp tầm soát hiệu quả các nhóm bệnh lý di căn thường gặp như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt. Do có chế độ phân giải cao, cùng chức năng tái tạo hình ảnh 3D hệ thống giúp dễ dàng phát hiện các tổn thương nhỏ (từ 1-2 mm), các khối u và cấu trúc giải phẫu không thể nhìn thấy bằng các loại máy MRI khác. Ở Hoàn Mỹ Sài Gòn, dịch vụ chụp cộng hưởng từ MRI được thực hiện và trả kết quả trong ngày. Đây cũng là sự cố gắng của đội ngũ nhân viên y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được thăm khám và điều trị nhanh chóng.
Đăng ký tầm soát ung thư phổi và điều trị đốt u phổi ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.
Người bệnh chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla tại khoa Chẩn đoán Hình ảnh, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn