Phục hồi chức năng và phòng tránh các vấn đề sau mổ thay khớp háng
22/05/2023Phẫu thuật thay khớp háng là phương pháp giúp điều trị các bệnh lý hoặc tổn thương liên quan đến khớp háng của bệnh nhân. Kỹ thuật mổ ngày càng hiện đại nên luôn mang đến kết quả khả quan nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải luyện tập đúng cách để phục hồi chức năng và phòng tránh các vấn đề sau khi thay khớp háng.
Bài viết dưới đây, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ hướng dẫn chi tiết cách hồi phục cho mọi người được biết.
Hồi phục tại nhà sau khi thay khớp háng.
Sau khi mổ thay khớp háng, khả năng di chuyển của bệnh nhân bị giới hạn. Để quá trình hồi phục tại nhà diễn ra thuận lợi, bạn nên loại bỏ các chướng ngại vật khỏi không gian sống để tránh trường hợp té ngã hay gặp tai nạn. Một số vấn đề cần chú ý như sau:
- Đảm bảo nền nhà, sàn bếp, sàn nhà tắm không trơn trượt.
- Xếp cất thảm trải sàn, dây cáp, dây điện, vật dụng nằm trên sàn nhà.
- Sử dụng bệ ngồi vệ sinh cao vừa đủ để giữ khớp háng cao hơn khớp gối, tránh ngồi xổm.
- Bố trí ghế ngồi thoải mái, êm ái, không cứng xóc.
- Hãy sinh hoạt ở tầng trệt, không leo cầu thang hoặc bậc tam cấp sau khi phẫu thuật.
- Mang giày dép vừa chân, êm ái và chống trơn trượt.
Phòng tránh các vấn đề sau phẫu thuật
Phòng ngừa máu đông
Theo các chuyên gia, sau khi phẫu thuật thay khớp háng, bệnh nhân ngồi hoặc nằm trong một thời gian dài, khiến máu di chuyển chậm hơn trong cơ thể, dẫn đến hình thành cục máu đông.
Người thay khớp háng dễ xuất hiện máu đông trong tĩnh mạch chân hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis DVT). Nghiêm trọng hơn, cục máu đông còn có thể di chuyển lên phổi, gây thuyên tắc phổi, ảnh hưởng tới việc hô hấp của người bệnh.
Để phòng ngừa máu đông do thay khớp háng, bác sĩ sẽ kê thuốc chống huyết khối để sử dụng trước và sau khi mổ. Đồng thời, bệnh nhân nên đeo thêm vớ y khoa, vớ cơ học để co bóp cải thiện lưu thông máu ở chân. Các bài tập nhẹ nhàng nhằm phục hồi chức năng khớp háng và chân cũng cần được thực hiện để tăng tuần hoàn máu.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn
Sau phẫu thuật thay khớp háng, tỷ lệ nhiễm khuẩn chiếm khoảng 1/100. Vi khuẩn có thể xâm nhập qua da hoặc vết mổ, vào các mô mềm xung quanh khớp, lan sâu tới khớp nhân tạo. Bệnh nhân có thể đau sưng và nóng đỏ quanh vết mổ, cứng khớp, vết mổ chảy dịch, lên cơn sốt, đổ mồ hôi,…
Các đối tượng thường bị nhiễm khuẩn là những người suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, mắc bệnh mạch máu ngoại vi hoặc béo phì. Ngoài ra, việc vệ sinh kém, thay băng phẫu thuật và chăm sóc vết mổ không đúng cách cũng dẫn đến nhiễm trùng.
Cần theo dõi kỹ vết mổ để kịp thời phát hiện tình trạng nhiễm trùng, chăm sóc vết thương và vệ sinh cơ thể đúng cách, không sờ gãi vết mổ. Nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định uống hoặc tiêm kháng sinh. Trường hợp tình trạng nhiễm khuẩn nặng, bác sĩ sẽ đề xuất phương án phẫu thuật để xử lý ổ viêm nhiễm.
Tập luyện và phục hồi chức năng sau mổ thay khớp háng nhân tạo
Tập luyện sau khi phẫu thuật
Người bệnh có thể tập luyện sau khi mổ cho đến khi xuất viện, tập tại nhà đến lúc đi lại bình thường. Hãy bắt đầu các bài tập phục hồi chức năng với chuyên viên vật lý trị liệu để có thể cử động và đi lại bình thường. Tuy nhiên, không nên luyện tập quá sức, dễ ảnh hưởng đến vết mổ. Một vài động tác có thể tự thực hiện ở nhà như:
- Nằm ngửa trên giường, thực hiện gấp duỗi cổ chân, gấp gối, dạng hai chân và nâng chân lên xuống nhẹ nhàng. Thực hiện 20 lần, ngày tập 3 – 5 đợt.
- Đứng thẳng, tay vịn vào lưng ghế hoặc thành, nâng gối một chân lên rồi hạ xuống, duỗi ra sau khoảng 45 độ hoặc di chuyển chân sang ngang bằng vai. Lặp lại 20 lần, ngày tập 2 – 3 đợt.
Những lưu ý để phục hồi chức năng nhanh hơn
- Ngồi, nằm ở tư thế thoải mái nhất, tập đi bộ khoảng cách ngắn để nhanh phục hồi.
- Mang vớ cơ học theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Chườm lạnh hoặc chườm lạnh có áp lực để kiểm soát cơn đau và sưng.
- Nên tập đứng, tập đi với dụng cụ trợ giúp như khung hoặc nạng, cần có người dìu để tránh té ngã.
- Nằm nghiêng về phía không phẫu thuật, đặt gối ôm giữa hai đầu gối.
- Khi ngồi, cần giữ tư thế khớp háng cao hơn khớp gối, sử dụng bệ ngồi vệ sinh vừa đủ cao.
Các vấn đề cần tránh
- Không hoạt động quá sức, chơi thể thao hoặc chạy nhảy ngay sau khi phẫu thuật thay khớp háng.
- Tránh cúi gập người để lấy vật dụng dưới sàn, có thể dùng kẹp sắp.
- Không nằm một chỗ trên giường hoặc đứng, ngồi với một tư thế quá lâu.
- Khi ngồi, tránh gập khớp háng hơn 90 độ, tránh ngồi xổm.
- Không bắt chéo chân, đá hoặc xoay chân có khớp háng phẫu thuật.
Chế độ dinh dưỡng cho người thay khớp háng nhân tạo
Để phục hồi chức năng nhanh chóng cho người phẫu thuật thay khớp háng, bên cạnh các bài tập vật lý trị liệu, cần cung cấp chế độ dinh dưỡng khoa học cho cơ thể người bệnh.
Các thực phẩm nên ăn
- Nhóm thức ăn giàu canxi đẩy nhanh quá trình phục hồi: các loại hạt, các loại đậu, sữa, phô mai, cá hồi, hàu, bông cải xanh, rau bina, cải xoăn,…
- Các thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa: Trái cây (nho, lựu, việt quất, mâm xôi, dâu tây, ổi, cam, táo, đu đủ) và rau củ (cà rốt, ớt chuông, súp lơ, cà chua, …)
- Thực phẩm chứa kẽm đẩy nhanh phục hồi khớp háng: hàu, thịt, sữa, đậu, quả hạch…
- Thực phẩm chứa sắt và protein để tái tạo mô và tăng tốc độ chữa lành: đậu lăng, quả hạch, trứng, đậu hũ,…
- Chất béo có lợi tăng khả năng hấp thụ vitamin và tăng hệ miễn dịch: dầu oliu, bơ, dầu quả hạch, dầu dừa, hạnh nhân.
Phẫu thuật thay khớp háng nên kiêng gì?
- Kiêng các loại nước uống chứa cồn như rượu, bia
- Không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
- Hạn chế thực phẩm cay nóng, đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ muối chua, lên men.
- Tránh thực phẩm chế biến sẵn như đồ đông lạnh, khoai tây chiên, mì gói, đồ uống có đường.
Trên đây là những kinh nghiệm giúp bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo có thể phục hồi chức năng nhanh chóng và tránh các vấn đề tổn thương sau khi mổ.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn luôn đồng hành cùng người bệnh trong quá trình thăm khám, phẫu thuật và hồi phục sức khỏe. Với đội ngũ chuyên gia có kỹ thuật đầu ngành, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ đưa ra các chẩn đoán và phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sức khoẻ của từng người bệnh.
Hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại tại đây cũng sớm phát hiện các tổn thương (nếu có) sau quá trình phẫu thuật khớp háng. Cùng với đó, các chuyên viên vật lý trị liệu hết sức chuyên nghiệp, chăm sóc tận tình để giúp quá trình hậu phẫu của bệnh nhân diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
Nếu bạn đang có vấn đề về cơ xương khớp, hãy tìm đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn ngay nhé. Để tìm hiểu về các loại phẫu thuật chỉnh hình, bạn vui lòng liên hệ hotline 0908.866.713.
- BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN
- 60-60A Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
- Điện thoại: 028 3990 2468
- Đăng ký khám: https://hoanmy.com/saigon/dat-lich-hen/
- Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial
- Website: www.hoanmysaigon.com