Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nội soi đại trực tràng giúp điều trị bệnh đường tiêu hóa hiệu quả

23/07/2024

Nội soi đại trực tràng là phương pháp hiện đại chẩn đoán sớm các bệnh lý ống tiêu hoá dưới. Nhờ phát hiện chính xác các bất thường ở đại trực tràng mà bác sĩ lên phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả, hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết về kỹ thuật nội soi đại trực tràng, hãy cùng theo dõi.

Nội soi đại trực tràng là gì?

Nội soi đại trực tràng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh bằng cách đưa ống soi mềm có gắn camera, đường kính khoảng 1cm, theo đường hậu môn qua trực tràng và ngược lên đại tràng. Hình ảnh thu được từ ống soi sẽ giúp bác sĩ phát hiện những vấn đề bất thường hoặc tổn thương trong toàn bộ đại trực tràng. Ví dụ như viêm loét, xuất huyết, polyp, ung thư,… Đồng thời, trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể thực hiện can thiệp điều trị như tiêm cầm máu, cắt polyp, sinh thiết…

Nội soi đại trực tràng bằng ống mềm có gắn camera ở đầu

Nội soi đại trực tràng bằng ống mềm có gắn camera ở đầu

Nội soi đại trực tràng ống mềm gồm có:

  • Nội soi không gây mê: Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo khi nội soi, có cảm giác tức bụng hoặc đau hậu môn.
  • Nội soi đại trực tràng gây mê: Người bệnh được gây mê trước khi nội soi, không có cảm giác khó chịu hay đau đớn.

Bên cạnh nội soi bằng ống mềm, còn có phương pháp nội soi đại trực tràng bằng viên nang có chứa camera nhỏ. Người bệnh nuốt viên nang bằng đường miệng, qua thực quản vào dạ dày và theo nhu động ruột xuống ruột non, đại trực tràng. Camera sẽ quan sát ống tiêu hoá, nhưng không thể đánh giá toàn bộ tổn thương, đặc biệt là những tổn thương cực nhỏ hoặc nằm vị trí góc khuất. Đồng thời, phương pháp này mất từ 6 – 10 giờ để viên nang tiêu hoá hết, lại không can thiệp điều trị nội soi được.

Vai trò của đại trực tràng trong cơ thể

Đại tràng là bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hoá, nối với ruột non qua manh tràng, nối với hậu môn qua trực tràng. Đại trực tràng đóng vai trò như sau:

1. Sản xuất và hấp thụ vitamin

Đại tràng chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn có lợi bảo vệ đường ruột và có khả năng sản xuất vitamin. Trong môi trường thuận lợi, dưới tác dụng của vi khuẩn, ruột kết tạo vitamin K, vitamin B, thiamin và riboflavin. Các vitamin sẽ được hấp thụ vào máu, ngăn tình trạng xuất huyết (nhờ vitamin K).

2. Chức năng hấp thụ

Niêm mạc đại tràng có khả năng hấp thụ nước và chất điện giải (Natri, Kali, ion Clorua…). Khi nhu động đại tràng giảm, quá trình hấp thu nước diễn ra mạnh hơn, khiến bã thức ăn thành phân khô cứng, gây nên tình trạng táo bón. Trường hợp nhu động đại tràng tăng, niêm mạc ruột bài tiết lượng nước lớn để pha loãng các yếu tố kích thích, khiến dịch phân lỏng, gây tình trạng tiêu chảy, mất nước và điện giải.

3. Tiêu hoá phần thức ăn còn thừa

Đại tràng tiết dịch kiềm tiêu hoá tiếp phần thức ăn khó tiêu hoá tại môi trường axit của dạ dày – ruột non, sau đó hấp thụ nước và chất dinh dưỡng còn lại. Lượng dịch kiềm mà niêm mạc đại tràng tiết ra còn có tác dụng bảo vệ niêm mạc và làm mềm phân.

4. Chức năng bài tiết

Sau khi hấp thụ hết các chất dinh dưỡng từ thức ăn, phần bã dư thừa không tiêu hoá được sẽ được đại tràng đẩy xuống trực tràng và tích lại. Khi đủ lượng phân, thành trực tràng sẽ tạo áp lực, dây thần kinh truyền thông tin tới vỏ đại não, gây phản xạ cơ thể muốn đi đại tiện. Lúc này, trực tràng lại vận động đẩy phân ra ngoài qua ống hậu môn. Trong quá trình tiêu hoá và bài tiết, niêm mạc đại trực tràng tiết ra chất nhầy để bảo vệ thành niêm mạc không trầy xước. Đồng thời, chất nhầy giúp ống tiêu hoá tránh khỏi tác hại của vi khuẩn có trong phân.

Các bệnh thường gặp ở đại trực tràng

1. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (còn gọi là viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng mạn tính) là tình trạng bất thường của nhu động ruột, ảnh hưởng tới chức năng của đại trực tràng. Các triệu chứng thường thấy:

  • Đi đại tiện nhiều lần trong ngày.
  • Lúc đại tiện có thể bị táo bón, hoặc tiêu chảy, phân thường nát, không thành khuôn.
  • Thường xuyên có cảm giác đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu, khó chịu hoặc nóng ruột.
  • Vùng bụng dưới đau âm ỉ, đặc biệt đau hơn sau khi ăn hoặc trước khi đi đại tiện.
  • Dễ bị đau bụng, đại tiện sau khi ăn một số thực phẩm kích thích như đồ cay, chua, nhiều dầu mỡ, hoặc sau khi uống cà phê, rượu bia…
  • Chán ăn, không thấy ngon miệng, ngủ không yên giấc, mệt mỏi, suy nhược, hay nóng giận…

2. Polyp đại trực tràng

Polyp đại trực tràng là tình trạng phát triển bất thường của các tế bào tại niêm mạc đại trực tràng, hình thành khối nhỏ nhô lên trong thành ruột. Phần lớn các polyp đều lành tính nhưng có một số ít sẽ phát triển thành khối u ác tính, gây ung thư đại trực tràng.

Hầu hết các trường hợp polyp đại trực tràng đều không có triệu chứng. Tình trạng chảy máu tiêu hóa do polyp cũng thường diễn ra âm thầm. Đôi khi, người bệnh có thể nhận biết thông qua phân lẫn máu. Trong quá trình nội soi đại trực tràng, bác sĩ có thể can thiệp cắt polyp để ngăn ngừa nguy cơ xuất huyết đường ruột hoặc ung thư.

3. Viêm đại trực tràng

Viêm đại trực tràng là tình trạng niêm mạc đại trực tràng bị tổn thương viêm nhiễm bởi các tác nhân gây viêm. Các tác nhân như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, hóa chất,… Viêm đại trực tràng cấp tính có các triệu chứng như đau quặn bụng, rối loạn đại tiện (thường tiêu chảy), nhiều trường hợp có thể dẫn đến chảy máu.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tình trạng viêm sẽ tiến triển thành mạn tính, khiến niêm mạc đại trực tràng tổn thương sâu, tạo những ổ loét, gây xuất huyết tiêu hoá. Các biến chứng nguy hiểm như thủng đại trực tràng, viêm rò, áp xe, ung thư đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng là bệnh lý nguy hiểm nhất ở đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là bệnh lý nguy hiểm nhất ở đại trực tràng

4. Túi thừa – viêm túi thừa

Túi thừa đại tràng là túi nhỏ bao gồm lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, phồng lên nhô ra quanh thành đại tràng. Tình trạng đại tràng xuất hiện nhiều túi thừa gọi là đa túi thừa. Túi thừa có thể bị viêm, dẫn đến các biến chứng như chảy máu đường tiêu hoá, hẹp lòng đại tràng, viêm rò ruột, thủng ruột, tắc ruột, áp xe đại trực tràng. Khi gặp các triệu chứng như táo bón, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, đi ngoài ra máu hoặc kèm sốt cao,… cần đến bệnh viện nội soi đại trực tràng để xác định nguyên nhân, có thể là do bệnh viêm túi thừa gây nên.

5. Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ tử vong cao ở Việt Nam và trên thế giới. Nếu được điều trị sớm, ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt và tỷ lệ chữa khỏi cao, giảm nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng đa phần là bởi các polyp đại trực tràng và những bệnh lý mạn tính phát triển thành khối u. Ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không xuất hiện triệu chứng, chỉ có thể phát hiện thông qua tầm soát nội soi đại trực tràng. Khi ung thư tiến triển, một số triệu chứng có thể thấy như đau quặn bụng, rối loạn tiêu hoá, phân lẫn máu, sốt cao, thiếu máu,…

Đồng thời, thông qua quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể tiến hành can thiệp điều trị ung thư đại trực tràng bằng cách cắt polyp, loại bỏ khối u bằng các kỹ thuật như Endoscopic Mucosal Resection (EMR) hay Endoscopic Submucosal Dissection (ESD)…

Vì sao nên thực hiện nội soi thay vì các phương pháp khác?

Một số phương pháp thường dùng để chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hoá như chụp cắt lớp (CT scan), chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay siêu âm. Các kỹ thuật này được thực hiện nhanh chóng, đơn giản nhưng đôi khi độ chính xác không cao.

Nội soi ống tiêu hoá là kỹ thuật quan trọng để tầm soát bệnh tiêu hoá cũng như chẩn đoán chính xác ung thư ống tiêu hoá. Trước đây, nội soi ống mềm thường gây khó chịu hoặc đau đớn. Với sự phát triển của khoa học hiện đại, kỹ thuật nội soi an thần không hề gây đau đớn cho người thực hiện.

Dựa vào hình ảnh nội soi, bác sĩ chẩn đoán chính xác các tổn thương nhỏ nhất của đại trực tràng

Dựa vào hình ảnh nội soi, bác sĩ chẩn đoán chính xác các tổn thương nhỏ nhất của đại trực tràng

Những ưu điểm của nội soi đại trực tràng có gây mê:

  • Hoàn toàn không đau, không gây khó chịu hay kích thích.
  • Quan sát kỹ lưỡng đại trực tràng, không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào dù là nhỏ nhất.
  • Phát hiện chính xác và kịp thời các bệnh lý đại trực tràng.
  • Chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng, xác định vị trí, kích thước khối u, giúp điều trị kịp thời, ngăn tử vong.
  • Có thể kết hợp can thiệp điều trị nội soi các bệnh ống đại trực tràng và ung thư.
  • Thực hiện nhanh chóng, người bệnh có thể tỉnh táo ngay sau đó.
  • Giảm thiểu tối đa các biến chứng, di chứng.

Quy trình nội soi đại trực tràng

Trước khi nội soi đại trực tràng:

  • Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, soup.
  • Nhịn ăn trước khi nội soi khoảng 8 – 12 tiếng, nhịn uống nước trước nội soi khoảng 2 tiếng.
  • Uống thuốc xổ làm sạch đại trực tràng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Thông báo với bác sĩ về tiền sử sử dụng thuốc, tiền sử dị ứng thuốc gây mê, tình trạng mang thai.
  • Có thể khám tim mạch hoặc thực hiện một số xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.

Quy trình nội soi gây mê đại trực tràng bao gồm các bước:

  • Người bệnh nằm nghiêng trái, chân co lên gần bụng, bác sĩ kiểm tra hậu môn.
  • Bác sĩ tiêm thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch.
  • Sau khi người bệnh thiếp đi, bác sĩ luồng một ống soi mềm từ hậu môn vào trực tràng và lên đại trực tràng.
  • Hình ảnh bên trong đại trực tràng được hiển thị trên máy tính để bác sĩ quan sát, đánh giá.
  • Một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp can thiệp điều trị nội soi bằng các kỹ thuật như cắt bỏ polyp, tiêm cầm máu, phẫu thuật,…

Sau khi nội soi đại trực tràng:

  • Người bệnh nằm yên trên giường ở phòng hồi nghỉ cho đến khi hoàn toàn tỉnh táo.
  • Người nội soi không tự chạy xe tham gia giao thông, cần có người thân đưa về.
  • Không ăn các thức ăn cay nóng, khó tiêu hoá, nên ăn thức ăn nhẹ, dạng lỏng như cháo.
  • Uống bổ sung nước.

Phòng các bệnh lý liên quan đến đại trực tràng

Một số cách phòng các bệnh lý liên quan đến đại trực tràng:

  • Ăn uống khoa học: Bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất. Hạn chế thức ăn cay nóng, đồ dầu mỡ, đồ nướng, đồ muối, thực phẩm chế biến sẵn…
  • Lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, không uống rượu bia. Tập thể dục đều đặn để tăng sức đề kháng. Ngủ đủ giấc, không thức khuya, giảm căng thẳng lo âu.
  • Kiểm tra đại trực tràng định kỳ 6 tháng/lần, thực hiện nội soi đại trực tràng hoặc các xét nghiệm sàng lọc khác để chẩn đoán sớm các bệnh lý và ung thư.

Khám và thực hiện nội soi đại trực tràng tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nội soi an thần đại trực tràng là kỹ thuật tốt nhất để chẩn đoán chính xác các bệnh lý và ung thư đại trực tràng. Nhờ đó, bác sĩ lên phác đồ điều trị kịp thời, ngăn biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong.

Thông qua nội soi đại trực tràng, các bác sĩ can thiệp cắt bỏ polyp

Thông qua nội soi đại trực tràng, các bác sĩ can thiệp cắt bỏ polyp

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là cơ sở y tế chuyên thực hiện khám và thực hiện nội soi đại trực tràng. Những ưu điểm khi tầm soát chẩn đoán tại đây:

  • Đội ngũ bác sĩ nội soi được đào tạo chuyên sâu, chuyên môn giỏi và giàu kinh nghiệm.
  • Trang thiết bị y tế, hệ thống máy nội soi thế hệ mới nhất, hình ảnh rõ nét, quan sát được tổn thương dù nhỏ nhất.
  • Quy trình nội soi đạt chuẩn, đảm bảo sát khuẩn và an toàn cho người bệnh.
  • Quá trình nội soi đại trực tràng thực hiện nhanh chóng, không đau, cho chẩn đoán chính xác.
  • Các bác sĩ khoa Tiêu hoá chuyên môn hàng đầu, áp dụng kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất cho người bệnh.

Người bệnh khi đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thực hiện nội soi đại trực tràng còn được tư vấn các phương pháp chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh. Ngoài tầm soát ung thư đại trực tràng, mọi người còn có thể thực hiện gói tầm soát ung thư ống tiêu hoá (tổng) để chẩn đoán sớm các bất thường tại ống tiêu hoá. Nhờ đó, có thể điều trị kịp thời và hiệu quả hơn, ngăn ngừa nguy cơ tử vong.

Đăng ký khám và nội soi đại trực tràng ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.