Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Những quan niệm sai lầm khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng

14/06/2024

Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ thời điểm nào trong đời. Bệnh xuất hiện quanh năm, thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa (từ tháng 7 – tháng 12).

Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết khá phức tạp, khó tiên lượng, cần theo dõi và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, có một số trường hợp, vì những quan niệm sai lầm khiến bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng hơn, gây ra biến chứng và dẫn đến nguy cơ tử vong. Hãy cùng tìm hiểu 10 quan niệm sai lầm cực kỳ nguy hiểm trong bài viết dưới đây.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Muỗi vằn lây truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết ở người

Muỗi vằn lây truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết ở người

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra do virus Dengue. Bệnh có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khoẻ mạnh qua đường muỗi vằn Aedes đốt. Bất kỳ ai cũng có thể bị sốt xuất huyết, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn người lớn. Người bị sốt xuất huyết cần được điều trị và chăm sóc đúng cách, theo dõi thường xuyên. Nếu không điều trị hợp lý, bệnh có thể tiến triển nặng, thậm chí gây tử vong.

Triệu chứng thường gặp của sốt xuất huyết

Những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết trong vòng 1 – 7 ngày:

  • Sốt cao đột ngột >39 độ C.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Đau sau hốc mắt.
  • Đau cơ, khớp, đau mỏi người.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Sưng hạch.
  • Đột nhiên bồn chồn, bứt rứt, li bì.
  • Phát ban trên da, xuất hiện chấm đỏ dưới da.
  • Tiểu ít.
  • Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu âm đạo hoặc tiểu máu.

Những quan niệm sai lầm của sốt xuất huyết

1. Mỗi người chỉ bị sốt xuất huyết 1 lần trong đời

Virus Dengue gây nên bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng loại gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Người bệnh mắc sốt xuất huyết do chủng nào gây nên thì cơ thể sẽ tạo ra kháng thể miễn dịch suốt đời với loại virus đó. Người bệnh sẽ không nhiễm chủng virus Dengue cũ. Tuy nhiên, kháng thể này không thể miễn dịch với các chủng loại khác, nên vẫn có nguy cơ mắc 3 chủng loại virus sốt xuất huyết còn lại. Do đó, mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, và đôi khi lần sau còn nặng hơn lần trước.

2. Giảm sốt là hết bệnh

Thông thường, người bệnh sốt xuất huyết sẽ có triệu chứng sốt cao trong 3 ngày đầu tiên. Các biểu hiện đi kèm như đau đầu, đau mỏi người, đau nhức mắt. Từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh có thể hạ sốt, cơ thể dễ chịu hơn. Điều này khiến người bệnh chủ quan, cho rằng giảm sốt là khỏi bệnh.

Tuy nhiên, thời điểm này mới là giai đoạn nguy hiểm nhất. Bởi từ giai đoạn này tiểu cầu có thể giảm nhanh và thoát huyết tương. Người bệnh có thể trở nặng và xuất hiện những triệu chứng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, … thậm chí là chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, suy tạng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Do đó, khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được theo dõi sát sao, xét nghiệm máu hoặc tổng phân tích tế bào máu mỗi ngày để đánh giá mức độ giảm tiểu cầu, xem xét tình trạng xuất huyết. Từ đó, có những biện pháp điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế đi lại hoặc vận động (vì có thể té ngã, ngất xỉu do giảm tiểu cầu). Cho đến khi có kết quả xét nghiệm cuối cùng, xác định đã hoàn toàn khỏi bệnh thì mới có thể yên tâm.

3. Uống thuốc Aspirin và Ibuprofen khi bị sốt xuất huyết

Những triệu chứng đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết thường thấy là sốt cao, đau nhức người, đau đầu,… dễ bị nhầm lẫn với sốt do cảm cúm, do virus. Do đó, nhiều người tự ý mua thuốc giảm đau, hạ sốt như Aspirin và Ibuprofen về dùng. Đây là sai lầm nghiêm trọng khiến bệnh trở nặng hơn.

Sốt xuất huyết gây nên tình trạng rối loạn đông máu, khiến người bệnh dễ chảy máu. Nhưng Aspirin và Ibuprofen lại có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Do đó, khi uống 2 loại thuốc này sẽ khiến chảy máu trầm trọng hơn. Thậm chí, tác dụng phụ của Aspirin là gây loét dạ dày tá tràng, dẫn đến người bệnh sốt xuất huyết dễ bị xuất huyết dạ dày, nôn ra máu, gây nguy hiểm tính mạng.

4. Chủ quan không đi khám bệnh

Sốt xuất huyết có thể chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Khi bệnh ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể theo dõi, chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, vẫn cần thăm khám để xét nghiệm máu hoặc tổng phân tích tế bào máu, chẩn đoán mức độ tiến triển của bệnh, tránh trường hợp chuyển biến sang nặng. Hãy lưu ý đi khám để điều trị kịp thời nếu bệnh xảy ra biến chứng, ngăn ngừa tử vong.

5. Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết sẽ lây bệnh

Nhiều người lo sợ rằng sốt xuất huyết sẽ lây truyền qua đường hô hấp hoặc khi tiếp xúc trực tiếp, thông qua ăn uống. Tuy nhiên, virus Dengue chỉ lây qua đường máu, do muỗi vằn đốt người bệnh và truyền virus sang người khoẻ mạnh.

6. Sốt xuất huyết không được uống nước dừa

Sốt xuất huyết khiến người bệnh sốt cao liên tục và bị mất nước, mất dịch. Để bù dịch, người bệnh cần uống nhiều nước chứa điện giải như Oresol. Cũng có thể bù nước bằng cách uống nước dừa, nước cam, nước chanh…

7. Cạo gió, cắt lể khi bị sốt xuất huyết

Khi bị sốt do cảm cúm, cảm lạnh, người lớn thường cạo gió, cắt lể để trị bệnh. Tuy nhiên, phương pháp dân gian lưu truyền này không thích hợp dùng cho trường hợp bị sốt xuất huyết. Cạo gió, cắt lể dễ gây chảy máu nặng, tạo thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập gây nhiễm trùng. Ngoài ra, người bị sốt xuất huyết không kiêng cữ tắm rửa. Cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, lau mát người bằng nước ấm để nhanh hạ sốt hơn.

8. Ăn cơm có nguy cơ thủng ruột

Sốt xuất huyết nặng có thể gây chảy máu đường tiêu hoá, nhưng không dẫn đến thủng ruột. Do đó, người bệnh không cần kiêng khem thức ăn, vẫn có thể ăn cơm bình thường. Tuy nhiên, tốt hơn hết là ăn thức ăn dễ tiêu hoá như cháo, súp, … Và lưu ý thức ăn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

9. Mẹ bị sốt xuất huyết không nên cho con bú

Nhiều người cho rằng khi mẹ bị sốt xuất huyết thì cần cách ly bé và không được cho con bú. Tuy nhiên, sốt xuất huyết chỉ lây qua đường máu, do đó người mẹ vẫn có thể cho con bú mà không bị ảnh hưởng gì.

10. Truyền dịch khiến máu loãng

Một vài người mắc sốt xuất huyết không dám truyền dịch do lo sợ máu loãng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn vô căn cứ. Người bệnh sốt xuất huyết bị sốt cao gây mất nước. Khi đó, truyền dịch đúng chỉ định là phương pháp bù dịch bù nước cần thiết để người bệnh phục hồi sức khoẻ.

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà:

  • Hạ sốt bằng cách lau mát với nước ấm, dùng thuốc Paracetamol (tuyệt đối không dùng Aspirin, Ibuprofen).
  • Cho người bệnh uống nhiều nước, dung dịch Oresol, nước ép trái cây (nước dừa, táo, cam, chanh,…).
  • Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hoá như cháo, súp, sữa,…
  • Không ăn uống thức ăn có màu đỏ đậm như socola…
  • Không cạo gió, cắt lễ.
  • Không tự ý truyền dịch tại nhà vì có thể gây phù nề, suy hô hấp, nguy hiểm tính mạng.
  • Theo dõi sát sao tình trạng của người bệnh, tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ, xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu để đánh giá mức độ bệnh và điều trị phù hợp.
  • Khi có những triệu chứng trở nặng, cần phải nhập viện ngay để các bác sĩ điều trị tích cực.

* LƯU Ý: Những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết cần nhập viện ngay:

  • Người vật vã, lừ đừ, li bì, vã mồ hôi, da lạnh.
  • Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, cảm giác đau tăng.
  • Nôn nhiều.
  • Xuất huyết niêm mạc: chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, chảy máu âm đạo, tiểu máu.
  • Tiểu ít.

Khám và điều trị sốt xuất huyết Dengue tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đầu tư hệ thống phòng khám – chữa bệnh hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, vừa sạch sẽ vừa thoáng mát, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho nhu cầu khám và điều trị sốt xuất huyết Dengue của các khách hàng và người bệnh. Mọi người không phải chen chúc hoặc thiếu giường bệnh khi chữa trị sốt xuất huyết tại đây.

Các bác sĩ chuyên khoa Nội Nhiễm tại bệnh viện được đào tạo bài bản, là chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm trong việc khám và chữa bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ứng phó với các tình trạng cấp thiết của bệnh sốt xuất huyết. Mỗi người bệnh sẽ được lên phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả, giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng, ngăn ngừa biến chứng.

Đồng thời, người bệnh sẽ được theo dõi sát sao, chăm sóc chu đáo, đem lại cảm giác thoải mái và hài lòng nhất khi thăm khám và điều trị bệnh tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Sau khi khỏi bệnh, đội ngũ chuyên gia y tế cung cấp tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe tại nhà và các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết.

Đăng ký Khám và điều trị sốt xuất huyết Dengue ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Tham khảo: