Bước vào thai kỳ, chị em phụ nữ phải trải qua giai đoạn nghén cực kỳ khó chịu, ảnh hưởng tới tâm lý và cả thể chất. Làm gì để giảm nghén khi mang thai, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ chia sẻ vài mẹo nhỏ an toàn và hiệu quả.
Nghén là gì?
Nghén là triệu chứng bình thường của phụ nữ khi mang thai ở giai đoạn đầu (tuần thai thứ 5 – 6), với biểu hiện buồn nôn, nôn ói, khó chịu với mùi hương nào đó. Nghén sẽ giảm dần và biến mất khi thai nhi phát triển sang tuần thứ 14 – 16, nhiều trường hợp có thể kéo dài lâu hơn.
Tùy thể trạng của từng thai phụ, thời gian và mức độ nghén sẽ khác nhau. Một số phụ nữ mang thai không phải trải qua tình trạng nghén. Có người nghén nhẹ nên không bị sút cân hoặc ảnh hưởng sức khoẻ, cũng có trường hợp thai phụ nghén nặng không kiểm soát được khiến cơ thể không hấp thu dưỡng chất và giảm cân.
Các triệu chứng nghén thường gặp
Dễ buồn nôn hoặc nôn
Thai phụ thường xuyên có cảm giác buồn nôn, khó chịu, đặc biệt là vào buổi sáng và trong bữa ăn. Cơn buồn nôn nhợn người kéo đến liên tục, nhưng không phải khi nào cũng nôn ói. Các mẹ bầu có thể chỉ nôn khan, nôn nhẹ hoặc nặng khoảng 1 – 3 lần trong ngày.
Biếng ăn
Nôn ói kéo dài khiến thai phụ mất cảm giác thèm ăn. Thai phụ có thể bỏ ăn, ăn không ngon, nhìn thấy thức ăn là nhợn, dẫn đến tình trạng sụt cân, thiếu chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi.
Nhạy cảm với mùi hương
Trong thai kỳ, phụ nữ có khứu giác nhạy cảm hơn so với lúc bình thường. Bên cạnh các mùi độc hại như khói thuốc lá, mùi hoá chất, mùi nấm mốc,… thai phụ trở nên khó chịu với nhiều mùi hương mà trước đây vốn dĩ rất bình thường. Đó có thể là mùi thức ăn, mùi nước hoa, hoặc thậm chí là nghén mùi hương cơ thể của chồng.
Thay đổi khẩu vị
Khi mang thai, vị giác của chị em cũng trở nên nhạy hơn, khẩu vị có sự thay đổi so với trước đây. Nhiều món ăn bình thường chị em rất thích, nhưng khi có bầu lại cực kỳ khó chịu, chỉ cần ngửi mùi hoặc thử nếm một chút là sẽ nôn ói. Ngược lại, một số món thường ngày không thích nhưng thai phụ lại thèm ăn bất thường. Nhiều mẹ bầu thèm ăn chua, ăn mặn, hoặc thèm những thứ lạ lùng như hành sống, cao su, đất sét, …
Ngoài ra, có một số biểu hiện kèm theo với tình trạng nghén khi mang thai như: chóng mặt, đau đầu, tâm trạng thất thường, hay lo âu căng thẳng, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi, thậm chí là trầm cảm.
Nguyên nhân nghén
Các chuyên gia và bác sĩ phụ sản cho rằng, tình trạng nghén ở thai phụ là do một trong các yếu tố sau đây:
Sự thay đổi hormone
Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thay đổi, nhau thai hình thành sản sinh ra hormone gonadotropin (HCG) nồng độ cao, estrogen và progesterone cũng tăng cao so với bình thường. Điều đó dẫn đến các cơ quan có sự xáo trộn, gây trào ngược dạ dày, làm nôn nghén.
Khứu giác, vị giác nhạy cảm
Khứu giác và vị giác của thai phụ trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường, dẫn đến tình trạng khó chịu với một số mùi hương hoặc các món ăn. Cơ thể đang trong trạng thái cần thích nghi với sự thay đổi lớn nên cũng dạ dày cũng bị ảnh hưởng, dễ buồn nôn, nôn ói.
Tiền sử của bản thân và di truyền
Nếu bạn đang trong trạng thái căng thẳng, có tiền sử say tàu xe, dễ chóng mặt,… sẽ dễ gặp tình trạng nghén khi mang thai. Đồng thời, nếu gia đình có mẹ hoặc chị gái từng nghén khi mang bầu thì bạn cũng có khả năng gặp phải tình trạng này.
Nghén có đáng lo không?
Giai đoạn đầu mang thai, thường khoảng ở tuần thứ 5 – 6, phụ nữ sẽ có cảm giác buồn nôn, nôn nhẹ. Tình trạng này chiếm khoảng 70% các trường hợp, là dấu hiệu nhận biết sớm về việc mang thai. Đa phần các thai phụ chỉ nghén nhẹ, không sụt cân nhiều, và dễ dàng chấm dứt nên không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nghén nặng khi mang thai, ảnh hưởng trầm trọng tới sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Để tránh nguy hiểm, thai phụ cần thận trọng theo dõi, khám thai định kỳ và nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ.
Mẹo giúp giảm nghén khi mang thai
Một số mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp phụ nữ giảm tình trạng nghén trong thai kỳ.
Điều chỉnh bữa ăn
Tình trạng nghén khiến thai phụ khó chịu và chán ăn, nhưng các mẹ bầu tuyệt đối không được bỏ bữa. Thay vì nhịn ăn hoặc ăn quá nhiều trong một bữa, các chị em hãy chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều lần trong ngày.
Ăn uống thanh đạm, lành mạnh
Chế độ ăn lành mạnh với các thực phẩm thanh đạm sẽ tốt cho cơ thể thai phụ. Hãy bổ sung dưỡng chất đầy đủ, tăng rau củ và trái cây, giảm các loại thức ăn nhanh, dầu mỡ, cay nóng, nhiều chất béo. Đồng thời, hãy ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hoá, tránh các loại đồ muối chua, lên men.
Uống nước đúng cách
Tuỳ theo cân nặng của từng thai phụ mà cần cung cấp lượng nước phù hợp. Mỗi ngày, các chị em mang thai buộc phải uống đủ nước, bao gồm nước lọc, nước ép, trà, canh,… Nhưng tránh uống nước trong bữa ăn để giảm cảm giác buồn nôn.
Bổ sung kali
Các chuyên gia cho rằng, nếu mẹ bầu thiếu kali thì dễ nghén hơn. Do đó, thai phụ nên bổ sung lượng kali cần thiết, có thể bằng cách ăn chuối, rau lá xanh,…
Thực phẩm khô cho bữa phụ
Một mẹo nhỏ giảm nghén khi mang thai hiệu quả là ăn bữa phụ bằng thực phẩm khô như bánh mì, bánh quy, yến mạch, quả óc chó, hạt dẻ, macca…
Xông tinh dầu
Xông tinh dầu là liệu pháp thư giãn tinh thần, giảm mệt mỏi, cải thiện các triệu chứng nghén do mang bầu. Chị em cần chọn các loại tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu bạc hà, tinh dầu oải hương, tinh dầu hương thảo,…
Bấm huyệt
Một trong những phương pháp chữa nghén dân gian được sử dụng nhiều đó là bấm huyệt. Bạn có thể ấn ba đầu ngón tay lên mạch cổ tay, lòng bàn tay, thở sâu để cơ thể được thư giãn. Ngoài ra, massage toàn thân nhẹ nhàng giảm mệt mỏi, đau nhức.
Vận động nhẹ nhàng
Thai phụ giai đoạn đầu cần hết sức cẩn trọng trong các hoạt động để bảo vệ thai nhi. Tuy nhiên, không vì thế mà các mẹ bầu ở yên mãi một chỗ, có thể khiến cơ thể bí bách, mệt mỏi và nghén nặng hơn. Chị em nên vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ hoặc thực hiện vài động tác dưỡng sinh.
Môi trường sống trong lành
Thai phụ cần tránh xa môi trường sống nhiều khói bụi, khói thuốc lá, ẩm mốc, nhiều mùi hôi, mùi dầu mỡ… Không gian thoáng mát, trong lành là điều cần thiết để các bà bầu tránh nghén, giảm buồn nôn.
Nghén khi mang thai có thể đem đến một vài phiền toái, khó chịu cho sức khỏe tinh thần và thể chất phụ nữ. Các mẹ bầu hãy bỏ túi những kinh nghiệm ở trên để chăm sóc bản thân và bé yêu trong bụng. Nếu tình trạng nghén trầm trọng hơn, cần đến gặp chuyên gia và bác sĩ phụ sản để thăm khám ngay nhé.
- BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN
- 60-60A Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
- Điện thoại: 028 3990 2468
- Đăng ký khám: https://hoanmy.com/saigon/dat-lich-hen/
- Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial
- Website: www.hoanmysaigon.com