Tán sỏi ngoài cơ thể là thủ thuật điều trị sỏi tiết niệu hiệu quả và phổ biến ở các cơ sở y tế. Người bệnh cần nắm một số kiến thức về phương pháp này để đưa ra quyết định lựa chọn điều trị hợp lý cho bản thân mình.
Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?
Tán sỏi ngoài cơ thể (tên tiếng Anh là Extracorporeal Shock Wave Lithotripsy) là kỹ thuật điều trị sỏi niệu được áp dụng rộng rãi hiện nay. Công nghệ này được áp dụng lần đầu tiên năm 1982 ở khoa Niệu tại trường Đại học Munich (Cộng hoà Liên bang Đức).
Tán sỏi ngoài cơ thể được xem như một bước đột phá, điều trị ít xâm lấn, không vết mổ, ít đau đớn, loại bỏ sỏi dễ dàng và êm ái. Kỹ thuật tán sỏi được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1990, trở thành lựa chọn phổ biến trong phác đồ điều trị sỏi niệu bởi tính hiệu quả.
Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể dùng sóng xung kích hội tụ áp lực cao từ ngoài cơ thể, dưới sự định vị từ bác sĩ chuyên khoa tập trung tiêu điểm vào viên sỏi để phá vỡ cấu trúc, làm viên sỏi vỡ vụn. Sau khoảng 7 – 28 ngày, các mảnh sỏi vụn sẽ trôi xuống niệu quản và bài tiết ra ngoài theo đường tiểu tiện.
Khi nào cần tán sỏi ngoài cơ thể?
Các chuyên gia thống nhất, cần dựa trên kết quả phân tích xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để có thể chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể.
Các trường hợp bác sĩ chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể:
- Kích thước của sỏi: Sỏi thận kích thước ≤ 20mm hoặc sỏi niệu quản ≤ 15mm. Khi sỏi lớn hơn cần xem xét từng trường hợp cụ thể.
- Vị trí của sỏi: Ưu tiên áp dụng cho sỏi đài bể thận, sỏi niệu quản đoạn lưng
- Người bệnh có chức năng thận còn tốt, không bị tắc nghẽn dưới sỏi, số lượng sỏi không quá 3 viên, không gặp tình trạng nhiễm trùng tiết niệu.
Quy trình thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể
Chuẩn bị trước khi tán sỏi
Xét nghiệm trước tán sỏi: Thực hiện các xét nghiệm công thức máu, chức năng thận, chức năng đông máu toàn bộ, ECG, chụp X-quang phổi, xét nghiệm nước tiểu. Nếu phát hiện nhiễm khuẩn niệu, cần điều trị bằng kháng sinh trước rồi mới tán sỏi.
Chẩn đoán hình ảnh học bằng siêu âm màu tổng quát, X-Quang bộ niệu không sửa soạn (KUB) hoặc chụp cắt lớp điện toán bụng chậu (MSCT) cho người bệnh.
Thực hiện tán sỏi
- Bước 1: Người bệnh nằm ngửa trên máy tán sỏi, thở đều, không di chuyển. Trước khi tán 30 phút, người bệnh được cho dùng thuốc giảm đau. Trường hợp đặc biệt, bác sĩ tiến hành gây mê toàn thân hoặc tiền mê giảm đau.
- Bước 2: Thoa gel lên vùng da lưng và dùng định vị X-quang để xác định vị trí của viên sỏi. Đặt phần lưng tương ứng nơi có sỏi tiếp xúc với bóng nguồn phát ra sóng xung kích.
- Bước 3: Bác sĩ điều chỉnh sóng xung kích hội tụ, tập trung chính xác vào vị trí của viên sỏi theo định vị X-quang. Sóng chấn động tạo ra năng lượng, tác động khu trú tán vỡ viên sỏi với tổn thương tối thiểu cho phần xung quanh. Tần số tán sỏi khoảng 60 – 80 lần/phút, mỗi đợt tối đa 3.000 nhịp xung.
Năng lượng tán sỏi phụ thuộc vào kích thước và độ rắn viên sỏi, mật độ cản quang của sỏi, vị trí viên sỏi, khoảng cách từ da đến viên sỏi. Bác sĩ theo dõi sỏi vỡ bằng X-quang, từ đó điều chỉnh cường độ và tần số sóng xung. Thông thường, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, chỉ nên tán sỏi tối đa 3 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 3 – 8 tuần.
Sau khi tán sỏi
Sau khi tán sỏi ngoài cơ thể, người bệnh phải uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng trên 3 lít) nhằm giúp mảnh vụn sỏi được đào thải hoàn toàn ra ngoài qua quá trình tiểu tiện.
Khoảng 3 – 4 tuần sau đợt tán sỏi đầu tiên, người bệnh tái khám chụp phim KUB và siêu âm để xác định sỏi đã tan và được đào thải hoàn toàn chưa, có cần tán bổ sung hay không.
Trong quá trình theo dõi, người bệnh có thể đau nhẹ vùng lưng, tiểu ra máu nhẹ. Trường hợp lên cơn sốt, đau quặn vùng lưng thận nhiều hoặc gặp các biến chứng khác thì cần liên hệ trực tiếp bác sĩ điều trị hoặc tái khám ngay.
Những lưu ý khi thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể
Không thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể đối với các trường hợp sau đây:
- Người bệnh bị bệnh béo phì nặng.
- Người bệnh bị dị dạng cột sống như vẹo cột sống, bị gù hoặc xương chậu nặng.
- Mắc bệnh lý tim mạch chưa ổn định, nhất là rối loạn dẫn truyền, hoặc người bệnh đang đặt máy khử rung, máy tạo nhịp tim.
- Người mắc một trong các bệnh lý sau: nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh đường ruột, viêm phổi, viêm lách chưa được điều trị, tắc nghẽn đường dẫn niệu do nguyên nhân khác.
- Người mắc bệnh phình động mạch chủ hoặc bị hoá vôi các động mạch gần vùng khu trú của sỏi.
- Người rối loạn đông máu chưa ổn định.
- Người đang sử dụng các loại thuốc chống đông.
- Phụ nữ mang thai.
Tán sỏi ngoài cơ thể tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể để điều trị sỏi tiết niệu một cách hiệu quả. Người bệnh khi thực hiện liệu trình tại đây, có thể an tâm về khả năng loại bỏ sỏi tiết niệu.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sở hữu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, kỹ thuật lành nghề. Cùng với đó là hệ thống trang thiết bị tân tiến về chẩn đoán hình ảnh, máy tán sỏi hiện đại cho kết quả điều trị tốt nhất.
Dựa vào tình trạng sức khỏe người bệnh, các chỉ số cơ thể, vị trí và kích thước viên sỏi, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp. Bệnh viện đảm bảo quá trình thực hiện tán sỏi nhẹ nhàng, người bệnh có thể phục hồi sức khỏe nhanh chóng, hạn chế tối đa xảy ra biến chứng, chi phí điều trị hợp lý .
Hãy đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để được các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu thăm khám và tư vấn điều trị sỏi tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể nhé!