Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Những điều cần lưu ý về nhồi máu cơ tim

27/05/2024

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, nếu không can thiệp kịp thời dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ tử vong cao. Triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể chỉ là cơn đau ngực nhẹ thoáng qua, và tiến triển nặng dần.

Mỗi người cần chủ động tìm hiểu nguyên nhân và các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, cách chẩn đoán bệnh để có thể phòng ngừa và điều trị đúng cách, giúp tăng khả năng cứu sống và giảm các biến chứng. Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về nhồi máu cơ tim và cứu sống người bệnh nhồi máu cơ tim cấp bằng cách đặt stent mạch vành.

Nhồi máu cơ tim là gì?

Tim cần được cung cấp oxy và các dưỡng chất từ động mạch vành trái và phải để bơm máu đến những cơ quan khác trong cơ thể. Nhồi máu cơ tim (Myocardial Infarction – MI) là tình trạng thu hẹp hoặc tắc nghẽn đột ngột ở 1 hoặc cả 2 nhánh động mạch vành, khiến cơ tim không được nhận đủ máu. Từ đó, gây hoại tử một vùng hoặc toàn bộ mô cơ tim, chức năng bơm máu suy giảm. Khi tổn thương lan rộng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy tim, sốc tim, vỡ tim, đột tử. Nếu điều trị chậm trễ, dù may mắn cứu sống thì vẫn để lại di chứng lâu dài như tàn phế.

Thời gian vàng can thiệp người bệnh nhồi máu cơ tim là trong vòng 12 giờ đầu phát bệnh. Xử lý và điều trị kịp thời sẽ tăng khả năng cứu sống lên hơn 90%, có trường hợp hồi phục hoàn toàn.

Tình trạng động mạch vành tắc nghẽn gây nên nhồi máu cơ tim cấp 

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Nguyên nhân chính gây hẹp hoặc tắc nghẽn đột ngột động mạch vành là bởi các mảng xơ vữa tích tụ trong lòng mạch vành. Thành phần của mảng xơ vữa bao gồm cholesterol, canxi, hoặc các mảnh vỡ tế bào. Đồng thời, các cục huyết khối cũng gây bít tắc lòng mạch vành. Nếu động mạch vành tắc nghẽn khoảng 30 phút mà không được can thiệp, vùng cơ tim tại vị trí tắc nghẽn sẽ tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi.

Một số yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng nhồi máu cơ tim cấp:

  • Cholesterol trong máu cao: Nếu bạn có chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thì sẽ khiến cholesterol xấu tăng cao trong máu. Mỡ máu cao làm hình thành các mảng xơ vữa bám vào thành động mạch, tích tụ dần gây tắc nghẽn mạch vành.
  • Bệnh cao huyết áp: Huyết áp tăng cao tạo áp lực lớn cho động mạch, gây giãn, yếu và có thể khiến động mạch đứt đột ngột, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh lý mạn tính: Một số căn bệnh làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh gout, viêm phổi, các bệnh tim mạch khác …
  • Nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc nhồi máu cơ tim: người béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, nghiện rượu, người cao tuổi, người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.

Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim có thể xảy đến đột ngột, nhưng cũng nhiều trường hợp có dấu hiệu cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày hoặc hàng tuần. Mỗi người sẽ trải qua các triệu chứng khác nhau, với mức độ khác nhau, có thể thay đổi dần dần từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng nhồi máu cơ tim điển hình nhất là các cơn đau thắt ngực, có thể kéo dài hơn 20 phút. Một số trường hợp người bệnh đái tháo đường hay người lớn tuổi không xảy ra đau thắt ngực mà chỉ xuất hiện biểu hiện khó thở, huyết áp giảm <90/60 mmHg.

Đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim

Những triệu chứng thường thấy nhất của nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Khó thở.
  • Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng.
  • Buồn nôn và nôn ói.
  • Tăng hoặc giảm huyết áp.
  • Đổ mồ hôi lạnh, tay chân lạnh và ẩm.
  • Trở nên hồi hộp, lo lắng hoặc hoảng sợ.
  • Nhịp tim đập nhanh.
  • Tức nặng ngực, nóng rát trước ngực trái.
  • Đau ngực dữ dội như bị bóp nghẹt, siết chặt.
  • Vùng đau lan rộng, đau xương sườn, lưng, hàm hoặc cánh tay trái.
  • Có thể mất ý thức, ngất xỉu vì đột tử cơ tim.

Biến chứng nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim không được sơ cứu và can thiệp kịp thời sẽ để lại những biến chứng nặng nề:

  • Rối loạn nhịp tim, nhịp tim bất thường, có trường hợp dẫn tới chết người, đột tử.
  • Tổn thương cơ tim lớn trên 40% sẽ gây sốc tim, người bệnh khó thở, cần hỗ trợ máy thở.
  • Suy tim cấp hoặc suy tim nặng mãn tính, phải dùng thuốc vận mạch hoặc dụng cụ hỗ trợ tim.
  • Có trường hợp nhồi máu cơ tim khiến phản ứng hệ thống miễn dịch bị lỗi, gây viêm tràn dịch màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim (hội chứng Dressler).
  • Cơn nhồi máu cơ tim cấp tăng nguy cơ khiến tim ngừng đập, gây nguy hiểm tính mạng, có thể đột tử.
  • Hở van 2 lá nặng vì đứt dây chằng lá van.
  • Thủng cơ tim tại vách liên thất gây nên tình trạng thông liên thất (thông thất trái và thất phải cấp tính).
  • Thủng vách tim tại thành tự do làm tràn máu màng tim hoặc vỡ tim.

Đối tượng dễ bị nhồi máu cơ tim

Những đối tượng có khả năng cao bị nhồi máu cơ tim:

  • Người bệnh cao huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn tính.
  • Người có tiền sử tai biến mạch máu não.
  • Tiền sử gia đình bị các bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não sớm (nam trước 55 tuổi và nữ trước 65 tuổi).
  • Bị rối loạn mỡ máu do di truyền.
  • Mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, vảy nến, Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì…
  • Phụ nữ bị tiền sản giật hoặc tiểu đường thai kỳ.
  • Người cao tuổi (phụ nữ sau mãn kinh, nam trên 50 tuổi)
  • Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Người dùng chất kích thích như cocaine hoặc amphetamine.
  • Người béo phì, chỉ số BMI ≥23.
  • Người ít vận động, liên tục căng thẳng, stress.

Điều trị nhồi máu cơ tim

1. Điều trị ban đầu

  • Hỗ trợ thở oxy cho người bệnh bị giảm oxy trong máu. Nếu bị suy hô hấp nặng thì phải đặt nội khí quản, cho thở máy.
  • Sử dụng thuốc giảm đau để giảm triệu chứng cơn thắt ngực. Lựa chọn phổ biến là Morphin sulphat.
  • Dùng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, thuốc chống đông, hay thuốc chẹn beta giao cảm.
  • Chú ý hỗ trợ kiểm soát nhịp tim và tăng cường hoạt động co bóp của tim.

2. Can thiệp động mạch vành (Percutaneous Coronary Intervention – PCI)

Đặt stent mạch vành nhằm cứu sống người nhồi máu cơ tim cấp

  • Là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhồi máu cơ tim cấp, mang lại ưu thế điều trị so với các biện pháp khác. 
  • Áp dụng cho người bệnh bị nhồi máu cơ tim, đặc biệt rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết động, chống chỉ định với thuốc tiêu huyết khối.
  • Các bác sĩ xây dựng hình ảnh X-quang để xác định vị trí tắc nghẽn, tiến hành luồn ống thông dẫn qua động mạch ngoại vi (từ đùi hoặc cổ tay) tới động mạch vành. Sau đó đặt stent (ống thông khung lưới kim loại nhỏ) vào đoạn mạch nghẽn để làm rộng lòng mạch. Đặt stent mạch vành sẽ giúp giải quyết tình trạng động mạch vành tắc nghẽn, cứu sống người bị nhồi máu cơ tim cấp.

3. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành (Coronary Artery Bypass Grafting – CABG)

  • Chỉ định ở trường hợp người bệnh đau ngực dai dẳng, điều trị nội khoa không hiệu quả, không phù hợp đặt stent nong mạch vành, tổn thương phức tạp hoặc có nguy cơ tử vong cao.
  • Sau khi gây mê hoàn toàn người bệnh, bác sĩ mở đường tiếp cận từ giữa ngực, sử dụng đoạn mạch máu từ vị trí khác trong cơ thể làm cầu nối ghép hai đầu đoạn mạch vành bị tắc nghẽn. Nhờ đó, máu lưu thông qua đoạn mạch bắc cầu vừa ghép vào nuôi cơ tim.

4. Điều trị lâu dài sau khi nhồi máu cơ tim cấp

Người bệnh sau khi được can thiệp vượt qua cơn nhồi máu cơ tim cấp, vẫn cần tiếp tục điều trị và chăm sóc lâu dài. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc như chống kết tập tiểu cầu, thuốc điều trị cao huyết áp, rối loạn mỡ máu,… Người bệnh cần thay đổi lối sống, thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục đều đặn, ngưng hút thuốc lá, ngưng uống rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế thực phẩm chứa muối, nhiều dầu mỡ, cay nóng.

Điều trị nhồi máu cơ tim tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đối với người bệnh nhồi máu cơ tim, cần phát hiện càng sớm càng tốt, cấp cứu y tế đúng cách và kịp thời sẽ tăng khả năng cứu sống và giảm các biến chứng nguy hiểm. Thời gian tốt nhất dành cho người bị nhồi máu cơ tim là trong 1 – 2 giờ đầu tiên khởi phát triệu chứng hoặc cơn đau ngực.

Khi người bệnh cấp cứu nhồi máu cơ tim ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, ngay lập tức các chuyên gia y tế sẽ kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, đo điện tim, xác định tình trạng bệnh. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm tại bệnh viện sẽ kích hoạt Code STEMI (ST-segment Elevation Myocardial Infarction) – Quy trình cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, tận dụng “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh.

Người bị nhồi máu cơ tim cấp cần được cấp cứu, can thiệp nhanh chóng trong thời gian vàng

Người bệnh được tiến hành chụp mạch vành DSA (Digital Subtraction Angiography), can thiệp đặt stent mạch vành để mở rộng lòng mạch ở vị trí bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Các thủ thuật cấp cứu diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, rút ngắn thời gian tổn thương cơ tim. Nhờ vậy, các dấu hiệu sinh tồn có thể ổn định lại ngay, triệu chứng đau ngực giảm nhẹ. Sau đó, người bệnh được theo dõi và điều trị tích cực để hồi phục hoàn toàn.

Với đội ngũ chuyên gia và bác sĩ lành nghề, phản ứng nhanh, cùng hệ thống máy móc tiên tiến, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã cứu sống vô vàn người bị nhồi máu cơ tim cấp, giảm tỷ lệ tử vong và ngăn ngừa di chứng cho người bệnh.

Hãy đăng ký thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhồi máu cơ tim ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Tham khảo:

Câu lạc bộ Sức khỏe Hoàn Mỹ

Nhồi máu cơ tim cấp | Khoa Nội Tm mạch