Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Những điều cần biết về sinh thiết cột sống qua da

03/06/2024

Sinh thiết cột sống là phương pháp chẩn đoán mô bệnh học, đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về cột sống. Để quá trình sinh thiết được thực hiện nhanh chóng và an toàn, cần hiểu rõ những thông tin cơ bản về kỹ thuật này. Hãy cùng bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn theo dõi bài viết dưới đây.

Sinh thiết cột sống là gì?

Sinh thiết cột sống (biopsy of the spine) qua da là thủ thuật xâm lấn tối thiểu lấy mẫu mô xương hoặc tế bào cột sống tổn thương để quan sát dưới kính hiển vi trong phòng thí nghiệm nhằm xác định bản chất của sang thương như: u, viêm, lao và các bệnh lý khác. Để lấy mẫu bệnh phẩm, bác sĩ sẽ đưa kim sinh thiết qua da vào cột sống dưới sự hướng dẫn của nhiều kỹ thuật hình ảnh khác nhau, có thể là cắt lớp vi tính (CT scan), siêu âm hoặc cộng hưởng từ (MRI).

Kim sinh thiết (biopsy needle) dùng để chọc lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm chẩn đoán mô bệnh học.

Nhờ sinh thiết cột sống dưới hướng dẫn của hình ảnh học, các bác sĩ lấy mô bệnh phẩm gửi phòng xét nghiệm để phân tích mô bệnh học. Ưu điểm của phương pháp này đó là thực hiện nhanh chóng, người bệnh không phải nhập viện, xác định chẩn đoán sớm, ít tác dụng phụ và không cần can thiệp phẫu thuật như trước đây.

Mục đích của sinh thiết cột sống

Sinh thiết cột sống là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, an toàn và hiệu quả với mục đích:

  • Xác định chính xác bản chất tổn thương: lao xương, u nguyên phát, ung thư di căn,…
  • Phân biệt các trường hợp tổn thương cột sống phức tạp, không điển hình.
  • Cung cấp thông tin nhằm xếp loại u xương ác tính.
  • Đánh giá sự đáp ứng của khối u cột sống với hoá trị, xạ trị.
  • Kết quả cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ giúp phân tích tổn thương viêm nhiễm ở phần mềm cạnh cột sống, từ đó bác sĩlựa chọn kháng sinh phù hợp khi điều trị viêm cột sống đĩa đệm.
  • Từ kết quả sinh thiết, bác sĩ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.

Sinh thiết cột sống là thủ thuật tốt nhất để chẩn đoán xác nhận các bệnh lý cột sống.

Người bệnh nào được chỉ định làm sinh thiết cột sống

Sinh thiết cột sống được chỉ định trong những trường hợp sau đây:

  • Xác nhận chẩn đoán các bệnh tật cột sống, đánh giá nguyên nhân.
  • Kiểm tra những bất thường được phát hiện khi chụp X-quang, chụp CT hoặc chụp MRI.
  • Chẩn đoán phân biệt xẹp đốt sống lành tính hay bởi các bệnh lý ác tính (ung thư xương, viêm xương biến dạng Paget, viêm tuỷ xương,…).
  • Phân tích nhiễm trùng để xác định vi khuẩn và virus gây bệnh, ví dụ như viêm đĩa đệm hoặc viêm tủy xương.
  • Phân biệt giữa nhiễm trùng cột sống và khối u xương.
  • Xác định khối u là lành tính hay ung thư.
  • Xác nhận hoặc loại trừ di căn ở người bệnh ung thư nguyên phát nhằm đánh giá giai đoạn ung thư.
  • Hỗ trợ tìm u nguyên phát trong trường hợp di căn cột sống nhưng chưa tìm được vị trí dựa trên kết quả giải phẫu bệnh và hoá mô miễn dịch.
  • Phân độ u nguyên phát ở cột sống.
  • Đánh giá sự tái phát của khối u sau khi điều trị.
  • Đánh giá đáp ứng của bệnh lý ác tính ở cột sống với hóa trị liệu hay xạ trị.
  • Chẩn đoán, định danh vi khuẩn, làm kháng sinh đồ.

Sinh thiết cột sống lấy mẫu bệnh phẩm nuôi cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ.

Những rủi ro, tai biến có thể gặp khi tiến hành sinh thiết cột sống

Trước khi sinh thiết cột sống, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng phương hướng đi kim để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tai biến. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp một số rủi ro, biến chứng khi thực hiện sinh thiết cột sống:

  • Tụ máu phần mềm theo đường chọc kim (tụ máu dưới da, trong cơ).
  • Đau nhức, sưng tấy tại vị trí chọc kim và lan ra xung quanh.
  • Chảy máu hoặc nhiễm trùng tại vị trí chọc kim.
  • Phản ứng với các loại thuốc dùng trong quá trình thực hiện thủ thuật: thuốc mê, thuốc tê, thuốc giảm đau, thuốc cầm máu.
  • Tràn khí màng phổi (chiếm tỷ lệ 4 – 11% sau khi thực hiện sinh thiết cột sống ngực).

Các bước tiến hành

Sinh thiết cột sống được thực hiện khoảng 30 – 60 phút. Quy trình tiến hành gồm các bước sau:

  • Người bệnh nằm sấp trên bàn chụp.
  • Đặt máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, SpO2, điện tâm đồ,…
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch, tiêm thuốc giảm đau an thần.
  • Chụp hình định vị cột sống, và đánh dấu vị trí cần sinh thiết.
  • Dựa vào hình ảnh cắt lớp vi tính, xác định hướng, đường, góc, độ sâu sau đó đánh dấu trên da.
  • Làm sạch da và sát trùng tại chỗ.
  • Trải săng có lỗ lên vị trí cần sinh thiết.
  • Tiêm thuốc gây tê vào vùng sinh thiết.
  • Dưới hướng dẫn của hình ảnh cắt lớp vi tính, chọc kim sinh thiết qua da, trực tiếp vào xương tổn thương.
  • Sau khi kim chọc vào đúng vị trí tổn thương, tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm
  • Rút kim, lấy bệnh phẩm bên trong kim và cố định.
  • Dán băng vào vị trí chọc kim.
  • Chụp kiểm tra tổn thương.
  • Mẫu bệnh phẩm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để bác sĩ xác định chẩn đoán.

Sinh thiết cột sống dưới sự hướng dẫn của máy chụp cắt lớp vi tính.

Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành sinh thiết?

Trước khi tiến hành sinh thiết cột sống, người bệnh cần chuẩn bị như sau:

  • Làm các xét nghiệm máu đảm bảo sinh thiết an toàn như: đông máu, công thức huyết học tổng quát.
  • Có thể được yêu cầu nhịn ăn hoặc ngừng uống nước 6 tiếng trước khi làm thủ thuật.
  • Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để bác sĩ đánh giá tổn thương, các nguy cơ và tính toán cách thức sinh thiết.
  • Thông báo với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng và tiền sử dị ứng thuốc, thuốc mê.
  • Ngưng thuốc làm loãng máu trong một tuần trước khi sinh thiết.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, tiền sử bệnh đái tháo đường, hen suyễn hoặc các bệnh lý khác.
  • Cần tháo tất cả các đồ vật và phụ kiện bằng kim loại như kính mắt, trang sức, đồng hồ, …
  • Nên sắp xếp để có người chở về nhà sau khi thực hiện thủ thuật.

Sau khi sinh thiết người bệnh cần làm gì?

Sau khi sinh thiết cột sống, người bệnh cần tuân thủ những điều sau:

  • Nằm theo dõi khoảng 1 – 2 tiếng.
  • Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng phản ứng, dị ứng, biến chứng để xử lý ngay.
  • Nếu không có gì bất thường thì người bệnh được xuất viện về nhà.
  • Người bệnh không được vận động mạnh, không tập thể dục nặng trong vòng 3 ngày.
  • Uống thuốc giảm đau hoặc chống viêm theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau nhức ở vị trí sinh thiết.
  • Sau 48 giờ, nên tháo băng dán ở vị trí sinh thiết, kiểm tra xem vết thương có sạch, khô hay lành không. Nếu vết thương sưng tấy, chảy máu, tụ máu thì cần đến bệnh viện xử lý để tránh nhiễm trùng.
  • Khi có kết quả sinh thiết, quay lại bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, chẩn đoán bệnh lý.

Thực hiện sinh thiết cột sống tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Ngày nay, sinh thiết cột sống qua da là một thủ thuật không thể thiếu trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý cột sống. Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là địa điểm uy tín quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn với đầy đủ chuyên khoa, đặc biệt có nhiều chuyên khoa sâu như khoa Chẩn đoán Hình ảnh, khoa Ung Bướu, khoa Xét nghiệm – Giải phẫu bệnh … v.v. triển khai nhiều dịch vụ sinh thiết tầm soát, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cột sống.

Với hệ thống máy móc chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao như MRI, CT thế hệ mới, các quy trình sinh thiết sàng lọc diễn ra nhanh chóng, đúng chuẩn, độ chính xác cao, ít gây tổn thương và biến chứng cho người bệnh. Người bệnh có thể xuất viện ngay sau khi thực hiện thủ thuật.

Sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán hỗ trợ phẫu thuật điều trị các bệnh lý cột sống.

Dựa vào kết quả sinh thiết, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý cột sống, phát hiện sớm ung thư, giúp đưa ra phương án điều trị hiệu quả và kịp thời. Người bệnh có thể được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa hoặc phương pháp kết hợp nhằm tối ưu hiệu quả điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu sẽ tiến hành những phẫu thuật cột sống ít xâm lấn, giúp hạn chế tối đa đau đớn và di chứng. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng hỗ trợ điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng v.v. chăm sóc toàn diện sẽ giúp người bệnh sẽ phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.

Đăng ký thăm khám và chẩn đoán các bệnh lý cột sống ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.