Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Những điều cần biết khi chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà

08/06/2024

Trong một số trường hợp, do nguyên nhân bẩm sinh, bệnh lý, chấn thương,… có những người phải sử dụng hậu môn nhân tạo để đưa phân ra bên ngoài cơ thể. Làm thế nào để chăm sóc hậu môn nhân tạo đúng cách, cần lưu ý điều gì để tránh biến chứng? Bài viết sau sẽ giải đáp các thắc mắc khi chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà.

Hậu môn nhân tạo là gì?

Hậu môn nhân tạo (colostomy) là lỗ mở chủ động thông đại tràng ra ngoài da để thay thế hậu môn thật. Toàn bộ phân và khí đưa trực tiếp qua lỗ thông nhân tạo vào túi chứa thoát ra ngoài mà không cần đi qua trực tràng. Tùy từng trường hợp mà hậu môn nhân tạo có thể được mở tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hậu môn nhân tạo có thể gây bất tiện trong sinh hoạt, tạo mùi khó chịu và dễ nhiễm khuẩn nếu chăm sóc sai cách.

Khi nào người bệnh cần sử dụng hậu môn nhân tạo?

Hình thức hậu môn này thường được chỉ định thực hiện với các trường hợp như:

  • Khiếm khuyết, dị dạng bẩm sinh: Không có hậu môn, teo hậu môn, Hirschsprung…
  • Các tổn thương ở trực tràng ngoài phúc mạc hoặc đoạn đại tràng cố định.
  • Tổn thương ống tiêu hóa nặng: Nhiễm trùng ổ bụng, thủng ruột, viêm ruột hoại tử, …
  • Người bệnh bị tắc ruột dưới ảnh hưởng của ung thư đại trực tràng.
  • Sau phẫu thuật chữa viêm loét đại trực tràng: Cắt túi thừa, cắt bỏ hồi tràng,…
  • Bảo vệ thương tổn ở ống tiêu hóa: Giữ sạch đường khâu, miệng nối tránh xì bục, nhiễm khuẩn.
  • Xuất hiện các khối u phần thấp tại trực tràng.
  • Ung thư đại trực tràng gây tắc ruột, ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn.
  • Rò trực tràng – âm đạo hoặc rò trực tràng – bàng quang.
  • Làm sạch đại trực tràng khi bị bệnh hẹp tắc đại tràng, phình đại tràng, chứng tắc ruột…
  • Chấn thương ổ bụng gây dập ống tiêu hoá.

Các loại hậu môn nhân tạo được sử dụng

Hậu môn nhân tạo được đặt tại vị trí thuận lợi nhất, đảm bảo những yếu tố sau:

  • Đặt ở thành bụng phẳng nhằm dễ dàng gắn túi chứa phân.
  • Vị trí nằm phía trên của thắt lưng.
  • Người đặt hậu môn nhân tạo có thể quan sát và chăm sóc.

Dựa vào vị trí giải phẫu đại tràng đặt hậu môn nhân tạo mà chia thành các loại sau:

1. Hậu môn nhân tạo đại tràng sigma

Là loại hậu môn nhân tạo phổ biến nhất thời điểm hiện nay. Vị trí đặt hậu môn nằm gần cuối đại tràng, ngay trước trực tràng. Khi thực hiện kiểu hậu môn nhân tạo đại tràng sigma, phần phân đưa ra ngoài tương tự với phân bình thường nhưng sẽ cứng hơn.

2. Hậu môn nhân tạo đại tràng ngang

Hậu môn nhân tạo đặt ở đại tràng ngang nằm ngang ở vùng thượng vị, phân thải ra ngoài qua hậu môn vị trí này thường mềm hơn với hậu môn đại tràng sigma. Có 3 kiểu mở hậu môn tại đại tràng ngang như sau:

  • Hậu môn nhân tạo kiểu quai
    • Thường có tính chất tạm thời, thực hiện nhanh hơn so với 2 kiểu hậu môn đại tràng ngang còn lại.
    • Vị trí đặt ở khoảng ¼ trên vùng thành bụng phải hoặc hố chậu trái (tương ứng đại tràng sigma).
    • Xu hướng tạo đường hầm thành bụng lớn nên tăng nguy cơ thoát vị cạnh hậu môn nhân tạo.
    • Do đại tràng còn liên tục với trực tràng nên thỉnh thoảng vẫn có phân và khí đi qua trực tràng.
  • Hậu môn nhân tạo kiểu đầu tận
    • Hậu môn nhân tạo có tính chất vĩnh viễn, thực hiện sau khi phẫu thuật cắt đại tràng và trực tràng.
    • Vị trí đặt tại đoạn cuối hồi tràng, sát van hồi manh tràng.
    • Bảo tồn tối đa chức năng tiêu hoá và hấp thu của tiểu tràng, chừa chỗ tạo túi chứa.
  • Hậu môn nhân tạo kiểu nòng súng
    • Thường mang tính chất tạm thời, thực hiện nhanh hơn hậu môn kiểu đầu tận.
    • Đầu gần hậu môn nhân tạo được đưa ra ngoài thành bụng làm hậu môn tạm thời để đưa chất thải ra ngoài. Đầu xa cũng đưa ra ngoài thành bụng, có một ít chất nhầy chảy ra.

3. Hậu môn nhân tạo đại tràng xuống

Hậu môn nhân tạo đại tràng xuống thường được sử dụng cho người bị ung thư trực tràng, được mở ở vị trí bên trái ổ bụng. Phân từ hậu môn nhân tạo này thường rắn hơn so với các loại hậu môn tạm thời khác.

4. Hậu môn nhân tạo đại tràng lên

Kiểu hậu môn nhân tạo đại tràng lên thường ít được thực hiện. Lý do bởi chỉ một phần của đại tràng thực hiện chức năng tiêu hoá và hấp thụ chất dinh dưỡng, khiến chất thải thoát ra còn tỷ lệ nước cao nên thường lỏng. Do đó, khiến việc chăm sóc hậu môn nhân tạo khó khăn hơn.

Chăm sóc hậu môn nhân tạo tại nhà

Sau khi phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo, người bệnh sẽ mang một túi chứa đặt trên bụng, quanh miệng hậu môn. Khi đi tiêu, hậu môn nhân tạo sẽ phải đóng mở và điều chỉnh phù hợp. Vùng da quanh miệng hậu môn có thể bám phân nên cần được vệ sinh cẩn thận để tránh mùi hôi, nhiễm khuẩn. Người nhà và người bệnh cần lưu ý chăm sóc hậu môn nhân tạo đúng cách.

Chọn túi hậu môn nhân tạo phù hợp

Chọn túi hậu môn nhân tạo phù hợp

Cách chăm sóc hậu môn nhân tạo

  • Chọn túi hậu môn nhân tạo phù hợp, vừa sát miệng hậu môn, tránh rò keo dán túi. Có thể chọn loại túi chứa có lọc mùi than hoạt tính để giảm mùi hôi, túi có màng xả khí tránh phồng.
  • Thay hoặc xả túi chứa khi phân đầy nửa túi, làm sạch túi mỗi ngày.
  • Dán túi chứa cẩn thận trong tình trạng phình bụng, tránh xì túi, tróc keo hoặc dịch phân rò ra.
  • Làm sạch vùng da quanh miệng hậu môn nhân tạo bằng nước ấm, nước muối sinh lý, lau khô.
  • Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước và sau khi vệ sinh miệng hậu môn cũng như túi chứa.
Chăm sóc vùng da quanh hậu môn nhân tạo cẩn thận để tránh nhiễm khuẩn, biến chứng

Chăm sóc vùng da quanh hậu môn nhân tạo cẩn thận để tránh nhiễm khuẩn, biến chứng

Vệ sinh cá nhân

  • Người bệnh tắm rửa bình thường, nhưng tránh xả nước hay chà xát xà phòng lên hậu môn nhân tạo.
  • Sử dụng xà phòng, sữa tắm trung tính, không chứa chất tẩy rửa mạnh.

Sinh hoạt hằng ngày

  • Làm việc, tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng.
  • Tránh làm việc quá sức, vận động mạnh, nâng vật nặng.
  • Không tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
  • Mặc trang phục thoải mái, tránh quần áo chật bó sát.

Theo dõi tình trạng hậu môn nhân tạo

Người bệnh cần thăm khám và thông báo cho bác sĩ ngay để được xử lý khi gặp các vấn đề bất thường với hậu môn nhân tạo như:

  • Hậu môn nhân tạo bị tụt vào trong hoặc sa lồi.
  • Tấy đỏ, viêm loét, chảy máu vùng da quanh hậu môn nhân tạo.
  • Tình trạng tắc ruột, áp xe, hẹp lỗ hậu môn nhân tạo.

Chế độ dinh dưỡng cho người dùng hậu môn nhân tạo

Người sử dụng hậu môn nhân tạo cần lưu ý có chế độ dinh dưỡng phù hợp:

  • Chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều bữa trong ngày, không ăn quá no.
  • Ăn chậm nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt để thức ăn dễ tiêu hoá hơn.
  • Hạn chế thức ăn nhiều gia vị như tỏi, tiêu, ớt, gừng,…
  • Tránh ăn thức ăn gây tắc ruột như đậu, nấm, hạt khô, nho, ngô.
  • Ngừng ăn những thức ăn gây khó chịu cho ruột hoặc thức ăn quá nhuận tràng.
  • Cân nhắc đối với thức ăn tạo hơi (hột mít, khoai) và tạo mùi (sầu riêng, củ kiệu, mắm…).
  • Bổ sung đầy đủ vitamin và chất khoáng cần thiết.
  • Uống nhiều nước để tránh cơ thể bị mất nước vì đại tràng hấp thụ yếu.

Khám, đặt và tư vấn về hậu môn nhân tạo tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia y tế hàng đầu, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thăm khám và điều trị các bệnh lý ống tiêu hoá.

Đối với trường hợp người bệnh phải đặt mổ hậu môn nhân tạo, các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Người bệnh được chỉ định làm các xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm để đánh giá chức năng hô hấp, tim mạch, mức độ tắc ruột,… Ca phẫu thuật thực hiện bởi những chuyên gia bác sĩ tay nghề cao, dưới sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc tiên tiến nhất.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh được theo dõi sát sao đến khi hồi phục sức khoẻ, có thể xuất viện. Các chuyên gia sẽ tư vấn, hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc hậu môn nhân tạo tạo tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, khi người bệnh gặp bất kỳ vấn đề gì về hậu môn nhân tạo, hoặc cần đóng/mở, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ hỗ trợ xử lý kịp thời và hiệu quả.

Đăng ký khám, đặt và tư vấn về hậu môn nhân tạo ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Tham khảo: