Sau hơn chín tháng mang thai, các mẹ bầu cần chuẩn bị tinh thần cho cơn chuyển dạ chờ sinh, đón “thiên thần” chào đời. Để có thể bình tĩnh đối diện với quá trình này, các mẹ nên tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh, đặc biệt là những mẹ sinh con đầu lòng.
Chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ là quá trình sinh lý diễn ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ, báo hiệu thời điểm sắp sinh của thai phụ. Chuyển dạ làm thai nhi và phần phụ (màng ối, bánh nhau, dây rốn) được đưa ra khỏi tử cung người mẹ qua đường âm đạo.
Cơn chuyển dạ bắt đầu khi các cơ ở tử cung co thắt (xuất hiện cơn gò tử cung), phần bụng dưới cứng lên và cổ tử cung mở ra rộng dần. Cơn đau sẽ tăng dần đều đặn, tử cung mở to hơn, giúp thai nhi dễ dàng ra ngoài.
Thời gian chuyển dạ của mỗi thai phụ không giống nhau, phụ thuộc vào ống sinh dục, khung chậu, lực co bóp cơn gò, phôi thai, kích thước đầu thai. Sản phụ sinh con đầu lòng sẽ có thời gian chuyển dạ từ 16 – 24 giờ, kéo dài lâu hơn sản phụ sinh con thứ hai (khoảng 8 – 16 giờ).
Quá trình sắp sinh con được phân chia thành:
- Chuyển dạ đủ tháng: Tuổi thai đầu khoảng từ tuần 38 tới tuần 42 (ngày sinh dự kiến thường là tuần thứ 40). Thai nhi có thể khoẻ mạnh sống độc lập ngoài tử cung.
- Chuyển dạ non tháng: Tuổi thai từ tuần thứ 22 – 37 tuần.
- Trẻ sinh già tháng: Tuổi thai lớn hơn 42 tuần.
Phân biệt chuyển dạ thật và chuyển dạ giả (cơn gò Braxton-Hick)
Thực tế, nhiều trường hợp thai phụ xuất hiện cơn gò tử cung nhưng không phải là dấu hiệu chuyển dạ phải nhập viện. Các mẹ bầu có thể xuất hiện cơn co thắt bất thường, giãn nở trước khi chuyển dạ thật, gọi là cơn gò Braxton Hicks, gò sinh lý hoặc chuyển dạ giả.
Nhận biết cơn chuyển dạ giả qua các dấu hiệu sau:
- Xuất hiện cơn co thắt nhẹ, diễn ra không đều, cách nhau khoảng 6 – 10 phút.
- Cơn co thắt giống đau bụng kinh nguyệt, hơi đau thắt ở bụng dưới hoặc xương chậu.
- Khi thai phụ đổi tư thế hoặc hoạt động cơ thể, cơn co thắt sẽ chậm dần hoặc dừng lại.
- Đi bộ nhẹ nhàng hoặc nằm nghỉ có thể giúp cơn gò sinh lý chậm lại hoặc biến mất.
- Không kèm theo các triệu chứng khác của chuyển dạ thật (đau dồn dập, đau mạnh dần, vỡ ối,…)
9 dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh
Quá trình sinh nở đôi khi không thể theo kế hoạch. Dù có thời gian dự sinh, nhưng có thể bé sẽ chào đời sớm hoặc muộn hơn. Các mẹ bầu cần chuẩn bị tâm lý vững vàng để “vượt cạn” suôn sẻ. Hãy tham khảo 9 dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh sau đây để chủ động hơn trong việc chào đón bé:
1. Sa bụng dưới
Ở giai đoạn cuối của thai kỳ, thai nhi di chuyển dần dần xuống vùng xương chậu thai phụ, nhằm chuẩn bị chuyển dạ. Hiện tượng thai nhi di chuyển có thể xảy ra trong vài tuần hoặc vài giờ trước khi sinh, khá dễ nhận biết đối với mẹ sinh con đầu lòng.
Thời điểm này, đầu thai nhi quay xuống phía dưới, ở khá thấp, chèn ép bàng quang thai phụ, làm mẹ bầu tiểu tiện thường xuyên. Do đó, mẹ bầu sẽ cảm thấy bụng dưới sa xuống hơn, bụng dưới trằn nặng, di chuyển khó khăn. Thay vào đó, mẹ bầu sẽ dễ thở hơn bởi lồng ngực được giảm áp lực, phổi hết bị chèn ép.
2. Cơn gò tử cung
Dấu hiệu chuyển dạ thật sự là khi các cơn co thắt diễn ra với cường độ tăng dần. Bụng của thai phụ căng cứng lên, cơn đau tăng dần, dù thay đổi tư thế hoặc nằm nghỉ cũng không giảm đau. Các cơn gò có tần suất liên tục, đều đặn cách nhau khoảng 5 – 10 phút, mỗi cơn gò kéo dài 30 giây đến 1 phút. Sau đó, cơn gò tiếp tục tăng dần tần suất khoảng 2 – 3 phút/lần.
3. Vỡ ối
Túi ối là túi chất lỏng bảo vệ và cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Vỡ ối là dấu hiệu rõ ràng nhất của quá trình chuyển dạ, cho thấy thai phụ bắt đầu sắp sinh. Mỗi mẹ bầu sẽ có tình trạng vỡ ối khác nhau. Lượng nước ối chảy ra có thể nhiều hay ít, nhỏ giọt chầm chậm hoặc đột ngột chảy tuôn thành dòng nhanh, màu vàng nhạt hoặc trong suốt.
Khi chảy nước ối, thai phụ không cảm thấy đau đớn. Các mẹ cần nhận biết nhanh là nước tiểu hay nước ối. Nếu xác định đó là nước ối thì cần đến bệnh viện ngay, bởi nếu không can thiệp sớm thì dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây ảnh hưởng tới thai nhi.
Đặc biệt, thai phụ đủ 37 tuần khi vỡ ối thường sẽ sinh con sau 12 – 24 giờ. Nếu không thể sinh thường, bác sĩ sẽ can thiệp thực hiện sinh mổ nhằm giúp thai nhi được an toàn, tránh nhiễm trùng.
4. Cổ tử cung giãn nở
Đến những tuần cuối thai kỳ, tử cung bắt đầu giãn nở và mỏng dần. Thai phụ cần khám thai kỹ lưỡng để bác sĩ theo dõi tốc độ xóa mở cổ tử cung trước khi chuyển dạ. Mỗi mẹ bầu sẽ có tốc độ mở tử cung nhanh chậm không giống nhau.
Để quá trình sinh nở thuận lợi, cổ tử cung cần mở 10cm. Trường hợp thai phụ đã vỡ ối nhưng sau 16 tiếng cổ tử cung vẫn không mở, bác sĩ cần can thiệp để kích thích chuyển dạ cho mẹ sinh con. Quá trình mở cổ tử cung có thể chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Cổ tử cung mở 3 cm, diễn ra khá chậm từ 6 – 8 giờ.
- Giai đoạn sau: Cổ tử cung mở từ 3 – 10 cm, tiến triển nhanh trong khoảng 7 giờ, trung bình mở 1 cm/giờ hoặc hơn.
5. Mất nút nhầy
Nút nhầy là khối dịch nhầy khá dày nằm ở lỗ cổ tử cung, giống như hàng rào bảo vệ tử cung phụ nữ, ngăn chặn vi rút, vi khuẩn xâm nhập. Ở tuần 37 – 40 tuần của thai kỳ, âm đạo các mẹ bầu sẽ tiết ra chất nhầy hơi đỏ hoặc hồng nhạt, có thể lẫn ít máu. Hiện tượng này là mất nút nhầy, diễn ra trong vài ngày hoặc vài giờ trước khi chuyển dạ. Nếu gặp trường hợp dịch nhầy tiết ra có chứa nhiều máu, mẹ bầu cần đến bệnh viện thăm khám ngay để được các bác sĩ xử lý kịp thời.
6. Bản năng “làm tổ”
Khi đến những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu thường mệt mỏi hơn, bụng to chèn ép bàng quang nên thường xuyên tiểu đêm, khó ngủ, không yên giấc. Thế nhưng, các mẹ lại xuất hiện cảm giác muốn sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa. Hiện tượng này giống như bản năng làm mẹ bộc phát, muốn “làm tổ” để chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ nhằm chào đón đứa con của mình.
7. Chuột rút
Trước khi cơn chuyển dạ đến, các mẹ thường bị đau nhức chân và xảy ra chuột rút nhiều hơn. Lúc này, cần phải xoa bóp và đi bộ nhẹ nhàng để cơ thể thoải mái và dễ dàng sinh con hơn.
8. Đau lưng, đau xương chậu
Để chuẩn bị cho việc sinh nở, các cơ khớp xương chậu sẽ nới lỏng và kéo giãn dần ra, đặc biệt là khi sắp chuyển dạ. Đồng thời, thai nhi xoay đầu và di chuyển xuống dưới tử cung làm trằn bụng dưới. Do đó, thai phụ cảm thấy đau nhức lưng, đau mỏi háng, đau xương chậu. Đặc biệt, khi chuyển dạ và sắp sinh, khung chậu các mẹ sẽ kéo căng mở rộng hết mức có thể, nên cơn đau càng tăng mạnh.
9. Giãn khớp
Khi mang thai, hormone relaxin sẽ thúc đẩy giãn dây chằng của phụ nữ. Nhờ đó, khớp xương của mẹ bầu trở nên mềm mại, linh hoạt hơn, khung xương chậu mở rộng, khớp giãn ra, tạo điều kiện giúp sinh nở thuận lợi hơn. Đây cũng là dấu hiệu chuyển dạ khi hiện tượng giãn khớp diễn ra tăng dần và xuất hiện cơn đau khớp xương.
Mẹ bầu cần làm gì khi có dấu hiệu chuyển dạ?
Mặc dù khi khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ xác định ngày dự sinh cho thai phụ, nhưng có thể quá trình sinh nở diễn ra thực tế lại không chính xác theo ngày dự kiến. Do đó, khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu cần bình tĩnh thực hiện những việc sau:
- Đến bệnh viện khám thai ngay, bác sĩ sẽ chẩn đoán và xác định bạn có cần nhập viện hay chưa.
- Các mẹ cần làm quen với cơn đau. Mỗi cơn gò co thắt chuyển dạ càng đau tăng dần có nghĩa thời điểm sinh con sắp đến. Các mẹ hãy cố gắng bình tĩnh chịu cơn đau.
- Thả lỏng cơ thể, tập thở chậm và đều nhẹ nhàng theo cơn co thắt, kiểm soát hơi thở để có thể làm dịu cơn đau.
- Nhờ người nhà chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết để đi sinh. Thường các mẹ bầu đã mua đồ sinh trong tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối thai kỳ) trước khi chuyển dạ.
Giới thiệu dịch vụ khám thai, sinh sản và khoa nhi của Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn với đội ngũ bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, sẽ đồng hành cùng các mẹ trong suốt quá trình từ lúc mang thai đến khi chuyển dạ, lên bàn sinh và thời gian sau sinh.
Để hành trình “vượt cạn” của các mẹ diễn ra suôn sẻ, gói thai sản được thiết kế khoa học với các dịch vụ khám thai định kỳ, đo sức khỏe thai, xét nghiệm, sàng lọc, tư vấn cách dưỡng thai an toàn, đỡ đẻ, chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Bệnh viện áp dụng phương pháp đẻ không đau, rút ngắn thời gian gây mê, gây tê, hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc để đảm bảo an toàn cho sản phụ và bé.
Ngoài ra, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trang bị hệ thống máy móc hiện đại nhất, với dàn máy siêu âm Doppler màu, máy Voluson E10 cho các thông số sức khỏe chuẩn xác nhất. Cùng với đó là môi trường an toàn, phòng ốc vệ sinh và vô trùng, tạo điều kiện tốt nhất để chào đón bé yêu.
Các bác sĩ chuyên môn cao sẽ đồng hành trong suốt thai kỳ đến khi chuyển dạ và sinh con
Các bác sĩ còn hướng dẫn phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc bé khoa học và tư vấn trữ máu cuống rốn để phòng ngừa bệnh tật cho bé trong tương lai. Đồng thời, đội ngũ y tế tận tâm sẽ chăm sóc sản phụ tốt nhất để giúp mẹ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn chính là lựa chọn thông minh để mẹ và bé được chăm sóc toàn diện trong thai kỳ, khi chuyển dạ và sinh con. Tìm hiểu và đăng ký gói sinh “Hạnh Phúc Hoàn Mỹ” tại đây.