Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nhận biết và xử trí kịp thời nhồi máu não giúp tăng khả năng phục hồi của người bệnh

20/05/2024

Nhồi máu não là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, chiếm tỷ lệ tử vong cao. Thời gian gần đây, nhồi máu não có xu hướng trẻ hoá và ngày càng gia tăng. Mỗi người chúng ta cần nắm vững thông tin, kịp thời nhận biết và điều trị nhồi máu não để tăng khả năng phục hồi.

Nhồi máu não là gì?

Nhồi máu não (Cerebral Infarction) là bệnh lý xảy ra khi động mạch não bị hẹp hoặc tắc nghẽn nên không cung cấp máu kịp thời cho bán cầu não. Khi thiếu máu lên não sẽ làm suy giảm chứng năng não, gây các triệu chứng thần kinh tại vùng não thiếu máu, tổn thương và hoại tử não.

Nhồi máu não chiếm tỷ lệ 80% các trường hợp tai biến mạch máu não (đột quỵ não). Nếu cấp cứu nhồi máu não chậm trễ thì người bệnh khó hồi phục, có thể tàn phế, thậm chí là tử vong.

Động mạch não bị tắc nghẽn khiến máu giảm lưu thông, thiếu máu lên não gây nhồi máu não

Động mạch não bị tắc nghẽn khiến máu giảm lưu thông, thiếu máu lên não gây nhồi máu não

Nguyên nhân gây bệnh nhồi máu não

Những nguyên nhân gây bệnh nhồi máu não:

  • Tổn thương mạch máu não: Xơ vữa mạch máu lớn là nguyên nhân hàng đầu khiến mảng xơ vữa tích tụ tại chỗ gây tắc mạch dẫn tới nhồi máu não.
  • Tổn thương mạch máu bên ngoài não: Các bệnh tim mạch (như hở van tim, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ, suy tim…), tổn thương động mạch cảnh, tắc mạch khí, tạo thành các cục huyết khối di chuyển lên não theo mạch máu, gây nhồi máu não.
  • Bệnh lý khác tại não: hẹp mạch não, viêm mạch, viêm màng não, u não.
  • Một số bệnh lý có nguy cơ tạo huyết khối: Đái tháo đường, suy thận, xơ gan, tăng huyết áp, viêm mạch khi mắc bệnh tự miễn, động mạch không xơ vữa, bệnh lý về máu (rối loạn đông máu, bệnh tế bào máu, mạch máu bất thường bẩm sinh), ung thư.
  • Yếu tố nguy cơ cao: Người bị béo phì, nằm lâu một chỗ không vận động, người cao tuổi có nguy cơ cao bị nhồi máu não.

Triệu chứng nhồi máu não

Nhồi máu não có triệu chứng đa dạng, phụ thuộc vào vị trí mạch máu não bị tắc nghẽn. Một số triệu chứng thần kinh thường thấy như:

  • Liệt mặt, thường là nửa dưới một bên mặt, méo miệng, lệch nhân trung, chảy nước dãi, nuốt khó, choáng váng.
  • Yếu tay hoặc liệt tay chân, mất cảm giác hoặc liệt nửa người.
  • Nói khó, nói ngọng, không diễn tả được, dính chữ, giọng khó nghe.
  • Rối loạn cơ tròn (tiểu không tự chủ, bí tiểu, táo bón).
  • Mù một bên mắt.
  • Rối loạn ý thức, co giật.
  • Hôn mê kèm các biến chứng do hôn mê lâu (suy hô hấp, teo cơ cứng khớp, suy kiệt…).
  • Phù não, chết não.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Một số bệnh lý có khả năng làm tăng hình thành huyết khối hoặc gây tổn thương lớp lót trong động mạch não. Ví dụ như bệnh tim, đái tháo đường, mạch máu não, cao huyết áp, rối loạn đông máu, xơ vữa động mạch,… Những người mắc các bệnh này sẽ có nguy cơ cao bị nhồi máu não.

Ngoài ra, các đối tượng có khả năng mắc bệnh nhồi máu não là những người béo phì, thường xuyên nằm một chỗ ít vận động, cholesterol cao, nghiện rượu, bia và thuốc lá, áp lực cuộc sống cao, căng thẳng kéo dài…

Chẩn đoán nhồi máu não

1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng khởi phát đột ngột để chẩn đoán lâm sàng người bệnh mắc nhồi máu não. Các triệu chứng điển hình như: liệt mặt, liệt tay chân, tê bì nửa người, méo miệng, nói khó, nói ngọng, đau đầu, buồn nôn, rối loạn vận động, rối loạn ý thức, đột ngột mất ý thức. Đặc biệt những người cao tuổi, có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường,… khi xuất hiện những triệu chứng trên thì cần được cấp cứu ngay lập tức.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Chụp cắt lớp vi tính não (Computed Tomography Scan – CT scanner)

Trong giai đoạn tối cấp của nhồi máu não (từ 3 – 6 giờ), thực hiện chụp cắt lớp vi tính não sẽ cho thấy dấu hiệu sớm của bệnh. Các thay đổi trên hình ảnh rất kín đáo, bao gồm: mất ranh giới phân biệt chất trắng và chất xám, mờ rãnh cuộn não, mất dải băng thùy đảo, hẹp khe Sylvius, hẹp não thất và bể đáy, tăng tỷ trọng các mạch máu trong khu vực đa giác Willis do cục máu đông đặc biệt động mạch não giữa. Nếu ổ nhồi máu não đã được hình thành thì CT scanner cho thấy hình ảnh rõ ràng của ổ giảm tỷ trọng ở vùng vỏ não, vùng dưới vỏ hoặc vùng chất trắng hoặc chất xám trong sâu theo vùng chi phối tưới máu của động mạch.

  • Chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging – MRI)

Nhờ các xung chuyên biệt của cộng hưởng từ như FLAIR, ADC, DWI, MRA, sẽ cho hình ảnh xác định chính xác tính chất cấp tính tổn thương não. Các bác sĩ dựa vào đó đánh giá sơ bộ tình trạng tắc nghẽn mạch máu lớn não, khả năng can thiệp điều trị nhồi máu não giai đoạn cấp. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần thời gian lâu hơn CT Scan nên không lý tưởng khi can thiệp cấp cứu đột quỵ não.

  • Chụp mạch máu não số hóa xóa nền (Digital Subtraction Angiography – DSA)

Sử dụng tia X chụp hình mạch máu não, sau đó máy tính xóa mờ ảnh nền để làm rõ hệ thống mạch máu. Từ hình ảnh chụp được, chẩn đoán chính xác bệnh tắc mạch máu não, xác định được vị trí tắc mạch, đưa dụng cụ vào để xử lý cục máu đông thông qua nội mạch.

Điều trị nhồi máu não

1. Điều trị nội khoa tích cực

Dùng Aspirin và một số loại thuốc chống ngưng tập tiểu cầu khác: Áp dụng cho người bệnh không bị dị ứng bởi Aspirin, không dùng thuốc tiêu huyết khối, có thể dung nạp được thuốc chống ngưng tập tiểu cầu. Trong trường hợp nhồi máu não kèm bệnh van tim, rung nhĩ, hoặc có huyết khối tĩnh mạch sâu, các bác sĩ có thể chỉ định dùng Heparin hoặc thuốc chống đông máu khác.

Sử dụng thuốc hạ huyết áp: Tăng huyết áp có nguy cơ cao gây hình thành huyết khối, tắc mạch dẫn tới nhồi máu não và nghiêm trọng hơn là đột quỵ não. Do đó, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc hạ huyết áp trong điều trị nhồi máu não.

Điều trị đái tháo đường: Người bệnh bị nhồi máu não kèm bệnh nền là đái tháo đường cần được điều trị đái tháo đường để HbA1c < 7% và mức đường huyết về bình thường.

Điều trị giảm Cholesterol máu: sử dụng thuốc statin kết hợp với chế độ ăn giảm dầu mỡ, tăng cường hoạt động thể chất như tập thể dục thường xuyên

2. Thuốc tiêu sợi huyết

Người bệnh nhồi máu não đáp ứng điều kiện chống chỉ định và chỉ định được tiêm thuốc tiêu sợi huyết để tăng tỷ lệ phục hồi.

  • Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch: Áp dụng cho người bệnh khởi phát triệu chứng < 4.5 tiếng, không co giật, không có tiền sử nhồi máu cơ tim. Thường dùng thuốc Alteplase (rtPA).
  • Thuốc tiêu sợi huyết đường động mạch: Chỉ định cho người bệnh khởi phát triệu chứng từ 4.5 – 6 tiếng. Thực hiện kèm với chụp số hoá xoá nền, luồn vi ống thông tới đoạn huyết khối, sau đó bơm trực tiếp thuốc tiêu sợi huyết vào cục huyết khối.

3. Can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học

Bác sĩ thực hiện thủ thuật ít xâm lấn để can thiệp mạch máu não. Sử dụng ống thông đồng trục và vi dây dẫn để đưa vào trong lòng mạch máu não. Sau đó, nhờ vào hình ảnh từ máy chụp mạch máu số hoá xoá nền, bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp: lấy huyết khối ra khỏi cơ thể, bít tắc mạch máu, nong mạch máu, mở lại dòng chảy, sửa chữa mạch máu dị dạng…

Bác sĩ can thiệu mạch máu não bằng DSA (Chụp mạch máu não số hóa xóa nền - Digital Subtraction Angiography)

Bác sĩ can thiệu mạch máu não bằng DSA (Chụp mạch máu não số hóa xóa nền – Digital Subtraction Angiography)

4. Phẫu thuật não

Phẫu thuật mở sọ được chỉ định khi người bị nhồi máu não ở tình trạng nghiêm trọng:

  • Tri giác giảm dần glasgow <9 điểm.
  • Vùng nhồi máu nặng, gần nửa bán cầu đại não.
  • Trên CT Scan và MRI Scan, đường giữa lệch >1cm.
  • Chảy máu nhu mô não trong vùng nhồi máu mức độ nặng.

Nhờ mở sọ giảm áp, các bác sĩ sẽ lấy được máu tụ trong não cho người bệnh.

Phòng ngừa bệnh nhồi máu não

Các biện pháp phòng ngừa bệnh nhồi máu não:

  • Có lối sống lành mạnh: không hút thuốc lá, không uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích, thường xuyên vận động, tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: tránh ăn mặn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng,…
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
  • Điều trị tích cực các bệnh lý nguy hiểm: đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp,…
  • Nắm vững triệu chứng khởi phát của nhồi máu não để kịp thời phát hiện và cấp cứu, điều trị sớm nhất.

Nhận biết và xử trí nhồi máu não tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, từ máy CT Scan tới MRI và DSA tiên tiến nhất. Các thiết bị có độ phân giải cao, tương phản tốt, cho hình ảnh chuẩn xác để đánh giá chi tiết những vấn đề bất thường trong mạch máu não. Nhờ đó, có thể sớm phát hiện nhồi máu não, tạo cơ sở để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội thần kinh – Đột quỵ có trình độ chuyên môn và tay nghề cao, có thể thực hiện nhiều ca phức tạp. Người bệnh nhồi máu não khi nhập cấp cứu tại bệnh viện sẽ được xử lý theo quy trình Code stroke ngay lập tức để không bỏ lỡ “thời gian vàng”. Các bác sĩ thực hiện những kỹ thuật, thủ thuật hiện đại nhất: can thiệp lấy huyết khối, tiêu sợi huyết, điều trị hồi sức thần kinh, phẫu thuật thần kinh và vật lý trị liệu sau đột quỵ.

———————

DỊCH VỤ CẤP CỨU 24/7 –  📞 𝟬𝟮𝟴 𝟯𝟵𝟵𝟱 𝟵𝟴𝟲𝟬

📍 Là thành viên thứ 27 của trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại TP.HCM. Dịch vụ cấp cứu ngoại viện túc trực 24/7, với hệ thống xe và trang bị sẵn sàng.

📍 Một trong 15 bệnh viện có năng lực CẤP CỨU ĐỘT QUỴ và thực hiện ĐẦY ĐỦ các phương pháp điều trị Đột Quỵ như: điều trị nội khoa tích cực, thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch máu, phẫu thuật não.

📍 Đối với các trường hợp khẩn cấp, bệnh viện điều phối xe cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị y tế cùng ê kíp, bác sĩ có chuyên hồi sức cấp cứu, đảm bảo cấp cứu kịp thời, vận chuyển an toàn & điều trị hiệu quả.

——-

[Quy tắc F.A.S.T] DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỚM VỀ ĐỘT QUỴ

1. FACE:  Mặt có cảm giác tê cứng, khi cười một bên mặt bị lệch, nụ cười không cân đối.

2. ARMS: Tay/chân tê mỏi một bên, người bệnh không nâng được tay / chân một bên hoặc bị rơi xuống, rất có thể họ đang bị đột quỵ.

3. SPEECH:  Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, khó diễn đạt.

4️. TIME:  Nếu thấy có những dấu hiệu trên, GỌI CẤP CỨU ngay. Cần ghi nhớ THỜI ĐIỂM PHÁT BỆNH và báo cho nhân viên y tế biết.

Link tham khảo: https://www.facebook.com/media/set/?set=a.612602984394623&type=3

Đăng ký thăm khám và điều trị ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.