Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Loét dạ dày tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori (HP)

02/07/2024

Viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những bệnh lý ống tiêu hóa thường gặp nhất hiện nay. Theo Hội khoa học Tiêu hóa, có khoảng 26% dân số Việt Nam đang mắc tình trạng này. Bệnh có nguy cơ tái phát kể cả khi đã điều trị và tỷ lệ tiến triển thành ung thư dạ dày tá tràng rất cao. Do đó, chúng ta cần chủ động thăm khám và điều trị kịp thời, cũng như có cách phòng ngừa hiệu quả. Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết về loét dạ dày tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori vi khuẩn HP.

Loét dạ dày tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori (HP)

Bệnh loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là gì?

Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng tổn thương gây viêm và loét tại niêm mạc dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột non). Lớp niêm mạc là lớp màng nằm bên trong cùng của ống tiêu hoá, giữ nhiệm vụ tiết chất nhầy và sản xuất enzyme hỗ trợ quá trình tiêu hoá. Khi lớp niêm mạc dạ dày tá tràng bị viêm loét, sẽ dẫn đến các rối loạn tiêu hoá, khiến người bệnh có cảm giác khó chịu ở ruột và thường xuất hiện cơn đau vùng thượng vị.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng

Có 2 nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng:

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Vi khuẩn HP)

Helicobacter pylori (HP) là vi khuẩn hình xoắn có roi gram-âm, sau khi xâm nhập vào cơ thể người bệnh, có thể sinh sống và phát triển trong lớp chất nhầy của niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn HP tồn tại được cả trong môi trường acid dạ dày, tiết ra enzyme urease để trung hòa độ acid. Ngoài tiết các độc tố, HP có khả năng “đào bới” sâu lớp niêm mạc để xâm nhập vào thành dạ dày tá tràng, gây nên tình trạng viêm loét.

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân chính gây loét dạ dày tá tràng

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân chính gây loét dạ dày tá tràng

  • Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID)

Thuốc kháng viêm không steroid (tiếng Anh: non-steroidal anti-inflammatory drug, viết tắt là NSAID) có thể gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin – một chất bảo vệ niêm mạc dạ dày. Tình trạng sử dụng thuốc lâu dài, đặc biệt là ở những người lớn tuổi hoặc người bị các bệnh lý xương khớp, là nguyên nhân gây nên bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh loét dạ dày tá tràng:

  • Thường xuyên uống rượu, bia, đồ uống có cồn hoặc cafein.
  • Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá quá nhiều.
  • Tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài.
  • Thức khuya, bỏ ăn sáng, thường xuyên ăn khuya, ăn uống không đúng giờ giấc.

Thực trạng mắc vi khuẩn HP hiện nay

Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc vi khuẩn Helicobacter pylori cao nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật vào năm 2019, khoảng 80% dân số ở nước ta mắc HP, trong đó có 96,2% trẻ dưới 8 tuổi nhiễm HP.

Ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, … tỷ lệ nhiễm Helicobacter pylori chỉ chiếm từ 20 – 40 %, khả năng trẻ em mắc HP cũng rất thấp. Điều này cho thấy, các nước đang phát triển và kém phát triển sẽ có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm khuẩn HP dẫn đến viêm dạ dày cao hơn các nước phát triển.

Vi khuẩn H. pylori chủ yếu lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc phân. HP cũng có thể lây lan qua nguồn nước chứa khuẩn không được xử lý. Các chuyên gia đã cảnh báo, trẻ em rất dễ mắc HP khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ngoài môi trường sống nhiễm khuẩn, các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không ăn chín uống sôi, thì trẻ em còn có khả năng bị lây vi khuẩn HP từ chính người thân mắc bệnh. Thông qua tiếp xúc trực tiếp dính nước bọt như hôn, dùng chung bàn chải đánh răng, ăn chung thức ăn.

Phần lớn các trường hợp nhiễm vi khuẩn H.pylori đều bị bệnh viêm dạ dày mạn tính. Bệnh thường ít gây ra triệu chứng rõ ràng, cần phải thăm khám, xét nghiệm hoặc nội soi mới phát hiện. Đây là tình trạng khá nguy hiểm, vì viêm loét dạ dày do HP có khả năng cao gây nên biến chứng thủng ruột. Ngoài ra, cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (The International Agency for Research on Cancer – IARC) cho rằng, nhiễm khuẩn H.pylori là tác nhân số 1 gây ung thư dạ dày, nguy cơ dẫn đến tử vong.

Triệu chứng nhiễm H. pylori

Những triệu chứng nhiễm Helicobacter pylori gây nên viêm dạ dày tá tràng thường gặp:

  • Đau vùng bụng trên rốn (hay đau vùng thượng vị)

Cơn đau thường xuất hiện lúc đói, sau khi ăn, đặc biệt đau hơn vào nửa khuya về sáng. Cơn đau có thể âm ỉ, nóng rát, sôi bụng hoặc đau tức bụng, đau quặn từng cơn, lan ra sau lưng.

Đau bụng âm ỉ, đau quặn bụng là triệu chứng thường gặp của loét dạ dày do nhiễm khuẩn HP

Đau bụng âm ỉ, đau quặn bụng là triệu chứng thường gặp của loét dạ dày do nhiễm khuẩn HP

  • Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua

Vì vi khuẩn HP gây viêm loét lớp niêm mạc dạ dày ảnh hưởng đến việc tiêu hoá thức ăn, cho nên người bệnh sẽ thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng, ăn khó tiêu. Kèm với đó là triệu chứng ợ hơi, ợ chua, thậm chí là trào ngược dạ dày thực quản.

  • Buồn nôn và nôn

Tình trạng ợ hơi lên làm gia tăng triệu chứng buồn nôn. Người bệnh cũng có thể sẽ nôn thức ăn ra ngoài. Trường hợp nặng có thể lẫn máu trong chất nôn.

  • Rối loạn tiêu hóa

Người bị viêm dạ dày tá tràng do nhiễm Helicobacter pylori thường có dấu hiệu rối loạn tiêu hoá. Có thể tiêu chảy, phân đen hắc ín hoặc phân lẫn máu.

  • Khó nuốt, chán ăn, sụt cân

Một triệu chứng nhiễm khuẩn Helicobacter pylori gây viêm dạ dày tá tràng thường gặp là thấy khó nuốt khi ăn. Sau khi ăn thì có cảm giác như bị mắc nghẹn hoặc mắc cổ, uống bao nhiêu nước cũng không trôi. Chính vì thế mà người bệnh chán ăn và sụt cân, suy nhược cơ thể.

  • Mất ngủ, ngủ không ngon giấc

Nhiễm HP khiến người bệnh thường xuyên đau thượng vị và đầy hơi, nặng bụng, đặc biệt là lúc nửa đêm về sáng. Do đó, người bệnh sẽ trằn trọc, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, mất ngủ.

Người bị nhiễm khuẩn H. pylori có thể xuất hiện một hoặc nhiều hoặc tất cả các triệu chứng kể trên. Tuy nhiên, có khi những triệu chứng trên là xuất phát từ bệnh viêm dạ dày HP âm tính (không nhiễm HP) hoặc các bệnh lý ống tiêu hoá khác. Do đó, người bệnh cần thăm khám, tầm soát nội soi hoặc thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bản thân có nhiễm vi khuẩn HP hay không. Ngoài ra, thực hiện nội soi dạ dày tá tràng cũng giúp xác định được vị trí và mức độ tổn thương để bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Đối tượng nào cần điều trị tiệt trừ vi trùng H. pylori

Những đối tượng cần điều trị tiệt trừ vi trùng H. pylori:

  • Loét dạ dày tá tràng.
  • Viêm teo niêm mạc dạ dày, chuyển sản ruột niêm mạc dạ dày.
  • Lymphoma niêm mạc dạ dày (U lympho mô dạng lympho liên quan đến niêm mạc).
  • Sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
  • Người có quan hệ huyết thống bậc 1 với người bị ung thư dạ dày.
  • Khó tiêu chức năng (khó tiêu không loét).
  • Cần sử dụng Aspirin, hoặc thuốc chống đông máu hoặc NSAID lâu dài
  • Viêm thực quản, trào ngược dạ dày cần sử dụng PPI (Proton pump inhibitor – thuốc ức chế bơm proton) lâu dài.
  • Thiếu máu, thiếu sắt không rõ nguyên nhân.
  • Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
  • Người bệnh yêu cầu được điều trị sau khi tham vấn với bác sĩ.

Tầm soát và điều trị loét dạ dày tá tràng tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Loét dạ dày tá tràng do nhiễm Helicobacter Pylori có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư dạ dày. Nếu điều trị không kịp thời thì sẽ để lại biến chứng nặng nề cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Do đó, mọi người cần chủ động thăm khám và tầm soát bệnh loét dạ dày tá tràng định kỳ mỗi năm.

Nội soi dạ dày an thần (không đau) tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nội soi dạ dày an thần (không đau) tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Theo Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization – WHO), ung thư dạ dày là bệnh thường gặp, chiếm khoảng 9,8% các bệnh ung thư ở Việt Nam. Năm 2020 số ca mắc mới ung thư dạ dày là 17.906 và số ca tử vong là 14.615 người. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, thì tiên lượng bệnh tốt hơn, có thể điều trị hoàn toàn khỏi bệnh.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cung cấp gói tầm soát ung thư đường tiêu hoá với quy trình thực hiện khoa học và nhanh chóng. Đội ngũ bác sĩ chuyên môn hàng đầu cùng hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Người bệnh khi đến đây tầm soát, sẽ được khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, đo hoạt độ ALT & AST, Creatinin máu, siêu âm, chụp nội soi thực quản dạ dày- tá tràng tầm soát ung thư sớm, Test HP (qua nội soi, xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, cấy mô dạ dày, Test hơi thở C13…)

Sau khi có kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý và sức khoẻ của từng người bệnh. Có thể điều trị cả nội khoa lẫn ngoại khoa, đảm bảo chọn phương án tốt nhất để chữa dứt điểm các bệnh lý ống tiêu hoá, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.

Đăng ký tầm soát và điều trị loét dạ dày tá tràng ở bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY.

Tham khảo Câu lạc bộ Sức khỏe Hoàn Mỹ: