Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Khám, chẩn đoán và điều trị đa mô thức trong ung thư dạ dày

05/09/2024

Ung thư dạ dày (stomach cancer hay gastric cancer) là sự phát triển bất thường của các tế bào trong dạ dày tạo nên tổn thương ung thư dạng chồi sùi hoặc loét. Bệnh phổ biến nhất là phần chính của dạ dày và nơi giao nhau của dạ dày – thực quản.

Điều trị đa mô thức trong ung thư dạ dày là phương pháp điều trị sử dụng nhiều hơn một loại thuốc hoặc phương thức, so với chỉ sử dụng một phương pháp điều trị như: phẫu thuật; xạ trị; hóa trị; miễn dịch; giảm nhẹ hay nhắm trúng đích.

Tổng quan về ung thư dạ dày

Theo thống kê của GLOBOCAN – Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc WHO, năm 2020, ung thư dạ dày đứng hàng thứ tư ở nước ta với hơn 17.900 người được chẩn đoán và hơn 14.600 người tử vong. Bệnh gây tỷ lệ tử vong cao nhưng rất khó chẩn đoán vì thường không biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn sớm.

Ung thư dạ dày là một bệnh cảnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tăng thời gian sống thêm và giảm tỷ lệ tử vong.

 Ung thư dạ dày bắt đầu ở lớp trong cùng của thành dạ dày và dần lan ra các lớp bên ngoài

 Ung thư dạ dày bắt đầu ở lớp trong cùng của thành dạ dày và dần lan ra các lớp bên ngoài

Nguyên nhân của ung thư dạ dày

Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền.

  • Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mãn tính nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày. Tiếp theo là các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.
  • Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): HP làm viêm teo đét niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
  • Thói quen sinh hoạt: Ăn các loại thức ăn có chứa Nitrat như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
  • Tình trạng kinh tế xã hội: người ở mức kinh tế thấp có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày vùng thân vị cao gấp 2 lần. Tuy nhiên những người có mức kinh tế cao lại có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày vùng tâm vị cao hơn.
  • Béo phì: người béo phì dễ bị mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường.
  • Nhóm máu: Người nhóm máu A hay bị ung thư dạ dày hơn các nhóm máu còn lại.
  • Có tiền sử phẫu thuật dạ dày: người bệnh đã phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư cao sau 15-20 năm.
  • Di truyền: Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền như đa polyp tuyến, bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp…
Ung thư dạ dày thường liên quan đến các yếu tố môi trường, nội sinh và di truyền

Ung thư dạ dày thường liên quan đến các yếu tố môi trường, nội sinh và di truyền

Triệu chứng thường gặp của ung thư dạ dày

Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu ung thư dạ dày không rõ ràng, nhiều khi không có triệu chứng. Ở giai đoạn tiến triển, ung thư dạ dày có các triệu chứng sau:

  • Đau bụng: đau dai dẳng vùng thượng vị (phía trên rốn). Thời gian đầu cơn đau có thể giảm sau khi ăn, sau đó đau liên tục.
  • Ợ hơi: Ợ hơi có thể gặp sau khi ăn no, ăn đồ cay nóng hoặc uống nước có gas nhưng nhanh chóng mất đi. Nếu ợ hơi liên tục có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày.
  • Gầy sút cân: Chán ăn, không có cảm giác thèm ăn dẫn tới sút cân hoặc cũng có thể sút cân không rõ nguyên nhân.
  • Buồn nôn và nôn: nôn và buồn nôn kèm theo chán ăn, ợ chua có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày
  • Nôn hoặc đi ngoài phân đen: ung thư dạ dày có thể gây xuất huyết tiêu hóa dẫn đến nôn máu hoặc đi tiêu phân đen (xuất huyết dạ dày rất nhiều có thể đi ngoài phân máu đỏ tươi, là một dấu hiệu nguy hiểm)
  • Nuốt nghẹn: Khối u gần tâm vị hoặc đoạn nối tâm vị – thực quản có thể gây nuốt nghẹn.

Các giai đoạn của ung thư dạ dày

Dựa vào mức độ tổn thương, bệnh ung thư dạ dày được chia thành 5 giai đoạn, bao gồm: 

  • Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư mới xuất hiện ở lớp niêm mạc dạ dày. Đây còn được gọi là ung thư biểu mô, là giai đoạn sớm của ung thư dạ dày. Ở giai đoạn này người bệnh không có nhiều biểu hiện bất thường, rất khó được phát hiện.
  • Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư đã gây tổn thương ở lớp thứ 2 của dạ dày, hoặc khối u đã xâm lấn vào lớp thứ hai và lớp thứ ba của thành dạ dày (lớp cơ và lớp niêm mạc dưới).
  • Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày. Giai đoạn này còn được gọi là ung thư dưới cơ niêm.
  • Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã phát triển vào hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Giai đoạn 4: Ở giai đoạn cuối này các tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể như qua gan, tụy, hạch bạch huyết… Đây là giai đoạn muộn nhất của bệnh và nguy cơ tử vong cao.

Chẩn đoán ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:

1. Về lâm sàng

Triệu chứng của ung thư dạ dày thường rất mơ hồ ở giai đoạn sớm, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Có thể có triệu chứng đầy hơi, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Người bệnh có thể phát hiện bệnh tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ, hoặc có các triệu chứng nặng nề hơn như xuất huyết tiêu hóa, sờ thấy u, hạch, hoặc bụng báng có dịch căng to do bệnh lan tràn di căn xa.

2. Về cận lâm sàng

  • X-Quang dạ dày có cản quang: Là phương pháp cổ điển nhưng vẫn thường được sử dụng khi nội soi dạ dày chưa thể thực hiện.
  • Nội soi dạ dày bằng ống soi mềm: Để quan sát tổn thương, xác định vị trí, độ lan rộng và sinh thiết để có tế bào học. Kỹ thuật nội soi phối hợp gây mê giúp bác sĩ có thể tiếp cận ống tiêu hóa dễ dàng, ít gây khó chịu cho người bệnh.
  • Sinh thiết để có mô bệnh học: Là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư, giúp xác định hình thái tế bào, độ ác tính…

Ngoài ra, còn có các xét nghiệm khác giúp hỗ trợ chẩn đoán giai đoạn và định hướng điều trị như siêu âm, X-Quang phổi, CT scan, MRI, xạ hình xương, xét nghiệm huyết học và sinh hóa…v.v

  • PET CT: Ít được chỉ định vì chi phí cao và chỉ được chỉ định cho một số tình huống đặc biệt.
  • Các chất chỉ điểm ung thư như CEA, CA19.9, CA72.4: Là các xét nghiệm thường được cho trước mổ, sau mổ và trong quá trình điều trị có ý nghĩa tiên lượng bệnh và theo dõi điều trị.
  • Xét nghiệm sinh học phân tử: Giúp xác định những biến đổi gen cũng như các yếu tố liên quan đến con đường phát triển của tế bào ung thư. Các xét nghiệm ngày nay đã và đang được ứng dụng bao gồm xét nghiệm thụ thể HER2 liên quan yếu tố tăng trưởng tế bào, xét nghiệm MSI hay PDL-1 để xác định các chỉ điểm có phù hợp hay không với điều trị miễn dịch…

Liệu pháp điều trị đa mô thức mang lại hy vọng mới cho người bệnh

Bệnh ung thư là một bệnh lý có diễn biến vô cùng phức tạp, vì vậy việc điều trị ung thư vẫn còn nhiều khó khăn. Các liệu pháp điều trị ung thư tuy nhiều nhưng khi sử dụng từng mô thức riêng lẻ nên vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Bác sĩ Tiêu hóa thăm khám cho người bệnh

Bác sĩ Tiêu hóa thăm khám cho người bệnh

Hiện nay, có 6 phương pháp điều trị chính: Phẫu trị, xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm trúng đích, miễn dịch và chăm sóc giảm nhẹ. Các nhà ung thư học đã phát triển khái niệm điều trị kết hợp đa mô thức nhằm kiểm soát tốt bệnh ung thư bằng sử dụng tổng hợp các mặt mạnh của từng mô thức.

Chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Ung thư dạ dày là một căn bệnh ung thư gây tử vong đứng hàng thứ 5 sau ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư tiền liệt tuyến. Chính vì thế, khi có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, nhiễm vi trùng Helicobacter pylori, viêm dạ dày mạn tính, Polyp dạ dày… người bệnh nên đến bệnh viện gần nhất để thực hiện tầm soát ung thư dạ dày để chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi ung thư chuyển sang giai đoạn tiến triển.

Khoa Tiêu hoá bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ bác sĩ là chuyên gia hàng đầu với kinh nghiệm dày dặn và tay nghề cao, chẩn đoán chính xác và điều trị thành công các bệnh lý đường tiêu hoá nói chung và bệnh dạ dày, ung thư dạ dày nói riêng.

Bên cạnh đội ngũ chuyên môn tận tâm, bệnh viện cũng trang bị hệ thống nội soi thế hệ mới nhất của Olympus, các bác sĩ nội soi dễ dàng quan sát và đánh giá tổn thương trong lòng ống tiêu hóa, từ đó sinh thiết lấy mẫu tế bào. Giải phẫu bệnh giúp phân tích mẫu mô và tế bào để xác định ung thư; theo đó, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. Bằng phương pháp nội soi an thần, người bệnh sẽ cảm thấy nội soi nhẹ nhàng, không đau và có thể tỉnh táo ngay sau nội soi.

Hãy liên hệ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn TẠI ĐÂY để được tư vấn về Gói tầm soát ung thư ống tiêu hoá và tiến hành chẩn đoán, điều trị kịp thời các bệnh lý tiêu hóa ngay hôm nay.

Bác sĩ Gây mê khám tiền mê cho người bệnh trước nội soi tiêu hóa không đau

Bác sĩ Gây mê khám tiền mê cho người bệnh trước nội soi tiêu hóa không đau