Hoá trị ung thư (tiếng Anh: chemotherapy, viết tắt chemo) là một trong những phương pháp chính để điều trị ung thư. Tùy vào loại bệnh ung thư, tình trạng sức khoẻ của người bệnh, giai đoạn ung thư, các bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp phù hợp. Người bệnh cần có kiến thức về hoá trị để có được đáp ứng tốt với phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như tăng hiệu quả điều trị.
Hóa trị ung thư là gì?
Bên cạnh phương pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật, xạ trị,… thì hoá trị là một trong những phương pháp điều trị toàn thân thường được áp dụng để chữa trị ung thư. Hoá trị là liệu pháp sử dụng các hóa chất, đưa vào cơ thể để phá huỷ tế bào ung thư, nhằm tiêu diệt hoặc ngăn ung thư phát triển .
Hoá trị tập trung tấn công vào các tế bào ung thư, nhưng vẫn có thể gây ảnh hưởng đến các tế bào lành (tế bào bình thường), dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để phác đồ điều trị mang lại hiệu quả tối ưu.
Hoá trị là phương pháp sử dụng thuốc hóa chất đưa vào cơ thể để điều trị ung thư
Vì sao cần thực hiện hóa trị ung thư?
Hoá trị ung thư được bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu chỉ định bởi những ưu điểm sau:
- Ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, làm chậm quá trình di căn khối u.
- Tác động trực tiếp làm giảm kích thước khối u, tạo điều kiện thuận lợi để điều trị bước tiếp theo như xạ trị, phẫu thuật.
- Điều trị triệu chứng của bệnh ung thư, nhất là ung thư giai đoạn trễ như giảm chèn ép, giảm đau nhức, kéo dài thời gian sống thêm…
- Hoá trị ung thư còn có thể điều trị bổ trợ sau khi phẫu thuật, nhằm tiêu diệt triệt để những tế bào ung thư còn sót lại, ngăn ngừa ung thư tái phát hoặc di căn.
Khi nào cần điều trị ung thư bằng hóa trị
Tuỳ vào từng bệnh lý, giai đoạn ung thư, tình trạng người bệnh, các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định hoá trị là phương pháp điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp đồng thời hay tuần tự, hoá trị có thể phối hợp cùng các phương pháp khác như xạ trị, phẫu thuật, điều trị đích.
Thời điểm tốt nhất để hoá trị ung thư phụ thuộc vào sức khoẻ và thể trạng người bệnh, hoặc thời điểm kết thúc điều trị phẫu thuật hoặc xạ trị. Các bác sĩ sẽ chia hoá trị thành nhiều đợt theo mục đích điều trị. Một số chỉ định phối hợp như:
- Trong trường hợp sử dụng phác đồ điều trị kết hợp, hoá trị được tiến hành:
- Trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị, nhằm mục đích làm nhỏ khối u, tạo điều kiện thuận lợi để phẫu thuật dễ dàng và giảm các rủi ro, tăng khả năng bảo tồn cơ quan (điều trị tân hỗ trợ)
- Sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị, nhằm tiêu diệt triệt để tế bào ung thư còn sót lại, ngăn chặn khối u di căn và ngăn ngừa ung thư tái phát (điều trị hỗ trợ).
- Hoá trị duy trì với lượng thuốc liều thấp, giúp kéo dài thời gian lui bệnh;
- Hoá trị triệu chứng áp dụng với người bệnh ung thư giai đoạn cuối nhằm kéo dài sự sống;
- Hoá trị củng cố với lượng thuốc phù hợp, giúp duy trì thành quả đã đạt được của đợt điều trị tấn công trước đó.
Một số trường hợp chống chỉ định hoặc thận trọng hoá trị ung thư như: phụ nữ mang thai, người bị suy thận, suy tim, sức khỏe yếu. Bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu có thể cân nhắc phác đồ hóa trị cho từng trường hợp cụ thể.
Hoá trị là phương pháp điều trị ung thư ngăn tái phát sau khi phẫu thuật
Ưu điểm và nhược điểm của điều trị ung thư bằng hóa trị
1. Ưu điểm
Hóa trị tác động hiệu quả đến việc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, giảm kích thước khối u, tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại, ngăn chặn quá trình tái phát hoặc di căn. Hóa trị giúp giảm nhẹ các triệu chứng đau, chèn ép do u xâm lấn. Hóa trị giúp tăng nhạy xạ, tăng đáp ứng điều trị. Ngoài ra, ngày nay, hóa trị kết hợp với thuốc đích, thuốc sinh học, thuốc miễn dịch giúp tăng tỷ lệ sống còn, kéo dài thời gian lui bệnh.
2. Nhược điểm
Hoá trị có thể gây nên một số tác dụng phụ cho người bệnh. Bởi các loại thuốc không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tác động tới tế bào bình thường. Tuỳ vào loại thuốc, tình trạng sức khoẻ và khả năng dung nạp thuốc, mỗi người sẽ gặp các phản ứng khác nhau, tác dụng phụ có thể nhẹ hoặc nặng hoặc nghiêm trọng. Bệnh nhân, thân nhân cần có hiểu biết về hóa trị và tác dụng phụ của hóa trị để nhận biết và cùng bác sĩ điều trị xử lý đúng.
Một số loại hóa trị phổ biến
1. Hóa trị truyền tĩnh mạch
Đa số hóa trị được đưa vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch, có thể truyền ngắn hoặc kéo dài, có thể đơn chất hoặc phối hợp các thuốc trong một phác đồ.
Hoá trị bằng cách tiêm, truyền tĩnh mạch
2. Hóa trị tiêm dưới da
Ngày nay, ngành y dược càng phát triển, người ta càng phát triển các dạng thuốc đơn giản hơn. Một số thuốc sinh học được tiêm dưới da giúp thuận tiện hơn cho người bệnh, hạn chế nằm viện và tăng hiệu quả điều trị.
3. Hóa trị đường uống
Một số loại thuốc được đưa vào cơ thể một cách đơn giản bằng đường uống. Thường là thuốc dạng viên nén, viên nang con nhộng. Hóa trị (đường) uống đơn giản, tiện lợi, nhưng cần phải có sự hợp tác của người bệnh trong việc tuân thủ điều trị.
4. Hóa trị trong biểu bì
Hoá trị biểu bì được thực hiện đơn giản thông qua việc sử dụng thuốc bôi da. Thuốc thấm qua lớp biểu bì, tác động vào tế bào ung thư để ngăn chặn khối u phát triển. Hiện ít được sử dụng.
5. Hóa trị trong khoang cơ thể
Hóa trị trong khoang cơ thể là phương pháp chỉ được áp dụng cho một số bệnh lý.
Tác dụng phụ của hóa trị ung thư
Khi cơ thể hấp thu thuốc, không chỉ các tế bào ung thư bị tác động mà những tế bào khỏe mạnh bình thường cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Do đó, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ. Bao gồm:
- Thiếu máu
Thuốc hoá trị sẽ tác động lên các tế bào phân chia nhanh, ngăn tế bào ung thư phát triển. Do đó, các thành phần của máy cũng bị ảnh hưởng như làm giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Do đó, người bệnh đang trong quá trình hoá trị thường dễ bị thiếu máu. Tùy vào dòng tế bào máu bị ảnh hưởng mà bác sĩ chuyên khoa có hướng xử trí phối hợp.
- Rụng tóc, sạm da
Các tế bào phát triển nhanh khác như da, lông tóc, móng, niêm mạc cũng bị ảnh hưởng. Do đó, người bệnh ung thư có thể bị khô da, sạm da, bong da, rụng tóc,…
- Nôn hoặc buồn nôn
Tùy mức độ từ nhẹ đến nặng, tùy phác đồ điều trị có thể gây biểu hiện nôn. Thuốc chống nôn được sử dụng để kiểm soát triệu chứng.
- Rối loạn tiêu hoá
Thuốc ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa dẫn đến tình trạng chán ăn, rối loạn tiêu hoá, bị tiêu chảy,… Từ đó, người bệnh dễ sụt cân. Vì thế, người bệnh cần chia nhỏ bữa ăn, bổ sung trái cây, rau xanh để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đồng thời, cần giảm các thức ăn dầu mỡ, nặng mùi, đồ cay nóng.
- Viêm loét niêm mạc miệng
Hóa trị có thể tác động lên niêm mạc miệng gây viêm, loét. Có thể giảm tình trạng này bằng cách uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, bổ sung trái cây, rau xanh.
Các tác dụng phụ do quá trình hoá trị có thể thuyên giảm và chấm dứt khi người bệnh dừng thuốc. Tuy nhiên, nếu tác dụng phụ nghiêm trọng và kéo dài quá lâu, người bệnh cần tìm đến bác sĩ điều trị (bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu) để có cách chữa trị, khắc phục.
Điều trị ung thư tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, người bệnh hóa trị được điều trị tại khoa Ung Bướu. Người bệnh được khám và chẩn đoán bới các bác sĩ chuyên khoa.
Đến với Khoa Ung Bướu, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm vì được chăm sóc chu đáo bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao. Các bác sĩ chuyên khoa Ung Bướu Không chỉ cung cấp các gói khám tầm soát chẩn đoán ung thư sớm mà còn chọn lọc phác đồ điều trị hiệu quả cho từng đối tượng người bệnh, giúp đẩy lùi diễn tiến của bệnh, tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư. Đội ngũ y bác sĩ tại khoa Ung Bướu thường xuyên cập nhật, ứng dụng những phương pháp mới, những phương pháp điều trị tiến bộ trên thế giới sao cho phù hợp hoàn cảnh của từng người bệnh.
——
KHOA UNG BƯỚU – BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN
Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của cư dân thành phố, khoa Ung Bướu – BV Hoàn Mỹ Sài Gòn ra đời giúp người dân có thêm lựa chọn trong việc khám, sàng lọc phát hiện sớm cũng như điều trị các bệnh ung bướu.
Khoa Ung Bướu được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, triển khai và đồng bộ các phương pháp điều trị bệnh ung thư (điều trị đa mô thức): phẫu thuật, hóa trị, liệu pháp đích, liệu pháp miễn dịch, điều trị giảm nhẹ … liên kết các bệnh viện thực hiện xạ trị tạo quy trình khép kín điều trị cho người bệnh. Bên cạnh, đội ngũ y bác sĩ áp dụng nhiều phác đồ tiến bộ và kỹ thuật mới trong điều trị các dạng ung thư: tiêu hóa, gan, u não, u thần kinh, ung thư phụ khoa, u phổi, … liên kết phối hợp chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa và các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại các đơn vị uy tín trong điều trị ung thư, nhằm đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Chung tay cùng ngành y tế “giảm nhẹ gánh nặng ung thư trên phạm vi cộng đồng”, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh, phát hiện sớm các bệnh Ung thư thông qua khám sàng lọc ung thư nhằm xác định bệnh và điều trị kịp thời bệnh ung thư ở giai đoạn sớm. Điều này giúp gia tăng khả năng chữa trị và cải thiện tỷ lệ sống còn của người bệnh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy tầm soát ung thư sớm tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.
Hình minh họa phẫu thuật loại bỏ khối u tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Đăng ký khám TẠI ĐÂY: https://dangkykham.hoanmysaigon.com/
Tham khảo: Những điều cần biết cho bệnh nhân hoá trị
————————
Nhấn “Đăng ký” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe tại: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial
Chat với chúng tôi: m.me/HoanMySaiGon
Liên hệ với BV Hoàn Mỹ Sài Gòn:
- Fanpage: www.facebook.com/HoanMySaiGon/
- Website: www.hoanmysaigon.com