Theo các báo cáo, cứ 10.000 người thì có khoảng 4 – 5 trường hợp bị phản vệ. Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng trên thực tế, nhiều ca bệnh phản vệ đã dẫn đến tử vong. Trường hợp phản vệ nặng có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng cho cơ thể. Chính vì thế, mọi người cần hiểu rõ hơn về tình trạng “phản vệ” để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Phản vệ là gì?
Phản vệ (anaphylaxis) là phản ứng dị ứng cấp tính ở người, có thể gây nguy hiểm tính mạng, mất ý thức hoặc tử vong nhanh chóng. Phản vệ xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, có thể xuất hiện vài giây, hoặc vài phút, thậm chí trong vòng vài giờ. Có các triệu chứng lâm sàng khác nhau, bao gồm thở khò khè, khó thở, hạ huyết áp.
Mức nghiêm trọng nhất của phản vệ là sốc phản vệ. Các hệ thống mạch bị giãn đột ngột, phế quản co thắt lập tức, có thể khiến người bệnh tử vong chỉ trong vòng vài phút. Đó là lý do mà người bị phản vệ cần được xử lý nhanh chóng, tranh thủ từng giây để cấp cứu kịp thời.
Các loại dị nguyên gây dị ứng thường gặp
Dị nguyên là yếu tố có thể gây phản ứng dị ứng cho cơ thể khi tiếp xúc. Khi dị nguyên gây nên phản ứng miễn dịch quá mạnh mẽ và khác thường, sẽ dẫn đến phản vệ. Các loại dị nguyên thường gặp:
1. Dị nguyên hô hấp
- Mạt bụi nhà (D.pteronyssinus)
- Các loại nấm mốc, nấm men
- Lông mèo, lông chó, lông gà
- Cỏ phấn hương, hoa houblon, và các loại phấn hoa khác
2. Dị nguyên thức ăn
- Hải sản: cua, tôm, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá tuyết, cá nục,…
- Ngũ cốc: bột mì, yến mạch, lúa mạch, gạo
- Các loại hạt: đậu phộng, đậu nành, bắp, quả óc chó, hạnh nhân
- Sữa: sữa dê, sữa bò và các sản phẩm chứa sữa bò
- Hoa quả: táo, cà chua, dứa, cam, chanh, dâu tây
- Các loại thịt: thịt bò, thịt heo, thịt gà
- Các loại trứng gia cầm như trứng gà, trứng vịt
- Mì chính hoặc các loại gia vị khác
3. Dị nguyên tiếp xúc
- Các loại cỏ dại
- Côn trùng: sâu rầy, muỗi, nọc ong, rắn, rết, gián, kiến ba khoang, kiến lửa
- Cao su trong găng tay, băng dính
Các triệu chứng phản vệ
Các chuyên gia nghiên cứu và chia phản vệ thành 4 mức độ. Các mức độ phản vệ có thể không theo tuần tự và nặng lên nhanh chóng.
1. Phản vệ độ 1: Nhẹ
Các dấu hiệu ở da và tổ chức dưới da như xuất hiện nốt đỏ, mề đay, phù mạch, ngứa.
2. Phản vệ độ 2: Nặng
Sẽ xuất hiện các triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau:
- Nhanh chóng xuất hiện mề đay và phù mạch.
- Thở nông, khó thở, chảy nước mũi, khàn tiếng, tức ngực.
- Nôn, đau bụng, tiêu chảy.
- Tim loạn nhịp hoặc nhịp nhanh, huyết áp tăng.
3. Phản vệ độ 3: Nguy kịch
Các triệu chứng xuất hiện tại nhiều cơ quan, mức độ nặng hơn:
- Hô hấp: Thở nhanh, thở rít, khò khè, rối loạn nhịp thở, phù thanh quản.
- Tuần hoàn: Mạch nhanh, nhịp tim nhanh, sốc tim, hạ huyết áp.
- Thần kinh: Vật vã, rối loạn ý thức, rối loạn cơ tròn, co giật, hôn mê.
4. Phản vệ độ 4: Ngừng tuần hoàn
Người bệnh ngừng hô hấp và ngừng tuần hoàn. Có thể tử vong nhanh chóng.
Phòng ngừa phản vệ
Các rối loạn của hệ miễn dịch gây nên phản ứng phản vệ của mỗi người là không giống nhau. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào điều trị dứt điểm phản vệ. Do đó, mỗi người cần cẩn thận phòng ngừa bằng một số biện pháp sau đây:
1. Xét nghiệm dị nguyên và tránh xa chúng
Thực hiện xét nghiệm dị nguyên nhằm sàng lọc các yếu tố gây dị ứng, sau đó tránh xa các yếu tố này để ngăn phản vệ. Luôn đeo vòng cổ hoặc vòng tay cảnh báo y tế nhằm thông báo việc bạn dị ứng với một chất cụ thể hoặc loại thuốc nào đó.
2. Cẩn thận với các thực phẩm khi ăn
Khi gặp đồ ăn lạ, cần thử trước với một lượng khá nhỏ, theo dõi các phản ứng của cơ thể. Nếu không có gì bất thường thì hẵng ăn tiếp. Nếu bạn có tiền sử bị dị ứng với một loại thực phẩm cụ thể, khi ăn cần kiểm tra món ăn có chứa thành phần là thực phẩm dị ứng kia không. Kiểm tra rõ nhãn mác của thức ăn đóng hộp chế biến sẵn.
3. Tránh xa các loại côn trùng
Trường hợp bạn có tiền sử dị ứng do côn trùng đốt, nên cẩn trọng tránh xa chúng. Cần giữ môi trường sống sạch sẽ, không có các loại côn trùng gây hại như kiến, gián, chuột, muỗi, ruồi… Khi đến một nơi lạ, hãy mặc quần áo dài tay, tránh các nơi có tổ ong hoặc rắn, rết, không đi chân trần trên cỏ, không chui vào bụi bờ. Nếu gặp phải côn trùng gây dị ứng, hãy bình tĩnh xử lý, không đập côn trùng bằng tay, không xịt nước hoa.
4. Chuẩn bị túi cấp cứu
Bạn phải chuẩn bị sẵn một túi cấp cứu với những loại thuốc quan trọng cần thiết. Luôn mang theo thuốc chống dị ứng do bác sĩ kê theo đơn. Nếu được, hãy giữ bên mình một ống tiêm thuốc epinephrine (adrenaline). Nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này và đảm bảo thuốc còn hạn sử dụng.
5. Cẩn trọng với các loại thuốc khi điều trị y tế
Trước khi tiêm thuốc hoặc uống thuốc theo đơn bác sĩ, hãy thông báo về tình trạng dị ứng thuốc, dị ứng các dị nguyên khác. Khi tiêm thuốc hoặc tiêm vắc xin, nên đợi ít nhất 30 phút để xem phản ứng của cơ thể trước khi rời phòng khám. Trường hợp bạn có cảm giác bồn chồn, ngứa ran, nhịp tim nhanh, tê lưỡi… vì tiêm thuốc, cần nói với bác sĩ để xử lý kịp thời tình trạng phản vệ.
6. Chia sẻ tình trạng với người xung quanh
Bạn cần báo cho người xung quanh biết về các dị nguyên mà bản thân dị ứng. Trong trường hợp bạn quên thì họ có thể nhắc nhở. Đối với trẻ em, ba mẹ phải chia sẻ thông tin dị ứng của bé cho giáo viên hoặc người giữ trẻ, người chăm sóc bé.
Khám và điều trị phản vệ tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Nếu bạn không xử lý kịp thời, tình trạng phản vệ có thể gây ra nguy hiểm cho bản thân, dễ dẫn đến tử vong. Do đó, mỗi người cần phải biết cách phòng ngừa phản vệ ngay cả khi chưa từng xuất hiện dấu hiệu dị ứng. Phương pháp tốt nhất là bạn nên thăm khám và xét nghiệm dị nguyên tại các cơ sở y tế uy tín.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn với đội ngũ bác sĩ và các chuyên gia y tế dày dặn kinh nghiệm, tận tâm với nghề, sẽ giúp bạn chẩn đoán và tìm ra được dị nguyên có thể gây dị ứng phản vệ với cơ thể. Việc test da, test dị nguyên sẽ được thực hiện một cách khoa học và chuẩn xác nhất. Tùy vào tình trạng sức khoẻ và nguyên nhân phản vệ của từng người, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp.
Thăm khám, xét nghiệm dị nguyên để phòng ngừa phản vệ
Trường hợp bạn hoặc người nhà gặp tình trạng phản vệ, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được xử lý cấp cứu. Điều trị phản vệ cần nhanh chóng và kịp thời để tránh các biến chứng nặng nề cũng như ngăn nguy cơ tử vong. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ theo dõi sát sao người bệnh trong vòng ít nhất 24 giờ, đảm bảo ngăn chặn tình trạng phản vệ chuyển biến nặng. Đồng thời, các bác sĩ cũng hướng dẫn mọi người cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, chăm sóc bản thân, xây dựng lối sống khoa học để bảo vệ sức khoẻ tốt hơn.
Hãy bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bằng cách thăm khám ngay hôm nay tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.