Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Hạ đường huyết có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử trí

07/08/2023

Hạ đường huyết là tình trạng dễ gặp ở người bệnh đái tháo đường hoặc người ăn uống không khoa học. Đây là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề nghiêm trọng của cơ thể, cần phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý nhanh để tránh biến chứng nguy hiểm.

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết hay tụt đường huyết (tên tiếng Anh là Hypoglycemia) là hiện tượng lượng đường glucose trong máu xuống thấp quá mức, nồng độ < 3,9 mmol/l (<70mg/dl). Từ đó, dẫn đến việc cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động bình thường, gây nên các rối loạn và biến chứng nặng nề.

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm thấp hơn mức cho phép (<70 mg/dL (3,9 mmol/l)).

Nguyên nhân gây hạ đường huyết

Các chuyên gia nhận định, các nguyên nhân phổ biến gây hạ đường huyết bao gồm:

  • Người mắc bệnh đái tháo đường, đang điều trị bệnh bằng các thuốc hạ đường huyết như Insulin, Sulfonylureas, và Meglitinides.
  • Nhịn đói, bỏ bữa khiến cơ thể thiếu glucose, lượng đường trong máu giảm gây rối loạn điều hoà đường huyết và tụt đường huyết.
  • Người đang mắc các bệnh về gan (xơ gan, viêm gan), thận, u tuyến tụy tiết insulin (insulinoma), nhiễm trùng máu, suy dinh dưỡng,…
  • Thiếu hụt hormone: Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng, người lớn bị rối loạn tuyến yên và tuyến thượng thận gây thiếu hụt hormone điều chỉnh sản xuất glucose.
  • Một số thuốc điều trị bệnh sốt rét như Quinine (Qualaquin) có thể gây hạ đường huyết.
  • Vận động quá sức, tập thể thao quá nặng, cơ thể bị rối loạn chuyển hoá đường huyết.
  • Uống rượu quá nhiều gây áp lực lên gan, ngăn gan giải phóng glucose dự trữ vào máu, làm hạ đường huyết.

Các triệu chứng có thể gặp khi bị hạ đường huyết

Một số trường hợp, người bệnh bị hạ đường huyết nhưng không có biểu hiện cụ thể. Việc này xảy ra đối với người bị bệnh đái tháo đường lâu năm hoặc nhiều lần bị hạ đường huyết. Còn lại, đa số tình trạng tụt nồng độ glucose đều có các triệu chứng nhận biết như:

  • Chóng mặt, mệt mỏi đột ngột, đau đầu.
  • Đói lả, buồn nôn, bụng cồn cào.
  • Đổ mồ hôi, run tay, da nhợt nhạt, lo lắng, mất bình tĩnh, khó tập trung.
  • Tim đập nhanh, đánh trống ngực, đau thắt ngực.
  • Đau nhói, ngứa ran hoặc tê lưỡi, tê môi, má.

Một số trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng nguy hiểm như:

  • Mắt mờ, thấy ảo giác, nhầm lẫn hành vi.
  • Rối loạn vận động, co giật, suy giảm nhận thức, mất ý thức, hôn mê, tổn thương thần kinh.

Cách xử trí khi bị hạ đường huyết đột ngột

Tình trạng tụt đường huyết đột ngột có thể xảy ra với chính bạn hoặc người xung quanh. Khi đó, cần nhanh chóng nhận biết và xử lý kịp thời. Cách nhanh nhất phải thực hiện ngay các bước sơ cấp cứu tạm thời đó là:

  • Bổ sung đường nhanh chóng, bằng cách ăn kẹo ngọt, bánh ngọt hoặc trái cây ngọt.
  • Có thể pha đường với nước lọc để uống ngay hoặc uống các loại sữa chứa đường.
  • Hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ để xem xét ngừng sử dụng các loại thuốc có thể gây hạ đường huyết.

Đối với người có triệu chứng nghiệm trọng như co giật, mất ý thức hoặc hôn mê, ngay lập tức phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và chữa trị. Tùy tình trạng của người bệnh, các bác sĩ có thể có các chỉ định tiêm tĩnh mạch hoặc truyền dung dịch glucose. Sau đó, dựa vào kết quả kiểm tra chuyên sâu để có phác đồ điều trị phù hợp.

Cách phòng ngừa hạ đường huyết

Phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. Do đó, mọi người cần có các kiến thức cơ bản để phòng ngừa tình trạng hạ đường huyết. Một số biện pháp cần tuân thủ như sau:

  • Ăn uống đúng giờ đúng bữa, không bỏ bữa sáng, không nhịn đói, càng không nên vừa nhịn ăn vừa tập thể dục hoặc hoạt động quá mức.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Chuẩn bị sẵn đường hoặc các sản phẩm chứa đường như kẹo, socola, bánh ngọt, sữa,… để có thể xử lý kịp thời khi xảy ra hạ đường huyết đột ngột.
  • Tập luyện thể thao điều độ, vừa sức, có thể tham khảo tư vấn của bác sĩ.
  • Không sử dụng bia, rượu quá nhiều hoặc uống rượu, bia khi bụng đói.
  • Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường, dùng thuốc Insulin hoặc các thuốc gây hạ đường huyết, cần tuân thủ chế độ và liều lượng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, có chế độ ăn phù hợp.
  • Kiểm tra và theo dõi đường huyết định kỳ tại các cơ sở y tế, thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng nào của tình trạng tụt đường huyết, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Kiểm tra đường huyết tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Nhằm tránh xảy ra trường hợp diễn biến hạ đường huyết nghiêm trọng, mỗi người cần phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra nồng độ đường huyết tại các cơ sở y tế uy tín. Khám và kiểm tra đường huyết tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn hiện đang được đa số mọi người tin cậy thực hiện.

Đến với bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, bạn sẽ được chỉ định các phương pháp cận lâm sàng để kiểm tra kỹ lưỡng như sau:

  • Đầu tiên, khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết.
  • Sàng lọc nhanh bằng cách xét nghiệm đường máu mao mạch. Từ đó, kiểm tra được nồng độ glucose trong máu.
  • Trường hợp nồng độ glucose <2,8mmol/l sẽ không kiểm tra được bằng máy đo mao mạch, nên bác sĩ sẽ lấy máu tĩnh mạch để làm xét nghiệm.

Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết khác để tìm ra nguyên nhân gây hạ đường huyết, nhằm dễ dàng đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tất cả các thủ thuật đều được thực hiện nhanh chóng, chính xác nhờ vào máy móc hiện đại và tay nghề chuyên môn cao của các nhân viên y tế dày dặn kinh nghiệm.

Với sự tận tụy của đội ngũ y – bác sĩ, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ kiểm tra đường huyết tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhất định làm hài lòng mọi người. Từ đó, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường, và chữa trị khỏi bệnh, bảo vệ sức khoẻ của bạn.

Hãy ghé đến thăm khám và chẩn đoán ngay hôm nay!

Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết thăm khám và hướng dẫn, tư vấn giáo dục sức khỏe cho người bệnh