Đái tháo đường (Diabetes) là bệnh rối loạn chuyển hóa đường, đạm và béo với đặc điểm chính là tăng đường trong máu do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin (type 1) hoặc đề kháng với insulin (type 2) hoặc cả 2. Đối với đái tháo đường type 2, lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng để đảm bảo cung cấp đủ và cân bằng dinh dưỡng nhằm kiểm soát tốt đường huyết, duy trì cân nặng lý tưởng và ngăn ngừa diễn tiến và biến chứng.
Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với người bệnh đái tháo đường
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF – International Diabetes Federation) thống kê rằng, cứ 6 giây trôi qua sẽ có 1 người tử vong vì các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Khoảng 2/3 số người bệnh đái tháo đường là người cao tuổi, tuy nhiên, số người bệnh đái tháo đường trẻ tuổi cũng không ngừng gia tăng, trong đó có phụ nữ mang thai và trẻ em.
Đái tháo đường là một trong những bệnh diễn biến khá âm thầm, không triệu chứng. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, người bệnh thường không nhận biết hoặc biết nhưng không quan tâm khiến bệnh trở thành “kẻ giết người” thầm lặng, gây ra những biến chứng nặng nề như:
- Tim mạch và thần kinh: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tắc mạch chi.
- Biến chứng trên mắt: bệnh võng mạc đái tháo đường, phù hoàng điểm có thể gây mù lòa.
- Thận: suy giảm chức năng thận.
- Rối loạn chức năng miễn dịch: dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm nấm.
Đái tháo đường cần được điều trị phối hợp nhiều biện pháp bao gồm: thuốc, chế độ ăn uống và vận động, tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực tích cực hỗ trợ cho việc điều trị thuốc đạt hiệu quả. Trong đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò rất quan trọng với người mắc bệnh đái tháo đường.
Mục tiêu điều trị dinh dưỡng
Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường là đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, cân bằng các chất sinh năng lượng, hạn chế chất đường bột, bánh kẹo ngọt để tránh tăng đường huyết sau ăn, phân bổ bữa ăn hợp lý – điều độ về thời gian và ổn định lượng đường trong các bữa chính và phụ.
Mục tiêu chế độ luyện tập và dinh dưỡng cho người đái tháo đường nhằm:Giữ ổn định nồng độ glucose huyết, huyết áp, mỡ máu, duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến các biến chứng, cải thiện sức khỏe.
Những lưu ý về dinh dưỡng cho người đái tháo đường
– Ăn đủ chất đạm, chất béo, giảm chất bột đường, tăng cường vitamin, khoáng chất, uống đủ nước.
– Phân chia bữa ăn hợp lý, giờ giấc ổn định, phù hợp với thời gian dùng thuốc.
– Không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết lúc xa bữa ăn.
– Duy trì hoạt động thể lực hằng ngày.
– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Người tăng cân, béo phì cần giảm cân để đạt được mục tiêu cân nặng.
– Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận…
Khuyến nghị dinh dưỡng cho người đái tháo đường
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm.
- Chú ý ăn đủ rau trong mỗi bữa để làm chậm hấp thu đường vào máu.
- Ăn đủ 3 bữa ăn chính. Ăn đúng giờ để tránh hạ đường huyết. Bữa chính ăn đủ các nhóm thực phẩm (giảm chất bột đường, đủ chất đạm và chất béo thiết yếu, nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất). Chất xơ sẽ giúp hạn chế hấp thu đường vào máu.
- Người bệnh có thể dùng thêm 1-2 bữa phụ theo thói quen sinh hoạt của mình. Bữa phụ chỉ nên chiếm 10% – 15% năng lượng bữa ăn chính. Chọn thực phẩm ít gây tăng đường huyết như trái cây ít ngọt, sữa không đường, đậu phộng luộc, các loại hạt (hạt điều, hạnh nhân, óc chó…). Người bệnh có nguy cơ hạ đường huyết trong đêm, nên thêm bữa ăn phụ vào buổi tối trước khi ngủ.
- Lựa chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, dùng vừa phải thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình và hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Nên chọn nhóm bột đường từ ngũ cốc nguyên hạt. Các loại rau xanh, trái cây ít ngọt, các loại đậu là thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao và chỉ số đường huyết thấp nên được khuyên dùng.
- Hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh kẹo ngọt, nước ngọt, trái cây ngọt…
Chất xơ từ rau xanh và một số loại hoa quả được khuyên dùng cho người bệnh đái tháo đường
Danh sách chỉ số đường huyết của một số thực phẩm
Để có một chế độ ăn phù hợp, người bệnh tiểu đường cần hiểu rõ đặc tính của từng loại thực phẩm cũng như những chất dinh dưỡng cần thiết, từ đó nhận biết cần ăn và nên hạn chế những thực phẩm nào.
- Nhóm bột đường:
- Chỉ số thấp dưới 55%: khoai mì, khoai lang, bắp, khoai từ, các loại đậu, bánh mì nguyên cám hoặc bánh mì đen…
- Chỉ số trung bình từ 56 – 69%: khoai tây, gạo lứt, mì sợi
- Chỉ số cao trên 70%: xôi nếp, gạo xát kỹ, gạo huyết rồng, cháo, bánh mì trắng
- Nhóm trái cây chín: (lưu ý nên ăn lượng ít cho mỗi lần)
- Chỉ số thấp dưới 55%: bưởi, thanh long, nho, cam, dâu tây, xoài
- Chỉ số trung bình từ 56 – 69%: chuối, đu đủ, thơm (dứa), ổi…
- Chỉ số cao trên 70%: sầu riêng, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu
- Nhóm rau: hầu hết các loại rau lá đều có đường huyết dưới 55%, còn rau củ thì có loại từ 56 – 69% như bí đỏ…
Lưu ý: Nếu ăn quá nhiều thức ăn có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình thì đường trong máu vẫn có thể tăng cao.
Một số khuyến cáo khác:
- Muối: Người bị bệnh đái tháo đường nên hạn chế các món ăn nhiều muối như dưa muối, cà muối, cá khô, các loại mắm…
- Rượu: Uống nhiều rượu sau bữa ăn hoặc uống rượu lúc đói làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
- Thuốc lá: Người bệnh không nên sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử vì có thể gây biến chứng tim mạch cao.
Khám và điều trị đái tháo đường tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Số người bệnh đái tháo đường type 2 ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Chung tay cùng ngành y tế phòng chống bệnh đái tháo đường, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức về bệnh, đồng thời nên khám tầm soát định kỳ, kiểm tra đường huyết để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Nội tiết giàu kinh nghiệm và hệ thống máy móc hiện đại, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã xây dựng và thực hiện thành công chiến lược quản lý toàn diện đái tháo đường type 2 với nền tảng chính là thay đổi lối sống và giáo dục người bệnh, cùng với việc kiểm soát đường huyết, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu song hành với việc triển khai các kỹ thuật như chụp hình màu võng mạc, chụp cắt lớp võng mạc (OCT), siêu âm tim, siêu âm mạch máu, chụp CT đa lát cắt động mạch vành….nhằm phát hiện và điều trị sớm các biến chứng, đem lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh.
Bên cạnh việc chỉ định điều trị theo phác đồ, các bác sĩ khoa Nội tiết phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ khoa Dinh dưỡng Tiết chế để triển khai các hoạt động dinh dưỡng giúp sàng lọc, đánh giá và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường. Việc áp dụng chế độ ăn phù hợp sẽ giúp người bệnh nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Khi xuất viện, người bệnh sẽ được hướng dẫn xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, điều chỉnh lối sống lành mạnh, nhằm duy trì mức đường huyết ổn định. Đồng thời, liệu pháp tinh thần cũng được hỗ trợ để người bệnh giảm căng thẳng, giữ vững trạng thái tâm lý chiến thắng bệnh.
Hãy liên hệ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và hẹn thăm khám TẠI ĐÂY, nếu bạn hoặc người thân cần được tư vấn về các bệnh Nội tiết, Dinh dưỡng.
Bác sĩ kiểm tra đường huyết và tư vấn điều trị đái tháo đường
Tham khảo:
- Câu lạc bộ sức khỏe Hoàn Mỹ Sài Gòn
- Kiểm soát bệnh lý đái tháo đường| Khoa Nội Tổng hợp: https://www.youtube.com/live/MilPX8gqllU
- Bệnh lý Đái tháo đường – Dinh dưỡng ngày Tết cho người Đái tháo Đường: https://youtube.com/live/CXPGG3yP0j8?feature=share
- Thực đơn 1 ngày Tết dành cho người bệnh Đái tháo đường: https://youtu.be/xcwpgci5mpk
- Chăm sóc vết loét, nhiễm trùng bàn chân tiểu đường (đái tháo đường): https://youtu.be/3VWN7fnYm_E
- Đái tháo đường | Hiểu rõ nguyên nhân, Biến chứng và Phát hiện Điều trị: https://youtu.be/jOYFfQhWE7U