Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Điều trị sỏi túi mật kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm

29/01/2024

Sỏi túi mật (tên tiếng Anh: gallbladder stone) là một trong những bệnh lý phổ biến và thường gặp của đường tiêu hóa, bắt nguồn từ những viên sỏi được hình thành trong túi mật. Việc hình thành và phát triển sỏi túi mật lâu ngày dẫn đến nhiều nguy cơ tìm ẩn như viêm túi mật cấp, sỏi túi mật rơi vào ống mật chủ gây viêm đường mật, tắc mật, viêm tụy cấp, thậm chí có thể gia tăng nguy cơ ung thư hóa. Vì thế, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn hạn chế những biến chứng nguy hiểm của bệnh lý về sỏi túi  mật.

Bệnh sỏi túi mật là gì?

Sỏi túi mật là tình trạng các tinh thể rắn hình thành trong túi mật. Dịch mật chứa cholesterol, bilirubin, muối mật và lecithin. Sỏi túi mật thường được tạo thành từ cholesterol hoặc bilirubin tích tụ ở đáy túi mật cho đến khi chúng kết lại thành “sỏi”.

Có 3 loại sỏi túi mật:

  • Sỏi cholesterol: Đây là loại sỏi có màu vàng xanh, chủ yếu gặp ở phụ nữ và người béo phì. Sỏi cholesterol chiếm 80% số ca sỏi mật. Đây là loại phổ biến nhất ở Châu Âu.
  • Sỏi sắc tố mật: Sỏi có thể có màu đen hoặc nâu và có xu hướng phát triển ở những bệnh nhân mắc các bệnh về gan khác, chẳng hạn như xơ gan hoặc nhiễm trùng đường mật.
  • Sỏi hỗn hợp (sỏi sắc tố nâu): Thành phần chứa 20 – 80% cholesterol, còn lại là canxi cacbonat, palmitate phosphate, bilirubin và các sắc tố mật khác (canxi bilirubinat, canxi palmitat, canxi stearat). Do hàm lượng canxi cao, sỏi hỗn hợp có thể được phát hiện thông qua chụp X-quang. Loại sỏi này thường hình thành thứ phát sau nhiễm trùng đường mật.

Sỏi túi mật ảnh hưởng đến khoảng 10-20% dân số trưởng thành ở các nước phát triển. Ước lượng có khoảng 20 triệu người ở Mỹ có sỏi túi mật. Khoảng 1 triệu bệnh nhân sỏi túi mật mới mắc được phát hiện mỗi năm và một nửa trong số này được phẫu thuật mỗi năm. Phần lớn (80%) các trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng. Ở Mỹ, tần suất bệnh là 11%, nữ gấp 4 lần nam. Cân nặng và nguy cơ sỏi mật có mối liên hệ với nhau. Tần suất sỏi túi mật tăng dần theo tuổi, càng lớn tuổi càng dễ bị sỏi túi mật, ở tuổi 60, khoảng ¼ số phụ nữ có sỏi túi mật. tuy nhiên, sỏi túi mật có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, kể cả trẻ em và sơ sinh. 

Các yếu tố góp phần gây sỏi túi mật

  • Ở độ tuổi 40 trở lên
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Ít vận động
  • Có thai
  • Chế độ ăn nhiều chất béo
  • Chế độ ăn nhiều cholesterol
  • Chế độ ăn ít chất xơ
  • Có tiền sử gia đình mắc sỏi mật
  • Bị tiểu đường
  • Bị rối loạn máu nhất định, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc bệnh bạch cầu
  • Giảm cân nhanh đột ngột
  • Dùng thuốc có chứa estrogen, chẳng hạn như thuốc tránh thai hoặc thuốc trị liệu bằng hormone
  • Bị bệnh gan

Biểu hiện của người mắc sỏi túi mật

Sỏi túi mật thường không có triệu chứng. Một số sỏi túi mật có thể gây ra triệu chứng: đau âm ỉ vùng hạ sườn phải tái đi tái lại, ăn uống kém, chậm tiêu, buồn nôn.

Nhưng nếu sỏi túi mật bị mắc kẹt trong ống túi mật, nó có thể gây ra cơn đau dữ dội, đột ngột ở bụng, thường kéo dài từ 1 đến 5 giờ. Loại đau bụng này được gọi là cơn đau quặn mật.

Một số người bị sỏi túi mật cũng có thể phát triển các biến chứng như viêm túi mật cấp hay viêm túi mật tái phát nhiều lần gây tình trạng viêm mạn tính. Trường hợp sỏi túi mật di chuyển rơi vào đường mật chính gây tình trạng viêm đường mật, người bệnh có biểu hiện:

  • Cơn đau dai dẳng, tái đi tái lại
  • Vàng da và mắt
  • Sốt

Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Sỏi túi mật là bệnh lý tiêu hoá khá phổ biến. Khoảng 20% dân số sẽ mắc bệnh sỏi túi mật một lần trong đời. Tuy nhiên, chỉ có 20-30 % người bệnh phát triển triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời thì nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm:

  • Cơn đau quặn mật: Bệnh nhân đau quặn bụng từng cơn do sỏi chèn vào ống túi mật, bệnh có thể thoái lui nếu viên sỏi tự rơi trở lại vào túi mật, hoặc tiến triển nặng thành viêm túi mật cấp.
  • Viêm túi mật cấp tính: Biểu hiện cấp tính của túi mật, bệnh nhân đau nhiều vùng bụng hạ sườn phải, kèm theo sốt, dấu hiệu nhiễm trùng, cần can thiệp điều trị sớm nếu không sẽ có nguy cơ tiến triển hoại tử, thủng túi mật, ảnh hưởng nặng đến người bệnh.
  • Bệnh gan: Sự tắc nghẽn ở bất kỳ vị trí nào trong hệ thống mật do sỏi túi mật rơi vào ống mật chủ có thể khiến dịch mật ứ trệ và trào ngược vào gan. Điều này sẽ gây viêm gan, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng và để lại sẹo lâu dài theo thời gian (xơ gan).
  • Viêm tụy do sỏi mật: Sỏi mật làm tắc ống tụy sẽ gây viêm tuyến tụy. Viêm tuyến tụy cấp và viêm mạn tính gây tổn thương lâu dài có thể gây suy giảm chức năng tụy, xơ hóa tụy, gia tăng nguy cơ sỏi tụy và ung thư tụy.
  • Viêm đường mật: Viêm ống mật có thể dẫn đến nhiễm trùng cấp tính dài. Sẹo khiến ống mật bị thu hẹp làm hạn chế dòng chảy của mật. Điều này có thể gây ra các vấn đề về dòng chảy mật lâu dài ngay cả sau khi tắc nghẽn đã được loại bỏ.
  • Bệnh vàng da: Mật ứ đọng sẽ rò rỉ vào máu mang chất độc mà gan đã lọc ra khỏi cơ thể. Hàm lượng bilirubin có màu vàng, sẽ hiện rõ trong kết mạc của mắt.
  • Hấp thu kém: Nếu mật không thể di chuyển đến ruột non như bình thường, bạn có thể gặp khó khăn trong việc phân hủy và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Mật đặc biệt quan trọng để phân hủy chất béo và hấp thụ các vitamin tan trong chất béo ở ruột non.
Chụp CT bụng được chỉ định trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ sỏi túi mật có biến chứng hoặc các trường hợp sỏi túi mật

Hình 3: Chụp CT bụng được chỉ định trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ sỏi túi mật có biến chứng hoặc các trường hợp sỏi túi mật

Các phương pháp điều trị sỏi túi mật

Phương pháp điều trị cụ thể đối với sỏi túi mật sẽ được các bác sĩ xác định dựa trên:

  • Tuổi, sức khỏe tổng thể và tiền sử của người bệnh
  • Mức độ phát triển của sỏi túi mật
  • Khả năng chịu đựng đối với các loại thuốc, thủ tục hoặc liệu pháp cụ thể
  • Diễn biến của tình trạng
  • Mong muốn của người bệnh

Nếu sỏi túi mật không gây ra triệu chứng thì việc điều trị thường không cần thiết. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài, việc điều trị có thể bao gồm:

  • Liệu pháp hòa tan bằng đường uống: Thuốc làm từ axit mật được dùng để làm tan sỏi, tuy nhiên thời gian dùng thuốc lâu và hiệu quả điều trị thường kém.
  • Metyl-tert-butyl ete: Tiêm dung dịch vào túi mật để làm tan sỏi.
  • Tán sỏi bằng sóng xung kích ngoại cơ thể (ESWL): Một thủ thuật sử dụng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thành những mảnh nhỏ có thể đi qua ống mật mà không gây tắc nghẽn, hiện ít sử dụng.

Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ túi mật hầu hết được khuyên dùng cho mọi trường hợp nhằm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng tái phát sỏi vốn rất phổ biến. Có 2 loại phẫu thuật cắt túi mật:

  • Phẫu thuật cắt túi mật hở: Phẫu thuật cắt bỏ túi mật thông qua một vết mổ hở ở bụng.
  • Phẫu thuật nội soi cắt túi mật: Một phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và là tiêu chuẩn vàng trong chỉ định điều trị các vấn đề về túi mật. Cắt bỏ túi mật được thực hiện thông qua 3-4 vết mổ nhỏ (mỗi vết dài 5-10 mm) thay vì thực hiện một vết mổ lớn ở bụng. Các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào qua các vết mổ nhỏ này như ống nội soi, có camera. Điều này cho phép bác sĩ phẫu thuật hình dung rõ ràng tất cả các kích thước của túi mật trên màn hình trước khi cắt bỏ nó một cách chính xác và an toàn.

Với phẫu thuật cắt túi mật nội soi, vết mổ nhỏ hơn gây ít đau hơn sau phẫu thuật và ít biến chứng hơn như ít mất máu và tỷ lệ nhiễm trùng sau phẫu thuật thấp hơn. Lợi ích thẩm mỹ thu được từ phẫu thuật nội soi cũng vượt trội hơn so với phẫu thuật mở. Hơn nữa, phẫu thuật cắt bỏ túi mật nội soi không yêu cầu phải cắt cơ bụng như phẫu thuật hở. Do đó, bệnh nhân có thời gian phục hồi nhanh hơn và thời gian nằm viện ngắn hơn dẫn đến nhanh chóng quay trở lại hoạt động hàng ngày.

Phẫu thuật nội soi ổ bụng

Hình 4: Phẫu thuật nội soi ổ bụng

Khám và điều trị sỏi túi mật tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Khoảng 80% các trường hợp sỏi mật đều không có triệu chứng, do đó người bệnh thường chủ quan và không chú ý đến tình trạng sỏi mật. Tuy nhiên, bệnh sỏi mật nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây viêm túi mật cấp, nhiễm trùng đường mật, và tệ hơn nữa sẽ gây ung thư túi mật.

Với thế mạnh là bệnh viện đa chuyên khoa và có nhiều chuyên khoa sâu, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn ra đời năm 1999, trở thành bệnh viện tư nhân đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh và hiện là bệnh viện hàng đầu của Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ. Khoa Tiêu hóa, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ và điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi, luôn đi đầu trong việc cập nhật nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cao và phương pháp điều trị tiến bộ. Cùng với các khoa cận lâm sàng gồm xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ Tiêu hóa xác định nhiều bệnh lý tiêu hóa trong đó có sỏi mật, từ giai đoạn sớm tầm soát đến điều trị chuyên sâu, và chăm sóc bệnh toàn diện giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Khi có những dấu hiệu, triệu chứng của các bệnh lý Sỏi mật, hãy đến bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn để được kiểm tra và điều trị. Đặt lịch khám Tiêu hóa TẠI ĐÂY.

VIDEO THAM KHẢO