Bệnh Gout là căn bệnh xương khớp khá phổ biến gây đau khớp và sưng khớp thường xuất phát từ thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh. Tại Việt Nam, vào những năm 2003, tỷ lệ người mắc bệnh Gout mới chỉ đạt 0,14% dân số. Tuy nhiên đến năm 2014, hơn 10 năm sau tỷ lệ này đã tăng lên 1% tương đương với khoảng 940.000 người mắc bệnh. Đặc biệt, căn bệnh này thường xuất hiện chủ yếu ở nam giới với tỷ lệ lên tới 94%. Trong số đó, có 75% số người mắc đang trong độ tuổi lao động.
Bệnh Gout là gì?
Bệnh Gout (Gút) hay còn gọi thống phong, là căn bệnh bắt nguồn từ rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu.
Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân. Với người bị bệnh gout, nồng độ axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành và tập trung lại ở khớp gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.
Bệnh gout đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, người bệnh thường xuyên bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng
Bệnh Gout thường ảnh hưởng nhiều nhất đến khớp ngón chân cái. Ngoài ra, căn bệnh này ảnh hưởng đến các khớp khác, bao gồm cả:
- Đầu gối .
- Mắt cá chân .
- Bàn chân.
- Bàn tay và cổ tay .
- Khuỷu tay.
- Thận (vì nồng độ axit uric cao có thể dẫn đến sỏi và đôi khi gây tổn thương thận).
Bệnh Gout là một trong những dạng viêm khớp dễ kiểm soát nhất. Nhiều người tránh được các đợt bùng phát bệnh Gout và có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, thậm chí có thể khỏi bệnh gút nếu nhận ra và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân bệnh gout
Thông thường, bệnh Gout bắt nguồn từ 2 nguyên nhân chính:
- Nguyên phát (đa số các trường hợp)
- Có khoảng 95% các trường hợp bệnh Gout nguyên phát xảy ra ở nam giới với độ tuổi thường gặp là 30-60 tuổi.
- Chưa rõ nguyên nhân.
- Chế độ ăn thực phẩm có chứa nhiều purin như: gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm… được xem là làm nặng thêm bệnh.
- Thứ phát
- Do các rối loạn về gen (nguyên nhân di truyền): hiếm gặp.
- Do tăng sản xuất acid uric hoặc giảm đào thải acid uric hoặc cả hai:
- Suy thận và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận
- Các bệnh về máu: bệnh bạch cầu cấp
- Dùng thuốc lợi tiểu như furosemid, thiazid, acetazolamid, …
- Sử dụng các thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính
- Dùng thuốc kháng lao như ethambutol, pyrazinamid, …
Dấu hiệu của bệnh gout
Bệnh Gout thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Trong một số trường hợp, bệnh Gout không có dấu hiệu ban đầu và các triệu chứng của bệnh gút thường xuất hiện khi người bệnh đã từng mắc gout cấp tính hoặc mãn tính.
Các triệu chứng chính của bệnh Gout bao gồm:
- Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy
- Khớp đau nhiều hơn khi đụng vào
- Khớp sưng đỏ
- Vùng xung quanh khớp ấm lên
Hầu hết các biểu hiện của bệnh Gout thường kéo dài vài giờ trong 1–2 ngày. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra trong vòng vài tuần.
Nếu người bị bệnh Gout không dùng thuốc trị Gout thường xuyên, các triệu chứng của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn.
- U cục tophi: bệnh này đặc trưng bởi sự tích tụ tinh thể dưới da. Thông thường, các khối này sẽ xuất hiện xung quanh ngón chân, đầu gối, ngón tay và tai. Nếu không được xử lý đúng cách thì u tophi sẽ ngày càng lớn hơn.
- Tổn thương khớp: nếu người bệnh không dùng thuốc trị gout, khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương xương và các khớp khác.
- Sỏi thận: nếu không điều trị gout đúng cách, các tinh thể acid uric không chỉ tích tụ quanh khớp mà còn tích tụ trong thận gây ra sỏi thận.
Bệnh Gout có nguy hiểm không?
Tuy bệnh Gout có thể làm cho người bệnh căng thẳng, đau đớn và mất ngủ. Thế nhưng căn bệnh này may mắn là bệnh lành tính và có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa đợt cấp bằng việc thay đổi chế độ ăn.
Dựa vào mức độ nghiêm trọng, bệnh gout được chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Nồng độ axit uric trong máu đã tăng lên, lúc này vẫn chưa xuất hiện các triệu chứng bệnh Gout. Thông thường, người bệnh chỉ nhận thấy triệu chứng đầu tiên của bệnh Gout sau khi bị bệnh sỏi thận.
- Giai đoạn 2: Lượng axit uric lúc này đã tăng rất cao, dẫn đến hình thành các tinh thể xuất hiện ở ngón chân (nốt tophi). Nốt tophi thường biểu hiện chậm, hàng chục năm sau cơn Gout đầu tiên nhưng cũng có khi sớm hơn. Thế nhưng, một khi nốt tophi xuất hiện thì dễ tăng số lượng và khối lượng và có thể loét. Nốt tophi thường thấy trên sụn vành tai rồi đến khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân và gân gót. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ cảm thấy đau khớp nhưng cơn đau sẽ không kéo dài. Một thời gian sau, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác của bệnh Gout với cường độ và tần suất ngày càng gia tăng.
- Giai đoạn 3: Các triệu chứng của bệnh sẽ không biến mất và các tinh thể axit uric sẽ tấn công nhiều khớp.
Hầu hết người bị bệnh gout chỉ ở giai đoạn 1 hoặc 2, rất hiếm người có bệnh tiến triển đến giai đoạn 3 do các triệu chứng bệnh gout đã được điều trị đúng cách ở giai đoạn 2.
Nguyên tắc điều trị bệnh Gout tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, chẩn đoán và điều trị bệnh Gout thường tuân theo các quy tắc sau:
- Điều trị viêm khớp trong cơn Gout cấp.
- Dự phòng tái phát cơn Gout, dự phòng lắng đọng urat trong các mô và dự phòng biến chứng thông qua điều trị hội chứng tăng acid uric máu với mục tiêu kiểm soát acid uric máu dưới 360 mmol/l (60 mg/l) với gout chưa có nốt tophi và dưới 320 mmol/l (50 mg/l) với gout có nốt tophi.
Cụ thể, việc điều trị sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống – sinh hoạt cho người bị Gout:
- Tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua, … Có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 100 gram mỗi ngày.
- Không uống rượu bia, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên.
- Uống nhiều nước, khoảng 2-4 lít nước mỗi ngày
- Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gout cấp như căng thẳng, chấn thương, …
Đồng thời, các bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ tiến hành điều trị nội khoa:
- Thuốc kháng viêm: dùng trong giai đoạn cơn gout cấp để giảm viêm
- Thuốc giảm acid uric máu: dùng trong giai đoạn mãn tính để tránh tái phát cơn gout cấp
- Điều trị ngoại khoa:
- Phẫu thuật cắt bỏ nốt tophi được chỉ định trong trường hợp:
- Gout kèm biến chứng loét
- Bội nhiễm nốt tophi
- Nốt tophi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ
- Khi phẫu thuật cần dùng colchicin nhằm tránh khởi phát cơn gout cấp và kết hợp thuốc hạ acid uric máu.
- Phòng ngừa bệnh Gout (gút)
- Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh gout:
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc được kê toa.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe.
- Điều trị tốt các bệnh lý gây bệnh gout thứ phát như suy thận, các bệnh lý chuyển hóa, …
- Tập thể dục hằng ngày
- Duy trì cân nặng hợp lý
Đặc biệt cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý:
- Tránh ăn nội tạng, nhất là gan, cá mòi
- Tránh ăn hải sản và thịt đỏ
- Ăn ít chất béo bão hòa và các sản phẩm chứa ít chất béo
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua, …
- Thay thế dùng đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc
- Uống nhiều nước: uống từ 2,5–3 lít nước mỗi ngày
- Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia rượu
- Không uống cà phê, trà, nước uống có ga
- BỆNH VIỆN HOÀN MỸ SÀI GÒN
- 60-60A Phan Xích Long, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
- Điện thoại: 028 3990 2468
- Đăng ký khám: https://hoanmy.com/saigon/dat-lich-hen/
- Youtube: www.youtube.com/c/BVHoanMySaiGonOfficial
- Website: www.hoanmysaigon.com