Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đề phòng nguy cơ đột quỵ cao từ người bệnh mắc rung nhĩ

08/06/2024

Tại Mỹ, theo thống kê có hơn 3 triệu người mắc rung nhĩ. Tại Việt Nam, theo Hội Tim Mạch Học Việt Nam ước tính khoảng 4% người cao tuổi bị rung nhĩ. Và các chuyên gia cũng khuyến cáo nguy cơ suy tim đối với trường hợp mắc rung nhĩ tăng gấp 3 lần và nguy cơ đột quỵ tăng gấp 5 lần so với người có sức khoẻ bình thường, và nguy cơ mắc đột quỵ này sẽ còn tăng dần theo tuổi tác. Trước đây, bệnh này chỉ được điều trị nội khoa (dùng thuốc). Tuy nhiên, tiến bộ của y học đã giúp người bệnh rung nhĩ tiếp cận phương pháp điều trị hiện đại nâng cao hiệu quả điều trị, mang lại chất lượng sống cho người bệnh. Hãyùcng các bác sĩ khoa Tim Mạch của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tìm hiểu thông tin về bệnh rung nhĩ để kịp thời thăm khám và điều trị, giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ (Atrial Fibrillation) là bệnh lý về rối loạn nhịp tim thường gặp, khi tâm nhĩ rung lên với tần số trên 350 chu kỳ/phút. Điều này làm hạn chế lưu chuyển của dòng máu và khiến cho máu bị ứ lại trong nhĩ, hình thành các cục máu đông.

Nếu cục máu đông rời khỏi nhĩ trái gây tắc mạch não có thể gây ra đột quỵ, tắc mạch ở những nơi khác như động mạch chi, động mạch thận, động mạch ruột. Người bệnh mắc rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Vì vậy những ai trên 65 tuổi, bị tăng huyết áp hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ đều được khuyến cáo tầm soát rung nhĩ. Tất cả người bệnh trên 75 tuổi, nên được đo ECG – Điện tâm đồ, hay còn gọi là đo điện tim (Electrocardiogram) thường xuyên để tầm soát rung nhĩ.

Triệu chứng nghi ngờ rung nhĩ

Nhiều người bệnh rung nhĩ không có dấu hiệu rõ ràng, chỉ vô tình phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Một số khác lại có triệu chứng như:

  • Cảm giác mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng (thường gặp nhất).
  • Nhịp tim nhanh hơn bình thường và không đều (lúc nhanh lúc chậm).
  • Hồi hộp trống ngực (cảm giác tim đập nhanh, thình thịch, rộn ràng).
  • Đau ngực hoặc cảm giác nặng ngực.
  • Khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày hoặc giảm khả năng đáp ứng với vận động thể lực.
Triệu chứng nghi ngờ rung nhĩ

Nhịp tim nhanh hơn bình thường và không đều (lúc nhanh lúc chậm) có thể gợi ý bệnh Rung nhĩ. Tuy nhiên, nhiều người bệnh rung nhĩ không có dấu hiệu rõ ràng.

Nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ

Rung nhĩ có thể do một hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân bên dưới gây ra như:

  • Sau phẫu thuật tim.
  • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Bệnh cơ tim.
  • Bệnh van tim.
  • Bệnh mạch vành tim.
  • Tăng huyết áp.
  • Suy tim sung huyết
  • Bệnh phổi mạn tính.
  • Cường giáp.
  • Nhiễm siêu vi.
  • Ngưng thở khi ngủ.
  • Viêm màng ngoài tim.

Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ tăng cường khả năng mắc bệnh rung nhĩ:

  • Tuổi tác. Người càng cao tuổi, càng có nguy cơ cao mắc bệnh rung nhĩ.
  • Béo phì.
  • Uống rượu.
  • Tăng huyết áp.
  • Các bệnh tim như bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, tiền căn nhồi máu cơ tim…
  • Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh rung nhĩ.
  • Các bệnh mãn tính khác như bệnh tuyến giáp, ngưng thở khi ngủ, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, bệnh thận mạn và bệnh phổi.

Phương pháp điều trị rung nhĩ

Mục tiêu điều trị rung nhĩ gồm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, phòng ngừa biến cố tử vong và tàn phế tim mạch, cũng như ngăn ngừa hậu quả của những điều trị không cần thiết.

  • Kiểm soát tần số thất – lúc nghỉ: Kiểm soát tần số là điều trị trọng tâm trong rung nhĩ, mục đích thiết lập lại tần số thất sao cho phù hợp với từng người bệnh, giảm hay loại bỏ triệu chứng, cải thiện huyết động, phòng ngừa suy tim và giảm các biến cố tim mạch. Người bệnh rung nhĩ trong bất kỳ thời gian nào cũng cần kiểm soát nhịp (thường là dưới 100 nhịp/phút khi nghỉ ngơi) để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh cơ tim do nhịp tim nhanh.
  • Chuyển rung nhĩ về nhịp xoang: Ở người bệnh suy tim hoặc rối loạn huyết động do cơn rung nhĩ mới xuất hiện, bác sĩ sẽ chỉ định chuyển nhịp về nhịp xoang để cải thiện cung lượng tim. Liệu pháp này thường được thực hiện trong bệnh viện theo lịch trình, nhưng cũng có thể tiến hành trong các tình huống khẩn cấp. Nếu diễn ra theo lịch hẹn, người bệnh thường được bác sĩ kê đơn thuốc kháng đông ít nhất vài tuần trước khi thực hiện để giảm nguy cơ đông máu và đột quỵ.
  • Dùng thuốc chống đông phòng ngừa huyết khối: Bác sĩ kê đơn thuốc để kiểm soát nhịp tim nhanh của người bệnh, đồng thời đưa nhịp tim trở lại bình thường. Thuốc cũng được kê đơn nhằm ngăn ngừa cục máu đông, một biến chứng nguy hiểm của rung nhĩ. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị rung nhĩ thường là thuốc chẹn beta, thuốc chặn canxi, digoxin, thuốc chống đông (thuốc làm loãng máu, bao gồm các nhóm thuốc warfarin, apixaban, dabigatran, edoxaban và rivaroxaban).
  • Sốc điện hay còn gọi là sốc điện chuyển nhịp: Sốc điện ngoài lồng ngực để phục hồi nhịp xoang. Tỷ lệ tái phát 50%.
  • Triệt đốt rung nhĩ qua đường ống thông: là phương pháp mới được chỉ định cho người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc không muốn điều trị nội khoa. Tỷ lệ tái phát từ 30- 50%.

Phòng ngừa đột quỵ là mục tiêu hàng đầu trong điều trị rung nhĩ. Và, để điều trị cho một người rung nhĩ, các bác sĩ tim mạch phải cân nhắc đánh giá dựa trên nhiều khía cạnh như nguy cơ đột quỵ, bệnh nền, lối sống, điều kiện kinh tế, v.v từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

Quy trình khám phát hiện và tư vấn điều trị rung nhĩ tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Hiện tại, bệnh rung nhĩ vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn, tuy nhiên nếu người bệnh được thăm khám và điều trị sớm, tích cực, sẽ có thể sống chung an toàn với căn bệnh này, giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Khoa Tim mạch của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn hội tụ đội ngũ bác sĩ Tim mạch giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, là địa chỉ tin cậy để mọi người thực hiện tầm soát, sàng lọc các bệnh lý tim mạch. Các chuyên gia thăm khám kỹ lưỡng, chẩn đoán chuẩn xác, đúng bệnh và điều trị hiệu quả.

Với bệnh rung nhĩ, người dân nên khám tim mạch hoặc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, tầm soát các nguyên nhân gây rung nhĩ để giải quyết (bệnh van tim, bệnh phổi, cường giáp…). Các bước điều trị rung nhĩ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thường sẽ bao gồm:

  1. Khám tim mạch hoặc khám sức khỏe định kỳ, phát hiện rung nhĩ hoặc đã biết rung nhĩ nhưng chưa điều trị.
  2. Xác định có rung nhĩ: tư vấn dạng rung nhĩ: cơn, dai dẳng hay dai dẳng kéo dài, vĩnh viễn, tầm soát các nguyên nhân gây rung nhĩ để giải quyết (bệnh van tim, bệnh phổi, cường giáp…)
  3. Từ đó lựa chọn thuốc giúp phục hồi nhịp xoang hay chỉ kiểm soát nhịp tim, hoặc can thiệp triệt phá ổ loạn nhịp từ 4 tĩnh mạch phổi hoặc các vị trí khác trong tim bằng ống thông.
  4. Tư vấn thay đổi lối sống: ăn kiêng, giảm cân, vận động thể lực…, tự theo dõi tình trạng rung nhĩ: khả năng gắng sức, bệnh lý tim mạch đi kèm: hở van 2 lá, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, suy tim.
  5. Tư vấn đánh giá khả năng đông máu thành lập huyết khối. Tùy tình trạng người bệnh như thế nào phù hợp theo dõi sau khi dùng thuốc sẽ lựa chọn thuốc kháng đông thích hợp.

Với phác đồ điều trị khoa học, sức khỏe của người bệnh sẽ được bảo vệ tốt nhất bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Hãy liên hệ bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn khi bạn có những vấn đề về tim mạch. Đặt hẹn thăm khám TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Tim mạch khám cho người bệnh có nguy cơ cao (rung nhĩ)

Bác sĩ Tim mạch khám cho người bệnh có nguy cơ cao

Tham khảo:

Câu lạc bộ Sức khỏe Hoàn Mỹ