Cắt nối đại tràng 1 thì, phẫu thuật cấp cứu thành công người bệnh thủng đại tràng do viêm túi thừa
14/05/2025Chủ quan với cơn đau bụng, thăm khám trễ, đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng nặng và mang hậu môn nhân tạo (mở ruột ra thành bụng và đi tiêu) do viêm túi thừa đại tràng.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu điều trị viêm túi thừa đại tràng
Nhận thấy cơn đau âm ỉ ở 1/2 bụng dưới kéo dài mà không kèm triệu chứng nghiêm trọng. Điều này khiến anh T.Q.T (sinh năm 1982) lầm tưởng đây chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường nên không đi khám ngay mà tự mua thuốc điều trị tại nhà và tiếp tục công việc. Tuy nhiên, cơn đau ngày càng nghiêm trọng hơn kèm theo cảm giác ớn lạnh và sốt nhẹ. Khi cơn đau tăng dần vượt ngưỡng chịu đựng, anh T quyết định đến thăm khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn – nơi anh đã lựa chọn chăm sóc sức khỏe định kỳ và điều trị bệnh lý nhiều lần trước đó.
Tại bệnh viện, anh T. được thăm khám lâm sàng, nghi ngờ tình trạng thủng ruột và được chỉ định chụp cắt lớp vi tính bụng chậu, đồng thời thực hiện các xét nghiệm máu.
Kết quả cho thấy anh T. bị đa túi thừa đại tràng chậu hông, trực tràng kèm thâm nhiễm mô mỡ, dịch xung quanh, đặc biệt là khí tự do kéo dài dọc mạc treo đại trực tràng, lan xa đến hạ vị. Anh được chẩn đoán viêm túi thừa đại tràng chậu hông giai đoạn WSES 2B (túi thừa viêm thủng, khí tự do di chuyển xa trong ổ bụng), ngay lập tức anh T. được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, nội soi ổ bụng, rửa bụng, cắt đoạn ruột chứa túi thừa viêm thủng và nối ruột một thì.

Ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy túi thừa đại tràng thâm nhiễm mỡ xung quanh
Trong mổ ghi nhận một túi thừa đại tràng chậu hông gần đoạn nối với trực tràng bị thủng, có dịch mủ trắng đục chảy ra khi bóc tách và mô mỡ xung quanh viêm phù nề. Bằng kinh nghiệm lâm sàng dày dặn, bác sĩ đánh giá tổng trạng người bệnh tương đối tốt, không bệnh nền, ổ bụng được rửa sạch. BS.CKII. Nguyễn Thanh Thoại cùng ê kíp mổ quyết định cắt nối đại tràng 1 thì, tránh cho người bệnh phải mang hậu môn nhân tạo.
Ca mổ kéo dài 5 giờ đồng hồ, sau phẫu thuật, người bệnh phục hồi tốt, được áp dụng chương trình hồi phục sớm sau mổ (ERAS) và xuất viện sau 7 ngày với tình trạng ổn định.
Triệu chứng và yếu tố nguy cơ viêm túi thừa đại tràng
BS.CKII. Nguyễn Thanh Thoại – khoa Ngoại tiêu hóa bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, viêm túi thừa đại tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, lúc này ruột có những nơi phình ra như một chiếc túi gây viêm. Triệu chứng bệnh thường không rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như áp xe, viêm phúc mạc, thủng túi thừa, xuất huyết, rò các cơ quan lân cận,…

Ảnh minh họa túi thừa đại tràng
Một số triệu chứng của viêm túi thừa có thể nhận thấy gồm:
- Đau bụng (chủ yếu là vùng hạ sườn trái, hạ vị)
- Sốt.
- Nôn mửa.
- Táo bón.
- Đầy hơi.
Những dấu hiệu bất thường liên quan tới đường tiết niệu: xuất hiện phân, bọt khí trong nước tiểu, đau trên xương mu, cạnh sườn, tiết dịch âm đạo có mủ,…
Theo BS. Thoại, túi thừa của ruột đa số không có triệu chứng. Các phương pháp điều trị nội khoa có thể áp dụng và đạt hiệu quả đối với trường hợp viêm nhẹ. Tuy nhiên, nếu viêm nhiễm tiến triển nghiêm trọng có biến chứng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật để xử lý.
Viêm túi thừa đại tràng thường gặp ở người lớn tuổi do những điểm yếu trên thành đại tràng dễ thoát vị tạo ra túi thừa. Nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng gia tăng ở nhóm người trẻ tuổi. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng viêm túi thừa đại tràng bao gồm: tuổi tác (trên 40 tuổi); khẩu phần ăn ít chất xơ, ít rau xanh và nhiều thực phẩm tinh chế; táo bón; uống rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên; ít vận động, béo phì; thuốc corticoid, thuốc kháng viêm không steroids,…
Trước đây, điều trị viêm túi thừa biến chứng thủng, lựa chọn kinh điển trong phẫu thuật cấp cứu là cắt đoạn ruột chứa túi thừa thủng, đóng đầu dưới, đưa đầu trên ra làm hậu môn nhân tạo. Nếu tổng trạng cho phép, người bệnh có thể đóng hậu môn nhân tạo sau khoảng 3 tháng. Việc mang hậu môn nhân tạo ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, chất lượng cuộc sống của người bệnh, có thể gây biến chứng từ hậu môn nhân tạo, chi phí tốn kém.
Thận trọng nhầm lẫn viêm túi thừa đại tràng và bệnh lý đường tiêu hóa khác
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thoại cho biết các triệu chứng đau bụng do viêm túi thừa dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa thông thường. Các biến chứng viêm túi thừa nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ khuyến cáo không nên chủ quan khi có những dấu hiệu như đau bụng âm ỉ, tiêu chảy, táo bón, sốt, đầy hơi, đi cầu ra máu,… Khi có các triệu chứng này, người bệnh cần tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán bệnh chính xác, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Khi có triệu chứng sốt, đầy hơi, đau bụng âm ỉ kéo dài, người bệnh nên đến cơ sở uy tín thăm khám để được chẩn đoán bệnh chính xác
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn ứng dụng hệ thống xét nghiệm GLP – Abbott tự động hóa hoàn toàn, giúp rút ngắn thời gian trả kết quả, đồng thời, trang bị máy CT đa lát cắt tích hợp trí thông minh nhân tạo AI, giám sát chặt chẽ liều lượng thuốc cản quang, giúp việc chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và nâng cao an toàn người bệnh.
Ngoài ra, bệnh viện cũng ứng dụng hệ thống PACS giúp lưu trữ bảo mật và truy cập nhanh chóng, rút ngắn quy trình chẩn đoán và hội chẩn. Thông qua đó các bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị trong thời gian tối ưu, nâng cao cơ hội cứu chữa và hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKII. Nguyễn Thanh Thoại, Khoa Ngoại tiêu hóa, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.